Một số kiến nghị góp ý sửa đổi trong nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp 2014

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích vấn đề về “Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và “Các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam” còn bất cập trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2014. Đồng thời, đưa ra những kiến nghị phù hợp với thực tiễn thành lập, phát triển hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, từ đó nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về vấn đề này trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Từ khóa: Tài sản định giá bằng Đồng Việt Nam, định chế thành lập doanh nghiệp, đối tượng điều chỉnh, Luật Doanh nghiệp năm 2014.

 1. Đặt vấn đề

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2014 nhằm thực hiện mục tiêu trọng tâm là xây dựng khung khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ quốc tế, thúc đẩy phát triển nội tại doanh nghiệp, thu hút vốn nguồn lực vào sản xuất – kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra. Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ dựa trên nguyên tắc là tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm. 

Tác giả bài viết đồng ý với những nội dung sửa đổi có tính đột phá của Ban soạn thảo luật trên tinh thần khuyến khích gia tăng số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường. Tuy nhiên, cũng mong muốn nêu ra các vấn đề còn có những bất cập với thực tiễn của dự thảo để cùng nhau trao đổi mang tính thống nhất khoa học cao hơn, như: xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong dự thảo sửa đổi; và vấn đề các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong dự thảo sửa đổi

Tại Điều 1 của dự thảo lần này quy định về Phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty và hộ kinh doanh” và tại Điều 2 của dự thảo cũng quy định về Đối tượng áp dụng: “1. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh”.

So với quy định trước đây của Luật Doanh nghiệp 2014 thì ban soạn thảo đang muốn đổi mới phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp này, đó là gia nhập hiển nhiên “Hộ kinh doanh” sánh vai ngang hàng với doanh nghiệp. Xét theo phương diện tích cực của việc sửa đổi pháp luật nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng, việc xem xét, tiếp tục sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ nội dung nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc bổ sung chế định “Hộ kinh doanh” vào ngang hàng với “Doanh nghiệp” trong một văn bản luật điều chỉnh việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty và hộ kinh doanh1 thì cần phải tính toán kỹ hơn để hợp khoa học.

Thực tế hiện nay, có hai luồng ý kiến liên quan đến sự xuất hiện phạm vi điều chỉnh “Hộ kinh doanh” trong dự thảo sửa đổi mà ban soạn thảo đưa ra. Ý kiến thứ nhất là đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật lần này. Theo quan điểm của một số đại biểu Quốc hội, nhà nghiên cứu và các nhà quản lý thì qua nhiều lần sửa đổi, trong Luật Doanh nghiệp đều có điều khoản quy định về hộ kinh doanh. Dự thảo lần này đã bổ sung theo hướng nâng lên, cụ thể hóa thành nhiều nội dung hơn và quy định thành chương riêng. Như vậy, họ thừa nhận bản chất hộ kinh doanh bấy lâu nay đã được luật quy định và nó hiện diện trong thực tiễn nền kinh tế nước ta, với những đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý với hộ kinh doanh là cần thiết, bởi vì hộ kinh doanh là loại hình cùng tồn tại với nhiều loại hình kinh doanh khác. Đối với hộ kinh doanh cũng cần có sự quản lý của nhà nước, có hiệu lực pháp lý, được tiếp cận các chính sách của nhà nước trong thành phần kinh doanh, đảm bảo quyền bình đẳng, phù hợp với nền kinh tế.

Tuy nhiên, với luồng ý kiến thứ hai lại trái chiều với ý kiến thứ nhất, bởi việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là vấn đề lớn, đối tượng điều chỉnh hộ kinh doanh có số lượng nhiều hơn gấp 5-6 lần số lượng doanh nghiệp. Mặt khác, về bản chất hoạt động, cách thức, quy mô hộ kinh doanh rất khác so với doanh nghiệp. Phần lớn ý kiến thứ hai này, các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách kinh tế thị trường đều cho rằng, hộ kinh doanh có quy mô hoạt động trong phạm vi ngành nghề nhỏ bé. Việc Luật hóa hộ kinh doanh chưa rõ, quản lý theo phương thức nào có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại. Do vậy, họ đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét có nên đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 hay là hộ kinh doanh chỉ nên xem xét đưa vào Luật riêng, gọi là Luật Hộ kinh doanh. Tức là Luật Doanh nghiệp chỉ đề cập điều chỉnh đối với doanh nghiệp chứ không điều chỉnh đối với hộ kinh doanh.

