Một số khung pháp lý cho việc lập báo cáo trách nhiệm xã hội

TÓM TẮT:

Báo cáo trách nhiệm xã hội là một báo cáo toàn diện không chỉ trình bày những dữ liệu về tài chính mà còn cung cấp cả thông tin phi tài chính liên quan đến môi trường và xã hội. Cụ thể, báo cáo cho biết về chính sách của doanh nghiệp liên quan đến môi trường, tính bền vững hay việc thực hiện những cam kết của doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội. Bài nghiên cứu này cung cấp một số khái niệm về báo cáo trách nhiệm xã hội và một số khung pháp lý hướng dẫn lập báo cáo trách nhiệm xã hội.

Từ khóa: báo cáo trách nhiệm xã hội, trách nhiệm xã hội, báo cáo bền vững, xã hội và cộng đồng, doanh nghiệp, khung pháp lý.

1. Đặt vấn đề

Trách nhiệm xã hội – Corporate social responsibilities (CSR) doanh nghiệp được hiểu là cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung được thể hiện trong các quyết định kinh doanh. CSR đòi hỏi doanh nghiệp phải từ bỏ suy nghĩ “lợi nhuận trên hết” hay “tất cả vì lợi nhuận” để hướng tới những quan điểm như: “phát triển bền vững”, hoặc “phát triển vì cộng đồng”. Trên thực tế, CSR có một mức độ ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chọn mua của khách hàng. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là làm sao để khách hàng biết đến các hoạt động CSR của doanh nghiệp. Một công cụ truyền thông hữu ích giúp khách hàng, nhà đầu tư, những cá nhân, tổ chức bên ngoài quan tâm đến doanh nghiệp có thể tiếp cận các thông tin về chính sách của doanh nghiệp liên quan đến môi trường, xã hội, người lao động… là “báo cáo trách nhiệm xã hội”.

Những năm gần đây, chính sách môi trường, xã hội của các doanh nghiệp đã được chú trọng hơn. Hầu hết các tổ chức quốc tế lớn như Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới, Các tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều đưa ra các hướng dẫn nhằm nghiên cứu và xúc tiến CSR. Năm 1977, dưới 50% các công ty trong danh sách Fortune 500 đề cập đến CSR trong báo cáo thường niên, đến cuối thập niên 1990, gần 90% các công ty coi CSR là một phần quan trọng trong mục tiêu hoạt động, trình bày các hoạt động CSR trong báo cáo thường niên (Boli và Hartsuiker, 2001).

Theo Sprinkle và Maines (2010), trong khi tất cả nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư, tổ chức chính phủ và các bên liên quan khác đều kỳ vọng các tổ chức đã, đang và sẽ hoạt động một cách có trách nhiệm, thì các doanh nghiệp cũng khó có thể cân nhắc giữa mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và thực hiện CSR của mình (Sprinkle và Maines, 2010). Báo cáo môi trường và báo cáo trách nhiệm xã hội thực sự trở thành xu hướng trong tương lai, là một trong những kênh cung cấp thông tin tới cổ đông, nhà đầu tư và cộng đồng về “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp.

2. Báo cáo trách nhiệm xã hội

Báo cáo CSR có rất nhiều tên gọi: báo cáo phát triển bền vững; báo cáo môi trường, sức khỏe và an toàn; báo cáo các vấn đề cộng đồng;… Theo CorporateRegister, có thể chia thành 9 loại báo cáo, bao gồm: Xã hội/cộng đồng; Từ thiện; Hợp nhất (báo cáo tài chính và phi tài chính thường niên); Tính bền vững (môi trường/ xã hội/ kinh tế); Trách nhiệm doanh nghiệp; Môi trường, sức khỏe, an toàn và Cộng đồng; Môi trường, sức khỏe và an toàn; Môi trường và xã hội; Môi trường. Dù với tên gọi nào, tất cả các báo cáo đều được tạo ra nhằm cung cấp thông tin về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Báo cáo CSR mang lại cho doanh nghiệp một cách tiếp cận có hệ thống trong việc quản lý các hoạt động trách nhiệm xã hội, qua đó xác định các rủi ro và cơ hội trong tương lai nhằm góp phần tăng khả năng cạnh tranh của công ty và cũng duy trì hoạt động kinh doanh lâu dài đúng đắn. Ngoài ra, những thông tin trên báo cáo CSR không chỉ phục vụ cho doanh nghiệp mà còn là cơ sở cho việc ra quyết định của các bên liên quan. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo CSR, nhưng đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chung về báo cáo trách nhiệm xã hội. Một số định nghĩa được sử dụng nhiều trong nghiên cứu báo cáo CSR như sau:

Theo Grayet al., báo cáo CSR là “quá trình thông tin về các tác động đến xã hội và môi trường của các tổ chức, các hành động kinh tế đối với các nhóm lợi ích cụ thể trong xã hội”.

