Một số kinh nghiệm phát triển thành phố Đà Nẵng

  • Đà Nẵng có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh dẫn đầu cả nước từ năm 2008 – 2010, giai đoạn 2011 – 2012 có sụt giảm nhưng 2013 – 2014 trở lại vị trí dẫn đầu, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT 7 năm liền, từ 2009 đến nay, đều dẫn đầu cả nước. Đây là tiền đề để Đà Nẵng bước vào giai đoạn 15 năm phát triển mới. Chỉ số quản trị hành chính công cũng liên tục xếp nhì cả nước.

    “Chúng ta có chính quyền trong tay, mọi chuyển động đều qua chính quyền hết. Chính quyền làm đúng hướng thì người dân ủng hộ để phát triển. Chính quyền làm chưa hợp lý, người dân nói mà mình nghe thì mình phát triển nhanh hơn, còn mình chưa nghe thì mình chậm lại. Do vậy, vai trò của chính quyền rất quan trọng!”.

    “Đà Nẵng nằm trong số ít nơi “Không còn hộ đặc biệt nghèo”; “Không có trẻ em bỏ học” với 99,9% trẻ mầm non đến trường. “Không có người lang thang xin ăn” tuy vẫn còn “chút xíu”, có lúc tái xuất hiện song so với cả nước, Đà Nẵng là TP ít người lang thang xin ăn nhất. “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” thực ra Đà Nẵng cũng làm được rồi, nhưng đây là TP của người nhập cư, trong đó có người nghiện ma túy, nên cuộc chiến đấu này phải tiếp tục. Tuy nhiên so với cả nước, Đà Nẵng vẫn là địa bàn tương đối sạch về ma túy. Riêng “Không có giết người để cướp của” thì cần quyết tâm phấn đấu hơn nữa!”.

    Có thể nhìn nhận rằng, Chương trình “5 không”, rất khó làm, không phải làm được ngay, có khi làm được rồi nhưng phát sinh vấn đề, lại phải khắc phục. Nhiều nơi không dám nêu nhưng Đà Nẵng nêu ra, có cái làm được ngay trong 5 năm, có cái phải 7 – 10 năm nhưng xu hướng ngày càng thu hẹp khoảng cách với mục tiêu và người dân được hưởng hạnh phúc.

    Thành phố đã hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung (kể cả phát triển không gian đô thị thành phố) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2013.

    Khảo sát mức độ hài lòng đưa ra những đánh giá khách quan về chất lượng các dịch vụ công được cung ứng trên địa bàn thành phố thông qua việc thu thập, tổng hợp và phân tích những cảm nhận, ý kiến đánh giá của công dân khi sử dụng các dịch vụ này. Trên cơ sở đó, báo cáo kiến nghị những đề xuất trong việc cải tiến chất lượng cung ứng dịch vụ công, góp phần nâng cao mức độ hưởng thụ lợi ích của công dân, phát huy hơn nữa quyền làm chủ và tham gia xây dựng chính quyền nhà nước của nhân dân. Bên cạnh đó, báo cáo kết quả khảo sát chỉ ra những thành tựu, những mặt còn hạn chế và nguyên nhân, tạo ra cơ sở thực tiễn để chính quyền thành phố và các cơ quan cung ứng dịch vụ định hướng các giải pháp nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công nhằm cải thiện mức độ hài lòng của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

    Thành phố cũng đã triển khai xây dựng chính quyền điện tử, cổng thông tin điện tử, cổng giao tiếp thương mại điện tử của thành phố hiện đại, giao diện tiện ích; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp làm quen với thương mại điện tử, quảng bá hình ảnh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Mạng lưới bưu chính của thành phố Đà Nẵng đạt trên mức bình quân tiên tiến với 06 mạng điện thoại di động hiện có trên địa bàn và hệ thống trục cáp quang biển quốc tế cập bờ. Hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng được mở rộng và phát triển với hơn 100 chi nhánh, tổ chức tín dụng và 232 điểm giao dịch tạo nên sự đa dạng về loại hình, giúp các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ phổ biến này.

    – Phát huy lợi thế con người Đà Nẵng chính là giải quyết bài toán kinh tế đô thị. Kinh tế Đà Nẵng là kinh tế đô thị. TP chỉ còn 1 huyện nhưng đã là huyện nông thôn mới. Về lâu dài, TP Đà Nẵng sẽ hoàn toàn là đô thị! Kinh tế đô thị có một số đặc thù mà thế giới đang quan tâm.

