Một đời vì hạnh phúc nhân dân

Bệnh nhân không sinh được con, bác sĩ “phát khùng”

Có lần lướt qua bài viết về điều trị vô sinh, hiếm muộn từ trang facebook của một bệnh viện, tôi thấy có hàng chục bình luận nhắc đến Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Người khoe con, cảm ơn, người muốn đặt lịch khám, tư vấn… Phải rồi, nhắc đến bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng là nhắc đến hàng loạt đóng góp của bà cho lĩnh vực y khoa, trong đó nổi bật nhất chính là kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm mà bà là người đã có công đầu đưa về thực hiện thành công ở Việt Nam.

Đã hơn 23 năm kể từ khi hai em bé đầu tiên được ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam vào ngày 30-4-1998. Dù đi sau nhiều nước trong khu vực, nhưng đến nay, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ta đã phát triển đáng kinh ngạc trước thế giới. Với những kỹ thuật mới, thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam không chỉ giúp hàng chục nghìn đứa trẻ trong nước ra đời mà còn thu hút nhiều người bệnh quốc tế tìm đến.

Hồi năm 1984, một bác sĩ người Thái Lan mà bác sĩ Ngọc Phượng gặp trong dịp đến nước này (cũng là lần đầu tiên bà sững người biết đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm) đã hỏi bà: “Bao giờ Việt Nam có thể làm được như vậy?”. Bác sĩ Ngọc Phượng với vẻ mặt cương quyết đã trả lời rằng chưa biết khi nào, nhưng chắc chắn có ngày Việt Nam làm được và làm rất tốt. Và quả thực, Việt Nam đã làm được rất tốt, đúng như câu trả lời tự tin của bác sĩ Ngọc Phượng. Câu trả lời ấy là kết quả của quá trình nỗ lực, quyết tâm không mệt mỏi của bác sĩ Ngọc Phượng và đồng nghiệp, của ngành y tế Việt Nam. Kể từ khi bà đọc được tài liệu y văn trong thư viện Thái Lan và thốt lên đầy hy vọng: “Trời ơi, họ làm thụ tinh trong ống nghiệm thành công từ năm 1979 rồi nè trời!” đến ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam năm 1997 là khoảng thời gian 13 năm bà không ngừng nỗ lực, quyết tâm, nhất là khi nghĩ đến những bệnh nhân đau khổ vì không thể sinh con… khiến bản thân bác sĩ cũng thấy bất lực, có lúc “phát khùng”.

Nhưng khi biết kinh phí đầu tư để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hết khoảng 3 triệu USD thì bác sĩ Phượng lại bần thần cả người: “Nước mình còn nghèo khó, người dân còn ăn cơm độn khoai sắn cơ mà…!”. Và rồi, bà cứ âm thầm, dần chuẩn bị về mọi mặt. Mỗi khi có đoàn khách quốc tế đến thăm, bà lại tranh thủ đề nghị sự hỗ trợ, giúp đỡ, lúc thì xin tài trợ cho quỹ điều trị vô sinh hiếm muộn, lúc thì để thành lập ngân hàng tinh trùng… Nhiều người khách, cả cán bộ sở y tế, sở nội vụ đi cùng, khi ấy thường nhìn bà nói: “Việt Nam nghèo thế, dân số tăng nhanh, sao không lo nghĩ cách kế hoạch hóa gia đình đi?”. “Ủa, có chứ!”. “Vậy sao còn lo cách để sinh thêm?”. “Nếu khó như vô sinh mà mình giúp họ có con được thì mình nói họ sinh ít, họ sẽ tin, nghe theo và hiểu những việc Nhà nước làm đều vì hạnh phúc của người dân”.

