Mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Ý nghĩa phương pháp
Download Miễn phí tiểu luận Triết học: Mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Ý nghĩa phương pháp luận của vấn đề này. Sự vận dụng của Đảng ta (TTH33.001)
Sự gắn kết giữa nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn luôn là một đòi hỏi cấp bách và là một phương thức để mang đến thành công cho hoạt động của mỗi cá nhân, của tổ chức và của một chính đảng. Nhận thức đúng và giải quyết hợp lý mối quan hệ biện chứng tác động qua lại của lý luận và thực tiễn, dùng lý luận làm kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn, tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, thực tiễn phải là cơ sở, động lực của nhận thức và tiêu chuẩn của chân lý … luôn là chìa khóa để để giải quyết mọi vướng mắc trên con đường đi đến mục tiêu đã định. Ngược lại, nhận thức không đúng và giải quyết không tốt mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều, kinh viện và chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc chủ quan duy ý chí, tất nhiên sẽ dẫn đến những thất bại mà đối với một chính đảng, sự thất bại đó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Giữa lý luận và thực tiễn có mối quan hệ với nhau, tác động qua lại nhau, trong đó thực tiễn giữ vai trò quyết định.
- Vai trò quyết định của thực tiễn đối với lý luận:
Thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức, của lý luận đồng thời là tiêu chuẩn để kiểm tra nhận thực, lý luận. Thực tiễn là nguồn gốc cơ sở sinh ra lý luận, nến không có thực tiễn thì không có lý luận, thực tiễn cao hơn lý luận không những ở tính phổ biến mà còn ở tính hiện thực trực tiếp.
Sự phản ánh vượt trước của lý luận qua nỗ lực sáng tạo của những thiên tài ở những giai đoạn lịch sử nhất định xét cho đến cùng thì cái làm nên sự vượt trước ấy cũng đã được nảy mầm từ mảnh đất thực tiễn sinh động, đều do thực tiễn gợi ý mách bảo
Chỉ có thông qua thực tiễn con người mới vật chất hóa dược lý luận vào đời sống hiện thực. Lý luận không có sức mạnh tự thân mà chỉ có thông qua thực tiễn thì lý luận mới phát huy tác dụng, mới tham gia vào quá trình biến đổi hiện thực.
Đánh giá vai trò của thực tiễn đối với lý luận, Lênin viết: “Thực tiễn cao hơn nhận thức, lý luận. Vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến mà còn của tính hiện thực trực tiếp“.
- Vai trò tác động trở lại của lý luận đối với thực tiễn:
Lý luận có thể thúc đẩy tiến trình phát triển của thực tiễn nếu đó là lý luận khoa học và ngược lại có thể kìm hãm sự phát triển của thực tiễn nếu đó là lý luận phản khoa học, phản động, lạc hậu.
Lý luận khoa học sẽ trở thành kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn. Nó hướng dẫn, chỉ đạo, soi sáng cho thực tiễn, vạch ra phương pháp giúp hoạt động thực tiễn đi tới thành công. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Lý luận đem lại cho thực tiễn những tri thức đúng đắn về những quy luật vận động và phát triển của thế giới khách quan, giúp con người xác định đúng mục tiêu để hành động có hiệu quả hơn, tránh được những sai lầm, vấp váp.
Lý luận khoa học thâm nhập vào hoạt động của quần chúng tạo nên sức mạnh vật chất, điều chỉnh hoạt động thực tiễn, giúp cho hoạt động của con người trở nên tự giác, chủ động, tiết kiệm được thời gian, công sức, hạn chế những mò mẫm, tự phát.
Lý luận khoa học dự kiến sự vận động và phát triển của sự vật hiện tượng trong tương lai, từ đó chỉ ra phương hướng mới cho sự phát triển. Con người ngày càng đi sâu khám phá giới tự nhiên vô cùng vô tận bằng những phương tiện khoa học hiện đại thì càng cần có những dự báo đúng đắn. Nếu dự báo không đúng sẽ dẫn đến những sai lầm, hậu quả xấu không thể lường được trong thực tiễn. Vì thế, chức năng dự báo tương lai là chức năng quan trọng của lý luận.
Lý luận cách mạng có vai trò to lớn đối với thực tiễn cách mạng. Lênin cho rằng: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”. Mác thì nhấn mạnh: “Lý luận khi thâm nhập vào quần chúng thì nó biến thành lực lượng vật chất”.
Vai trò của lý luận khoa học ngày càng tăng lên, đặc biệt trong giai đoạn mới của thời đại ngày nay, thời đại của cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc diễn ra gay go, phức tạp, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Ph. Ăngghen chỉ ra rằng: một dân tộc muốn đứng trên đỉnh cao khoa học thì không thể không có tư duy lý luận.
Sự lạc hậu, giáo điều về lý luận dẫn đến sự khủng hoảng về lý luận của chủ nghĩa xã hội trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội nói chung, cụ thể là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu trước đây.
- Nguyên lý thống nhất giữa lý luận và thực tiễn:
Theo quan điểm mácxít, lý luận và thực tiễn không tách rời nhau mà giữa chúng có sự liên hệ, xâm nhập và tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của triết học Mác – Lênin.
Chủ nghĩa Mác – Lênin là tiêu biểu cho sự gắn bó mật thiết giữa lý luận và thực tiễn trong qúa trình hình thành và phát triển của nó. Lý luận Mác – Lênin là sự khái quát thực tiễn CM và lịch sử xã hội, là sự đúc kết những tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận trên các lĩnh vực khác nhau. Sức mạnh của nó là ở chỗ gắn bó hữu cơ với thực tiễn xã hội, được kiểm nghiệm, bổ sung trong thực tiễn. Chính vì vậy mà nó có vai trò cải tạo thế giới chứ không chỉ giải thích thế giới. Chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và nói riêng đã tìm thấy ở giai cấp vô sản vũ khí vật chất của mình và giai cấp vô sản đã tìm thấy ở triết học Mác – Lênin vũ khí tinh thần của mình.
Lênin từng nhắc nhở những người cộng sản ở các nước phải biết cụ thể hóa chủ nghĩa Mác – Lênin cho thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng lúc, từng nơi. Lý luận cần phải được bổ sung bằng những kết luận mới được rút ra từ thực tiễn sinh động.
Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Thống nhất lý luận với thực tiễn là nguyên tắc căn bản của triết học Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” hoặc “Có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ“.