Món bánh canh cua trong chợ Nguyễn Tri Phương khiến người dù ở xa vẫn phải tìm đến
Nội Dung Chính
Món bánh canh cua của các bà nội trợ
Các ông hay nhậu thường khoe khoang biết quán này ngon, chỗ nọ đẹp, quán kia có món nọ ngon nhức nách, vô tiệm chỗ đó có món ăn không đụng hàng… Rồi một bộ phận khác lại có sở thích với những nhà hàng sang trọng, có danh tiếng, thương hiệu. Nhưng nếu chỉ có vậy, thì bỏ mất một mảng lớn của ẩm thực Sài Gòn.
Bánh canh cua vào giờ cao điểm
Chị Phương Cao (quận 1) cho biết: “Những gì vừa liệt kê đều không sai. Sài Gòn còn một đối tượng rất sành ăn mà mọi người ít để ý. Đấy chính là những bà nội trợ. Với những bà nội trợ, chuyện chợ búa hàng ngày để bếp núc là chuyện hàng ngày.
Trong những lần đi chợ như vậy, họ thường ghé những hàng ăn hàng uống ở trong chợ. Nhờ những trải nghiệm đó, họ biết rất nhiều những quán ăn ngon trong các khu chợ. Bởi chỉ là hàng ăn trong chợ, lại phục vụ đối tượng khách là người đi chợ, nên danh tiếng không nổi bằng các hàng quán ngoài đường.
Tuy nhiên, không phải vì như vậy mà chất lượng không đảm bảo. Có những hàng quán nổi như cồn: bánh bèo chợ Bến Thành, bánh bèo chợ Vườn Chuối, bánh lọt chợ Bàn Cờ. Hoặc có khi cả khu chợ là khu ăn uống, như chợ Hồ Thị Kỷ. Bữa nào, thử tìm đến một quán bánh canh cua trong chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10): bánh canh cua Thu Hồng”.
Nói phải đi đôi với làm, huống hồ lại là một quán ăn ngon nữa. Quán bánh canh này nằm trong chợ Nguyễn Tri Phương, đi vào từ một con hẻm trên đường Bà Hạt. Không cần Google maps, không cần các ứng dụng chỉ đường, cứ vào đến chợ Nguyễn Tri Phương, hỏi bánh canh cua Thu Hồng ở đâu, người ta chỉ cho ngay.
Ấn tượng chén nước chấm
Thực tế, khi bước đến quán, ấn tượng ban đầu chẳng có gì đặc biệt: không có gì khác so với những hàng ăn thường thấy trong các ngôi chợ. Cũng chỉ bàn inox, ghế nhựa. Có điều, xe cộ thì để đông nghẹt. Khi chúng tôi đến, không còn chỗ để xe, chủ quán bảo chịu khó vòng lại để ra ngoài gửi xe.
Bánh canh tôm cua bên cạnh chén nước chấm hợp vị
Ở đây chỉ bán 2 món: bánh canh tôm cua và bánh canh giò heo. Cua là cua biển đã gỡ ra; tôm là tôm sú loại lớn đã lột sẵn; giò heo có giò mỡ, giò nạc, giò gân.
Tùy cách ăn sẽ có cách phối khác nhau: người chỉ ăn tôm; người chỉ ăn cua; người gọi tôm cua; người thích bánh canh giò; người thích có đủ cả tôm, cua, giò.
Đang chờ đến lượt gọi món, có bà chị nọ vào quán hỏi ngay: “Bánh canh có giò không em?”. Chủ quán đáp: “Có chứ”. Bà chị nọ bèn gọi: “Vậy cho một tô không giò”. Người nghe cảm thấy vừa chưng hửng, vừa buồn cười, chủ quán quay sang giải thích: “Bà chị này khách quen của quán, hay giỡn như vậy đó”.
