Một số kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương; Đề xuất phương án đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp và sự phối hợp liên ngành giai đoạn 2021-2025

Ngày 03/11/2020, tại tỉnh Bắc Ninh Ban Quản lý Chương trình Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức “Hội nghị đối thoại về xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan Bộ Tư pháp, Ban Quản lý chương trình 585, các sở, ban ngành, doanh nghiệp, đoàn luật sư, đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh; về phía tỉnh Bắc Ninh có đại diện các Sở: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh và một số đơn vị trên địa bàn.

Tham dự Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Thành – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham luận “Thực tiễn triển khai, những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương. Đề xuất phương án đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp và sự phối hợp liên ngành giai đoạn 2021-2025”.

(Đ/c Nguyễn Quang Thành – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận tại Hội nghị)

Thời gian qua tỉnh Bắc Ninh đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với mục tiêu “Bắc Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”, cụ thể:

 Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được Tỉnh Bắc Ninh quan tâm chú trọng, đặt biệt là các TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để phấn đấu xây dựng theo hướng “Chính phủ điện tử”; thực hiện rà soát 100% TTHC thuộc chức năng quản lý của các Sở, ban, ngành; đề xuất cơ quan có thẩm quyền cắt giảm thành phần hồ sơ của hơn 30 TTHC và cắt giảm thời gian thực hiện hơn 900 TTHC;  

Điểm nổi bật là thành lập mô hình Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện  cũng như thực hiện có hiệu quả “Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp” và mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp ”;  duy trì hình thức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua chương trình gặp mặt doanh nghiệp được tổ chức hàng năm, các hội nghị chuyên ngành để giải đáp trực tiếp các kiến nghị, thắc mắc của doanh nghiệp.

Triển khai cơ chế 4 tại chỗ đối với các thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; tiếp nhận và trả kết quả đăng ký doanh nghiệp miễn phí qua đường bưu điện; 

Thực hiện công khai, minh bạch và hệ thống hóa trình tự, thủ tục về đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua việc ban hành các quy định như:  các Quyết định số 20, số 30  về việc ban hành Quy định trình tự thực hiện các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp;    Quyết định số 27/2018 về Quy chế phối hợp thực hiện quy định trình tự, thủ tục đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp; Quyết định số 12/2018 về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước sau đăng ký thành lập…

Về xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:  “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” ; “Hỗ trợ Thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018-2025; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; quy định chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân…

Về ban hành đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: ngày 26/8/2020, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020 – 2025: cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ theo quy định Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh, trong đó hỗ trợ thực hiện hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư, đầu tư mở rộng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

  Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường tuyên truyền về chính sách thuế; chỉ đạo Chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn DN kê khai, nộp thuế bằng phương pháp điện tử (cụ thể:  Đã đăng ký và kê khai thành công khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ gửi hồ sơ thành công đạt trên 99% ; đăng ký nộp thuế điện tử (NTĐT đạt)  97%)   … Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai cung cấp phần mềm kế toán và dịch vụ kế toán để triển khai các chương trình tặng phần mềm kế toán và hỗ trợ công tác kế toán miễn phí đối với các doanh nghiệp mới thành lập trong giai đoạn 2020 – 2025.

   Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo hằng năm, theo đó: tổ chức tối thiểu 3 lớp đào tạo cho doanh nghiệp và 2 lớp đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo hằng năm.

  Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí đối với tất cả hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi sang DNNVV; đồng thời tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

  Tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài; Bắc Ninh chú trọng hoạt động Xúc tiến đầu tư  tại chỗ thu hút các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, tạo thương hiệu, chất dẫn suất hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác tới tỉnh Bắc Ninh trong quá trình hội nhập.  

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh thu hút: 1.425 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh 193.000 tỷ VNĐ; 1.606 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20 tỷ USD;  có 17.850 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn điều lệ đăng ký là: 269.200 tỷ đồng và 3.677 đơn vị trực thuộc; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 420 nghìn tỷ đồng; quy mô kinh tế lên gấp 1,5 lần năm 2015, tỷ lệ vốn đầu tư so với GRDP tăng lên 46%; năng suất lao động bình quân đạt trên 250 triệu đồng/lao động; Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, đứng đầu toàn quốc về quy mô. Thu ngân sách tăng nhanh. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; hình thành các yếu tố nền tảng để trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

 Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn một số khó khăn,vướng mắc, cụ thể:

Thứ nhất, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế,  khả năng cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ  hai, một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, bảo vệ môi trường, ưu đãi đầu tư,… vẫn còn bất cập , gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ ba, các thủ tục về  giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn chưa được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn cụ thể khi đăng ký chuyển đổi.

Thứ tư, một số chính sách hỗ trợ DN theo quy định của luật vẫn chưa được triển khai do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành Trung ương, như: Chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho DNNVV; hướng dẫn thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cho DNNVV; hướng dẫn thành lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư.

Thứ năm,  việc tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng còn hạn chế

 Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai một số giải pháp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cụ thể như:

– Một là, tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương . Ðẩy mạnh tiến trình và nâng cao chất lượng công tác xã hội hoá

– Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc phân cấp quản lý Nhà nước một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao quyền chủ động, sáng tạo của các ngành, cấc cấp; đồng thời xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp chính quyền, các tổ chức và người đứng đầu trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

– Ba là,nâng cao hiệu quả giải quyết công việc tại Trung tâm hành chính công;   trách nhiệm người đứng đầu trong cải thiện môi trường kinh doanh ;  tích cực triển khai mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp” và “Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp”.

– Bốn là, đổi mới mô hình hoạt động Quỹ đầu phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp ; tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững.

– Năm là,triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;  thực hiện tốt các đề án hỗ trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt như đề án: Thanh niên, Phụ nữ khởi nghiệp; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025; Triển khai thực hiện tốt kế hoạch hành động thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp  

– Sáu là,các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, trình độ quản trị DN; tích cực tham gia các hiệp hội doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng. Hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu.

– Bẩy là, tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy doanh nghiệp ngày càng phát triển; góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.