Mối tương quan giữa hội họa và cuộc sống

Mối tương quan giữa hội họa và cuộc sống

 

 

 

Mối tương quan giữa hội họa và cuộc sống

Từ xa xưa con người đã vẽ lên thành các hang động. Vậy hoạt động này có ý gì và mối tương quan giữa hội họa và cuộc sống tác động đến cách chúng ta sống, suy nghĩ ra sao?

hoi hoa va cuoc song 1

Hình ảnh là ngôn ngữ mẹ đẻ của trí tưởng tượng, tiền đề cho sự kết hợp hội họa và cuốc sống. Đây là lý do tại sao hầu như không có ai mơ bằng văn bản. Tạo ra hình ảnh không chỉ là một nghệ thuật, mà còn là một hình thức liên lạc trực quan phong phú và phức tạp, ngang hàng ngôn ngữ viết. Cách cơ bản nhất để tạo ra một hình ảnh là vẽ.

Chắc hẳn bạn cũng đã từng vẽ, ít nhất là khi còn nhỏ. Nhiều người khác sống bằng nghiệp vẽ, hoặc vẽ trong thời gian rảnh rỗi. Ngay cả đối với người bình thường, kỹ năng này cũng quan trọng như biết đọc biết viết và làm toán. Cụ thể là hội họa tượng hình (phi trừu tượng): quan sát một cái gì đó và vẽ lại.

Vẽ quan sát vừa là một môn khoa học vừa là một nghệ thuật. Nó đòi hỏi chúng ta phải hiểu cách những hình thể 3 chiều tồn tại trong không gian, cách chúng tương tác với ánh sáng, và ghi lại các thuộc tính của đối tượng được phân tích.

hoi hoa va cuoc song 2

Phác thảo và những sai lầm

Mọi người thường cho rằng tranh tốt là phải chính xác ngay từ khi bắt đầu vẽ, nhưng điều này hoàn toàn không thực tế. Những đường vẽ đầu tiên hiếm khi chính xác, vì vậy chúng được vẽ nhẹ nhàng, có khi hầu như không nhìn thấy được. Những đường phác thảo có thể được vẽ đi vẽ lại nhiều lần cho đến khi đạt được hình thể mà người vẽ mong muốn.

Điều này có nghĩa là hoạt động vẽ luyện cho tâm trí xem sai lầm như là một phần thiết yếu của bất kỳ quá trình nào. Thông thường, ai cũng trải nghiệm một cảm giác xấu hổ về sai lầm của mình. Cuộc sống của bạn sẽ khởi sắc hơn nhiều nếu bạn xem thất bại trong mọi lĩnh vực là bình thường, tạm thời. Thất bại nắm giữ những đầu mối quan trọng trên con đường đến thành công.

Đây là điều cơ bản khi vẽ, và cũng rất quan trọng trong các quá trình cải tiến và phát minh. Khả năng đổi mới ngày càng cần thiết, bởi trong nền kinh tế toàn cầu, hầu như bất cứ điều gì cũng mua bán được, trừ sự sáng tạo. Những ý tưởng mới chỉ lóe lên và trở thành hiện thực khi con người chấp nhận rủi ro và học được cách thành công từ thất bại. Vẽ giúp chúng ta làm quen với suy nghĩ đó, đưa nó vào tâm trí, biến nó thành một thứ hoàn toàn tự nhiên trong quá trình tìm kiếm giải pháp.

hoi hoa va cuoc song 3

Thiết kế là bản chất con người

Một số người cho rằng vẽ không có ứng dụng thực tế nào ngoài nghệ thuật và thiết kế. Điều này không sai, nhưng nếu là con người, bạn đã là một nhà thiết kế. Nếu chỉ dùng chữ và số, bạn sẽ gặp phải những thiếu sót và hạn chế trong kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề. Trí tưởng tượng mạnh mẽ của con người, khi được rèn giũa và trau chuốt bằng quá trình thiết kế, có thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào. Vẽ là một công cụ cho phép khai thác một cách trực quan trí tưởng tượng và trích xuất các ý tưởng. Khi kết hợp với ngôn ngữ và toán học, nó cung cấp trọn bộ các công cụ phục vụ cho sự khám phá và giải quyết các thách thức sáng tạo, cũng như việc truyền đạt giải pháp cho người khác.

hoi hoa va cuoc song 4

Tài năng

Có nhiều người nghĩ rằng họ không bao giờ vẽ được vì họ không có năng khiếu. Khái niệm về tài năng không phải là xấu, với điều kiện bạn không quá tin vào một tầng lớp “quý tộc” mới dựa trên năng khiếu. Theo đó, nếu không có khả năng thiên bẩm, chúng ta sẽ chỉ là những kẻ tầm thường. Ý tưởng này tạo ra một rào cản tinh thần nguy hiểm, ngăn cản tiềm năng của con người.

Thật ra, ai cũng thể học được các nguyên tắc cơ bản trong hội họa. Sự kiên trì và chăm chỉ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động mà bạn luyện tập lâu dài, bất kể đó là vẽ hay toán học, ngôn ngữ, thể thao…

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ rằng, không phải ai học vẽ cũng trở thành Claude Monet. Nhưng nếu chỉ vẽ để hoàn thiện bản thân và trang trí tường nhà thì ai cũng làm được. Không nên bỏ cuộc vì nghĩ rằng mình không có năng khiếu.

hoi hoa va cuoc song 5

Kết luận

Khi thấy một bức tranh cũ, chúng ta thường có cảm giác rằng người ta chỉ vẽ vì lúc đó chưa có máy ảnh. Nhưng hành động vẽ gần gũi với việc giải một phương trình toán học hơn là chụp một bức ảnh. Vẽ là một cách tích cực để tham gia vào thực tế, để quan sát, phân tích và ghi lại những hình ảnh trước mắt, cộng thêm một chút tưởng tượng, sự gắn bó giữa hội họa và cuộc sống là như thế.

Động vật có vú có hẳn một phần não riêng biệt để xử lý thông tin thị giác. Ở con người, gần 1/5 chất xám được dùng vào mục đích này. Vì vậy, thật là đáng tiếc nếu bạn bỏ qua quá trình giao tiếp trực quan bằng ngôn ngữ hình ảnh, một ngôn ngữ phổ quát. Vẽ cũng là một cách để hiểu thế giới. Bạn nên tham gia vào trải nghiệm cơ bản này trên giấy, vải, máy tính bảng hay bất kỳ hình thức công nghệ nào khác.

>>> Nhịp điệu trong hội họa

>>> Hội họa đen trắng (Phần 1)

>>> Hội họa đen trắng (Phần 2)