Nhìn nhận dưới góc độ của kỹ năng lập pháp cũng như tính logic của nội dung khoa học pháp lý, theo chúng tôi, không nên đưa hộ kinh doanh vào trong Luật sửa đổi bổ sung lần này, nhằm mục đích nâng quản lý hộ kinh doanh từ Nghị định lên thành Luật, để hộ kinh doanh có địa vị pháp lý cao hơn, với những lý do sau đây:

Thứ nhất: Hộ kinh doanh, đa số hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có Luật phù hợp để điều chỉnh các hộ kinh doanh thành Luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn. Thực chất hộ kinh doanh chỉ được điều chỉnh trong Chương 7a của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp. Nội dung quy định cụ thể của hộ kinh doanh trong dự thảo Luật cũng rất sơ sài sơ sài, tương tự như quy định trong đăng ký hộ kinh doanh theo Nghị định số 75/2015.

Mặt khác, vẫn còn một số điểm không rõ ràng và cụ thể, ví dụ như: dự thảo Luật về hộ kinh doanh nhưng không đưa ra được khái niệm thế nào là hộ kinh doanh? Nếu nói hộ kinh doanh có thể do các thành viên trong gia đình cùng đăng ký thì nó có phù hợp với lý luận về thành viên gia đình quy định trong Khoản 6, Điều 3 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không. Ban soạn thảo chưa thực sự lường hết được tính phù hợp của quy định này trong dự thảo với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành ở nước ta. Tức là xét ở Luật Hôn nhân và gia đình, thành viên gia đình rất rộng, nhưng quy định về hộ gia đình không rõ ràng, thiếu khoa học.

Thứ hai: Theo chúng tôi, đánh giá Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Doanh nghiệp 2014 chưa cho thấy chính sách mới, khơi dậy và tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động và phát triển song hành cùng với các loại hình doanh nghiệp như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Nhìn nhận dưới góc độ khoa học, quy định về hộ kinh doanh phải giải quyết đồng thời hai mục đích cơ bản, đó là quản lý nhà nước về kinh doanh và tạo lập, cải thiện môi trường kinh doanh của hộ kinh doanh. Chúng tôi rất băn khoăn khi ban soạn thảo không chú trọng quy định rõ đến vấn đề quản lý nhà nước hộ kinh doanh như thế nào cho hiệu quả. Câu hỏi lớn đặt ra là việc đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh như thế nào để thống nhất từ trung ương đến địa phương sau khi dự thảo này được Quốc hội thông qua?. Nếu không được quy định rõ ràng và đầy đủ những vấn đề nêu trên, liệu việc sửa đổi quy định của pháp luật để hoàn thiện hơn khung khổ hành lang pháp lý có phải là khập khiễng hay không? Hậu quả xung đột pháp lý và thực tiễn này ai sẽ là người chịu trách nhiệm?.

Thứ ba: Tại điều 1 bổ sung phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng quy định tại điều 2 có bổ sung cụm từ hộ kinh doanh thuộc phạm vi và đối tượngđiều chỉnh của Dự thảo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, ban soạn thảo lại không bổ sung “Hộ kinh doanh vào quy định của Điều 3 dự thảo liên quan đến việc Áp dụng Luật Doanh nghiệp và các luật khác: Trong trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó.

Theo chúng tôi, việc không đưa hộ kinh doanh vào nhóm đối tượng áp dụng Luật Doanh nghiệp và các luật khác trong dự thảo là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp. Tiếp theo, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Nếu thừa nhận ngang hàng với doanh nghiệp thì chắc chắn làm gia tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh.