    “Với lực lượng trường phổ thông, trường nghề, trường đại học như hiện nay, Đà Nẵng phải vượt trên trung bình cả nước về tỉ lệ lao động qua đào tạo, từ đó mới có điều kiện thúc đẩy ứng dụng kinh tế tri thức!”

    Vì vậy, TP cần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo, hiện chỉ mới đạt trên 45% (cả nước 55%). Mục tiêu cả nước đến 2020 đạt 70% nhưng Đà Nẵng chỉ mới đặt mục tiêu trên 55%.

    Phương hướng phát triển của Đà Nẵng thời kỳ 2016 – 2030 cần phát huy tài nguyên con người, tài nguyên biển và đất, tài nguyên vị trí địa lý bằng phương thức đô thị thông minh, bằng kinh tế tri thức. Mọi tri thức mới được ứng dụng ở mọi nơi, thấm vào mỗi ngành, mỗi địa bàn, thậm chí mỗi gia đình.

    – Kết quả trên là tiền đề rất quan trọng cho Đà Nẵng trong giai đoạn tới. Thành phố sắp tới khẳngđịnh tạo ra lợi thế con người, phát huy lợi thế con người là quan trọng nhất để Đà Nẵng phát triển.

    Là địa phương đi đầu trong cải cách hành chính. Trong đó cần lưu tâm yếu tố “đánh giá được sự hài lòng của người dân” đối với sự phục vụ của hệ thống chính quyền, sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động của các tổ chức, đoàn thể.

    Đà Nẵng coi sự hài lòng của người dân chính là động lực cho TP phát triển, là thước đo hoạt động của hệ thống Đảng, chính quyền và MTTQ… Đà Nẵng cần phấn đấu sau mỗi năm sẽ đánh giá được sự hài lòng của người dân nhiều hơn, sâu hơn để biết được TP đã phát triển như thế nào theo mô hình đô thị thông minh và kinh tế tri thức!”

    – Cần phát huy tinh thần đoàn kết và đồng thuận của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững.

    “Đây là 3 vấn đề mà các nước trên thế giới khi nói đến phát triển đô thị đều phải quan tâm. Giải quyết bằng cách nào? Cách làm của nhiều nơi như Singapore, Seoul (Hàn Quốc) là chuyển từ đô thị truyền thống sang đô thị thông minh. Với Việt Nam, TP thông minh có 4 mục tiêu: Môi trường kinh tế tối ưu, hoàn thiện để thu hút đầu tư. Đô thị sạch, không ách tắc giao thông, đảm bảo môi trường sống. Người dân được phục vụ tốt qua chính quyền. Và người dân tham gia vào quản lý TP. Mỗi người dân là một sự đóng góp cho phát triển và giám sát sự phát triển của TP. Các mục tiêu này thực tế Đà Nẵng đều đã đặt ra và đang phấn đấu hướng đến!”

    – Về mặt quản lý, Đà Nẵng phải có nghiên cứu dự báo phát triển. TP thông minh là TP có nghiên cứu dự báo phát triển trên từng lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, công nghiệp… để một TP thông minh thì không bị động trước các vấn đề phát sinh mà là TP dự báo vấn đề và có giải pháp để vấn đề không xảy ra. Do vậy, yêu cầu đầu tiên của TP thông minh là TP có dự báo. Hệ thống quản lý phải có năng lực dự báo, từ số liệu thống kê, tín hiệu quốc tế để dự báo trước vấn đề, nếu không thì sẽ trở thành TP giải quyết vấn đề.

    – Đà Nẵng phải ứng dụng triệt để CNTT và hình thành không gian mạng để người dân có thể trao đổi với nhau, trao đổi với chính quyền qua mạng để có thông tin, người dân sử dụng mạng để mua bán và làm các dịch vụ. Bên cạnh không gian vật chất hiện hữu thì còn có không gian mạng không phụ thuộc vào diện tích. Đà Nẵng có điều kiện làm không gian mạng, với tốc độ phát triển CNTT 24%/năm, hệ thống hạ tầng Internet phát triển.

    Đồng thời, việc xử lý thông tin trong mỗi ngành phải được quản lý một cách tối ưu. Tiếp nhận, xử lý thông tin ở từng ngành phải tối ưu và liên kết lại xử lý thông tin của cả TP cũng tối ưu. Điều đó đòi hỏi quy mô ứng dụng CNTT sẽ rất lớn.

    – Cần tiếp tục và hoàn thiện đánh giá được sự hài lòng của người dân!

