Món ngon chữa thiếu máu | Thiếu máu ăn gì | Thực đơn cho người thiếu máu
Thiếu máu làm cho cơ thể mệt mỏi, dẫn đến một số bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, làm suy giảm trí nhớ điều này lâu dần ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như công việc. Dưới đây Amthuc365.vn xin chia sẻ cách làm 9 món ăn phòng và chữa thiếu máu.
Ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể xảy ra thiếu máu. Thiếu máu thường đi kèm với các bệnh, nhưng đôi khi là triệu chứng chính của một số bệnh tim mạch. Thiếu máu nhẹ thường không thấy rõ, thiếu máu nặng hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng như da niêm trắng nhợt, thở gấp, tim đập nhanh, choáng váng, hoa mắt, ù tai, trí nhớ suy giảm, mất sức, chán ăn và xuất huyết…Dưới đây là các món ngon có thể giúp cho người thiếu máu:
Nội Dung Chính
1. Cháo gan lợn
Nguyên liệu:
- Gan lợn 100g,
- Vỏ lụa hạt lạc 50g,
- Gạo nếp 50g,
- Gừng tươi
- Gia vị vừa đủ.
Cách làm: Ninh gạo nếp và vỏ lạc thành cháo, cho gan lợn và gừng vào đun chừng 10 phút, nêm gia vị, ăn nóng vài lần trong ngày.
Công hiệu: gan lợn có công năng bổ gan, dưỡng huyết, vỏ lạc tốt cho dạ dày và phổi, lại có tính bổ máu; gạo nếp, gừng tươi nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hóa và tạo cảm giác ngon miệng. Loại cháo này thích hợp cho trường hợp thiếu máu thuộc thể huyết hư (mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt nhiều, sắc mặt, môi, móng tay và lưỡi trắng nhợt, hay hồi hộp tức ngực, kinh nguyệt lượng ít sắc nhạt hoặc bế kinh).
2. Gà hầm hoàng kỳ
Nguyên liệu:
- Thịt gà 100g,
- Sinh hoàng kỳ 20g,
- Đương quy 10g,
- Đẳng sâm 20g,
- Gừng tươi 15g,
- Đại táo 10 quả.
Cách làm: Thịt gà chặt miếng, gừng giã nát, các vị thuốc rửa sạch, tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa chừng 2 giờ là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Công hiệu: Hoàng kỳ là vị thuốc chính có công dụng đại bổ tỳ khí và phế khí, đương quy bổ huyết, hai vị phối hợp với nhau giúp cho khí và huyết đều được phục hồi, thúc đẩy quá trình tái tạo các tế bào máu. Dùng cho người thiếu máu thuộc thể khí huyết lưỡng hư (đầu choáng mắt hoa, tiếng nói nhỏ yếu, khó thở, dễ hồi hộp, hay chảy máu cam và chân răng, sắc mặt và niêm mạc nhợt nhạt).
3. Trứng gà – hà thủ ô
Nguyên liệu:
- Trứng gà 2 quả,
- Hà thủ ô 50g.
Cách làm: Đun nhỏ lửa trong 30 phút. Bóc bỏ vỏ trứng rồi đun tiếp khoảng 60-90 phút là được, chế thêm đường đỏ, ăn trứng uống nước trong ngày.
Công hiệu: Món ăn này tốt cho người thiếu máu thuộc thể can thận hư, biểu hiện: Đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, lưng đau gối mỏi, giấc ngủ không sâu nhiều mộng mị, di – mộng tinh, tiểu đêm nhiều lần, trí nhớ giảm sút, đại tiện táo kết hoặc khó đi. Trong bài, hà thủ ô bổ gan thận, tăng tinh dưỡng huyết; trứng gà bổ huyết.
Nhung hươu hầm thịt gà
Nguyên liệu:
- Nhung hươu 5g,
- Thịt gà 100g,
- Gừng tươi 10g.
Cách làm: Ninh kĩ thịt gà và gừng trong 60 phút, cho nhung hươu vào đun tiếp trong 120 phút, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần.
