Món ngon dân dã làm từ… thịt nhái
Thịt nhái là một loại thực phẩm “hương đồng”, vị ngọt, thơm, chứa nhiều khoáng chất và dễ dàng chế biến thành những món ngon mà dân dã, như nhái xào xả ớt, nhái chiên giòn, nhái cuốn lá lốt và còn có cả món cháo nhái.
1. Thịt nhái cuốn lá lốt
Món nhái cuốn lá lốt ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu chế biến, phải tuân theo một quy trình nhất định. Trước tiên nhái bắt về làm sạch, lột bỏ da và bỏ hết nội tạng, chỉ lấy phần đùi, thịt, sau đó rửa lại bằng nước sạch, vớt ra rổ để ráo nước.
Gia giảm cho món này gồm có tỏi, hành củ, hạt tiêu, ớt, lá chanh, hẹ, sả, mắm, muối, bột ngọt trộn đều, rồi tiến hành băm nhỏ. Tiếp đến cho nhái lên thớt băm nhuyễn sao cho càng nhỏ càng tốt. Băm nhái xong thì cho gia vị vừa băm vào trộn đều để khoảng 20 phút cho ngấm. Sợi miến gạo cũng đem ngâm nước cho mềm rồi cắt khúc. Lá lốt chọn loại to bản, cuốn thịt nhái đã băm cùng ít sợi miến rồi nhẹ nhàng đặt từng miếng lên chảo mỡ đang sôi.
Chú ý khi rán phải để nhỏ lửa sao cho thịt nhái chín từ từ và lá lốt ngả màu vàng đen chứ không để cháy sẽ mất ngon. Dùng đũa nhẹ nhàng lật trở nhiều lần tới khi thịt nhái chín đều, miếng cuốn có màu vàng cánh gián và không rách nát. Sau khi rán xong gắp bày ra đĩa vẫn giữ được màu xanh của lá lốt, mùi thơm của gia vị, vị ngọt đặc trưng của thịt nhái…
Món nhái cuốn lá lốt có thể dùng ăn cùng với cơm, tẩm bổ cho người ốm, đặc biệt rất hấp dẫn cánh mày râu trong bữa “lai rai” cùng bè bạn hàn huyên gặp gỡ.
2. Nhái xào sả ớt
Nhái làm sạch, ướp muối, nước mắm, mì chính, đường, hành băm, tỏi, ớt tươi xắt lát, nghệ tươi giã nhỏ khoảng mười lăm phút cho nhái thấm gia vị. Đun nóng dầu phộng, cho sả vào đảo đều cho thơm rồi cho thịt nhái vào xào. Để lửa lớn để thịt nhái chín, thơm và không tiết ra nước. Cuối cùng, cho một ít tiêu bột vào đảo đều và múc ra đĩa, thêm một ít rau thơm thái nhỏ lên trên cho món ăn thêm nhiều hương vị. Nhái xào sả ớt ăn nóng mới ngon. Dùng một miếng bánh tráng nướng, xúc một ít thịt nhái xào sả ớt rồi từ từ thưởng thức những hương vị ngọt, thơm, béo của thịt nhái quyện với vị cay của ớt, sả, béo của dầu phộng, giòn tan của bánh tráng, thật ngon, thật thơm và đậm chất hương đồng nội.
3. Cháo nhái nước dừa
Để có được một nồi cháo đúng kiểu, đầu tiên khi bắt nhái về, làm thật sạch ruột nhái, cắt bỏ phần đầu, nhớ đừng lột da. Ngon và béo, bổ hay không là ở phần da nhái. Khi làm phần da hoặc là dùng muối ăn hoặc dùng lá ổi để vuốt sạch chất nhờn.
Nhái có thể nấu cháo bằng 2 cách: hoặc để nguyên con hoặc băm nhỏ. Ngon nhất vẫn là băm nhỏ thịt và xương khi nấu cháo. Sau khi băm thịt nhái xong, phi dầu ăn, “tao” nhái cho chín, chờ cháo chín cho nhái vào nồi là xong.
Nồi cháo thơm, ngọt còn phụ thuộc khâu nấu phải kết hợp hài hòa với nước dừa tươi. Khi nồi cháo vừa nở lúp búp thì trút hết thịt, trộn đều. Cháo sôi lại độ vài phút, nhấc xuống, nêm gia vị, vài cọng ngò, rắc thêm ít tiêu. Món cháo nhái nấu với nước dừa kèm theo chén muối lá é, vừa thổi vừa ăn thì không có gì bằng.
4. Nhái tẩm bột chiên giòn
Bắt nhái đem về chặt bỏ đầu và ngón chân, lột da, mổ nội tạng vứt đi, rửa thật sạch, ướp muối, lăn các con nhái trong bát bột mì hoặc bột năng (đã pha nước lã sền sệt), bột trở thành “lớp áo” cho con nhái đẹp mắt, thơm tho hơn. Bỏ tất cả vào chảo dầu, trộn đều tay, khi lớp bột khô chuyển sang màu vàng rơm, mùi thơm là trút ra đĩa, tắt bếp.
Món này ăn rất đơn giản, một đĩa mayonaise, đĩa tương ớt để chấm là đủ.
Bạn là người yêu thích du lịch, những món ăn cổ truyền hay đặc sản của từng vùng miền khác nhau. Hãy chia sẻ những trải nghiệm thú vị, những kinh nghiệm bổ ích của bạn tới Tintuconline qua địa chỉ mail: [email protected]
Hà Linh/VietNamNet (tổng hợp)