Tiêu chuẩn GRI định nghĩa: “Báo cáo CSR là việc một tổ chức lập báo cáo công bố công khai các tác động kinh tế, môi trường và/hoặc xã hội – đóng góp tích cực và tiêu cực cho mục tiêu phát triển bền vững.”

Cochran & Wood, 1984; Morimoto et al., 2005 cho rằng “Báo cáo bền vững được coi là một công cụ quan trọng để giám sát và đánh giá tích hợp CSR của doanh nghiệp”.

Theo Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam, báo cáo bền vững là thông lệ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trước các bên liên quan về các hoạt động của mình nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Mặc dù thực tiễn báo cáo CSR khác nhau giữa các quốc gia (Adams, 2002; Adams và cộng sự, 1998), giữa các nước phát triển và đang phát triển, các công ty báo cáo thông tin và CSR cho các tác động về đạo đức, xã hội và môi trường để đạt được một số lợi ích cụ thể (Adams, 2002). Ví dụ, báo cáo CSR giúp cải thiện hình ảnh và mối quan hệ của doanh nghiệp với các bên liên quan (Khan et al., 2009, p. 346), làm tăng lòng trung thành của khách hàng, thu hút và giữ chân những người tài năng hơn trong doanh nghiệp, giảm rủi ro uy tín có thể xảy ra, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ,… (Idowu và Towler, 2004, p. 423). Báo cáo CSR của doanh nghiệp cần đảm bảo đáp ứng đủ 4 khía cạnh chính bao gồm:

Độ tin cậy:  Độ tin cậy của báo cáo có thể được thể hiện bởi những cam kết của các nhà quản lý cao nhất của doanh nghiệp, thông qua việc mô tả chính sách, giới thiệu nhân sự, phương pháp thu thập dữ liệu và các mục tiêu của doanh nghiệp. Độ tin cậy sẽ được tăng lên khi có sự tham gia của bên thứ ba độc lập.

Tính đầy đủ: Nội dung báo cáo CSR bao gồm tất cả các hoạt động kinh doanh cũng như cung cấp đầy đủ thông về các lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp có tác động đến xã hội và môi trường.

Tính trọng yếu: Doanh nghiệp nên sử dụng tối đa các chỉ số về định lượng và định tính để đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình.

Hình thức phù hợp: Hình thức của báo cáo luôn có vai trò quan trọng, báo cáo CSR phải được trình bày rõ ràng, dễ hiểu và có độ dài hợp lý. (Pavlik, Belcik, 2010).

3. Một số khung quy định pháp lý cho việc lập báo cáo CSR

3.1. ISO 26000

ISO 26000 là một Tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (gọi tắt là ISO). Được ra đời năm 2010, Tiêu chuẩn quốc tế ISO 26000 (International Standard ISO 26000) đưa ra hướng dẫn về trách nhiệm xã hội và được các tổ chức có quy mô và loại hình kinh doanh khác nhau sử dụng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có trách nhiệm hơn với môi trường và xã hội.

Nội dung ISO 26000 đề cập 7 nguyên tắc chính, gồm: trách nhiệm, tính minh bạch, hành vi đạo đức, công nhận lợi ích của các bên liên quan, tôn trọng nguyên tắc hợp pháp, liên quan đến các tiêu chuẩn quốc tế về hành vi và tôn trọng quyền con người. ISO 26000 chắt lọc sự hiểu biết có liên quan mang tính toàn cầu về trách nhiệm xã hội là gì và các tổ chức cần làm gì để thực hiện trách nhiệm xã hội.

3.2. Khung quốc tế về CSR (International Framework)

Được công bố vào tháng 12 năm 2013, Khung quốc tế CSR hỗ trợ tích hợp tư duy, ra quyết định và hành động tập trung vào việc tạo ra giá trị trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Một báo cáo tích hợp nhằm cung cấp cái nhìn sâu sắc về các nguồn tài nguyên “resources” và nguồn vốn “capitals” được sử dụng và bị ảnh hưởng bởi tổ chức. Khung quốc tế khuyến khích doanh nghiệp truyền tải ngắn gọn về cách thức tổ chức chiến lược, quản trị, hiệu suất và triển vọng về các giá trị được tạo ra trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Mục tiêu là tăng hiệu quả, năng suất của vốn đầu tư và là động lực cho tài chính ổn định và bền vững.

