Mở hàng chục cơ sở liên kết đào tạo để bán chứng chỉ giả
Như, qua công tác trinh sát nắm tình hình, Công an quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng vừa phát hiện một nhóm đối tượng câu kết làm giả và bán các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ nghề… với số lượng cực lớn thông qua các diễn đàn, trang web rao vặt trực tuyến, đăng tin cung cấp các loại chứng chỉ nói trên cho người có nhu cầu mà không phải học và thi.
Trước đó, vào hồi 16h30 ngày 30/6, các trinh sát, điều tra viên của Đội CSĐT tội phạm kinh tế thuộc Công an quận đã bắt quả tang Nguyễn Trung Kiên, 26 tuổi, HKTT tại phường Văn Đẩu, quận Kiến An, Hải Phòng, đang có hành vi mua bán bằng cấp giả tại nhà số 1, đường Lý Thường Kiệt, quận Hồng Bàng. Qua đấu tranh mở rộng, Ban chuyên án phát hiện thêm đồng bọn thân cận của Kiên là Nguyễn Đức Cảnh, 27 tuổi, HKTT tại phường Bắc Sơn, cùng quận Kiến An. Chỉ sau 2 giờ, hồi 18h30 cùng ngày, Cảnh đã đến Công an quận Hồng Bàng đầu thú.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy: Từ đầu năm 2013 đến nay, hai đối tượng Kiên và Cảnh đã nhiều lần đăng tin rao vặt trên mạng Internet. Với nội dung rao bán các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cùng chứng chỉ nghề… của “Trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ FLAI” (Trung tâm FLAI) và “Bộ Giáo dục – Đào tạo”. Người có nhu cầu không phải học, không phải thi, chỉ cần liên lạc trước qua điện thoại rồi gửi ảnh 3x4cm, bản sao CMND qua địa chỉ email, đồng thời trả tiền vào tài khoản của chúng ở ngân hàng là nhận được “hàng” qua hệ thống chuyển phát nhanh. Với các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học phôi của Trung tâm FLAI, Kiên thu của khách 250.000đ/chiếc còn chứng chỉ phôi của Bộ Giáo dục – Đào tạo là Kiên thu của khách 700.000đ/chiếc.
Đi sâu điều tra, Ban chuyên án làm rõ Kiên và Cảnh không phải là kẻ trực tiếp sản xuất các văn bằng, chứng chỉ giả, mà thông qua Ngô Xuân Bách, 24 tuổi, HKTT tại xóm Đoàn Kết 3, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Tên này lại thuê Phạm Thị Diến, 24 tuổi, trú tại xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Diến tiếp tục thông qua Tiến Hồng Hà, 28 tuổi, trú tại phố Tựu Liệt, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Còn Hà lại thuê Phạm Duy, 33 tuổi, trú tại số 45, đường hồ Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội với giá 20.000đ – 30.000đ/chiếc bằng phôi Trung tâm FLAI và 200.000đ – 250.000đ/chiếc bằng phôi của Bộ Giáo dục – Đào tạo.
Cũng theo tài liệu điều tra, Phạm Duy đã lập danh sách và ảnh đưa cho người chú của y là Phạm Duy Tài, 47 tuổi, HKTT tại phòng 201, A12, quận Thanh Xuân Bắc, Hà Nội (Chánh văn phòng Trung tâm FLAI) và bố đẻ là Phạm Duy Việt, 59 tuổi, trú tại số 45, đường hồ Mễ Trì, Hà Nội (Giám đốc Trung tâm FLAI) để ký và “cấp” những chứng chỉ này. Cứ mỗi đầu mối như vậy, các đối tượng trong đường dây hưởng lợi từ vài chục đến trăm nghìn đồng một chứng chỉ.
Bên cạnh đó, Ngô Xuân Bách còn mua các chứng chỉ giả từ phôi Trung tâm FLAI qua Lê Thị Thu Hương, 29 tuổi, HKTT tại xóm 6B, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, với giá 40.000đ – 90.000đ/chiếc. Còn Hương do quen biết Phạm Duy Việt, nên khi khách có nhu cầu, Hương trực tiếp đưa danh sách và ảnh để Việt ký, “cấp” các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ của Trung tâm FLAI với giá 15.000đ – 30.000đ/chứng chỉ.
Nghiêm trọng hơn, Phạm Duy Việt còn mở 15 cơ sở trực thuộc Trung tâm FLAI và ký hợp đồng 17 cơ sở liên kết đào tạo với các trung tâm tin học, ngoại ngữ khác ở Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương…, nhưng thực chất các cơ sở này không tổ chức tuyển sinh, thi tuyển mà chỉ bán chứng chỉ cho khách có nhu cầu. Lợi dụng chức danh là Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển công nghệ FLAI có quyền tuyển sinh, đào tạo và cấp các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nên Phạm Duy Việt đã “cấp” trung bình một tháng 2.000 chứng chỉ, cao điểm lên tới 5.000.
Ước tính, từ 2008 đến nay, Việt đã rải ra hàng trăm nghìn chứng chỉ giả các loại, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng. Khám xét khẩn cấp đối với Phạm Duy Việt và Phạm Duy Tài, Công an quận Hồng Bàng đã thu giữ: 1 máy tính xách tay, 1 con dấu cùng hàng nghìn tài liệu liên quan đến việc sản xuất, bán các loại chứng chỉ giả cho rất nhiều đối tượng khác nhau tại 64 tỉnh, thành phố cả nước.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT Công an quận Hồng Bàng, Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố bị can về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267- BLHS đối với 7 đối tượng gồm: Phạm Duy Việt, Phạm Duy Tài, Phạm Duy, Tiến Hồng Hà, Phạm Thị Diến, Ngô Xuân Bách, Nguyễn Trung Kiên và tiếp tục điều tra, mở rộng, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hàng chục đối tượng liên quan khác trong đường dây. Cơ quan điều tra đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng các chứng chỉ giả do Trung tâm FLAI cấp (gồm cả phôi của Bộ Giáo dục Đào tạo và Trung tâm FLAI) trong thời điểm từ 2008 đến 6/2013, phải nộp lại cho cơ quan CSĐT Công an quận Hồng Bàng để phục vụ công tác điều tra