Một số điểm mới trong Điều tra Doanh nghiệp năm 2020

Ngày 30 tháng 7 năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã ký Quyết định 1193/QĐ-TCTK về việc tổ chức Điều tra doanh nghiệp năm 2020 và ban hành kèm theo Phương án Điều tra doanh nghiệp năm 2020. Kết quả thu thập từ điều tra doanh nghiệp năm 2020 được sử dụng phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp, hợp tác xã. Kết quả này còn được dùng trong tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu trong báo cáo chính thức hàng năm của ngành Thống kê. Đặc biệt, một trong những điểm mới đó là kết quả của điều tra doanh nghiệp năm nay sẽ là tư liệu để tổng hợp và biên soạn ấn phẩm “Sách trắng doanh nghiệp năm 2021” và “Sách Trắng Hợp tác xã năm 2021”; đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp và chi phí dịch vụ logistic trong thời đại công nghiệp 4.0.

 

Đối tượng của cuộc điều tra này bao gồm: (i) Các doanh nghiệp được thành lập và chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp; Hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã/quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là hợp tác xã) hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các doanh nghiệp được thành lập, chịu sự điều tiết bởi các Luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán… hoạt động sản xuất kinh doanh trước thời điểm 01/01/2020 hiện đang hoạt động

[1]

. (ii) Các cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp.


 

Nội dung điều tra tập trung vào những thông tin về: Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra (Tên doanh nghiệp; Địa chỉ, điện thoại, fax, email; Loại hình doanh nghiệp; Ngành hoạt động SXKD) ; Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động (Lao động; thu nhập của người lao động) ; Các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh (Kết quả sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho; vốn đầu tư; năng lực mới tăng) ; Thông tin về các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp (Tên cơ sở; ngành hoạt động SXKD; sản lượng/sản phẩm; lao động; doanh thu) ; Ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp (những loại công nghệ đã được ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh; mức độ tiếp cận CMCN 4.0 của doanh nghiệp; doanh nghiệp đánh giá mức độ tác động của CMCN và kỹ năng của người lao động trong thời đại số).

 

Có 18 loại phiếu điều tra được sử dụng trong điều tra doanh nghiệp năm 2020, ví dụ như: Phiếu số 1A/ĐTDN-DN thu thập thông tin đối với doanh nghiệp, HTX – Áp dụng chung cho các DN nhà nước, DN ngoài nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã được chọn vào mẫu điều tra; Phiếu số 1B/ĐTDN-DS thu thập thông tin đối với doanh nghiệp, HTX – Áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không thuộc mẫu điều tra phiếu 1A/ĐTDN-DN; Phiếu số 2/ĐTDN-CMCN thu thập thông tin về ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp – Áp dụng cho các doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra…

 

Một trong những điểm nổi bật trong điều tra doanh nghiệp năm 2020 là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu thu thập thông tin. Đây là năm đầu tiên sử dụng phiếu hỏi điện tử trong điều tra trực tuyến. Theo đó, Điều tra viên sẽ tiếp cận doanh nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, cấp tên truy cập, mật khẩu để doanh nghiệp đăng nhập vào trang điều tra trực tuyến và tự cung cấp thông tin trực tuyến theo mẫu phiếu điện tử (web-form) phù hợp với ngành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hoặc doanh nghiệp truy cập vào trang điều tra trực tuyến doanh nghiệp tải mẫu phiếu điều tra (Excel-Form) về điền đầy đủ thông tin phù hợp với ngành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và gửi lại cho ngành Thống kê trên trang điều tra trực tuyến.

 

Để triển khai thành công cuộc điều tra thì công tác rà soát doanh nghiệp trước khi tiến hành thu thập thông tin là một khâu rất quan trọng, đóng góp cho thành công điều tra doanh nghiệp năm 2020. Mục đích của việc rà soát là thống kê đầy đủ số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã có đến thời điểm 31/12/2019 trên phạm vi cả nước và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời thu thập thêm thông tin như tên, điện thoại, email của người cung cung cấp thông tin của doanh nghiệp  để phục vụ công tác triển khai thu thập thông tin qua hình thức điều tra trực tuyến (web-form).

