Món ăn đãi khách dân dã thơm ngon không thể thiếu trong dịp Tết
Ngày Tết, bên những mâm cỗ cổ truyền, với nhiều thứ khác như bánh kẹo, hay các món chè, xôi… còn có một thứ mà gần như trẻ con và người lớn đều thích – đó là món mứt Tết – món không thể thiếu được trong những ngày Tết.
Mỗi vùng miền có đặc sản mứt Tết riêng. Ảnh minh họa.
Mứt Tết không chỉ là món ăn thơm ngon, hấp dẫn mà việc thưởng ngoạn mứt Tết đã trở thành một thú ẩm thực trong phong tục ngày Tết của người Hà Nội, nó đã góp phần làm cho hương vị của ngày những Tết Nguyên đán thêm phần phong phú và đa dạng hơn.
Trong không khí đón Xuân của những ngày Tết, khi người ta đi thăm nhau để chúc tụng thì gần như đến nhà nào cũng phải có một ấm trà và một hộp mứt để trên bàn. Ngay cả thời bao cấp đói kém thì gia đình nào cũng có một hộp mứt tự làm để trên bàn.
Mứt là món ăn sau khi dùng bữa, hoặc để thết đãi mỗi khi có khách đến chơi, đó là thứ để nhấm nháp, đưa đẩy câu chuyện cho vui và thêm phần rôm rả.
Hộp mứt Tết thể hiện phần nào sự sang trọng của mỗi gia đình. Ảnh minh họa.
Những hộp mứt Tết để trên bàn tiếp khách cũng thế hiện phần nào sự sang trọng và truyền thống của mỗi gia đình. Mứt là món ăn đặc trưng có vị ngọt và được làm bằng những chất liệu hoa quả khác nhau bởi thế nó cũng có màu sắc và nhiều hương vị khác nhau.
Các địa phương đều có những món mứt riêng đặc trưng của vùng miền đó như: mứt gừng, táo, quất, bí cho đến các loại khác như mứt dừa, mứt cà chua và mứt chuối… tất cả đều tạo ra mỗi thứ một hương vị riêng.
Mứt Tết không chỉ thơm ngon, tinh khiết mà nhiều loại mứt còn có công dụng rất tốt cho sức khoẻ như: Mứt gừng được ăn như một vị thuốc ho, mứt sen được xem như thứ để giúp cho người ta dễ ngủ, mứt dừa tốt cho da hay tiêu hóa tốt…
Làm mứt không khó, nhưng để làm ngon và để lâu được thì cũng không phải là đơn giản và kỳ công lắm. Vật liệu được chọn để làm mứt phải là loại ngon và tươi. Gần như tất cả các loại mứt đều có một nguyên tắc chung – đó là làm khô bằng cách phơi nắng sau khi ngâm nước vôi trong, rồi được tẩm ướp, hoặc ngâm hay xào bằng đường.
Những ngày đầu Xuân của dịp Tết Nguyên đán người ta thường đến thăm hỏi nhau, chúc tụng những điều vui vẻ và may mắn cho một năm mới. Họ mời nhau những ấm trà sen, trà nhài và những miếng mứt thơm ngon, ngọt bùi để thưởng thức trong không khí ấm áp với những người thân trong gia đình, thắt chặt tình bằng hữu và tình cảm anh em họ hàng, bạn bè…
Bây giờ cuộc sống đã khác xưa rất nhiều, không còn thiếu thốn và khó khăn như trước nữa. Nhiều gia đình có điều kiện sang trọng hơn có thể mời nhau, hay đãi khách bằng những gói bánh hay những thanh socola nhập khẩu về với rất nhiều chủng loại phong phú và đa dạng…
Nhưng mứt Tết vẫn là món ăn đặc biệt và là một nét đẹp truyền thống trong dịp Tết của người Việt Nam.
Khai bút đầu năm viết gì và nhất định không được quên những việc cần làm này để năm mới được may mắn, thành công