Mong đôi chân đừng mỏi

Nghiệp nấu ăn vận vào lúc nào không hay

Trước tháng 5-2019, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân là đầu bếp đại tài và cực kỳ có duyên. Duyên không chỉ đến từ việc nấu ăn ngon đủ các món ta, Tây, Tàu, mặn hay chay… mà còn từ việc bà rất có duyên khi nhìn ra các học trò có năng khiếu.

Năm 1993, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) muốn tìm một giáo viên có kinh nghiệm dạy nấu ăn cho Chương trình “Khéo tay hay làm”. Trung tâm Dạy nghề Tân Bình đã giới thiệu Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân tham gia chương trình. Lúc đầu, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chối đây đẩy vì nghĩ để dạy nấu ăn cho khán giả truyền hình thực sự là rất khó khăn. Sau được mọi người động viên, thuyết phục, bà nhận lời cộng tác làm thử một chương trình. Không ngờ chương trình nhận được sự phản hồi tích cực của khán giả. Cái tên Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân dần trở nên quen thuộc, sau thành thương hiệu với đông đảo khán giả truyền hình yêu thích ẩm thực.

leftcenterrightdel

Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân nay đã là sư cô Tuệ Vân. 

Nghe qua tưởng cuộc đời nữ đầu bếp này xuôi chèo mát mái, thực sự số bà quá khổ. Hồi mới vào đời, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chỉ có một ước mơ: Đứng trên bục giảng làm cô giáo. Vì ước mơ thanh cao, cô giáo Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chấp nhận khổ cực đủ bề. Nhưng rồi những biến cố cuộc đời buộc cô giáo gốc Hà Nội này (nhà trước ở phố Hàng Trống) phải chia tay bục giảng sau gần 20 năm gắn bó. Trong hai thập niên làm tròn bổn phận của một cô giáo, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã làm thêm đủ nghề để nuôi gia đình, từ dạy nấu ăn, làm bánh cho đến may vá, thêu thùa. “Con gái Hà thành mà, sướng khổ làm được hết, chỉ mong gia đình thực sự là mái ấm”. Ước mong của cô giáo Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đơn giản mà cùng cực là khó. Năm 1990, con trai út đổ bệnh hiểm nghèo, bà phải nghỉ việc dạy học để đưa con sang Australia chữa bệnh. Những ngày ở Australia, vừa chăm con, bà vừa đi làm kiếm tiền nuôi con chữa bệnh. Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân ra khỏi nhà từ sáng sớm tinh mơ và về nhà lúc đêm khuya, bà làm đủ mọi việc chỉ để kiếm 6USD/ngày, có thêm tiền nuôi và chữa bệnh cho con trai. Tôi lặng người khi biết rằng trong những ngày tháng lạnh thấu xương ở xứ người, bà còn chắt chiu tiền để gửi về cho chồng nuôi con. Mỗi lần nhớ về chuyến đi sang Australia chữa bệnh cho con, bà như bị dao cứa vào tim. Đi chữa bệnh cho con mà ra sân bay có chưa đến 10USD, được người chị kết nghĩa dúi cho 20USD nữa. Vậy là lên đường chiến đấu.

Nhưng có chuyện này thì với đầu bếp Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân còn hơn cả nỗi đau. Đó là bà thấy mình luôn có lỗi với mẹ mình. Siêu đầu bếp nhớ lại: “Năm tôi 7 tuổi, thấy mấy đứa trẻ trên phố ăn bánh bao tôi thèm quá, nằng nặc đòi mẹ mua cho. Nhà nghèo quá, mẹ vừa thương tôi vừa lo cho gia cảnh nên ngồi trong bếp khóc. Biết chuyện, tôi ân hận vô cùng, xin lỗi mẹ nhưng mẹ vẫn buồn hoài trong lòng vì thương tôi. Sau này khi lấy chồng, làm giáo viên, tôi chỉ có một ước mơ: Tiết kiệm đủ 500 đồng để biếu mẹ. Nhưng khi chỉ còn thiếu 5 đồng nữa là đủ con số mơ ước thì mẹ tôi qua đời. Nó như nỗi ám ảnh cuộc đời vậy. Về sau, đi giảng dạy ở trong nước hay nước ngoài, tôi luôn khuyên học viên hãy biết trân trọng những giây phút của hiện tại, đừng như tôi đợi đủ tiền mới biếu mẹ để rồi phải hối hận cả đời”.

Trở lại thử thách khác của cuộc đời đầu bếp gốc Hà thành này, khi bà từ Australia trở về nước thì thất nghiệp, nói thẳng ra là mất việc. Lại một thử thách đặt ra trước mặt. Vượt qua thế nào đây khi những năm tháng chăm con đã bòn rút sức lực trong cơ thể người mẹ sinh năm 1954 này. Đứng trước bàn thờ, bà cầu mong tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, niềm tin và nghị lực để vượt qua khó khăn. Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân tin rằng, chỉ cần chăm chỉ làm ăn thì sẽ vượt qua được đói nghèo. Và rồi phép màu đã dần đến với bà. Sau này, khi trở thành đầu bếp nổi tiếng, được mời sang Mỹ, Australia, Trung Quốc… dạy nấu ăn, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân vẫn giữ bên mình nụ cười duyên dáng, hiền lành của người con gái phố cổ Hà Nội. Nhớ nghề giáo, bà viết sách dạy nấu ăn (những 40 cuốn), bà hăm hở, cặm cụi viết giáo trình dạy nấu ăn để phục vụ cho công tác giảng dạy ở các trường đại học, trung tâm nấu ăn trên toàn quốc.

