Moderna thành vaccine thứ 5 được phê duyệt ở Việt Nam – BBC News Tiếng Việt
Moderna thành vaccine thứ 5 được phê duyệt ở Việt Nam
29 tháng 6 2021
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Thứ trưởng Bộ Y tế vừa ký quyết định phê duyệt khẩn có điều kiện vaccine Moderna. Đây là vaccine thứ 5 được chấp thuận ở Việt Nam, sau AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer và Sinopharm.
Quyết định phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Zuellig Pharma cung cấp cho Bộ Y tế đến ngày 23/6.
Zuellig Pharma cũng là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối vaccine Moderna tại Việt Nam.
Theo đó, Zuellig Pharma Việt Nam phải đáp ứng được việc phối hợp với Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo tổ chức đánh giá an toàn và hiệu quả của vaccine; phối hợp đơn vị phân phối và sử dụng triển khai theo dõi cảnh giác dược.
Đồng thời, đơn vị này cũng cần phối hợp với Bộ Y tế triển khai kiểm định vaccine trước khi ra thị trường và quản trị rủi ro trong suốt quá trình vaccine sử dụng tại Việt Nam.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Tiêm vaccine là một giải pháp chiến lược chống Covid-19 ở cộng đồng, theo giới chuyên gia
Bộ Y tế cho biết vaccine Moderna của Mỹ nhưng có thể được sản xuất tại Tây Ban Nha, Pháp. Cơ sở sản xuất vaccine Moderna khác có thể được thay đổi căn cứ vào khả năng cung cấp vaccine tại thời điểm cơ sở nhập khẩu nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu vaccine theo quy định.
Vaccine Covid-19 của Moderna được WHO phê duyệt ngày 30/4.
Vaccine sử dụng công nghệ mRNA giống với Pfizer. Tuy nhiên, Moderna cần được vận chuyển trong nhiệt độ khoảng -20C – tương tự như trong tủ đông thông thường.
Trong khi đó, Pfizer cần được giữ ở nhiệt độ gần -75C, khiến việc vận chuyển khó khăn hơn nhiều.
Vaccine Moderna cũng cần tiêm mũi thứ hai, cách khoảng 28 ngày.
Tại Mỹ, vaccine giá 25-30 đôla một liều, đắt hơn so với các đối thủ trên thị trường như AstraZeneca (3-4 đôla một liều).
Việt Nam thiếu vaccine trầm trọng
Theo số liệu từ Our Wolrd in Data, tính tới ngày 27/6/2021, chỉ mới có 3,23% dân số Việt Nam được tiêm một liều vaccine Covid-19. Và chỉ có 0,16% dân số được tiêm đầy đủ cả hai liều.
Theo các thông tin mới được công bố gần đây, Pfizer sẽ cung cấp 31 triệu liều vaccine cho Việt Nam trong năm 2021.
Nhật Bản cũng đã tặng Việt Nam 1 triệu liều.
Trung Quốc vừa tặng Việt Nam 500.000 liều vaccine Sinovac, nhưng lô hàng này chủ yếu được sử dụng cho người Trung Quốc tại Việt Nam hoặc những người có nhu cầu đi lại, làm ăn ở Trung Quốc.
Mỹ vừa công bố kế hoạch chia sẻ 55 triệu liều vaccine Covid-19 cho thế giới. Cụ thể, có khoảng 7 triệu liều được phân phối cho châu Á thông qua cơ chế COVAX. Việt Nam nằm trong số các nước được tặng.
Bộ Y tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vaccine từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu hướng tới mục tiêu 150 triệu liều để tiêm cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng kinh phí khoảng 25.000 tỷ đồng.
Ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của y tế, quân đội, công an và các bộ ngành khác.
Việt Nam vốn là một trong những nước được thế giới đánh giá cao trong công tác phòng chống dịch giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, giữa lúc Việt Nam đang đối mặt với làn sóng Covid nghiêm trọng trong tình trạng thiếu vaccine thì nhiều nước trên thế giới đã đi trước trong việc tiêm vaccine cho người dân.
Hôm 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen sau khi công ty này kiến nghị cấp phép khẩn cấp vaccine Nano Covax.
Ông Chính đã yêu cầu tháo gỡ ngay mọi khó khăn, vướng mắc và nghiên cứu lập tổ hành động để thúc đẩy sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 trong thời gian sớm nhất. Bước đi trên cũng góp phần xua tan những đồn đoán rằng Công ty Nanogen đang bị làm khó về mặt thủ tục.
Tuy nhiên, giới khoa học tiếp tục bày tỏ nghi ngờ và quan ngại về thông tin mà Nanogen đưa ra liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 có tên gọi Nano Covax mà công ty này đang phát triển.
Việt Nam nay nằm trong số những nước bị coi là chậm trong việc đặt mua vaccine từ nguồn quốc tế, do đã quá tự tin đặt cược vào cách dập dịch bằng biện pháp hành chính và trở thành ví dụ của quốc gia bị động.