Mở quán đồ ăn vặt cần những gì? – Những điều bạn cần biết
Giờ đây, mỗi khi đến gần các khu vực trường học, các tòa nhà văn phòng, các khu chung cư tập thể, hình ảnh những hàng quán bán đồ ăn vặt lại xuất hiện thường xuyên. Nhu cầu ăn vặt của người dân mỗi lúc một lớn, chẳng phải vì họ đói, mà bởi đó đã là thú vui mỗi chiều của nhiều người. Chính vì thế mà các hàng ăn vặt ngày càng mọc lên, và nhiều người cũng kiếm được thu nhập tương đối tốt nhờ công việc này. Vậy nhưng, mở quán đồ ăn vặt cần những gì lại là điều chẳng dễ dàng như cách mà người ta ăn một miếng nem chua rán hay một chiếc bánh tráng nướng cả. Nếu như bạn đang loay hoay tìm cách để xây dựng một cửa hàng ăn vặt cho mình, thì sau đây là những điều bạn cần nằm lòng.
Mở quán đồ ăn vặt cần những gì?
Lựa chọn mặt bằng mở quán bán đồ ăn vặt
Cần lưu ý rằng, bạn không thể định giá quá cao cho các món ăn vặt. Hãy cố gắng giảm các chi phí hết mức có thể. Vậy, để lựa chọn địa điểm mở quán đồ ăn vặt cần những gì?
Bạn không cần phải lựa chọn những mặt bằng quá đắt đỏ, vị trí đắc địa ngay mặt phố. Vậy nhưng, tốt nhất chúng ta cũng không nên đặt quán tại các con hẻm sâu, địa chỉ quá khó tìm. Dù cho quán có đồ ăn ngon đến mấy mà đường vào quán rắc rối như ma trận thì thực khách cũng sẽ lắc đầu chào thua mà ghé sang hàng khác mà thôi. Còn nếu số vốn nhỏ, khó có thể thuê được mặt bằng ổn định, bạn có thể lựa chọn ngay mặt đường của đầu các con ngõ. Tuy nhiên, hãy tìm hiểu thật kỹ và trao đổi với các hộ dân xung quanh, cũng như chính quyền địa phương để làm rõ những điều kiện pháp lý, cũng như có được sự ủng hộ trước khi dự định đặt quán vỉa hè.
Bạn cần nắm rõ đối tượng khách hàng mà mình nhắm đến là ai. Nếu như bạn xác định cửa hàng của mình phục vụ đối tượng học sinh, sinh viên, hãy tìm các khu vực gần trường học, các khu nhà trọ, nhà ở cho thuê. Còn nếu dân văn phòng là mục tiêu của bạn, hãy lựa chọn những vị trí ở các khu vực có nhiều công ty, các khu có nhiều tòa cao ốc cho thuê văn phòng. Chỉ cần là một quán nhỏ ở đầu ngõ gần các địa điểm này, bạn đã có thể thu hút được sự chú ý từ nhiều người rồi.
Một điểm nữa là hãy cố gắng tìm kiếm khu vực có khoảng không rộng dành cho việc để xe. Thông thường, yếu tố này sẽ ít khi được các chủ quán nghĩ đến khi quyết định đầu tư mở quán. Nhưng nếu như chỗ để xe eo hẹp, khách hàng sẽ rất ngại dừng lại và ghé vào quán của bạn. Chẳng ai muốn đi ăn vặt mà lại phải mất công đi tìm chỗ gửi xe, rồi lại phải chịu thêm tiền gửi xe cả.
Thực đơn mở quán bán đồ ăn vặt đa dạng và ngon
Xây dựng một thực đơn với các món ăn vặt ngon và đa dạng là yếu tố rất quan trọng để thu hút khách hàng. Việc có nhiều sự lựa chọn sẽ giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, đồng thời cũng giúp bạn có thêm cơ hội kiếm thêm thu nhập nhờ việc khách hàng gọi thêm các món ăn mà chính bản thân họ chưa có ý định lựa chọn trước khi nhìn menu. Trong khi đó, đồ ăn ngon và có điểm nổi bật so với các quán ăn vặt khác sẽ giúp thương hiệu của bạn được khách hàng ghi nhớ. Có những khách hàng thậm chí sẵn sàng lái xe cả chục cây số để đến thưởng thức món ăn tại quán quen mà mình yêu thích.
