Món ngon cho ngày lễ 30/4 – 1/5 | GÓC ẨM THỰC | BÀ LIỄU MẸ

GÓC ẨM THỰC – Món ngon cho dịp lễ 30/4 – 1/5

24/04/2019

Một chuyên mục hoàn toàn mới của Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, nơi bạn có thể tìm thấy tất cả mọi thứ từ những món ăn, cách chế biến cho đến những sự thật thú vị về văn hóa ẩm thực khắp mọi nơi trên thế giới. Chuyên mục đó chính là Góc ẩm thực. 

 

Góc ẩm thực - Món ngon cho dịp lễ 30/4 - 1/5

 

Ở phần đầu tiên của Góc ẩm thực, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những món ăn dành cho dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 đang đến gần. Đây là khoảng thời gian bạn dành cho gia đình, hãy cùng với chúng tôi – Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ – đặc sản khô Đà Nẵng, vào bếp và thực hiện một số món ngon chiêu đãi cả nhà.

 

1. Nộm cùi dưa hấu giòn mát

Đầu tiên là món Nộm cùi dưa hấu. Dưa hấu là loại thực phẩm vô cùng quen thuộc với người Việt, chúng có những tác dụng tuyệt vời như tốt cho tim mạch, xương cốt, giảm mỡ, chống viêm nhiễm và oxi hóa, cùng với vô vàn những tác dụng khác. Vậy để so sánh với những lợi ích tuyệt vời của phần ruột dưa thì cùi dưa hấu có tác dụng như thế nào, có thực sự là chúng không có tác dụng gì hay không? 

 

Nộm cùi dưa hấu

 

Theo chúng tôi, cùi dưa hấu có những công dụng khá tuyệt vời, đặc biệt là trong khâu trang trí món ăn, giúp món ăn trở nên ngon và bắt mắt hơn. Cùi dưa hấu có rất nhiều tác dụng trong việc thanh nhiệt giải độc, trị mụn. Chính vì vậy các bạn hãy tận dụng chính cái phần cùi dưa hấu để làm món nộm ngon có vị thanh mát để cho bữa ăn gia đình thêm thơm ngon và độc đáo hơn.

 

Vì vậy đừng vội bỏ đi phần cùi dưa hấu, bạn có thể sử dụng chúng để chế biến thành món nộm rất ngon, vừa giòn vừa mát dành đãi cả nhà vào những ngày nắng nóng.

 

Nguyên liệu:

 

– Cùi của 1/4 quả dưa hấu

– 200g tôm

– 1 củ cà rốt nhỏ

– Gia vị. Bao gồm: nước mắm, ớt quả, đường, tỏi, muối, giấm, chanh, lạc rang, rau thơm, rau răm.

 

Cách làm nộm cùi dưa hấu

 

Bước 1:

– Tôm rút chỉ đen trên lưng và rửa sạch.

– Cho tỏi, một ít dầu ăn và bỏ tôm vào nồi đảo đều đến khi tôm chín, đổ tôm ra bát để riêng.

 

rút chỉ đen ở Tôm

 

Bước 2:

– Dưa hấu gọt bỏ phần vỏ cứng bên ngoài, để lại phần cùi trắng. Thái dưa thành những sợi vừa ăn.

– Cho dưa vào âu, thêm nửa thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ đường, trộn đều, ướp khoảng 1-2 tiếng.

 

Bước 3:

– Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái sợi.

– Cho cà rốt vào âu, thêm nửa thìa nhỏ muối, một thìa nhỏ giấm gạo, một thìa nhỏ đường, trộn đều, để khoảng 15 phút.

– Các loại rau thơm rửa sạch, cắt nhỏ. 

 

Tỏi, ớt giã nhuyễn, pha một thìa canh nước mắm, một thìa canh đường, nửa thìa canh nước lọc, khuấy cho đường tan thì cho ớt tỏi vào và vắt thêm vài giọt chanh.

 

Cà rốt, dưa hấu sau khi ướp, bạn dùng tay vắt ráo, cho vào âu sạch. Bạn thêm tôm, nước mắm, lạc rang, các loại rau thơm, trộn đều nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.

