Món canh ngày xưa tôi ghét nhưng giờ Tết đến chỉ mong được mẹ nấu cho ăn!
–
Thứ hai, 09/01/2023 07:09 (GMT+7)
Ngày còn nhỏ, tôi ghét ăn khổ qua vì vị đắng chát. Đối với tôi, canh khổ qua là món ăn cực hình. Nhưng trải qua năm tháng, từng mùa Tết đến, nếu không có món ăn này của mẹ, tự dưng tôi thấy thiếu và trống trải.
Món canh khổ qua luôn xuất hiện trong ngày Tết của mẹ. Ảnh minh hoạ: Nguyên An.
Mẹ là người đảm đang trong chuyện bếp núc. Bà luôn tỉ mỉ cặm cụi tìm hiểu và học từng món ăn để nấu cho gia đình.
Ngày xưa, khi gia đình tôi nghèo, căn nhà vết bằng bùn non và rơm rạ. Vào mùa rét đến, gió thổi qua từng ô cửa, len vào tận phòng ngủ làm chúng tôi lạnh buốt.
Tôi nhớ, thời điểm đó, mẹ lúc nào cũng thức khuya, không chợp mắt được. Bà đi lấy từng chiếc áo cũ, quấn kín các khung cửa sổ để chúng tôi đỡ lạnh.
Và sau đó, vào mỗi bữa ăn, mẹ luôn nấu canh khổ qua để giúp chúng tôi giải cảm. Món ăn này ngày xưa với tôi là cực hình. Bởi tôi ghét vị đắng của khổ qua. Càng ghét hơn vì món ăn này không chỉ xuất hiện ngày thường mà còn trong mỗi dịp Tết.
Có những tôi lén giấu mẹ, vớt khổ qua đổ ra vườn vì không ăn được. Bà giận lắm, trách tôi rồi mắt đỏ hoe. Bà bảo ngày xưa khi còn nhỏ, món canh được bà ngoại nấu, nhưng chỉ vào dịp đặc biệt vì không có tiền mua thịt, mua khổ qua… Bây giờ, tôi lại phung phí đồ ăn.
Hồi nhỏ ghét là thế, nhưng khi trưởng thành, Tết đến, tôi cứ thèm món canh khổ qua của mẹ. Cả nhà ai cũng biết mẹ chăm chút để chuẩn bị món khổ qua hầm cho 3 ngày Tết kỳ công cỡ nào.
Một lần tôi hỏi mẹ tại sao mẹ lại chú trọng nhất món canh khổ qua, thay vì rất nhiều món ăn truyền thống trên mâm cơm ngày Tết khác?
Mẹ nói rằng, ăn canh khổ qua đầu năm mới là tập tục bao đời nay của ông cha ta, với niềm tin, niềm hy vọng những khó khăn, gian khổ sẽ qua đi, may mắn sẽ đến.
Mẹ mong từng đứa con của mẹ bước sang một năm mới nhiều may mắn, thuận lợi hơn. Vậy nên, dù có chút vất vả, có đáng gì đâu so với sự an tâm về một khởi đầu nhiều suôn sẻ.
Tôi lớn từ nồi canh khổ qua của mẹ, từ từ hiểu được vị đắng trong đó lại chứa đựng sự ngọt ngào từ tình thương của mẹ. Rồi dần dà, từ một người sợ ăn đắng, tôi lại không thể quên hương vị canh khổ qua mẹ nấu.
Món canh theo tôi trên cả quãng đường đời, khi ra trường, trải qua muôn vàn gian khó, cứ nghĩ đến mẹ, nghĩ đến câu nói “rồi khổ nó cũng qua” mà luôn phấn đấu đi lên,
Ngày cuối năm, tôi loanh quanh phụ mẹ việc nhà. Khi nào cũng háo hức với nồi khổ qua hầm của mẹ. Niềm háo hức ấy không chỉ có sự yêu thương mà còn mang theo cả hy vọng.
Mẹ đã lớn tuổi lắm rồi, tóc cũng bạc trắng cả đầu. Bà hay cười xoà với chúng tôi: “Tết nào về thấy mẹ ở chái bếp nấu khổ qua là biết mẹ còn khoẻ, còn năm nào đó về không thấy nấu nữa thì mẹ “mệt” rồi đấy!”.
Câu nói của mẹ chợt làm lòng tôi quặn thắt. Tuổi trẻ của tôi xa nhà và mưu sinh ở nơi đất khách quê người, có những lúc chỉ muốn được sà vào lòng mẹ trong ngày cuối năm. Để rồi chỉ muốn nói với bà: “Năm nào Tết đến, mẹ cũng nấu canh khổ qua được không?”