 

Do là năm đầu tiên thực hiện điều tra theo hình thức trực tuyến nên Tổng cục Thống kê đã xây dựng cụ thể các bước trong quy trình thu thập thông tin trực tuyến, theo đó công tác chuẩn bị cũng như lực lượng điều tra viên phải tuân thủ đầy đủ, cụ thể:

 

Bước 1: Thực hiện đầy đủ công tác chuẩn bị điều tra, gồm các công việc:

 

–  Tuyển chọn, trưng tập điều tra viên có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu theo quy định;

 

– Tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm điều tra trực tuyến cũng như tập huấn nghiệp vụ về nội dung, phương pháp điền thông tin vào phiếu điện tử theo Phương án điều tra do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành.

 

Trên cơ sở danh sách doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê chọn mẫu để thực hiện thu thập thông tin phiếu 1A/ĐTDN-DN và các phiếu chuyên ngành tương ứng, Cục Thống kê cấp tỉnh phân cấp, phân quyền cho điều tra viên phụ trách số lượng đơn vị điều tra theo địa bàn cấp huyện.

 

Bước 2: Tiến hành rà soát danh sách doanh nghiệp, gồm các công việc:

 

– Điều tra viên tiến hành rà soát, cập nhật thông tin định danh của doanh nghiệp;

 

– Thu thập thông tin về tên, địa chỉ email, điện thoại của người cung cấp thông tin tại doanh nghiệp theo biểu mẫu quy định.

 

Bước 3: Thu thập thông tin

 

Điều tra viên thực hiện thu thập thông tin tại các doanh nghiêp theo trình tự như sau:

 

– Triển khai cung cấp tài khoản và mật khẩu đăng nhập đến từng doanh nghiệp được phân công phụ trách (thông qua người đại diện cung cấp thông tin của doanh nghiệp);

 

– Hướng dẫn doanh nghiệp truy cập và sử dụng Trang thông tin điện tử của Điều tra doanh nghiệp;

 

– Giải thích nội dung điều tra và hướng dẫn doanh nghiệp cách điền thông tin vào phiếu Điều tra điện tử (web–form) trên Trang thông tin điện tử;

 

– Kiểm soát tiến độ, đôn đốc và hướng dẫn doanh nghiệp trả lời đúng và đủ các chỉ tiêu trong phiếu điều tra phù hợp với ngành nghề thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Bước 4: Kiểm tra, hoàn thiện phiếu điều tra

 

Điều tra viên có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đảm bảo doanh nghiệp nắm vững chuyên môn nghiệp vụ và yêu cầu của Phương án điều tra, nắm vững các thao tác truy cập, sử dụng trang thông tin điện tử để tự cung cấp thông tin trên phiếu điều tra trực tuyến và gửi cơ quan thống kê trên trang thông tin điện tử. Điều tra viên được phân công phụ trách doanh nghiệp thực hiện các công việc:

 

– Kiểm tra logic, chất lượng thông tin doanh nghiệp đã cung cấp và liên hệ doanh nghiệp xác minh, chỉnh sửa và cập nhật lại thông tin trên Trang thông tin điện tử;

 

– Đánh mã, chuyển đổi những chỉ tiêu liên quan theo các bảng mã quy định (đơn vị hành chính, ngành kinh tế, sản phẩm sản xuất, tiêu thụ và tồn kho…).

 

Trang web điều tra trực tuyến điều tra doanh nghiệp năm 2020 được xây dựng tại địa chỉ (http://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn/Login.aspx), nhằm giúp các doanh nghiệp truy cập và cung cấp thông tin; đồng thời tham khảo các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra từ Quyết định, phương án, phiếu điều tra và các tài liệu liên quan đến Điều tra doanh nghiệp năm 2020./.

 

 

ThS.Nguyễn Huy Minh

Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp – TCTK

 



 

[1]

Bao gồm: Các doanh nghiệp đang hoạt động là những doanh nghiệp trong năm 2019 có hoạt động sản xuất kinh doanh, có phát sinh doanh thu/ chi phí SXKD và thuế VAT.