Tham khảo:

>>>  Top 7 đặc sản Đà Nẵng làm quà nổi tiếng không thể bỏ qua

chả bò Đà Nẵng

 

2. Vịt nấu giả cầy

Món tiếp theo trong thực đơn món ăn dành cho dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 chính là Vịt nấu giả cầy. Một món ăn đậm đà và khá quen thuộc với người miền Bắc. Một cách ngắn gọn thì Giả cầy là món ăn nổi tiếng của người miền Bắc, thường được nấu từ chân giò heo hoặc thịt vịt…

 

vịt giả cầy

 

Nguyên liệu chính của giả cầy là thịt, mẻ và các gia vị mạnh như riềng, mắm tôm, hành, tỏi, nghệ… đem đến một hương vị rất đặc biệt và kích thích. Nếu nấu một nồi giả cầy, đứng cách cả trăm mét vẫn ngửi thấy mùi thơm sực nức, ăn một lần thì nhớ mãi không quên.

 

Nguyên liệu:

 

– Vịt xiêm: ½ con (1-1,2kg)

– 1 củ riềng, 1 củ tỏi, 1 nhánh gừng, 2 trái ớt, mắm tôm, mẻ, bột nghệ, muối, dầu ăn, bột nêm.

 

Cách làm Vịt nấu giả cầy

 

Bước 1:

– Vịt làm sạch, bóp với chút rượu, muối và gừng giã dập cho sạch.

– Bạn rửa lại thật sạch, để ráo và cho lên bếp thui vàng, xém các mặt. Sau đó chặt thành miếng vuông vừa ăn.

 

Bước 2:

– Riềng cạo bỏ rễ, vỏ sau đó rửa sạch, xắt miếng rồi đem xay hoặc giã nhỏ.

– Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, bằm nhỏ. Ớt rửa sạch, xắt nhỏ. Mẻ lọc qua rây lấy loại bỏ phần bã.

 

Bước 3:

– Ướp thịt vịt với riềng, mẻ, mắm tôm và 1 thìa nhỏ bột nghệ để khoảng 30-45 phút cho thịt vịt ngấm gia vị.

 

Bước 4:

– Bắc nồi lên bếp, thêm 1 thìa dầu ăn. Dầu nóng già cho tỏi đã bằm nhỏ ở trên vào phi thơm.

– Tiếp đến cho thịt vịt đã ướp gia vị vào xào săn.

 

Bước 5:

– Vịt săn, ngấm đều gia vị, thêm ít nước sôi vào đun nhỏ lửa đến khi nước cạn, vịt chín mềm.

– Nêm nếm cho vừa ăn là được.

 

3. Sườn heo chiên xù

sườn heo chiên xù

 

Sườn heo chiên xù là 1 món ăn với cách làm khá đơn giản nhưng lại rất “được lòng” mọi người khi thưởng thức. Cơ bản là vì sườn heo là 1 món khá dễ chế biến, và chúng mình chỉ sáng tạo 1 chút để đổi vị món ăn cho mới mẻ và hấp dẫn hơn thôi. Cách làm sườn heo chiên xù không hề khó, các bạn có thể tham khảo công thức mà mình chia sẻ ngay sau đây nhé, đảm bảo sẽ thành công từ lần đầu tiên.

 

Nguyên liệu:

 

– 500g thịt sườn heo,

– 1 muỗng cà phê bột nêm, 1/2muỗng cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê muối

– 1 trứng gà + 20 ml sữa đánh tan trong 1 cái chén, 1/2 chén bột mì, 1 chén bột chiên xù.

 

Cách làm Sườn heo chiên xù

 

Bước 1:

– Sườn heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Sau đó luộc sơ qua nước sôi (4 -5 phút) có pha chút muối. Đổ sườn ra rổ, xả qua nước lạnh cho sạch.

 

Bước 2:

– Ướp bột nêm, muối, tiêu vào sườn, để 20 phút cho thịt thấm. Sau đó lăn sườn qua bột mì, rồi nhúng vào trứng gà. Cuối cùng lăn qua bột chiên xù.

 

Bước 3:

– Bắc chảo dầu lên bếp, chờ dầu nóng cho từng miếng sườn vào chiên với lửa vừa. Khi sườn vàng chín giòn thì gắp ra dĩa có lót giấy thấm dầu.

 

Trình bày:

 

Sườn heo chiên giòn cho ra đĩa, có dưa leo, xà lách. Món này ăn nóng với cơm, chấm với tương ớt chua ngọt rất ngon.

 

Trên đây là 3 món ngon cho dịp lễ 30/4 – 1/5 mà bạn có thể dễ dàng chế biến tại nhà. Chúc các bạn thành công và có những bữa ăn ấm áp với gia đình, người thân và bạn bè. Hẹn gặp lại các bạn vào số thứ 2 của Góc ẩm thực. 

 

Đặc sản Đà Nẵng làm quà:  https://www.banhkhome.com/