Bạn cũng sẽ cần tìm hiểu thị hiếu, sở thích ăn uống của đối tượng khách hàng mục tiêu mà quán của bạn nhắm đến. Ví dụ, nếu bạn dự định bán đồ ăn vặt cho học sinh, bạn sẽ cần tìm hiểu xem những món ăn vặt trẻ em yêu thích là gì? Hay với dân văn phòng thì khẩu vị của họ sẽ phù hợp món ăn nào? Hãy phân tích cặn kẽ để có thể lựa ra menu thích hợp nhất cho quán ăn của bạn.
Những món đồ ăn vặt phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam có thể kể đến như gà rán, khoai tây chiên, khoai tây lắc, nem rán, nem nướng, phomai que, thịt xiên nướng, xúc xích, trứng gà ngải cứu, mỳ trộn,…Ngoài các món ăn phổ biến này, bạn cũng có thể cho thêm các loại nước ngọt, nước ép, sinh tố, các loại chè vào trong menu của mình. Việc kết hợp đồ ăn và đồ uống sẽ giúp bạn gia tăng doanh thu cho cửa hàng của mình.
-
Xem thêm:
3 cách làm gà rán KFC đơn giản nhất ngay tại nhà
Giá bán đồ ăn vặt cần hợp lý
Như đã nói ở trên, ăn vặt có thể gọi là bữa phụ. Việc ăn vặt thường diễn ra vào buổi chiều, khi học sinh, dân văn phòng…đã qua hơn nửa ngày học tập, làm việc, và muốn có chút đồ ăn lót dạ trước khi trở về nhà với bữa cơm tối. Hoặc khách hàng cũng có thể lựa chọn ăn vặt bất kỳ lúc nào mà họ muốn, bởi họ coi đó là thú vui được ngồi nhâm nhi trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp. Với tính chất như vậy, việc định giá đồ ăn vặt sẽ không thể quá cao được. Hãy nhớ rằng, khi kinh doanh đồ ăn vặt, đừng quá chú ý đến số % lợi nhuận mà bạn kiếm được từ mỗi sản phẩm, mà là số lượng sản phẩm mà bạn bán được mỗi ngày. Để dễ tính toán hơn, bạn có thể tham khảo mặt bằng giá chung tại các cửa hàng đồ ăn vặt khác xung quanh nơi mà bạn định mở hàng.
Mở quán đồ ăn vặt cần những gì? – Vật dụng cần chuẩn bị
Cũng giống như lựa chọn nguyên liệu ở trên, bạn sẽ cần xác định rõ các loại vật dụng cần chuẩn bị dựa theo menu quán. Trước hết là các dụng cụ chế biến. Hiện nay, các quán đồ ăn vặt chủ yếu phục vụ các món đồ chiên rán. Vì vậy, thứ bạn cần sẽ gồm các loại bếp chiên. Nếu như bạn có ý định kinh doanh các mặt hàng như khoai tây chiên, gà rán, xúc xích rán, thì sử dụng các dòng bếp chiên nhúng, hay bếp chiên tách dầu sẽ là giải pháp tối ưu nhất, khi những loại bếp này cho khả năng chiên rán ngập dầu nhanh chóng, đồng thời cũng tiết kiệm dầu hơn. Hoặc nếu chưa có điều kiện sử dụng các loại bếp này thì bạn cũng cần trang bị bếp gas và một chiếc chảo sâu lòng để chiên ngập dầu thực phẩm. Cửa hàng có phục vụ xúc xích nướng thì có thể xem xét lựa chọn các loại máy nướng xúc xích, với tác dụng vừa làm chín, vừa trưng bày sản phẩm.
Bên cạnh các dụng cụ chế biến, các cửa hàng cũng cần những loại tủ, kệ để đựng và bảo quản thực phẩm, nhằm nhanh chóng phục vụ đồ ăn khi khách hàng có nhu cầu. Với các cửa hàng bán đồ chiên rán, một chiếc tủ trưng bày giữ nóng thức ăn sẽ đáp ứng hoàn hảo yêu cầu này. Đồ ăn đã được chế biến sơ qua được đặt sẵn trong tủ nóng để duy trì độ giòn cho sản phẩm. Khi khách hàng gọi món, bạn chỉ cần bỏ thực phẩm ra và cho vào bếp chiên thêm một lần nữa là món ăn sẽ nhanh chóng được phục vụ cho khách hàng.