Kiến nghị: Để tạo cơ sở pháp lý mạnh đối với quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh, chúng tôi kiến nghị cần nghiên cứu xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh tức là không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2014, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Khi ban hành một đạo luật riêng điều chỉnh hoạt động hộ kinh doanh thì quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh được điều chỉnh độc lập bởi Luật Hộ kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, chứ không thể quy định bằng Nghị định hoặc ghép nhờ trong văn bản luật khác như ban soạn thảo đang xây dựng để trình Quốc hội phê chuẩn mà chúng ta đang bàn luận.

3. Vấn đề các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam

Trong dự thảo lần này, ban soạn thảo giữ nguyên quy định về “Tài sản góp vốn”2. Tuy nhiên, chúng tôi rất băn khoăn vấn đề “các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam” trong quy định tại điều 35 Dự thảo sửa đổi luật Doanh nghiệp được hiểu như thế nào cho phù hợp với thực tiễn.

Hiện tại, cụm từ “Giấy tờ có giá” và “các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam” cũng chưa được khái niệm cụ thể trong pháp luật kinh doanh nói chung và trong Dự thảo sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này. Nếu chúng ta không nghiên cứu sâu hơn, đa chiều hơn để đưa ra khái niệm hiểu đúng hơn về cụm từ này thì các quy định về tài sản góp vốn trong Dự thảo này chưa thể coi là hoàn thiện. Chắc chắn sẽ là những rào cản lớn trong quá trình áp dụng pháp luật khi dự thảo Luật Sửa đổi này được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới. Chúng tôi rất e ngại về những khiếm khuyết, chưa rõ ràng giữa khái niệm trong cụm từ “Giấy tờ có giá” với “các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”. Liệu có đồng nhất trong cách hiểu giữa cụm “các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam” trong Dự thảo sửa đổi với cụm từ “Giấy tờ có giá” trong Bộ luật Dân sự hiện hành hay không?

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư, cụm từ “Giấy tờ có giá” được hiểu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, trong đó xác nhận quyền tài sản của một chủ thể nhất định (tổ chức, cá nhân) xét trong mối quan hệ pháp lý với các chủ thể khác. Bởi vì xét đến thuộc tính của nó thì một giấy tờ có giá trị được giao dịch trong nền kinh tế thị trường nước ta phải thỏa mãn tất cả các thuộc tính, như: i) Xác nhận quyền tài sản của một chủ thể xác định; ii) Trị giá được bằng tiền; iii) Có thể chuyển giao quyền sở hữu cho chủ thể khác trong giao lưu dân sự. iv) Có tính thanh khoản.

Ngoài ra, căn cứ theo điều 105 Bộ luật Dân sự, tại khoản 8, điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.

Nghiên cứu theo góc độ quy định kinh tế sinh lời của pháp luật hiện hành, giấy tờ có giá bao gồm:

Một là: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005;

Hai là: Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;

Ba là: Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và các công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16, Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2009;

Bốn là: Các loại chứng khoán (Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; Các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại điểm 3 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010;

Năm là: Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, “giấy tờ có giá” được liệt kê trên đây là những giấy tờ giao dịch trong lĩnh vực kinh tế, hoạt động thương mại, thể hiện sự góp vốn của những thành viên thuộc công ty đối vốn. Trên thế giới, trong lý thuyết pháp luật kinh doanh nhấn mạnh về công ty đối nhân, do những con người có giá trị thành lập và cùng nhau hoạt động. Mãi đến sau này thì được mở rộng hơn về loại tài sản là những loại giấy tờ bằng cấp, chứng chỉ thông qua hệ thống đào tạo quốc dân như trình độ đại học, sau đại học phát triển rất mạnh ở thế kỷ 18-19 trong nhà nước tư bản. Ở giai đoạn phát triển đó, một số nhà nước tư bản chưa phân định rõ nên có nhiều tranh cãi lẫn lộn đó là giấy tờ có giá trị thuộc sở hữu trí tuệ. Ngày nay, họ xác định tài sản đó không phải là giá trị sở hữu trí tuệ, bởi vì sở hữu trí tuệ, hay còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp mà thôi3.

