Môi trường tốt có lợi cho sức khỏe như thế nào?
Mặc dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng chính môi trường sống đang tác động đến sức khỏe của bạn mỗi giây phút hàng ngày. Nơi bạn sống, những gì bạn ăn và cách bạn tương tác với thế giới xung quanh là những yếu tố quan trọng giúp bạn có một sức khỏe tốt.
Nội Dung Chính
1. Môi trường ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?
Mọi người thường nghĩ có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, như siêng năng tập thể dục hay tuân thủ lịch trình tiêm chủng. Tuy nhiên, rất nhiều yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, chẳng hạn các nguyên nhân gây căng thẳng và chất lượng môi trường sống.
Nhiều người cho rằng môi trường trong lành bao gồm không khí và nước sạch, nhưng thật ra còn có những cách khác mà thế giới xung quanh có thể tác động đến thể chất và tinh thần của chúng ta. Những yếu tố vật lý, hóa học và sinh học mà bạn không thể kiểm soát trực tiếp lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Ví dụ, nếu bạn sống trong khu phố có vỉa hè được xây dựng không an toàn hoặc có không khí ô nhiễm, bạn sẽ khó ra ngoài đi dạo và tập thể dục. Tương tự như vậy, vật liệu xây dựng ngôi nhà của bạn, côn trùng sống xung quanh và thức ăn bạn tiếp cận được đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình bạn.
Theo thống kê, có hơn 12 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm vì sống hoặc làm việc trong môi trường không lành mạnh. Các chất gây ô nhiễm môi trường có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, như bệnh đường hô hấp, bệnh tim và một số loại ung thư. Người có thu nhập thấp thường sống ở những khu vực ô nhiễm với nguồn nước uống không đảm bảo an toàn vệ sinh. Trẻ em và phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hơn về các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm.
Ví dụ, ô nhiễm không khí khiến hơn 6 triệu người tử vong mỗi năm. Các chất ô nhiễm trong không khí từ bếp nấu, nhà máy nhiệt điện than, xe cộ, công nghiệp, cháy rừng và bão bụi gây ra một phần đáng kể các ca tử vong trên toàn cầu do đột quỵ, ung thư phổi, đau tim và các bệnh hô hấp. Ô nhiễm không khí cũng đã được chứng minh là làm trầm trọng thêm các ca tử vong do COVID-19.
Mỗi ngày có 4.000 trẻ em chết vì bệnh tật do nguồn nước bị ô nhiễm và điều kiện vệ sinh không đầy đủ. Chất độc có trong cây trồng và vật nuôi có thể tích tụ trong cơ thể người nếu ăn phải. Tài nguyên nước ngọt, biển và đất đai bị tàn phá bởi ô nhiễm từ chất thải đô thị, công nghiệp và nông nghiệp; nước thải; sản xuất điện; công nghiệp nặng và ô tô. Tác hại đối với tài nguyên thiên nhiên sau đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.
Con người sử dụng hơn 100.000 nguyên tố và hợp chất hóa học khác nhau – bao gồm chì, thủy ngân, cadmium và các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Nếu không được quản lý đúng cách, hóa chất có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ngộ độc cấp tính, ung thư, dị tật bẩm sinh, rối loạn thần kinh, rối loạn hormone và các bệnh tật khác.
2. Các yếu tố môi trường sống có ảnh hưởng đến sức khỏe
2.1. Chất lượng không khí
Con người cần không khí để tồn tại, nhưng không phải lúc nào bạn cũng chú ý giữ cho môi trường trong lành. Chính điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của bạn.
Chất lượng không khí kém có liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ô nhiễm không khí cũng có liên quan đến trẻ sơ sinh nhẹ cân. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2005 cho thấy những trẻ có mẹ tiếp xúc với nồng độ ozone cao trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba nhiều khả năng sinh ra với trọng lượng thấp. Tác động tương tự như ở trẻ sơ sinh có mẹ hút thuốc trong thời kỳ mang thai.
2.2. Nước sạch và vệ sinh cá nhân
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính có khoảng 780 triệu người trên toàn thế giới không được tiếp cận với nước uống an toàn và 2,5 tỷ người (hoặc gần 1/3 dân số Trái đất) thiếu các dịch vụ vệ sinh đầy đủ (như phòng tắm sạch sẽ). Tác động của điều này khiến khoảng 2.200 trẻ em trên toàn thế giới chết mỗi ngày vì các bệnh tiêu chảy liên quan đến nước và vệ sinh không đúng cách.
Nâng cấp hệ thống lọc và khử trùng nước đã làm giảm đáng kể các bệnh phổ biến, như dịch thương hàn ở Hoa Kỳ. Theo một ước tính, cứ 1$ đầu tư vào công nghệ nước sạch, đất nước sẽ nhận lại 23$ tiết kiệm chi phí y tế và xã hội liên quan. Nước sạch góp phần lớn giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em trong nước.
2.3. Các chất độc và chất thải nguy hại
Nhiều vật liệu cần thiết để phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ, như kim loại nặng hoặc một số chất dẻo cũng có thể làm tổn thương cơ thể con người, thậm chí dẫn đến các tình trạng y tế nghiêm trọng.
