Mối quan hệ thực sự giữa tiền và hạnh phúc?
21/03/2020 | 09:50
Liệu chi tiền có thực sự mua được hạnh phúc? Đây là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu và lời đáp dường như là rất phong phú, tùy theo quan điểm sống của nhiều người.
Theo một nghiên cứu gần đây đối với một nhóm nhỏ sinh viên đại học người Đức, việc quyên góp tiền để cứu giúp người khác sẽ tạo nên niềm hạnh phúc vào thời điểm ban đầu nhưng hiệu quả đó không kéo dài. Sau một tháng, những sinh viên quyên góp tiền cảm thấy không hạnh phúc bằng những người chọn giữ tiền cho mình.
“Các hành vi đóng góp cho xã hội không làm gia tăng hạnh phúc một cách dài lâu”, các tác giả nghiên cứu đưa ra kết luận, “bởi vì chi tiêu cho xã hội đòi hỏi họ phải từ bỏ một thứ khác, điều này có thể làm giảm đi niềm hạnh phúc theo một cách riêng”.
“Chắc chắn đây là một kết quả đáng ngạc nhiên và là điều khác biệt với các nghiên cứu trước đây”, nhà nghiên cứu về hạnh phúc Sonja Lyubomirsky, tác giả của cuốn “Cách thức hạnh phúc: Cách tiếp cận khoa học để có được cuộc sống mà bạn muốn” cho biết.
Kết quả nghiên cứu truyền thống
Nghiên cứu mới này được thực hiện trong bối cảnh đã có nhiều nghiên cứu về tác động của việc đặt hạnh phúc của người khác lên trước bản thân mà không mong đợi nhận lại bất cứ điều gì.
Tình nguyện, chẳng hạn, đã được chứng minh là giảm thiểu căng thẳng, cải thiện trầm cảm, giảm nguy cơ suy giảm nhận thức – thậm chí giúp chúng ta sống lâu hơn. “Cách để hạnh phúc không phải là chọn hạnh phúc sẵn có, mà là tìm ra ý nghĩa cuộc sống”, theo giáo sư tâm lý học Lyle Ungar, người đã phát triển một Bản đồ hạnh phúc cho nước Mỹ – đánh giá các khu vực của nước Mỹ về các yếu tố tâm lý như sự cởi mở, tin tưởng và sự đồng tình với người khác.
“Hãy làm tình nguyện, dành thời gian cho một tổ chức từ thiện, cho đi một cái gì đó của chính bạn. Những người làm tốt theo cách đó đang sống lâu hơn”, Ungar nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN. Hay như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Hạnh phúc không phải là thứ gì đó sẵn có. Nó xuất phát từ hành động của chính bạn.”
Dù có thể không phải là “hạnh phúc”, nhưng các nghiên cứu trước đây cũng đã cho thấy “chi tiêu cho xã hội”, như quyên góp tiền cho người khác, giúp giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Một nghiên cứu đã yêu cầu một nhóm người bị huyết áp cao chi 40 USD cho bản thân họ, trong khi một nhóm người khác, cũng bị huyết áp cao, tiêu tiền cho người khác.
Họ phát hiện thấy những người chi tiền cho người khác có huyết áp thấp hơn vào cuối thời điểm sáu tuần tiến hành nghiên cứu.
Đã có nhiều tranh cãi về việc tiền có thể mua được hạnh phúc hay không. Ảnh: Shutterstock.
Trên thực tế, những lợi ích đó cũng tương tự như việc có chế độ ăn uống và tập thể dục lành mạnh.
Theo kết quả một nghiên cứu khác thì “Cho đi cũng có thể làm giảm nỗi đau” . Bằng cách quét não của mọi người khi họ nghĩ về việc cho đi, một nghiên cứu cho thấy những người nói sẽ quyên góp tiền giúp đỡ trẻ mồ côi ít nhạy cảm hơn với một cú sốc điện so với những người từ chối chia sẻ.
Tiền không giúp tạo ra niềm vui vững bền?
Còn nghiên cứu mới được đề cập đầu bài viết, công bố đầu tháng 3 này, trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science, đã yêu cầu gần 300 sinh viên đại học Đức lựa chọn giữa hai loại xổ số để đánh giá mức độ hạnh phúc của họ.
Nếu chọn xổ số A, họ có cơ hội được chọn nhận 100 euro cho mục đích sử dụng cá nhân của họ. Nếu chọn xổ số B, họ sẽ không nhận được tiền, nhưng có thể kích hoạt món quà trị giá 350 euro, cứu mạng những người bị đe dọa bởi bệnh lao.
Lao là một căn bệnh chết người, đã giết chết 1,5 triệu người vào năm 2018, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Hai phần ba các trường hợp mắc bệnh lao trên thế giới chỉ ở tám quốc gia: Ấn Độ có số ca mắc cao nhất, tiếp theo là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Pakistan, Nigeria, Bangladesh và Nam Phi.
Cả hai kịch bản xổ số trong nghiên cứu đều có thật. Các nhà nghiên cứu đã trả cho các đối tượng tham gia nghiên cứu tổng cộng 40.764 euro và quyên góp 111.300 euro cho một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận của Ấn Độ, Chiến dịch ASHA, để đối phó với bệnh lao. Mỗi 350 euro sẽ giúp xác định, điều trị cho năm bệnh nhân ở Ấn Độ. Năm bệnh nhân này được ước tính là tương đương với việc cứu thêm một mạng người khỏi căn bệnh này.
Trong nghiên cứu trên, khoảng 60% sinh viên chọn cứu giúp người bệnh và phản ứng của họ trong một cuộc khảo sát cho thấy họ hài lòng và hạnh phúc về lựa chọn của họ.
Nhưng niềm vui không kéo dài. Khi được liên lạc một tháng sau đó qua email, mức độ hạnh phúc của họ đã giảm xuống thấp hơn những người ban đầu quyết định giữ tiền cho chính họ.
Như vậy, sau khi đã có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc, với những kết quả rất khác nhau thì câu trả lời cho câu hỏi này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn cá nhân của mỗi người, có thể là vừa giúp đỡ được người khác và có thể là giúp bản thân họ và người thân có một tương lai tươi sáng hơn.