Ở Việt Nam, trong quy định của pháp luật kinh doanh cũng thừa nhận các thành phần kinh tế khi tham gia thành lập pháp nhân hay thể nhân dưới góc độ thành viên góp vốn thì cũng có 3 dạng doanh nghiệp đối nhân; doanh nghiệp đối vốn và doanh nghiệp hỗn hợp vừa đối nhân vừa đối vốn. Trong dự thảo lần này khi nói đến các tiêu chí trở thành những người quản lý trong công ty như TGĐ hoặc GĐ; Chủ tịch HĐQT hay Chủ tịch HĐTV cũng nói đến tiêu chí có phải trình độ chuyên môn tương đương với ngành nghề hoạt động của công ty. Nghĩa là, Nguyễn Văn A trở thành Chủ tịch HDQT của Công ty Cổ phần Á Châu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thì ông A phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực xây dựng như đã tốt nghiệp đại học hay có trình độ Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ chuyên ngành xây dựng. Vậy câu hỏi đặt ra là Ông Nguyễn Văn A có quyền được góp vốn bằng giấy tờ có giá trị như bằng tốt nghiệp đại học, Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ không?

Nghiên cứu sâu ở lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy dưới góc độ góp vốn bằng kiến thức, uy tín có giá trị (người có bằng cấp như tốt nghiệp đại học, Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ), Việt Nam đã từng đề cập tới quy định thành viên hợp danh góp vốn bằng kiến thức, kỹ năng, uy tín của mình tại điều 95 Luật Doanh nghiệp năm 1999. Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời trên cơ sở hợp nhất 2 văn bản Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 và Luật Doanh nghiệp năm 1999. Và Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng như trong dự thảo lần này chưa đề cập rõ ràng việc có thừa nhận hay không bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học hoặc chứng chỉ hành nghề Luật sư; chứng chỉ hành nghề kinh doanh bất động sản (lĩnh vực đào tạo) là những loại giấy tờ có giá trị (kiến thức, uy tín) để được góp vốn. Có thể định giá được hay không những loại giấy tờ có giá trị thuộc lĩnh vực kiến thức, uy tín đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ trong thực tiễn hiện nay.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với một số nhà nghiên cứu cũng như thống nhất nêu vấn đề này trong quy định một số nước để chứng minh việc xác định “các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam” trong quy định hiện hành của nước ta chưa bao quát hết những tình huống diễn ra trong thực tiễn như kiến thức hoặc uy tín (Bằng Cử nhân; Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ) trong một số lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Chẳng hạn như trong pháp luật của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì “tiền, tài sản, sức lao động hoặc kỹ năng có thể được góp vốn vào doanh nghiệp hợp danh”4. Ở nhà nước Vương quốc Campuchia, họ thừa nhận tài sản dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp có thể là kiến thức hoặc hoạt động kinh doanh5. Trong pháp luật của Cộng hòa nhân dân Lào quy định, sức lao động hoặc thu nhập hình thành trong tương lai đều được xem là tài sản góp vốn vào doanh nghiệp hợp danh6.

Tại điều 37 của Dự thảo có quy định về việc định giá tài sản góp vốn nhưng tài sản là kiến thức, kỹ năng, uy tín của một người góp vốn vào công ty ở nước ta chưa được hiểu rõ ràng, do đó chưa chắc chắn để khẳng định bằng cấp, chứng chỉ, uy tín, năng khiếu kỹ năng như ca sỹ, nghệ sỹ thuộc về nhóm “các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”. Ví dụ: Công ty TNHH TM-ĐT Minh Hằng, có vốn điều lệ là 15.000.000.000 VNĐ (15 tỷ đồng) được thành lập bởi 3 thành viên góp vốn là:

  1. Nguyễn Thành Minh, 08 tỷ đồng tiền mặt.
  2. Bùi Anh Tý góp 04 tỷ đồng giá trị 320m2 căn nhà tại Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
  3. Lê Văn Hoàng, góp 03 tỷ đồng giá trị là 02 tỷ đồng tiền mặt và 01 tỷ đồng được định giá trình độ kỹ năng, bao gồm: Có bằng Tiến sỹ thiết kế xây dựng và có kinh nghiệm kiến trúc sư xây dựng 10 năm.

