Mở rộng không gian hội hoạ trên mạng

Hiện có hơn 100 họa sĩ tham gia xây dựng các nhóm hội họa khai thác không gian mạng xã hội, thiết lập các trang cá nhân và fanpage có nhiều tương tác để chủ động giới thiệu tác phẩm

Trong giai đoạn tạm ngưng các hoạt động giải trí và văn hóa nghệ thuật để phòng chống dịch Covid -19, nhiều nhóm họa sĩ đã tạo không gian giới thiệu hội họa trên các nền tảng số. Nỗ lực này vừa tạo sức hút từ những nhóm mua bán tranh, vừa quảng bá, giới thiệu kiến thức mỹ thuật trên mạng. 

Các họa sĩ còn muốn mở rộng không gian hội họa, đáp ứng nhu cầu của người thưởng thức tranh, nhất là chuyện mua bán tác phẩm trong thời giãn cách xã hội. Trong khi đó, người yêu nghệ thuật có thể tham gia các không gian nói trên để tiếp cận gần hơn hội họa.

 

“Hạnh phúc” (khổ 80 x 80 cm, Acrylic – họa sĩ Quang Thám sáng tác năm 2021) được giới thiệu trên không gian mạng xã hội của nhóm “Vietnam Art Space” .Ảnh: NHÓM “VIETNAM ART SPACE”
Hiện có hơn 100 họa sĩ tham gia xây dựng các nhóm hội họa khai thác không gian mạng xã hội, thiết lập các trang cá nhân và fanpage có nhiều tương tác để chủ động giới thiệu tác phẩm. Đây được xem là giải pháp tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn trong hoàn cảnh hiện nay. Nhiều nhóm họa sĩ tạo được uy tín trên mạng xã hội như: “Vietnam Art Space” (với hơn 51.500 thành viên), “Họa sĩ và nhà sưu tập” (40.500 thành viên), “All about Art and Artist” (88.200 thành viên), “Art and Artist – Họa sĩ và tác phẩm nghệ thuật” (4.800 thành viên), “Yêu tranh Việt” (5.200 thành viên)…

Họa sĩ Lý Chơn (nhóm “Yêu tranh Việt”) cho biết sau khi sáng tác, họa sĩ chụp ảnh và đưa lên mạng xã hội, tag đến trang của nhóm và thành viên quản trị các nhóm sẽ duyệt và đăng tải. Có cả các clip quảng bá về chất liệu, ý tưởng, cảm xúc khi sáng tác. “Theo tôi, đây là xu hướng không gian hội họa tiếp cận gần hơn với công chúng và từ đó có thêm nghề ship hàng của riêng sản phẩm này trong thời bùng nổ của mạng xã hội. Từ hiệu ứng này đã thu ngắn khoảng cách giữa hội họa với khán giả” – họa sĩ Lý Chơn nói.

Từ không gian hội họa mở rộng này, nghề vận chuyển hàng mỹ thuật cũng ra đời, góp phần đưa sản phẩm từ không gian mạng đến tay người mua. 

“Tôi được tuyển vào đội ngũ vận chuyển mặt hàng mỹ thuật. Ban đầu cứ ngỡ giống như các mặt hàng khác nhưng thao tác và cách vận chuyển sản phẩm hội họa đòi hỏi sự nghiêm túc, hiểu biết và có kiến thức cơ bản về mỹ thuật để người giao tranh và nhận tranh đặt niềm tin nơi mình. Việc áp dụng công nghệ số giúp người giao, người nhận nhìn thấy đoạn đường di chuyển, mặt hàng đã được giao đúng chuẩn và đúng tiến độ” – anh Nguyễn Hoàng Giang (34 tuổi, quận 3, TP HCM) cho biết.

Dù vậy, xu hướng trên cũng dẫn đến một số mặt trái đáng lo. Đó chính là những sản phẩm bị đánh đồng là “hàng chợ” nên giá cả của mỗi nhóm đều tạo áp lực cạnh tranh. Một vấn đề khác là nạn sao chép ý tưởng, ăn cắp bản quyền đối với các bức tranh được họa sĩ đăng trên mạng. Một số nhóm đã tổ chức đấu giá để giữ đúng giá trị tác phẩm.

Về vấn đề sao chép tranh, họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, cho biết yếu tố cốt lõi vẫn là ý thức của người sáng tác và người mua bán. Việc không tiếp tay cho nạn mua bán tranh sao chép sẽ góp phần xây dựng môi trường giao dịch mỹ thuật trên nền tảng số ngày càng chuyên nghiệp và lành mạnh hơn.