Các vật dụng khác như chén, bát, đũa, thìa, giấy ăn cũng là những chi tiết mà bạn cần chuẩn bị thật kỹ càng trước khi mở quán.
Thái độ phục vụ của nhân viên với khách hàng
Cửa hàng đồ ăn vặt của bạn dù cho có bán đồ ăn ngon với giá rẻ, nhưng nếu nhân viên có thái độ không tốt thì chắc chắn khách hàng sẽ không tiếp tục đến ở những lần tiếp sau đó nữa. Khi phục vụ khách hàng, nhân viên cần có thái độ niềm nở, nhiệt tình. Dù cho đồ ăn có chưa được quá ngon, menu chưa quá đa dạng đi nữa, thì nếu thái độ phục vụ của nhân viên được đánh giá cao, thì đó cũng sẽ là một điểm cộng lớn để khách hàng tiếp tục đến với quán của bạn sau này.
Bài trí cho quán ăn của bạn
Bạn cũng cần xem xét để mang đến một không gian thoáng đãng và thoải mái để khách hàng có thể tận hưởng những món ăn vặt của bạn. Không cần phải trang trí quán quá cầu kỳ, lòe loẹt, bởi bài toán kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu khi cạnh tranh trong lĩnh vực đồ ăn vặt này. Hãy lựa chọn các loại đồ trang trí, vật dụng cơ bản, không quá đắt đỏ, và phù hợp nhất với địa điểm kinh doanh và đối tượng khách hàng mà bạn hướng tới.
Kinh nghiệm mở quán đồ ăn vặt – Nên tạo Fanpage
Khi đặt ra câu hỏi rằng mở quán đồ ăn vặt cần những gì, hẳn là nhiều người sẽ chưa nghĩ đến ngay việc tạo kênh tương tác mạng xã hội cho quán. Nhưng đây là thời điểm mà ai ai cũng đang sử dụng Internet và mạng xã hội. Việc tạo fanpage là một yêu cầu thực tế, giúp bạn có một kênh thông tin để tương tác với khách hàng. Thông qua fanpage, bạn có thể hiểu và nắm được những góp ý, đánh giá của khách hàng, từ đó thực hiện triển khai kế hoạch quảng bá, marketing cho quán để ngày càng có thêm nhiều người biết đến và trở thành khách hàng thân thiết của quán ăn vặt.
Mở quán ăn vặt cần bao nhiêu vốn?
Chắc chắn đây là câu hỏi khiến những người có ý định mở quán đau đầu nhất. Để trả lời cụ thể cho câu hỏi này thì sẽ không có một đáp án cụ thể nào, vì quy mô của từng quán sẽ khác nhau. Tùy vào quy mô của quán mà số tiền vốn cần chuẩn bị có thể dao dộng trong khoảng từ 40-150 triệu đồng. Những thông tin trong bài viết này chỉ có tính chất để các bạn tham khảo.
Tiền thuê mặt bằng để mở cửa hàng bán đồ ăn vặt
Hiện tại, trên các trang mạng xã hội, hay các app giao đồ ăn đang nổi lên hình thức các quán bán đồ ăn vặt online. Nếu bạn đầu tư mở quán theo hướng này, thì bạn sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí để thuê địa điểm mở quán. Còn nếu bạn hướng đến việc phục vụ khách hàng tại chỗ, thì hãy cân đối về lựa chọn địa điểm mở quán sao cho thuận lợi nhất.
Hiện nay, giá thuê mặt bằng sẽ dao động trong khoảng từ 3 triệu cho đến 40 triệu đồng, tùy vào vị trí và diện tích mặt bằng. Nếu bạn lựa chọn các khu vực đường phố lớn, chi phí cho thuê sẽ rất cao. Ngược lại, bạn sẽ có mức giá mềm hơn khi lựa chọn thuê các địa điểm ở trong ngõ, hay các con phố nhỏ ít người qua lại hơn. Tuy nhiên, khi đó bạn sẽ cần chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động marketing để có thể lôi kéo khách hàng đến với cửa hàng của bạn.