Theo khoản 2 của điều 37, việc định giá 01 tỷ góp vốn bằng giá trị tài sản khác của Lê Văn Hoàng trong công ty đã được sự đồng ý định giá của 2 thành viên còn lại.

Ở một quy định khác của Dự thảo lần này tại khoản 2 điều 26 quy định về “Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần” để thành lập doanh nghiệp cũng có đề cập tới nội dung “Phần vốn góp, giá trị vốn góp, loại tài sản, số lượng tài sản, giá trị của từng loại tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn phần vốn góp của từng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; số lượng cổ phần, loại cổ phần, thời hạn góp vốn, loại tài sản, số lượng tài sản, giá trị của từng loại tài sản góp vốn cổ phần của từng cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần”.

Tuy nhiên, trong điều 35 về tài sản vốn góp cũng như phần giải thích từ ngữ tại điều 4 của Dự thảo không quy định tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp như bằng cấp, chứng chỉ thuộc về kiến thức, uy tín, kỹ năng có giá trị là tài sản góp vốn. Việc này rất kìm hãm khả năng ứng dụng linh hoạt giá trị tài sản của người góp vốn

4. Một số kiến nghị

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định loại tài sản góp vốn bằng giá trị thuộc về kiến thức, uy tín (Bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng) của người góp vốn vào doanh nghiệp, cũng như bảo đảm tính thống nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển các quan hệ xã hội, chúng tôi kiến nghị cần xem xét:

Thứ nhất: bổ sung quy định về loại tài sản góp vốn tại khoản 1 điều 35 như sau:

“Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bằng cấp trình độ đại học, sau đại học, chứng chỉ nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn; các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.”

Thứ hai: Cần bổ sung thêm khoản 3 trong điều 35 theo hướng giao cho “Chính phủ hướng dẫn chi tiết điều này” để nội dung quy định về vấn đề tài sản góp vốn rõ ràng cụ thể hơn thống nhất áp dụng từ trung ương đến địa phương hiệu quả hơn, nhất là thống nhất trong cách hiểu về khái niệm “các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”.

5. Kết luận

Dự thảo Luật Doanh nghiệp mới còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp,… Những nội dung mới được đưa vào trong Dự luật lần này nhằm tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi hơn và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận những giá trị thực tiễn trong nội dung Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2014 liên quan đến việc bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật Doanh nghiệp gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP và 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Điều 1 Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014.

2Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.

3Theo quy định của Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2019.

4https://www.sba.gov/starting-business/choose-your-business-structure/partnership; truy cập ngày: 13-4-2017

5Điều 16, điều 146 Luật Doanh nghiệp thương mại Campuchia năm 2005.

6Điều 44, điều 76, điều 99 Luật Doanh nghiệp Lào năm 2014.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014).

    Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 lần thứ 3.

  2. Quốc hội (2014).

    Luật số: 68/2014/QH13: Luật Doanh nghiệp 2014

    .

  3. Quốc hội (2015).

    Luật số 91/2015/QH13: Bộ luật Dân sự năm 2015.

  4. Quốc hội (2019). 

    Luật số 42/2019/QH14:

    Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật

    K

    inh

    doanh bảo hiểm, Luật

    S

    hữu trí tuệ.

SOME RECOMMENDATIONS TO THE DRAFT AMENDMENTS AND SUPPLEMENTS TO THE LAW ON ENTERPRISES 2014

• Assoc.Prof. Ph.D HO XUAN THANG

Senior Lecturer, Faculty of Economics, Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This article analyzes inadequacies of regulations on assests which are priced in Vietnamese dong in the draft amendments and supplements to the Law on Enterprises 2014. This article also proposes recommendations in accordance with the practice of establishing and developing businesses of entities in the current conditions of Vietnam’s economic market in order to perfect the legal framework for assests which are priced in Vietnamese dong.

Keywords: Assets priced in Vietnamese Dong, enterprise establishment, subject of regulation, Law on Enterprises 2014.