     

     

    2) Định hướng (05) đột phá phát triển Đà Nẵng

    Một trong những điểm mạnh trong thời gian qua là thành phố đã kiên định và thực hiện tương đối tốt các chủ trương từ 5 hướng đột phá giai đoạn 2010 – 2015 với:

    Hướng thứ nhất: Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại, xây dựng Đà Nẵng sớm trở thành một trong những trung tâm thương mại – du lịch lớn của cả nước đã được xem là một hướng đột phá phù hợp với tiềm năng, lợi thế cũng như khả năng và vai trò của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn 2010 -2015. Việc thực hiện hướng đột phá này đã tạo sức bật, động lực cho ngành dịch vụ, góp phần hoàn thiện cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tích cực và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Kết quả này cũng chỉ ra rằng ngành dịch vụ du lịch đang dần khẳng định vai trò mũi nhọn trong nền kinh tế, trong khi dịch vụ logistics cho thấy thế mạnh tiềm năng thành phố trong tương lai.

    Hướng thứ hai: Phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin: phù hợp xu thế, định hướng và khả năng của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn 2010 -2015, việc từng bước xây dựng hạ tầng các Khu Công nghệ thông tin, Khu Công nghệ cao, đã hình thành vai trò trung tâm của thành phố Đà Nẵng ở khu vực miền Trung và là một trong ba trung tâm lớn của cả nước. Mặc dù chưa đạt được những kết quả như mong muốn, nhưng cần tiếp tục xác định công nghiệp công nghệ cao và CNTT là hướng đột phá trong thời gian đến, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, những lợi thế về hạ tầng với 06 Khu công nghiệp, Khu CNTT tập trung, Khu công nghệ cao và nguồn nhân lực có chất lượng có thể tạo động lực lớn phát triển công nghiệp thành phố, biến công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin trở thành một mũi nhọn kinh tế.

    Hướng thứ ba: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại gắn với xây dựng thành phố môi trường:được đánh giá cao khi đi trước một bước so với tình hình chung cả nước trong thời gian qua. Với kết quả đã đạt được, trong thời gian đến hướng đột phá này có thể xem xét tiếp tục phát triển theo hướng chuyên sâu, toàn diện và cân đối hơn trên cơ sở xem xét loại bỏ hoặc bổ sung thêm những công trình có tính động lực không chỉ thúc đẩy sự phát triển của Đà Nẵng mà còn của cả khu vực, chẳng hạn như: Trung tâm Hội nghị quốc gia tại miền Trung, Trung tâm Logistics cấp quốc gia, hạ tầng giao thông tĩnh, giao thông ngầm, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu,…

    Hướng thứ tư: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn, đặc biệt là chương trình “5 không, 3 có”,  tiếp tục góp phần phát triển văn hóa, văn minh đô thị, về xây dựng thành phố Đà Nẵng “an toàn”, “đáng sống” là cơ sở xây dựng những giá trị riêng của thành phố, bản sắc của thành phố, với văn hóa người Đà Nẵng.

    Hướng thứ năm: Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội thành phố: tiếp tục đem lại những hiệu quả nhất định, đặc biệt đối với khu vực công. Trong quá trình triển khai cho thấy cần tập trung hơn nữa trong nguồn nhân lực theo hướng giải quyết những vấn đề đang đặt ra của thành phố. Phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới cần cụ thể, thực tế hơn trong sự kết hợp chặt chẽ và có thể là một phần quan trọng của các hướng đột phá kinh tế-xã hội khác.

    Cùng với kết quả từ các hướng đột phá, Đà Nẵng đã dần dần xây dựng các lợi thế của mình về:

    Cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ hoàn chỉnh và tiếp tục được quan tâm phát triển: thành phố có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, với quan điểm kiên trì lấy phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và đi trước một bước. Trong đó: hạ tầng giao thông khá hoàn chỉnh; Hạ tầng du lịch luôn được chú trọng, tập trung đầu tư tại các khu vực có tiềm năng và lợi thế lớn; Hạ tầng thương mại đã được đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa, đang từng bước đồng bộ, hiện đại, hình thành nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn lớn; Hạ tầng cảng biển đã được đầu tư hình thành cảng container có quy mô lớn, hiện đại của khu vực miền Trung. Hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng theo hướng trở thành trung tâm nghề cá của khu vực; Hạ tầng các khu công nghiệp đang được hoàn thiện với 06 khu công nghiệp, hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin phát triển nhanh, được đầu tư khá đồng bộ.

    Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có sức cạnh tranh cao trong Khu vực: Đà Nẵng luôn nằm trong tốp dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 được công bố ngày 16/4 tại Hà Nội, Đà Nẵng đã bảo vệ được ngôi vị số 1 trên bảng xếp hạng với số điểm 66,87 với việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho tiếp cận hỗ trợ tài chính tín dụng, chủ động tích cực tổ chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.