Báo cáo tích hợp có 8 nội dung chính, gồm: tổng quan về tổ chức và môi trường bên ngoài; quản trị; mô hình kinh doanh; rủi ro và cơ hội; chiến lược và phân bổ nguồn lực; hiệu suất; dự báo những thách thức và nguy cơ không ổn định; cơ sở chuẩn bị và trình bày.

3.3 Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế – OECD cho các công ty đa quốc gia (The OECD Guidelines for MNCs review)

Đối với Hướng dẫn của OECD dành cho các doanh nghiệp đa quốc gia, họ đưa ra một bộ quy tắc ứng xử toàn diện được thiết kế để cung cấp cho các doanh nghiệp đa quốc gia, có hiệu lực từ năm 1976.

Mục tiêu là giúp các công ty đa quốc gia hành động theo chính sách của Chính phủ và kỳ vọng của xã hội. Những khuyến nghị liên quan đến các lĩnh vực: xuất bản thông tin; quyền con người; việc làm và quan hệ công nghiệp; môi trường, chống tham nhũng, hối lộ và các hình thức tống tiền khác; lợi ích người tiêu dùng; khoa học và công nghệ; đối thủ cạnh tranh; thuế.

Bản sửa đổi của OECD dành cho các doanh nghiệp đa quốc gia đã được thông qua vào ngày 25/5/2011 và đã được chính phủ 42 nước xác nhận.

3.4. Chuẩn mực của GRI (Global Reporting Initiative)

Tổ chức sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) là một tổ chức quốc tế và độc lập, giúp đỡ doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức hiểu và công bố mức độ ảnh hưởng của việc kinh doanh đến các vấn đề phát triển bền vững cấp thiết như biến đổi khí hậu, chống tham nhũng và các vấn đề khác.

Chuẩn mực của GRI ra đời năm 2016 như một sự phát triển của bộ hướng dẫn G4 trước đó. Nó chính thức có hiệu lực đối với các báo cáo được lập từ 1 tháng 7 năm 2018 trở đi và được khuyến khích áp dụng sớm.

Bộ chuẩn mực của GRI tăng cường tính so sánh và chất lượng của các thông tin về phát triển bền vững đảm bảo sự minh bạch hơn đối với các tác động kinh tế, môi trường và xã hội. Đây là một chuẩn mực chung được chấp nhận rộng rãi toàn cầu tạo ra một ngôn ngữ chung cho các tổ chức và các bên liên quan mà thông qua đó, các tác động của tổ chức được công bố và đánh giá.

Bộ chuẩn mực của GRI bao gồm: 3 chuẩn mực toàn cầu (Universal Standards) áp dụng cho tất cả các tổ chức; 33 chuẩn mực liên quan đến các nội dung cụ thể và được chia làm 3 nhóm: Kinh tế, môi trường và xã hội. Các tổ chức chỉ lựa chọn và sử dụng các chuẩn mực có liên quan dựa trên lĩnh vực trọng yếu.

3.5. Thông tư hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam

Năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành quy định về công bố thông tin môi trường đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thông qua Thông tư số 155/2015/TT-BTC. Mặc dù Thông tư 155/TT-BTC chưa có điều mục quy định cụ thể về việc báo cáo CSR của doanh nghiệp nhưng trong Phụ lục số 04 về trình bày Báo cáo thường niên của doanh nghiệp cũng đã yêu cầu doanh nghiệp phải công bố dữ liệu liên quan đến những hoạt động có tác động đến môi trường, xã hội, như: số lượng nguyên liệu, nước, năng lượng sử dụng, số lần vi phạm các quy định về môi trường, chính sách liên quan đến người lao động, báo cáo liêu quan đến trách nhiệm đối với cộng đồng tại địa phương.

Đến năm 2020, Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính “Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán” ra đời và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 đã thay thế cho Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015. Tuy có những đổi mới về phạm vi, thời gian trong công bố thông tin của doanh nghiệp, nhưng không có sự thay đổi trong yêu cầu công bố thông tin liên quan đến môi trường và xã hội của doanh nghiệp.

