Món ăn “vạn người mê” nhưng bác sĩ khuyên chỉ nên ăn 2-3 lần/năm

Thịt chó được nhiều người, đặc biệt là các quý ông mê nhậu yêu thích với các món như luộc, nướng, quay, hấp, nấu rượu mận, xào lăn, xáo măng, lẩu…

Về giá trị dinh dưỡng, thịt chó chứa một số thành phần cơ bản như protein, lipit, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, Vitamin C, canxi, sắt…

Theo Đông y, thịt chó có vị mặn, tính ấm, xương chó có vị ngọt, tính ấm làm mạnh gân cốt, sinh cơ chống rét và hoạt huyết. Từ xưa, thịt chó đã được nhiều người sử dụng như một phương thuốc điều trị các bệnh đau xương mỏi gối, đau nhức cơ thể do lạnh.

Đáng chú ý, thịt chó còn được truyền tai như món ăn bổ dưỡng tốt cho sinh lý nam giới, có khả năng “giải đen”. Tuy nhiên, thịt chó có thực sự an toàn và nhiều công dụng như những lời đồn thổi?

Trao đổi với Infonet về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nếu ăn phải thịt chó bị đánh bả thì rất nguy hiểm. Nhẹ thì người ăn có thể nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy,… nặng có thể tử vong. Vì bả chó được làm từ thuốc trừ sâu, thuốc chuột,… nên khả năng gây ngộ độc rất cao.

Ngoài ra, trong cơ thể chó chứa nhiều loại sán, giun, ấu trùng có thể nhiễm bệnh cho người. Lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó (Toxocara canis) có thể gây mù mắt, chứng điên loạn hoặc suy yếu các bộ phận nơi sán trú ngụ khác như gan, lách, phổi. Người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng. Đặc biệt, nhiễm virus dại từ chó rất nguy hiểm.

Đời sống - Món ăn 'vạn người mê' nhưng bác sĩ khuyên chỉ nên ăn 2-3 lần/năm

Thịt chó chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Ảnh minh họa.

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Giảng viên khoa Truyền Nhiễm (Đại học Y Hà Nội) cho biết, những người có thói quen ăn tiết canh chó, thịt chưa nấu chín kỹ hoàn toàn có thể mắc bệnh dại.

Thực tế, vì tâm lý muốn thử các món “lạ miệng” từ chó mà không ít người bất chấp tính mạng ăn tiết canh chó được chế biến từ máu chó sống. Kết quả là nhiều bệnh nhân dù không bị chó cắn nhưng vẫn lên cơn dại và thiệt mạng do nhiễm virus gây bệnh dại có trong tiết canh chó.

Và kể cả khi virus dại bị tiêu diệt khi thịt được nấu chín hoàn toàn nhưng trong quá trình mang chó về, người ta không phân biệt được con chó nào bị dại, con nào không. Nước dãi của chó chứa các virus dại, dễ rơi rớt sang các chỗ khác như quần áo của người giết thịt chó, rơi vào dao thớt, qua ruồi rồi rơi vãi vào thức ăn gây hiện tượng nhiễm chéo.

Dù chó chưa lên cơn dại vẫn có thể có virus dại tiềm ẩn. Do đó, chơi, vuốt ve hoặc tiếp xúc với chó có virus dại khi có vết thương hở khiến nguy cơ lây bệnh rất cao. Do bệnh dại có thời gian ủ bệnh trung bình từ 10 ngày đến 2 năm khiến việc điều trị khó khăn.

Đối với chó được tiêm vắc-xin cũng gây nguy hiểm cho người ăn bởi hàm lượng vắc-xin dại trong thịt rất cao, đủ sức gây yếu, tê liệt hệ thần kinh trung ương theo thời gian.

Trong khi đó, Lương y Lương Cao Cường, Hội Đông Y Tp.Hà Nội nhấn mạnh, thịt chó giàu chất đạm nhưng lại có tính nhiệt, vì thế khi ăn quá nhiều thịt chó dễ gây nóng, khó tiêu, chướng bụng. Thường xuyên ăn thịt chó trong thời gian dài, cơ thể khó tiêu hóa, thận, gan làm việc không đáp ứng được nên dễ mắc các bệnh về gan như xơ gan hay suy thận, gout.

Trước đây, tại Việt Nam, từng xảy ra trường hợp một người đàn ông tên V. ở Thanh Oai, Hà Nội, rất mê món thịt chó. Vì quá thích ăn thịt chó mà ông V. sử dụng loại thực phẩm này trong hầu hết các bữa ăn hàng ngày, 15 năm liên tiếp. Chỉ khi phải nhập viện với triệu chứng sốt, phù chân, bụng trướng, đau tức hạ sườn, vàng da, kém ăn ông V. mới biết mình bị xơ gan và suy thận.

Đối với phụ nữ mang thai thì ăn thịt chó không chỉ gây khó tiêu, đầy bụng mà còn ảnh hưởng đến việc ăn uống những loại thức ăn khác, bên cạnh đó còn làm tăng axit uric trong máu khiến thai phụ đối mặt với nguy cơ tiền sản giật hoặc sản giật cao.

Đối với người bệnh gout, cao huyết áp, người bị bệnh đái tháo đường, tim mạch tuyệt đối không nên ăn thịt chó do thịt chó chứa lượng đạm cao, khiến bệnh nặng hơn bởi dư hàm lượng axit uric.

Những bệnh nhân bị viêm gan bất kể nặng hay nhẹ và bệnh nhân ung thư cũng không được ăn thịt chó. Bởi thịt chó sẽ làm cho bệnh phát triển nặng hơn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và khả năng phục hồi.

Ngoài ra, thịt chó không phải là món ăn thích hợp cho những người kém chịu nóng, táo bón hay có hệ tiêu hóa kém. Thịt chó có tính ấm, ăn vào sẽ càng làm tình trạng thêm táo bón nặng hơn.

Đặc biệt, món thịt chó nướng còn độc hơn nhiều so với thịt nướng thông thường. GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng nhấn mạnh, đây là món khoái khẩu của nhiều người dù biết khả năng gây khối u họ vẫn không từ bỏ được thú vui ăn uống này.

“Tôi không dám ngăn bạn không bao giờ ăn, nhưng khuyên bạn một năm chỉ nên ăn 2-3 lần với thời gian cách nhau”, GS Lê Danh Tuyên khuyến cáo.

Bởi theo GS Tuyên, khi nướng ở nhiệt độ cao, acid amin và chất creatine có trong thịt phản ứng tạo ra nhóm amin vòng phức (HCAs – Heterocyclic amines).

Giới khoa học đã nhận diện được 17 chất HCA có khả năng gây ung thư. Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã phát hiện ra mối liên quan giữa việc ăn nhiều thịt nướng và ung thư dạ dày, ruột già và tụy tạng

“Một nhóm độc tố khác cũng phát sinh trong khói lửa khi nướng thịt, đó là nhóm hydrocarbon phương hương đa vòng (PAHs – Polycyclic Aromatic Hydrocarbons). Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã điểm mặt 7 chất PAH có thể gây ung thư, đột biến gen, sinh quái thai,… mà chất đầu tiên bị tóm cổ là benzopyrene được tìm thấy trong khói thuốc lá”, GS Lê Danh Tuyên nhấn mạnh.

Minh Hoa (t/h theo Infonet, VTC)