Món ăn được coi là đặc sản miền Tây, nhà có cỗ hôm sau mới được ăn
Mỗi vùng miền sẽ có thật nhiều món đặc sản khác nhau, chúng phục vụ cho những du khách khi tới để thưởng thức thử, hay mua về làm quà cho bạn bè và người thân.
Tuy nhiên ở miền Tây Nam Bộ, còn có một món được coi là đặc sản vô cùng đặc biệt. Món ăn này du khách du lịch không dễ dàng có thể được ăn thử, nhưng đối với những người con xa xứ lâu ngày thì sẽ luôn luôn nhớ về.
Nó cũng có cái tên vô cùng lạ tai, xà bần. Vậy món ăn này là gì mà lại “hiếm có”, nhưng lại khiến người ta phải thương nhớ như thế?
Ý nghĩa ban đầu của cái tên xà bần
Theo phương ngữ, khẩu ngữ dân gian thì “xà bần” là danh từ dùng để chỉ đồ phế thải từ các công trình xây dựng như gạch ngói, vôi vữa, gỗ đá, thùng xếp, vật liệu hỗn hợp… Thường thì xà bần được sinh ra trong quá trình sửa chữa hoặc khi phá hủy các công trình cũ để xây mới.
Người ta cũng phân xà bần thành nhiều loại khác nhau, trong đó xà bần có thành phần vật liệu đồng nhất và sạch, như gạch vỡ, bê tông vụn, vào loại chất lượng, hàng xịn, có thể tái sử dụng cho nhiều mục đích khác như làm nền nhà.
Xà bần vốn là cái tên được sử dụng phổ biến trong xây dựng. (Ảnh minh họa)
Còn loại xà bần hỗn hợp nhiều tạp, gồm nhiều vật liệu lẫn lộn như đá gạch lộn với gỗ, đất thì khó tái sử dụng. Người ta gọi loại này là “nhiều rác”.
Món ăn mang tên xà bần, được coi là đặc sản
Tưởng như chỉ có ý nghĩa trong xây dựng là thế, những cái tên xà bần lại gắn liền với cả một món ăn. Đây không chỉ là món ăn thông thường, mà còn được coi là đặc sản vùng Tây Nam Bộ.
Thành phần của món xà bần miền Tây không cố định, bởi nó phụ thuộc vào loại món ăn và số lượng thức ăn thừa.
Theo lời một số người miền Tây miêu tả, mỗi khi gia đình có cỗ, những thức ăn thừa, từ thịt lợn, thịt bò, thịt gà, tôm hay các loại rau củ, đều được giữ lại phục vụ cho việc nấu xà bần.
Mâm cỗ với đầy đủ các món ăn, đôi khi sẽ có thức ăn thừa, nếu bỏ đi vô tình gây lãng phí. (Ảnh minh họa)
Và người miền Tây đã nghĩ ra cách để “tái sinh” thức ăn thừa, đó là nấu thành xà bần. (Ảnh minh họa)
Ngày hôm sau, tất cả những thức ăn thừa đó sẽ được cho chung vào chiếc nồi lớn, tùy theo số lượng thức ăn, cho thêm nước lọc hoặc nước canh, nước hầm xương nếu có, nêm nếm cùng một chút gia vị, rồi đun sôi. Và thế là nồi xà bần ra đời.
Nghe có vẻ như là một nồi thức ăn hổ lốn, toàn là thức ăn thừa, nhưng hương vị của nó lại rất ngon, không hề gây cảm giác ngán, một số người miền Tây chia sẻ.
Xà bần sau khi nấu xong thường được ăn với cơm trắng nóng hổi, nếu muốn có thể chuẩn bị thêm đĩa rau gồm đọt keo hay lá me non chấm nước hầm xà bần để ăn kèm.
Tuy nhiên, không phải món ăn nào cũng có thể cho cùng vào với nhau để nấu xà bần. Chúng vẫn phải đảm bảo hòa hợp với nhau, để tạo nên hương vị ngon miệng, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Một ví dụ điển hình đó là cá. Cá có xương, thịt dễ bị róc khi nấu nhiều lần, nên rất hạn chế để nấu xà bần.
Chính cách chế biến, cùng cái tên đặc biệt, nên xà bần được coi là đặc sản của vùng Tây Nam Bộ. Những người con miền Tây xa xứ lâu năm thường tâm sự, sơn hào hải vị không nhớ, chỉ nhớ hương vị xà bần quê hương.
Ngoài những ngày có cỗ, người miền Tây cũng thường nấu xà bần vào những ngày Tết. Việc làm này vừa giúp tiêu thụ thức ăn thừa, vừa giúp tiết kiệm, không bỏ phí thức ăn.
Đúng là ẩm thực Việt Nam còn rất nhiều món ăn hấp dẫn và thú vị mà chúng ta không phải ai cũng biết và đã khám phá ra. Mỗi chuyến đi tới một vùng miền, một địa phương, lại là những trải nghiệm mới mẻ, và cách nhận biết dễ nhất chính là qua ẩm thực.
Tuy nhiên, du khách khi tới miền Tây sẽ rất hiếm có cơ hội được thử ăn xà bần, bởi nó không phải món ăn được bán rộng rãi. Thay vào đó, sao bạn không thử tận dụng thức ăn thừa nhà mình, và chế biến một nồi xà bần thật ngon miệng cho cả gia đình?