Những trang thiết bị hiện đại, đắt tiền cũng dần có mặt ở Bệnh viện Từ Dũ bằng nhiều cách khác nhau: Tài trợ; bệnh viện mua trả góp; có thiết bị được bác sĩ Phượng gom góp tiền mua, gửi về trong thời gian 1994-1995, khi bà được phong Giáo sư ở Pháp và giảng dạy ở đó. Cùng với đó, một đội ngũ bác sĩ được bác sĩ Ngọc Phượng đề xuất gửi đi học tại các nước: Australia, Singapore, Pháp… về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; xây dựng một khung pháp lý cho việc thụ tinh trong ống nghiệm; thuyết phục lãnh đạo Bộ Y tế; chuẩn bị cho bệnh nhân… việc nào cũng là cả quá trình gian nan, tốn nhiều tâm sức, thời gian. Đến khi những phôi đầu tiên được chuyển vào buồng tử cung của người bệnh, lại là những ngày mất ăn mất ngủ của bác sĩ Phượng và đồng nghiệp. Nhắc lại, bà vẫn hồi hộp, run run: “Chỉ cần một người thành công thôi là mừng rồi! Nhưng nếu thất bại, có lẽ công sức bao năm của mọi người sẽ phải bỏ đi và chưa biết bao giờ mới có thể được tiếp tục…”.

Và từ lần đầu tiên đến nay, tỷ lệ ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công của Việt Nam đang nằm trong nhóm cao, hơn Pháp, Đức, Thái Lan, Singapore… Những bác sĩ đầu tiên được bác sĩ Ngọc Phượng chọn đi học nước ngoài giờ đã trở thành những chuyên gia đầu ngành về thụ tinh trong ống nghiệm trong nước và quốc tế, như minh chứng cho sự nhanh nhạy, tầm nhìn xa của bác sĩ Ngọc Phượng ngay từ đầu khi chọn người trẻ, có ngoại ngữ đi học để có thời gian công tác dài, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tăng cường giao lưu với thế giới, nâng cao trình độ chuyên môn.      

leftcenterrightdel

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Mong muốn xóa “nỗi đau da cam”

Hôm trò chuyện với tôi, bác sĩ Ngọc Phượng đang sốt bởi tác dụng phụ sau tiêm phòng, vậy mà bà vẫn “khoe” may mà chỉ sốt, không đau đầu nên vẫn làm việc, chuẩn bị nội dung nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc hóa học (CĐHH)/dioxin đến sức khỏe sinh sản phụ nữ; cách khắc phục sinh con khuyết tật và ung thư để báo cáo trong buổi webinar trực tuyến tổ chức từ Mỹ giữa tháng 8 này.

Nhiều năm nay, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng là người đồng hành với những nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin trong nhiều hoạt động, không phải chỉ khi bà là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam. Mối quan tâm của bà có lẽ phải tính từ khoảng những năm cuối của thập niên 1960, khi bà thường gặp những ca sinh quái thai, dị tật, thai trứng. Ban đầu là nỗi thương cảm cùng gia đình người bệnh, rồi ám ảnh và những câu hỏi cứ đặt ra trong đầu… Cho đến năm 1976, khi tìm tài liệu, bà tìm được cuốn sách của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ nói về việc Mỹ rải CĐHH ở Việt Nam. Xanh, trắng, vàng, hồng, cam. Những con số, địa điểm. Những kết luận tác động tới môi trường và thực nghiệm trên động vật sinh ra quái thai… Càng đọc, bà càng bàng hoàng. Xâu chuỗi đến những mẫu thai dị tật ngày trước lưu giữ trong phòng thí nghiệm, số liệu ngày càng tăng các ca sinh quái thai, dị tật tương ứng với các vùng và thời gian Mỹ rải CĐHH… bác sĩ Ngọc Phượng càng đi đến khẳng định những tác hại của CĐDC/dioxin gây ra cho con người và môi trường nước ta.

