Một số lưu ý khi khi chọn từ khóa (keywords) cho bài báo khoa học
Bài viết trình bày cách lựa chọn từ khóa (keywords) cho một bài báo khoa học để bài báo dễ được tìm kiếm và nhận diện thông qua các công cụ tìm kiếm tự động.
Thông thường các tạp chí khoa học đều yêu cầu bài báo phải có từ khóa (keywords). Từ khóa thường bao gồm 3-5 từ/cụm từ (một số tạp chí có thể yêu cầu số lượng từ khóa từ 4-8) và được trình bày ngay sau phần Tóm tắt (Abstract). Mục đích của của việc lựa chọn các từ khóa là để độc giả dễ dàng tìm kiếm bài báo của bạn qua các công cụ tìm kiếm tự động (Google Scholar, Web of Science, Mendeley…). Như vậy, từ khóa phải được lựa chọn sao cho: (1) làm nổi bật được nội dung bài viết của bạn, và (2) trọng tâm vào lĩnh vực hoặc chuyên ngành nghiên cứu [1].
Một số tác giả không để tâm nhiều đến lựa chọn từ khóa và thường sử dụng những từ đã có trong tiêu đề bài báo. Nếu tất cả hoặc hầu hết từ khóa chỉ là sự lặp lại những từ ở tiêu đề thì việc lựa chọn những từ khóa này không có nhiều ý nghĩa vì các công cụ tìm kiếm tự động đã xác định được những từ đó trong tiêu đề bài báo rồi.
Một số tạp chí yêu cầu từ khóa không được lặp lại các từ đã dùng trong tiêu đề bài báo. Tuy nhiên số này rất ít. Nếu không có yêu cầu này, bạn có thể sử dụng một đến hai từ/cụm từ đã có trong tên bài. Bạn cũng có thể sử dụng các từ/cụm từ liên quan gần gũi tới chủ đề bài viết hoặc những thuật ngữ có thể dùng thay thế cho nhau. Ví dụ bài viết về kiểm định chất lượng giáo dục đại học (higher education accreditation) thì có thể sử dụng các từ khóa liên quan như: bảo đảm chất lượng (quality assurance), tự đánh giá (self-assessment), đánh giá ngoài (external assessment). Bảng 1 trình bày ví dụ một số tên bài báo và các từ khóa. Ngoài ra, những từ viết tắt thông dụng trong lĩnh vực chuyên ngành cũng có thể được sử dụng, ví dụ TQM (total quality management), RME (realistic mathematics education), SME (small and medium enterprise)
Bảng 1. Ví dụ một số tiêu đề bài báo khoa học và từ khóa
Một lưu ý là trong việc lựa chọn từ khóa, bạn nên hạn chế dùng các từ đơn lẻ (single word) như “education” (giáo dục), “teaching” (dạy) và “students” (sinh viên). Chỉ khi những từ đơn lẻ có tính chất đặc thù thì mới nên sử dụng, ví dụ “neuroeducation” (giáo dục thần kinh), “nanotechnology” (công nghệ nano), “gamification” (trò chơi điện tử hóa) [5].
Tài liệu tham khảo
[1] Springer. (n.d.) Title, abstract and keywords. https://www.springer.com/gp/authors-editors/authorandreviewertutorials/writing-a-journal-manuscript/title-abstract-and-keywords/10285522
[2] Hoang, A. D., Pham, H. H., Nguyen, Y. C. et al. (2020). Introducing a tool to gauge curriculum quality under Sustainable Development Goal 4: The case of primary schools in Vietnam. International Review of Education, 66(4), 457–485.
[3] Nguyen, T. L. H. (2012). Identifying the training needs of Heads of Department in a newly established university in Vietnam. Journal of Higher Education Policy and Management,34(3), 309–321.
[4] Nguyen, C. H. (2021). Exploring internal challenges for quality assurance staff in Vietnam: voice of insiders. Quality Assurance in Education. https://doi.org/10.1108/QAE-07-2020-0080
[5] Lamanauskas, V. (2019). Scientific article preparation: title, abstract and keywords. Problems of Education in the 21st Century, 77(4), 456-462.
Tác giả: TS. Nguyễn Hữu Cương
Ghi chú: Những quan điểm của tác giả không hẳn là quan điểm của Tạp chí Giáo dục.