Một trong những ví dụ gần nhất là cuộc khủng hoảng nước ở Flint (bang Michigan, Mỹ). Năm 2015, tin tức nước uống tại đây chứa nhiều chì đã gây ra sự phẫn nộ và sợ hãi lan rộng trong các gia đình. Nếu trẻ em uống hoặc tiêu hóa chì có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe lâu dài, bao gồm tổn thương não. Những đứa trẻ khó khăn về kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Có thể thấy, các vấn đề sức khỏe do môi trường sẽ làm tổn thương những người vốn đã có tình trạng sức khỏe nguy cơ cao.
2.4. Nhà ở và nơi công cộng
Bạn dành phần lớn thời gian ở nhà, nơi làm việc hoặc trường học. Vì vậy, điều quan trọng là những nơi này phải được đảm bảo an toàn với những nguy cơ tối thiểu cũng như có lợi cho lối sống lành mạnh. Ví dụ, khi sống trong một khu phố có nhiều bạo lực, các gia đình có thể không ra ngoài tập thể dục. Khi đường sá không được bảo dưỡng đúng cách, có thể dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông hơn.
Nhiều vùng sâu, vùng xa không có cửa hàng tạp hóa đầy đủ, người dân thường phải dựa vào số ít cửa hàng gần đó để mua sắm. Điều này không chỉ khiến họ tốn kém hơn, mà quan trọng nhất là có ít các lựa chọn trái cây tươi và rau quả chất lượng – thành phần quan trọng trong chế độ ăn lành mạnh. Đối với các gia đình ở những khu vực này, các chuyên gia kêu gọi người dân tự trồng và thu hoạch sản phẩm tươi, cải thiện khả năng tiếp cận phương tiện giao thông tới các cửa hàng tạp hóa và chợ nông sản đầy đủ.
3. Vấn đề môi trường sống trên toàn cầu
Trong những thập kỷ tới, các chuyên gia y tế đang chuẩn bị cho một khí hậu ấm hơn, ẩm ướt hơn có thể sẽ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.
Ví dụ, khi nhiệt độ tăng, muỗi mang bệnh có thể sống ở những khu vực trước đây là quá lạnh đối với chúng, làm tăng số lượng người bị ảnh hưởng bởi các bệnh như sốt xuất huyết và sốt rét. Khi mực nước biển dâng cao, những thành phố ven biển và các quốc đảo có nguy cơ bị ngập lụt, khiến hàng triệu người phải di dời tập trung đến các khu vực đông đúc – nơi dịch bệnh có thể phát tán nhanh chóng.
Khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xuất hiện thường xuyên hơn, các trận bão và lũ lụt liên tiếp xảy ra làm phá hủy nhà cửa, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan và khiến hàng triệu gia đình bị mất điện.
Bảo vệ sức khỏe của hành tinh là rất quan trọng để cải thiện và duy trì sức khỏe của tất cả dân số trên toàn cầu. Mặc dù kết quả sức khỏe đã được cải thiện đáng kể trong thế kỷ qua – đặc biệt là ở các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ – các hiểm họa về môi trường và các bệnh truyền nhiễm vẫn là rủi ro tiềm ẩn. Ngày nay, mọi người đi du lịch xa hơn và thường xuyên hơn cũng dễ làm lây lan dịch bệnh. Các cuộc xung đột chiến tranh khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ. Sự gia tăng các cuộc di cư xuyên biên giới và xuyên lục địa sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực phòng chống dịch bệnh và quá tải cơ sở hạ tầng hiện có.
4. Cách để bảo vệ môi trường sống và cải thiện sức khỏe
Không giống như chế độ ăn uống và tập thể dục, nhiều yếu tố sức khỏe do môi trường không thể được quản lý ở cấp độ cá nhân. Để chống lại rủi ro sức khỏe mà môi trường sống gây ra, thường phải áp dụng các luật, chính sách và chương trình ở cấp địa phương, liên bang và quốc tế.
Chẳng hạn, mọi người không thể kiểm tra mức độ kim loại có trong nước sinh hoạt hàng ngày của mình. Vì vậy cần có một nỗ lực toàn diện và phối hợp trong một hệ thống rộng lớn để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng trên toàn quốc và toàn cầu.
Dù vậy, cũng có rất nhiều điều bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe môi trường và sự an toàn của cộng đồng nơi bạn sống cũng như trên khắp hành tinh. Ví dụ như cải thiện chất lượng không khí bằng cách đạp xe, tham gia các phương tiện giao thông công cộng hoặc chuyển sang làm việc tại nhà thay vì lái ô tô đến và đi làm.
Bạn có thể tự kiểm tra nhà của mình xem có sơn hoặc đường ống dẫn khí độc hoặc chì hay không để tránh tiếp xúc với các chất độc hại. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trao đổi với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp về việc đầu tư vào các hoạt động sức khỏe, đảm bảo mọi người được tiếp cận với môi trường trong lành và an toàn để sống, làm việc và vui chơi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, unep.org, health.gov, who.int