Chi phí nhập nguyên liệu làm đồ ăn vặt
Dựa theo các món ăn trong menu của quán mà bạn sẽ đi tìm các loại nguyên liệu thích hợp. Bên cạnh việc ưu tiên về giá cả, bạn cũng cần hướng tới việc lựa chọn các nhà cung cấp nguyên liệu sạch, an toàn vệ sinh, đồng thời nguồn hàng cũng phải ổn định. Hãy tham khảo nhiều bên, rồi đánh giá theo các tiêu chí đã nêu để tìm ra nơi phù hợp nhất.
Lưu ý rằng bạn nên nhập nguyên liệu đầu vào theo lịch khoảng 2 ngày nhập 1 lần, và nhập đủ số lượng ước tính dựa trên sức bán của cửa hàng. Việc nhập nguyên liệu như vậy sẽ đảm bảo thực phẩm giữ được sự tươi ngon, nhờ vậy mà món ăn khi chế biến cũng sẽ hấp dẫn hơn, cũng như tránh được việc hàng nhập có thể bị hỏng do nhập quá nhiều mà hàng lại bán chậm. Đối với các nguyên liệu khô như các loại bột, các loại hạt, thịt bò khô,…bạn có thể nhập số lượng lớn mỗi lần để tiết kiệm phần nào chi phí.
Trung bình, chi phí nhập nguyên liệu sẽ tiêu tốn của bạn khoảng từ 3-5 triệu đồng.
Chi phí đầu tư dụng cụ, máy móc, trang trí cho quán
Các dụng cụ chế biến dành cho quán ăn vặt thường sẽ là các loại bếp chiên, nồi, xoong, chảo…Giá cả thì cũng tùy thuộc vào kích cỡ, dung tích hay công năng của từng sản phẩm. Ví dụ như các loại bếp chiên nhúng điện với dung tích nhỏ sẽ có giá khoảng 1 triệu đồng, hay bếp chiên tách dầu với công nghệ chiên rán hiện đại hơn sẽ có giá cao hơn một chút. Bên cạnh đó là những vật dụng để trưng bày và bảo quản thực phẩm.
Ngoài ra, bạn sẽ cần đầu tư chi phí mua sắm các vật dụng để phục vụ nhu cầu ăn uống tại chỗ của khách hàng như bát, đũa, thìa, dĩa, bàn ghế, quạt, điều hòa…Sau đó, hãy dành một phần nhỏ vốn để decor cho quán của bạn. Có thể sử dụng một số loại giấy dán tường, bảng hiệu, áp phích.
Nhìn chung, với mô hình kinh doanh cửa hàng đồ ăn vặt, chi phí đầu tư hạng mục này sẽ không quá lớn như các nhà hàng, chỉ dao động trong khoảng từ 3 đến 20 triệu đồng.
Chi phí đào tạo và thuê nhân viên
Trong trường hợp quán ăn có quy mô nhỏ, tốt nhất là bạn sẽ trực tiếp phục vụ cùng với những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, nếu như bạn có ý định mở quán ăn vặt có quy mô vừa đến lớn, hoặc trong trường hợp bạn không thể nhờ người nhà giúp đỡ, thì giải pháp sẽ là thuê nhân viên làm bán thời gian. Bạn có thể thuê các bạn sinh viên có nhu cầu làm thêm về làm nhân viên cho quán ăn vặt của mình. Nhân sự làm part-time sẽ có lương dao động trong khoảng từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Nếu quy mô quán lớn, bạn có thể sẽ cần thuê thêm một số người làm phụ bếp hoặc bảo vệ cửa hàng. Lúc này, chi phí bỏ ra có thể sẽ tăng thêm từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.
Chi phí marketing cho quán
Với sự cạnh tranh gắt gao hiện nay giữa các quán, thì việc marketing cũng là yếu tố không thể thiếu. Với những quán có quy mô nhỏ, thì việc đơn giản là bạn có thể tự đăng các bài viết giới thiệu về quán, về món ăn lên trang fanpage của cửa hàng, nhằm thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng hơn. Trong trường hợp là các quán ăn vặt có quy mô vừa trở lên, bạn có thể sẽ cần chi tiêu thêm cho các hoạt động marketing online như chạy quảng cáo, và cả việc marketing offline tại điểm bán. Chi phí cho hoạt động marketing cửa hàng có thể dao động từ 2-6 triệu đồng mỗi tháng.