4. Kết luận

Do xu hướng toàn cầu hóa, việc công bố thông tin tài chính và phi tài chính đối với các doanh nghiệp càng trở nên cần thiết và quan trọng hơn. Việc mở rộng phạm vi trách nhiệm của các công ty và công bố thông tin về sự ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh đến môi trường và xã hội cần đi kèm với việc xây dựng khung pháp lý, các tiêu chuẩn và quy định cụ thể. Hiện nay, còn ít văn bản, luật, thông tư quy định hướng dẫn lập báo cáo trách nhiệm xã hội, nên những nỗ lực xây dựng một báo cáo trách nhiệm xã hội đầy đủ theo một tiêu chuẩn thực sự khó khăn, nhưng nó sẽ tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp. Nhờ đó sẽ có căn cứ để so sánh và đánh giá sâu sắc hơn giữa các doanh nghiệp cùng ngành, cùng lĩnh vực. Việc xây dựng khung pháp lý cho Báo cáo trách nhiệm xã hội trên thế giới và tại Việt Nam là rất cần thiết. Tuy nhiên, tính chất bắt buộc của báo cáo này vẫn còn đang được thảo luận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Adams, C.A., Hills, W.Y. and Roberts, C.B. (1998). Corporate social reporting practices in Western Europe: legitimating corporate behaviour? British Accounting Review, 30(1), 1-21.
  2. BERR. (2009). Corporate responsibility report. London: HM Government.
  3. Bộ tiêu chuẩn Báo cáo Phát triển Bền vững GRI và Bảng danh mục Thuật ngữ của Tiêu chuẩn GRI phát hành năm 2016.
  4. Gray, R., Owen, D. and Maunders, K. (1987). Corporate Social Reporting: Accounting and Accountability. London: Prentice Hall.
  5. Cochran, L. P., & Wood, R. A. (1984). Corporate Social Responsibility and Financial Performance. The Academy of Management Journal, 27(1), 42-56.
  6. Idowu, S.O. and Towler, B.A. (2004). A comparative study of the contents of corporate social responsibility reports of UK companies. Management of Environmental Quality: An International Journal, 15(4), 420-37.
  7. Khan, Md.H., Halabi, A.K. andSamy, M. (2009). Corporate social responsibility (CSR) reporting: A study of selected banking companies in Bangladesh. Social Responsibility Journal, 5(3), 344-57.
  8. Katarina Moravcikovaa* (2015). CSR reporting as an important tool of CSR communication. Procedia Economics and Finance, 26, 332-338.
  9. KPMG (2005), International Survey of Corporate Responsibility Reporting, KPMG, Available at https://assets.kpmg/content/dam/kpmg/xx/pdf/2017/10/kpmg-survey-of-corporate-responsibility-reporting-2017.pdf
  10. Pavlik, M., Belcik, M. a kol., (2010). Společenska odpovědnost organizace:CSRvpraxia jak sním dal, Russia: Grada Publishing a.s.
  11. Tiêu chuẩn ISO 26000 – Trách nhiệm xã hội, ISO Việt Nam, HYPERLINK “http://www.isovietnam.com.vn/tu-van-quan-ly-doanh-nghiep/dich-vu/59-tieu-chuan-he-thong-tich-hop/168-tieu-chuan-iso-26000-trach-nhiem-xa-hoi.html”, http://www.isovietnam.com.vn/tu-van-quan-ly-doanh-nghiep/dich-vu/59-tieu-chuan-he-thong-tich-hop/168-tieu-chuan-iso-26000-trach-nhiem-xa-hoi.html (accessed 05 04, 2021)
  12. Bộ Tài chính (2015). Thông tư 155/2015/TT-BTC, 06/10/2015, Thông tư hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
  13. Bộ Tài chính (2020). Thông tư 96/2020/TT-BTC, 16/11/2020, Thông tư hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

SOME LEGAL FRAMEWORK

FOR PREPARING CORPORATE SOCIAL

RESPONSIBILITY REPORTS

• Ma. BUI NHAT GIANG

• Ma. LE QUYNH ANH

Faculty of Economics and Management, Electric Power University 

ABSTRACT:

The report of corporate social responsibility is a comprehensive report which not only presents financial data, but also provides non-financial information related to environment and society. Specifically, the report reveals the enterprises policies related to the environment, sustainability, or fulfillment of corporate social responsibility commitments. This paper introduces a number of concepts relating to the corporate social responsibility report and legal frameworks which are commonly used when preparing corporate social responsibility reports.

Keywords: corporate social responsibility report, corporate social responsibility (CSR), society and community, enterprise, legal framework.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]