Một số khái niệm thường dùng trong thống kê học

a. Tổng thể thống kê: là tập hợp những đơn vị cá biệt cần được quan sát hoặc nghiên cứu mặt lượng của chúng trên cơ sở đặc điểm chung.

Tổng thể thống kê xác định phạm vi nghiên cứu của hiện tượng nào đó đang là đối tượng nghiên cứu cụ thể của thống kê. Từ đó mà ta có thể xác định phạm vi điều tra, tổng hợp và phân tích số liệu của hiện tượng đó trong thời gian và địa điểm chính xác.

Ví dụ: Toàn thể các trường Đại học nước ta vào một thời gian xác định là một tổng thể

Ví dụ: Dân số của một nước là tổng thể thống kê vì nó là tập hợp những con người có cùng quốc tịch không phân biệt tuổi, giới tính,….

  • Nếu căn cứ vào khả năng nhận biết của đơn vị tổng thể thì tổng thể thống kê chia 2 loại:

  • Tổng thể bộc lộ: bao gồm những đơn vị có thể nhận biết bằng trực quan như các tổng thể nhân khẩu và trường đại học nêu trên

  • Tổng thể tiềm ẩn: bao gồm các đơn vị cấu thành nó không thể nhận biết bằng trực quan

Ví dụ: Tổng thể những người ưa chuộng nghệ thuật sân khấu, tổng thể những người mê tín dị đoan, tổng thể những người trung thành với tổ quốc…..

  • Nếu căn cứ vào tính chất của đơn vị tổng thể thì chia tổng thể thành 2 loại:

  • Tổng thể đồng chất: là tổng thể bao gồm các đơn vị có một số đặc điểm chủ yếu, giống nhau liên quan đến mục đích nghiên cứu.

Ví dụ: Tổng thể các cơ sở sản xuất công nghiệp của toàn quốc hay của một địa phương là đồng chất, nếu mục đích nghiên cứu là tìm hiểu kết quả hoạt động chế biến và sản xuất sản phẩm vật chất

  • Tổng thể không đồng chất: là tổng thể bao gồm các đơn vị có một số đặc điểm khác nhau liên quan đến mục đích nghiên cứu.

Ví dụ 1: Tổng thể các cơ sở sản xuất công nghiệp của toàn quốc trên là không đồng chất nếu mục đích nghiên cứu là tìm hiểu kết quả

 hoạt động chế biến và sản xuất sản phẩm vật chất theo một hình thức sở hữu nào đó.

Ví dụ 2: Nghiên cứu tình hình hoạt động của xí nghiệp công nghiệp thành phố Đà Nẵng: nghiên cứu các hoạt động của các XNCN thuộc thành phố ĐN theo thành phần kinh tế (quốc doanh và ngoài quốc doanh).

  • Nếu căn cứ vào phạm vi nghiên cứu:

  • Tổng thể chung: là tổng thể bao gồm tất cả các đơn vị thuộc đối tượng nghiên cứu

  • Tổng thể bộ phận là tổng thể bao gồm một số đơn vị được chọn ra trong toàn bộ số đơn vị thuộc tổng thể nghiên cứu

b. Đơn vị tổng thể:

Là các đơn vị cá biệt cấu thành nên tổng thể thống kê, đó là các đơn vị có đặc điểm giống nhau về mục đích nghiên cứu do đó nó kết hợp lại thành tổng thể thống kê, nó là căn cứ đầu tiên cho quá trình nghiên cứu thống kê vì nó có mặt lượng mà chúng ta cần nghiên cứu

Ví dụ: Từng người dân trong tổng dân số nước ta là một đơn vị tổng thể

                  Trường ĐHDL Duy Tân là một đơn vị của tổng thể các trường Đại học trong cả nước

c. Tiêu thức thống kê:

Mỗi đơn vị tổng thể có nhiều đặc điểm và mỗi đặc điểm là một tiêu thức thống kê

Ví dụ 1: Khi nghiên cứu tình hình học tập sau một năm học của một nhóm sinh viên, mỗi sinh viên là một đơn vị tổng thể, quan sát mỗi sinh viên có các đặc tính sau: tuổi, giới tính, độ thông minh, điểm thi, mỗi đặc tính là một tiêu thức

Ví dụ 2: Tổng thể dân số, mỗi đơn vị tổng thể là nhân khẩu, mỗi nhân khẩu có các tiêu thức là: tuổi, giới tính, trình độ văn hoá, tình trạng hôn nhân

      Căn cứ vào nội dung của tiêu thức mà người ta chia tiêu thức thành các loại:

Tiêu thức thuộc tính: không thể hiện trực tiếp bằng con số

    • Tiêu thức định tính (thuộc tính) phân chia chi tiết hơn bao gồm:

  • Tiêu thức định tính không thể sắp thức tự được, Ví dụ: giới tính, dân tộc….

  • Tiêu thức định tính có thể sắp thứ tự được như khả năng hiểu biết của sinh viên có thể phân hạng theo các mức độ: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém (theo một trật tự giảm dần)

    • Tiêu thức số lượng: biểu hiện trực tiếp bằng con số như chiều cao, trọng lượng

Ví dụ: Các tiêu thức định lượng như tuổi, điểm thi, thu nhập, số con của những cặp vợ chồng có thể đo lường bằng những đơn vị thích hợp (gọi là lượng biến)

      Những lượng biến này cũng có 2 loại:

  • Loại rời rạc: được dùng phổ biến, chẳng hạn số con của những cặp vợ chồng, số sinh viên trong một lớp, độ tuổi của nhân khẩu…..

  • Loại liên tục: như chiều cao, trọng lượng của một người….có thể mang giá trị lấp đầy một khoảng xác định, bao gồm cả phần thập phân

Tiêu thức thay phiên là tiêu thức có 2 hình thức biểu hiện đối lập nhau. Đây là một dạng của tiêu thức thuộc tính

        1. Phân loại tiêu thức có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp thống kê thích hợp khi phân tích số liệu, chẳng hạn, người ta chỉ tính giá trị chỉ tiêu trung bình cộng đối với các lượng biến, không dùng nó đối với các tiêu thức thuộc tính

d. Chỉ tiêu thống kê:

Mỗi đặc điểm của tổng thể thống kê là chỉ tiêu thống kê, nó phản ánh một cách tổng hợp đặc điểm mặt lượng trong mối quan hệ mật thiết với mặt chất của hiện tượng nghiên cứu trong điều kiện thời gian và không gian nhất định

Ví dụ: Trở lại Ví dụ nghiên cứu tình hình học tập của sinh viên sau một năm học, từ các đặc tính của mỗi đơn vị tổng thể đó, ta tính được các đặc tính của tổng thể: tuổi trung bình mỗi sinh viên trong nhóm, điểm thi trung bình từng môn học của nhóm sinh viên, đó là các chỉ tiêu thống kê

Chỉ tiêu nói lên một ý niệm bao trùm và khái quát về một tổng thể

Ví dụ 1: Thu nhập trung bình: cho biết thu nhập hàng tháng nói chung của toàn thể hộ gia đình

Ví dụ 2: Tính được B% chủ hộ là dân tộc kinh thì biết một khía cạnh về toàn bộ tổng thể chứ không phải về một hộ cụ thể nào

      Chỉ tiêu thống kê chia 2 loại:

  • Chỉ tiêu khối lượng: là chỉ tiêu phản ánh quy mô khối lượng của hiện tượng

  • Chỉ tiêu chất lượng: là kết quả so sánh giữa các chỉ tiêu khối lượng, nó phản ánh trình độ phát triển, phổ biến của hiện tượng