Sau khi quý khách an tọa, mọi người gọi món theo nhu cầu cá nhân. Nhận xét trước tiên: nước chấm ngon hết nước chấm. Cũng chỉ là nước mắm thông thường, nặn thêm chút chanh, trên mặt chén nước chấm vẫn còn những múi chanh nhỏ li ti, thêm vào ít ớt băm, quậy quậy lên. Ấy vậy nhưng đi với món bánh canh có nước lèo sền sệt lại cực bắt.
Tiếp theo, tô bánh canh nhìn hơi bé, e rằng không bõ dính răng đối với một người có sức ăn mạnh. Điều này chị Phương Cao cũng nói thêm: “Bánh canh cua là hàng ăn vặt trong chợ. Ăn cốt sao cho ngon, về còn nấu nướng. Ăn mà no cành hông thì sao mà ăn cơm với chồng con được nữa?
Gặp phải thằng chồng xét nét, biết vợ xén tiền chợ đi ăn hàng, nó lại càm ràm cho. Nói vậy chứ, có bữa chị cũng quất 2 tô. Về nhà làm bộ xìu xìu ển ển rồi bỏ cơm, làm lão chồng tưởng chị mày bị bệnh, lo lắng cả đêm”.
Còn đây là bánh canh cua
Những người phương xa cũng tìm đến quán bánh canh cua
Ngồi chung dãy bàn, còn có những thực khách khác. Té ra họ đều là những người đến từ phương xa.
Chị Bích Châu (Đồng Tháp) nói: “Cách nay vài năm, khi lên Sài Gòn, hỏi thằng bạn ở đây có món gì độc độc không. Nó dẫn đến quán bánh canh cua này. Ăn một lần nhớ mãi, cứ lên Sài Gòn là tôi phải ghé ở đây ăn mới được”.
Cô Tám (An Giang) kể: “Lần trước tôi lên tái khám ở bệnh viện Chợ Rẫy. Khám xong buổi trưa, không nuốt nổi cơm; được thằng cháu nội dắt qua chỗ này ăn thử. Công nhận buổi trưa mệt mỏi, ăn cái này dễ nuốt. Từ đó về sau, thỉnh thoảng tôi lại đến đây ăn bánh canh cua”.
Ngồi xa hơn đằng kia, có một nhóm anh chị người Hoa cũng đang ngồi ăn. Bỗng chốc họ nghe điện thoại, trao đổi bằng tiếng Hoa, xí xô xí xào, người xung quanh chỉ nghe được sáu chữ “bánh canh cua chợ Nguyễn Tri Phương”. Chỉ một lúc sau, có thêm người đến. Té ra họ gọi rủ người thân đến ăn cùng.
Chủ quán chỉ vẽ thêm
Chủ quán Thu Hồng thì cho biết sơ sơ về lai lịch và tình hình của quán: “Quán mở ở đây cũng lâu rồi. Hồi trước là bán từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Có điều sau vụ dịch, nhiều người họ ngại ra hàng quán. Nên giờ chỉ bán đến 3 giờ chiều thôi. Mấy chị bạn hàng có kể, có nhiều khách 4 giờ chiều tìm đến, nhưng thấy quán không bán, lại tiu nghỉu ra về.
Bù lại, có thêm nhiều khách mua mang về. Ở đây chỉ mới nhận bán mang về qua điện thoại, chứ chưa tiến hành cho đặt ăn qua các ứng dụng đặt đồ ăn. Không phải là mình chậm tiến, chủ yếu sợ rằng bán thêm qua các ứng dụng, lại đông quá, phục vụ không kịp, lại có lỗi với khách.”
Tất bật chuẩn bị cho khách mua mang về
Chị Thu Hồng còn dặn dò: “Thường ở đây, ăn bánh canh người ta sẽ gọi thêm một ly rau má đậu. Không hiểu sao, bánh canh cua đi với rau má đậu lại rất hợp. Mấy đứa kêu thử coi”. Chủ quán đã dặn vậy rồi, đã mò đến tận đây để ăn bánh canh, cớ sao lại chẳng dám gọi thêm một ly rau má đậu?