Món ngon từ khế
Tuy không vinh dự đại diện cho quê hương, nhưng khế chua xứng đáng là cô Tấm – biến nhiều món ăn chân quê ngon thần tiên và trở thành những bài thuốc hết sức hiệu quả!
Nếu được chăm sóc, khế chua sẽ cho trái quanh năm – Ảnh: Tấn Tới
Cây khế quá đỗi thân quen với nhiều người, từ thôn quê đến thành thị. Song làm sao “hô biến” khế thành nhiều món ngon bài thuốc, mới là điều cần suy ngẫm.
Theo đông y, nước cốt quả khế chua giúp sinh tân dịch, giải khát và trị nóng sốt. Lá khế giã nhỏ chữa các chứng: lở loét, mẩn ngứa, sưng đau do dị ứng.
Khế rừng (Connaraceae), dùng làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi sinh, chữa đi tiểu vàng, đỏ, đái láu, mụn nhọt (Cây Nhà Lá Vườn, TS. Võ Quang Yến, trang 271)
Giống khế dễ trồng, sức đề kháng cao. Và nếu được tưới nước thường, không cần “ăn” nhiều phân bón, khế sẽ cho trái quanh năm. Tha hồ trèo hái.
Rạo rực gỏi (nộm) khế
Như có duyên “tiền định”, khế rất hợp với các loại hải sản: tôm, cua, ốc, hến…
Nhắc đến khế chua, ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thân vương triều Nguyễn (ở Gò Vấp, TP.HCM) biết nhiều món ăn bài thuốc, liền trầm trồ với món gỏi lạ. Theo đó, những quả khế xanh non, cỡ đầu đũa, là vai chính trong món gỏi này. Phụ trợ có ít trái ổi sẻ gần chua, xẻ nhỏ, với mớ đọt ổi sẻ cùng rau cây chuối hột non, bắp chuối … Vắt thêm ít nước cam giấy cho mùi chua thơm, dịu ngọt càng lan tỏa. “Bảo đảm ngon “quằn đũa”! Lại không tốn kém nhiều. Nhà nông chỉ rảo ra sau vườn, đã có ngay những nguyên liệu vừa kể, rất tươi non và an toàn”, ông Ưng Viên hào hứng chia sẻ.
Muốn thêm đạm, bạn có thể cho vào tép bạc đất hoặc thịt heo ba chỉ luộc, đậu phộng (lạc) rang giã ba, rắc ít cọng ngò rí, húng quế, ngò gai… Không ngon ngất ngây mới lạ!
Ông Ưng Viên còn tiết lộ, món gỏi “cổ” này từng là bài thuốc lành, giúp tăng sức đề kháng cho ông cha ta thời xưa.
Buông đũa còn thèm món gỏi ba khía trộn khế – Ảnh: Tạ Tri
Khi trời đất Nam bộ vào mùa mưa. Không ít con dân xứ Gò Công, Tiền Giang lại “thổn thức” về món gỏi khế ba khía. Ba khía là giống giáp xác “nhà nghèo”, đặc trưng của rừng ngập mặn Đông và Tây Nam bộ. Trước trữ lượng chúng khá nhiều, thế nên người ta bắt đem làm mắm để ăn dần. Nay “quân số” chúng đang giảm mạnh, do đất rừng bị khai thác để nuôi tôm công nghiệp hay làm cụm cảng.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa, thổ địa của vùng Cà Mau, Bạc Liêu từng ăn mắm ba khía “mòn răng”, khi thưởng thức món gỏi vừa kể đã phải trố mắt kinh ngạc. Và anh thốt lên: “Ồ! Nem công chả phụng là đây!”
Ấn tượng khó phai của món gỏi này là màu nước gỏi trắng đục tựa sữa, thơm chua thanh dịu, ngọt bùi lẫn beo béo. Càng nếm càng ghiền! Đấy là sự giao thoa giữa nước cốt trái khế chua hườm (gần chín) với thịt nạc tươi của ba khía. Thật lạ, chỉ có khế chua mới lập nên kỳ công này!