Bên cạnh việc chuẩn bị vốn cho những hạng mục kể trên, khi mở quán đồ ăn vặt cần những gì nữa? Đó còn là những khoản chi phí về điện, nước, các loại thuế, các khoản phí khác mà bạn cũng cần lưu ý để chuẩn bị và cân đối trước khi quyết định bắt tay vào khai trương cửa hàng. Số tiền cho các loại chi phí này trong khoảng 10 triệu đồng.
Những khó khăn khi mở quán ăn vặt
Khi lên kế hoạch mở quán ăn vặt, ngoài những yếu tố thuận lợi, bạn cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức đang chờ đợi mình. Vậy cụ thể đó là những khó khăn gì?
- Công việc vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe: Việc chuẩn bị thực đơn cho mỗi ngày của một quán ăn vặt không đơn giản như bạn tưởng. Sẽ mất rất nhiều thời gian để bạn chuẩn bị nguyên liệu, dọn dẹp cửa hàng để đón khách, có thể bạn sẽ cần phải thức dậy sớm để bắt tay ngay vào việc. Trong thời gian mở quán, nếu lượng khách đông thì bạn sẽ rất bận bịu để phục vụ. Đặc biệt nếu bạn trực tiếp thực hiện việc chế biến các loại thực phẩm chiên rán thì việc ngồi bên cạnh những bếp chiên với dầu sôi cả ngày sẽ khiến bạn mệt mỏi. Sau khi hết khách, bạn cũng cần thêm thời gian để dọn dẹp quán ăn của mình, đôi khi công việc có thể kết thúc vào tối muộn.
- Lợi nhuận thấp khi mới bắt đầu: Với đặc điểm là giá thành rẻ, các món ăn vặt sẽ cho lợi nhuận thấp trên mỗi sản phẩm. Bạn sẽ cần thời gian tương đối dài để có thể tích góp, cũng như có được cho mình một lượng khách hàng trung thành.
- Bạn sẽ gần như phải làm tất cả mọi việc khi kinh doanh quán ăn vặt: Nếu bạn có số vốn nhỏ, không đủ để thuê nhân công, thì bạn sẽ chính là người phải ôm đồm mọi việc. Từ việc chuẩn bị nguyên liệu chế biến, dọn dẹp quán, chế biến thực phẩm, nhận order của khách, thanh toán tiền cho khách, lập kế hoạch marketing cho cửa hàng, tính toán lợi nhuận của quán…
- Nhiều đối thủ cạnh tranh xung quanh bạn: Hiện nay, gần như bạn có thể bắt gặp ít nhất 1 cửa hàng ăn vặt trên mỗi con phố, từ những hàng quán có mặt bằng kinh doanh, cho đến các quán vỉa hè, các xe đồ ăn vặt dựng tạm ở góc phố. Nếu như giá thành sản phẩm của bạn không đủ tốt, món ăn trong menu của bạn không đủ hấp dẫn thì bạn sẽ rất khó để cạnh tranh lại với quá nhiều đối thủ như vậy. Bạn cũng sẽ cần thường xuyên cập nhật xu hướng của khách hàng, nhanh chóng “bắt trend” để thường xuyên làm mới menu cũng như hình ảnh của quán đối với khách hàng.
- Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm: Đây là bài toán nan giải cho các cơ sở kinh doanh đồ ăn vặt, bởi lẽ nguyên liệu nhập về đa phần có giá cả tương đối rẻ, đôi khi sẽ khó để biết chính xác nguồn gốc và thành phần của sản phẩm. Trong khi đó, hiện nay, các group review đồ ăn trên các kênh mạng xã hội đang chứng tỏ sức mạnh của mình. Chỉ cần một cửa hàng có đồ ăn không ngon, có vật thể lạ trong món ăn, hay thái độ phục vụ không tốt của nhân viên là quán của bạn có nguy cơ bị tẩy chay bởi rất nhiều người.
Hy vọng bài viết này của dienmaybaoviet.com đã giúp bạn hiểu được việc mở quán đồ ăn vặt cần những gì. Một kế hoạch mở quán ăn vặt chi tiết, lường trước các thuận lợi và khó khăn khi kinh doanh quán ăn vặt, nguồn vốn đảm bảo, cùng một tinh thần vững vàng sẽ là những yếu tố mà bạn cần có để có thể trở thành một chủ quán ăn vặt thành công. Xin chúc cho dự định của bạn sẽ thành công tốt đẹp.