Từ đó đến nay, bác sĩ Ngọc Phượng không ngừng nghiên cứu, có nhiều công trình, bài báo giá trị, thu hút sự chú ý của quốc tế. Cũng từng đó thời gian, bà đồng hành, đưa tiếng nói của những nạn nhân tới cộng đồng quốc tế, đòi lại công lý và phản đối việc sử dụng CĐHH trong chiến tranh. Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam lên tiếng trong phiên điều trần của Hạ viện Mỹ với chủ đề “Trách nhiệm bị lãng quên-Chúng ta phải làm gì cho các nạn nhân da cam” năm 2008. Ở Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế về chất da cam tổ chức tại Paris (Pháp) và phiên điều trần thứ 3 của Hạ viện Mỹ về CĐDC/dioxin tại Việt Nam năm 2010, bà đều tham gia. Bác sĩ Ngọc Phượng cũng là người đi đến nhiều tỉnh của nước Đức và sang Thụy Sĩ để nói về nạn nhân CĐDC/dioxin đồng thời góp công sau đó cho sự ra đời 13 làng Hòa Bình, là nơi chăm sóc và nuôi dạy trẻ bị nhiễm CĐDC, trẻ khuyết tật.

Miệt mài cống hiến không ngơi nghỉ

Lần nào cũng vậy, tôi cứ bị cuốn theo hết chuyện này đến chuyện khác bởi chất giọng miền Nam dễ mến của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, khiến bao ý ban đầu định hỏi rồi lại chẳng thể và cũng chẳng cần thiết nữa. Càng nghe lại càng thấy ở bà tinh thần và sức làm việc phi thường. Có những giai đoạn, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vừa làm lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Tim TP Hồ Chí Minh, vừa hoạt động Quốc hội. Nghĩ lại, bà bảo bà “ba đầu sáu tay” được như thế là nhờ may mắn luôn được đồng nghiệp đoàn kết hỗ trợ, được người xung quanh giúp đỡ. Thế nên bà có điều kiện tập trung sâu về chuyên môn và thực hiện được những ý tưởng mới, như “cô đỡ thôn bản” chẳng hạn. Từ ý tưởng của bác sĩ Ngọc Phượng là đào tạo các phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa có kiến thức chăm sóc bà mẹ-trẻ em, trở thành cánh tay nối dài của ngành y tế để giúp đỡ được nhiều người hơn, đến nay, “cô đỡ thôn bản” đã được công nhận chức danh chuyên môn trong hệ thống y tế với gần 2.000 cô đỡ đang có đóng góp lớn trong việc nâng cao sức khỏe người dân.

Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng hiện là Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam. Bà cũng làm cố vấn chuyên môn ở nhiều bệnh viện, tận tình hỗ trợ các bác sĩ trẻ trong lĩnh vực sản phụ khoa, điều trị vô sinh, hiếm muộn ở nhiều tỉnh, thành phố… Ở tuổi 77, bà thức dậy lúc 5 giờ sáng hằng ngày, tập thể dục và đọc sách báo, miệt mài nghiên cứu, làm việc, cống hiến không ngơi nghỉ. Những ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện cách ly xã hội bởi dịch Covid-19, bác sĩ Ngọc Phượng “đành” ở nhà, nhưng bà không nghỉ. Bà kết hợp cùng bác sĩ Nguyễn Viết Tiến ở Hà Nội tổ chức webinar online chuyên đề lạc nội mạc tử cung gây đau vùng hạ vị và vô sinh cho phụ nữ. Nếu không vì dịch bệnh thì bác sĩ Ngọc Phượng sẽ thường xuyên đi thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm nay, bà phụng dưỡng 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở TP Hồ Chí Minh. Có lúc, trong câu chuyện thường ngày, bà thật thà: “Thiệt tình, ở với con nên con nuôi ăn rồi. Quần áo cũng đâu có cần mua gì đâu. Tiền lương hưu và tiền làm thêm, cô dành cho việc thiện nguyện thôi à”. Bà giản dị từ lời nói vậy đó. Thật tình, chẳng biết phải kể sao cho hết về bà!

THU HÒA