Món ăn, bài thuốc từ hoài sơn tốt cho các sĩ tử

1. Công dụng của hoài sơn

Hoài sơn tên khác là sơn dược, củ mài, củ mỡ, củ cọc.

Tên khoa học: Rhizoma Dioscoreae.

Thành phần hóa học: Hoài sơn phần lớn chứa tinh bột, ngoài ra có chất mucin là một loại protid nhớt như chất tiết của dạ dày, allantoin, acid amin, arginin và cholin.

Trong thành phần của hoài sơn còn có mantaza là men tiêu hóa mantoza.

Tính vị quy kinh: Vị ngọt, tính ôn, qui kinh tỳ, phế, thận.

Hoài sơn – vị thuốc tốt cho sĩ tử - Ảnh 2.

Củ mài – vị thuốc tốt cho các sĩ tử.

Công dụng: Bổ tỳ vị, phế và thận, ích trí minh tâm, tăng cường trí nhớ.

Ứng dụng lâm sàng: Hoài sơn là vị thuốc kiện tỳ, bền trí, mạnh cho vị, giúp cho việc tiêu hóa đồ ăn được tốt, không bị ứ trệ, chữa các chứng tiêu chảy ở trẻ em và người lớn. Đồng thời chữa các chứng cam đầy tích trệ, trẻ em bụng ỏng, còi xương.

Hoài sơn đi vào tỳ mạnh cho tỳ khí, sinh ra huyết làm đầy cho tâm huyết. Do đó giúp ngủ tốt, sâu giấc, không hay lo lắng, suy nghĩ linh tinh.

2. Một số bài thuốc có hoài sơn dùng tốt cho sĩ tử

2.1. Bài “Sâm linh bạch truật tán”

Thành phần bài thuốc: Đảng sâm 12g, hoài sơn 12g, bạch truật 16g, phục linh 12g, ý dĩ nhân 12g, bạch biển đậu 12g, liên nhục 10g, cát cánh 8g, sa nhân 28g, cam thảo 6g.

Cách dùng và liều dùng: Tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1,5-2g với nước táo sắc hoặc nước ấm. Cũng có thể uống với nước cháo gạo lứt hoặc sắc uống.

Phương giải bài thuốc: Bài thuốc này có hoài sơn và bạch truật có tác dụng kiện tỳ trừ thấp, bạch truật và phục linh kết hợp lợi niệu thẩm thấp, làm mạnh cho tỳ vị, chữa chứng đầy chướng.

Bài thuốc giúp các sĩ tử tỳ vị khỏe, ăn ngon, ngủ tốt, sức đề kháng tăng, do đó giúp cho việc học và thi tốt hơn.

Hoài sơn – vị thuốc tốt cho sĩ tử - Ảnh 4.

Vị thuốc hoài sơn giúp tiêu hóa tốt, giảm đầy chướng.

2.2. Bài “Lục vị địa hoàng hoàn”

Thành phần bài thuốc: Thục địa 8 lạng (1 lạng = 31,25g), đan bì 3 lạng, sơn thù 4 lạng, trạch tả 3 lạng, sơn dược 4 lạng, phục linh 3 lạng.

Cách dùng: Làm hoàn luyện với mật, ngày dùng 8-16g, chia 2 lần uống với nước muối nhạt. Cũng có thể sắc ngày 1 thang chia 2 lần uống khi thuốc còn ấm.

Phương giải bài thuốc: Tỳ vị bị thủy ẩm bức mà không vận hóa được, thủy không hóa huyết được mà trệ lại sinh đàm. Nước ngập tràn mà tỳ thổ không vận hóa được đồ ăn mà sinh ra bệnh.

Bài này chủ bổ âm, kiện tỳ, hành thấp từ thận mà chữa bệnh, chữa đau lưng mỏi gối. Bài thuốc giúp bổ thận âm cho các sĩ tử, phòng tránh đau lưng do ngồi học nhiều…

Lưu ý: Các bài thuốc trên các bậc phụ huynh không tự ý dùng mà cần có sự tư vấn của các thầy thuốc đông y.

Hoài sơn – vị thuốc tốt cho sĩ tử - Ảnh 5.

Chè củ mài tốt cho các sĩ tử.

3. Món ăn bài thuốc có hoài sơn

Món ăn thông dụng cho người dân mùa hè, đặc biệt là các em học sinh ôn thi, đó là chè củ mài (hoài sơn).

Nguyên liệu: Bột củ mài 100g, đường kính 150g (có thể dùng đường thốt nốt 200g), nước lọc 1,2 lít.

Cách làm: Cho đường vào nước đun sôi, hòa bột củ mài vào rồi đổ vào nồi nước sôi đó khuấy đều, chè quánh lại có màu trong là được. Có thể cho thêm xíu nước cốt gừng cho thơm, rồi múc ra bát ăn.

Ngoài ra, để các sĩ tử có sức khỏe ôn luyện và thi tốt các bậc cha mẹ nên chú ý quan tâm chăm sóc trẻ, nhắc nhở trẻ sinh hoạt điều độ, khoa học, tránh thức khuya, luôn giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, tránh áp lực.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hậu COVID- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.