Biết tiếng siêu đầu bếp Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, The Culinary Institute of America (Học viện nấu ăn Mỹ) tại California mời bà thỉnh giảng. Không giỏi tiếng Anh, đầu bếp Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã tự học để truyền tải được chính xác, nhiều hơn những tinh hoa về ẩm thực Việt Nam cho người nước ngoài. Tháng 3-2011, trong lần quảng bá ẩm thực Việt Nam tại Malaysia, bà đã chinh phục được du khách khi giới thiệu miếng trầu Việt Nam qua câu chuyện dân gian “Trầu cau” cảm động.

Ở Học viện nấu ăn Mỹ, học viên thán phục cô giáo Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân về biệt tài đoán món ăn ngon hay dở qua khứu giác. Chỉ cần thoáng ngửi mùi đồ ăn, bà có thể biết chính xác món ăn mặn, ngọt, hay chua, cay ở mức độ nào. Có lần, một đầu bếp không tin khi bà khẳng định món ăn bị mặn khi chưa nếm thử. Tự ái, đầu bếp kia muốn đánh cược với bà một tháng lương. Ok. Quả nhiên món ăn mặn quá trời.

Sang Mỹ, Trung Quốc, nhiều người nghĩ sư phụ của đầu bếp Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân phải là cao nhân. Nhưng rồi mọi người chưng hửng khi thấy bà bảo: “Tôi không có sư phụ. Sư phụ của tôi chính là những người mẹ, những người phụ nữ tần tảo đi chợ sớm chiều. Chính họ đã truyền dạy cho tôi bí quyết nấu ăn ngon ngay tại sạp cá, sạp rau”.

leftcenterrightdel

 Sư cô Tuệ Vân (bên trái) làm bánh chay trong Tịnh xá Ngọc Phương ở Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh). Ảnh do nhân vật cung cấp

Duyên nơi cửa Phật

Đi đâu, làm gì, đầu bếp Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân cũng để lại tiếng thơm, cho đến một ngày tháng 5-2019, bà xuống tóc đi tu.

Trước khi làm lễ xuất gia, phật tử Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: “Và rồi tôi đã chạm vào ước nguyện từ lâu lắm rồi, không nghĩ suy. Khi nhát dao cuối cùng lướt trên da đầu. Tôi được giội nước, lau khô. Và khi mở mắt ra, tất cả trong tôi nhẹ tênh. Từ nay hoan hỉ trên con đường mình đã chọn. Không chút phân vân. Dù một mình trong căn nhà nhỏ hay ở ngôi nhà nào lớn hơn. Có bạn đồng tu… thì tôi biết mình đã chạm đúng vào ước nguyện cuối cùng”.

Tôi đồ rằng vào hè năm ngoái, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, à không, Tuệ Vân thì chính xác hơn đã òa khóc nức nở khi nhận được một món quà từ cô bé hàng xóm tầng dưới chung cư bà ở. Một chú lợn bên trong có độ mấy chục nghìn. Tiền lẻ (có cả tờ 200 đồng, 500 đồng, giờ hơi bị hiếm đấy). Người bạn nhỏ nói rằng: “Lộc của Chippy cho bà đi chợ”. Cô bé ấy có nickname khá lạ nhưng lại là người sưởi ấm cho người đầu bếp vang danh một thời.

Tu tại gia nhưng sư cô Tuệ Vân vẫn thật đời thường khi dạy nấu ăn trên YouTube (kênh Vân Du), chủ yếu là các món ăn chay, từ phở chay, cà ri chay cho đến bún Huế chay, bún riêu chay, pate chay. Mỗi chương trình thường thu hút từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn lượt xem.

Bước sang năm Tân Sửu, rất nhiều khán giả, người thân gửi lời chúc sức khỏe tới đầu bếp-sư cô Tuệ Vân qua YouTube, qua mạng xã hội. Và tôi biết, bước sang năm mới, Tuệ Vân mang trong mình nhiều ước mơ với mong muốn giúp cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn, để: “Đằng sau cánh cửa thiền, gian bếp cũng bập bùng lửa. Cũng có những món rất ngon. Rất lạ. Từ đôi bàn tay vô cùng sáng tạo và khéo léo của các tăng, ni. Các món chay không chỉ là tương, chao, dưa, cà mà thực sự rất lạ, rất công phu và cũng rất bổ dưỡng. Chỉ mong đôi chân này đừng mỏi nửa chừng, để còn được rong ruổi trên khắp nẻo đường từ Nam ra Bắc. Để được đến thăm chùa, Đảnh lễ Phật và biết thêm nhiều món ăn đậm chất thiền vị nữa”.

NGỌC OANH