Mô hình bác sĩ gia đình chưa thành công vì thiếu cơ chế
Quá tải bệnh viện là vấn đề nan giải của ngành y, nhưng mô hình bác sĩ gia đình chưa được quan tâm, thiếu cơ chế, theo đại biểu Lê Thu Hà.
Thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi ngày 13/6, đại biểu Lê Thu Hà (Thường trực Ủy ban Đối ngoại) trăn trở khi Việt Nam “đã bỏ qua những vấn đề rất cơ bản của một nền y tế lành mạnh”. Trong khi ngành y tập trung nguồn lực khắc phục quá tải bệnh viện tuyến trên nhưng không hiệu quả thì “bước đi chính xác” là mô hình bác sĩ gia đình lại chưa được quan tâm và thiếu vắng quy định cần thiết trong dự luật.
Bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe tuyến đầu phổ biến trên thế giới, áp dụng thành công từ nhiều thập kỷ trước, không chỉ ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Canada… mà ngay các nước đang phát triển ở Đông Nam Á như Malaysia, Philippines. Thông thường một bác sĩ phụ trách nhóm dân cư nhất định. Bệnh nhân được đăng ký một bác sĩ gia đình cụ thể chăm sóc sức khỏe. Việc thăm khám hầu hết thực hiện tại nhà, để được khám tại tuyến trên thì phải được bác sĩ gia đình giới thiệu.
Từ những năm 1980, Cuba đã đưa ra chương trình bác sĩ gia đình, phụ trách từng khu vực dân cư (một nhân viên y tế/159 người dân), chịu trách nhiệm về các vấn đề y tế. Mô hình này đã phát huy hiệu quả, hệ thống y tế Cuba được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là xuất sắc.
Đại biểu Lê Thu Hà. Ảnh: Hoàng Phong
Tại Việt Nam, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được Bộ Y tế phê duyệt để nhân rộng và phát triển giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Bộ kỳ vọng giảm tải cho bệnh viện và mục tiêu đến năm 2020 có 80% tỉnh thành triển khai phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn tỉnh.
Tuy nhiên, đến nay cả nước mới có 340 phòng khám bác sĩ gia đình, 256 phòng khám công lập và 84 phòng khám tư nhân. Giai đoạn 2013-2017, phòng khám bác sĩ gia đình đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 81.000 người; đến tháng 9/2021 tăng lên 16 triệu.
Theo bà Hà, mô hình bác sĩ gia đình chưa thành công, trước hết do Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng. Nguồn nhân lực được đào tạo, có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động mô hình bác sĩ gia đình còn bất cập. Mô hình này cũng không có cơ chế tài chính để đảm bảo nguồn thu.
Cơ sở y học gia đình chưa ký được bảo hiểm y tế ban đầu nên chưa khuyến khích người dân tham gia. Thanh toán bảo hiểm y tế các dịch vụ mô hình bác sĩ gia đình gặp khó khăn. Hơn nữa, nhờ quy định thông tuyến nên người bệnh có nhiều lựa chọn, làm giảm vai trò của bác sĩ gia đình. Để tạo điều kiện cho mô hình này phát triển, bà Hà đề nghị dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần quy định rõ ràng.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Huế phân tích, bác sĩ gia đình không chỉ giảm tải cho các bệnh viện mà còn giảm bớt gánh nặng cho bác sĩ chuyên khoa; tiết kiệm chi phí nằm viện của người dân. Bác sĩ gia đình sẽ đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng, bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài chuyên môn, bác sĩ cần có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa… để tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế. Ảnh: Media Quốc hội
Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, mô hình này đang gặp nhiều vướng mắc như chưa có cơ chế định giá, chưa thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ, chưa xây dựng quy chế phối hợp chuyển tuyến giữa bác sĩ gia đình với hệ thống phòng khám, chữa bệnh. Phí dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà còn tự phát, chưa được bảo hiểm y tế thanh toán. Bệnh án điện tử của phòng khám bác sĩ gia đình chưa được thống nhất…
Bà đề nghị Bộ Y tế tổng kết mô hình này, có cơ chế hỗ trợ để nhân rộng. “Cần quy định về bác sĩ gia đình trong một điều luật cụ thể, bởi nghề y luôn tiềm ẩn tai biến y khoa, nếu xảy ra trường hợp bệnh nhân tử vong thì phải giải quyết thế nào? Đồng thời, cần có cơ chế để bệnh nhân được hưởng tối đa quyền lợi bảo hiểm y tế”, nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn đề xuất.
Giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trước đây nói đến bác sĩ gia đình là cá nhân, nhưng xu thế hiện nay sẽ là nhóm bác sĩ. Bởi một người không thể hiểu được hết tất cả chuyên môn, kể cả về tâm lý. “Tại Việt Nam, ngoài phòng khám bác sĩ gia đình đặc biệt, chúng ta có hệ thống y tế cơ sở, tăng cường theo phương châm y học gia đình, y tế gia đình”, ông Đam nói.