Công hiệu: Món này dùng cho người thiếu máu thuộc thể tỳ thận dương hư, biểu hiện: Sợ lạnh, tay chân lạnh, gân cốt suy yếu, lưng đau gối mỏi, tiểu đêm nhiều lần, di tinh, hoạt tinh, liệt dương, xuất tinh sớm, khó thụ thai, mệt mỏi, đầu nặng mắt hoa, tai ù, sắc mặt nhợt nhạt, có thể có phù nhẹ chi dưới, đại tiện lỏng loãng… Trong bài, nhung hươu giúp ôn thận tráng dương, ích tinh tủy, bổ khí huyết; thịt gà bổ tinh dưỡng huyết. Hai vị phối hợp với nhau có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu rất tốt. Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh nhung hươu có khả năng thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu và gia tăng lượng huyết sắc tố.
5. Thịt gà tam thất
Nguyên liệu:
- Tam thất 10g,
- Thịt gà 150g,
- Gừng tươi 10g.
Cách làm: Thịt gà làm sạch chặt miếng nhỏ, tam thất thái phiến mỏng, gừng giã nát. Tất cả cho vào bát, chế đủ nước, đậy kín miệng rồi đem hấp cách thủy trong 2 giờ, nêm đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Công hiệu: Món ăn này có công dụng hoạt huyết, dưỡng huyết, cầm máu, dùng cho người bị thiếu máu thuộc thể khí trệ huyết ứ, biểu hiện: Sắc mặt xám nhợt, hay bị xuất huyết dưới da, dễ chảy máu chân răng, chảy máu cam, phụ nữ kinh nguyệt không đều, thống kinh, kinh sắc tối và có máu cục, lưỡi có những điểm tím, toàn trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
6. Hạt sen hầm long nhãn táo tàu
Nguyên liệu:
- Hạt sen 30g,
- Long nhãn 30g,
- Vài quả táo tàu,
- Đường phèn lượng vừa đủ.
Cách làm: Ngâm hạt sen cho nở, bỏ tâm, rửa sạch. Sau đó cho hạt sen, long nhãn, vài quả táo tàu vào nồi đun với lượng nước vừa đủ. Thêm đường phèn sau khi sen đã nhừ.
Công hiệu: Món này có tác dụng bổ máu, kiện tì vị, thích hợp cho những người bị thiếu máu, thần kinh suy nhược, tâm bất an, hay quên, ngủ không ngon…Có thể ăn 1-2 lần/ngày, dùng thường xuyên.
7. Canh gan gà cà chua
Nguyên liệu:
- Gan gà,
- Cà chua mỗi loại 200g,
- Mộc nhĩ 12 nhánh,
- Dầu ăn,
- Mì chính,
- Nước dùng, muối ăn, hạt tiêu.
Cách làm: Cà chua và gan gà rửa sạch, thái miếng. Đun sôi nước dùng, sau đó cho gan gà, mộc nhĩ, cà chua, hạt tiêu, muối ăn, mì chính, và một chút dầu ăn vào nấu cho tới khi gan gà chín.
Công hiệu: Món này có tác dụng bổ huyết, tăng cường sức khoẻ, thích hợp với người hay bị hoa mắt chóng mặt do thiếu máu.
8. Táo tàu hấp mộc nhĩ đen
Nguyên liệu:
- Táo tàu 50g,
- Mộc nhĩ đen 15g,
- Đường phèn lượng vừa đủ.
Cách làm: Ngâm mộc nhĩ đen và táo tàu trong nước ấm. Sau đó cho vào một bát con, với lượng đường phèn vừa đủ. Đặt bát vào nồi hấp trong 1 giờ.
Công hiệu: Món này có tác dụng bồi bổ khí huyết, thích hợp với người hay bị chóng mặt, ù tai, sắc mặt nhợt nhạt, hay hụt hơi, hay tê mỏi, thiếu sức lực…do thiếu máu.
9. Canh đậu phụ nấm hương
Nguyên liệu:
- Nấm hương khô 25g,
- Đậu phụ 400g,
- Dầu ăn, muối ăn, hạt tiêu, hành hoa.
Cách làm: Ngâm rửa sạch nấm hương với nước ấm, sau đó thái sợi. Đun sôi nước nấm hương cùng chút dầu ăn, sau đó cho nấm hương đã thái sợi, đậu phụ, muối ăn, hạt tiêu vào nấu chín.
Công dụng: Món này có tác dụng kiện tì vị, bồi bổ cơ thể suy nhược, thích hợp cho người bị thiếu máu, thiếu canxi, hoặc người mới ốm dậy.
Sưu tầm