Minh Triết Trong Đời Sống by Darshani Deane, Nguyên Phong – Ebook | Scribd
Mục lục
Lời Giới Thiệu
1. Thần chết và đời sống
2. Tính nóng giận
3. Sự nóng giận
4. Quyền tức giận
5. Sự gắn bó
6. Nghịch cảnh
7. Mặc cảm tội lỗi
8. Tính nôn nóng
9. Ly nước đầy
10. Kiềm chế, bộc lộ và dứt bỏ
11. Tính do dự
12. Căn bệnh của trí não
13. Sự ganh tỵ
14. Số nhiều
15. Trong tinh thần Thiền định
16. Tư tưởng và hành động
17. Giải thoát
18. Chống đối và thử thách
19. Làm chủ tình dục
20. Lòng kiêu hãnh
21. Thượng đế duy nhất
22. Tự do ý chí
23. Gãi ngứa
24. Ân huệ
25. Phân biệt và phán đoán
26. Khoảng cách
27. Hãy đặt gánh nặng xuống
28. Giác ngộ
29. Tiến bộ tâm linh
30. Sống nghèo
31. Sự thức tỉnh
32. Ngộ một nửa?
33. Thiền định và đối tượng
34. Tấm lòng chai đá
35. Những chiếc cúp luân chuyển
36. Cầu nguyện
37. Cần có thầy hay không cần?
38. Một quan niệm về tình yêu
39. Thực tại chỉ nằm trong hiện tại
40. Thiền định và khoa học
41. Con đường tâm linh
42. Tám bậc thang của thiền
43. Bệnh tật: nguyên nhân và cách điều trị
44. Kinh nghiệm tâm linh
45. Thượng Đế: tự do vô biên
46. Tìm một hướng đi
47. Người giác ngộ
48. Ảnh hưởng của màu sắc
49. Hậu quả của ma túy
50. Cảm nhận Thượng Đế
51. Chấp nhận
52. Tôi là Ngài
53. Mẫu số chung
54. Quyền năng
55. Tiêu chuẩn tâm linh
56. Từ bỏ
57. Thượng Đế
58. Thương yêu kẻ thù
Lời Giới Thiệu
Trong nhiều năm qua, tôi đã diễn thuyết khắp nơi về nhiều đề tài khác nhau như Con đường chuyển hóa, Định hướng cho tương lai, Hạnh phúc và đau khổ, v.v. Thính giả của tôi gồm đủ mọi tầng lớp trong xã hội: chủ doanh nghiệp, nhà quản lý, giáo sư đại học, sinh viên, học sinh, quân nhân, công chức, thợ thuyền, người nội trợ, v.v. Sau buổi nói chuyện thường có buổi thảo luận, một số người đã đặt những câu hỏi tương tự như sau:
• Cuộc đời của tôi là một chuỗi đau khổ, bà có cách nào giúp tôi không?
• Tại sao những bất hạnh lại xảy đến cho tôi? Tôi đã làm gì nên tội?
• Tại sao lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an, lo sợ? Tôi đã áp dụng nhiều phương pháp, từ uống thuốc an thần đến thiền định nhưng không đạt kết quả gì. Liệu bà có giúp được gì cho tôi hay không?
• Làm thế nào để một người bình thường như tôi có thể sống thoải mái trong cuộc đời hiện tại?
• Tôi đã tập thiền trong nhiều năm mà chẳng thấy kết quả gì khả quan. Theo bà tôi phải làm gì nữa đây?
• Tại sao khi ở nhà tôi thấy thoải mái dễ chịu nhưng khi vào đến cơ quan thì những nỗi bực bội, phiền hà lại nổi lên?
• Tôi đã theo học với nhiều thầy, tu nhiều phương pháp khác nhau nhưng càng ngày càng thấy bối rối hơn. Tôi không biết phải làm gì nữa bây giờ?
• Tại sao tôi cứ cảm thấy tuyệt vọng?
• Làm thế nào để đối diện với cái chết?
• Chúng ta có thực sự tự do không?
Sau khi tiếp xúc với họ, tôi thấy dù ở địa vị hay hoàn cảnh nào trong xã hội, đa số đều có những tâm trạng và thắc mắc như nhau. Điều này khiến tôi suy luận rằng nếu những người tôi đã gặp đều có những ưu tư giống nhau thì những người tôi chưa gặp chắc cũng có những tâm sự tương tự. Nếu đã giúp được một số người qua các buổi hội thảo thì biết đâu tôi cũng giúp được người khác qua hình thức một cuốn sách nhỏ ghi lại những điều tôi đã thu thập được.
Phần lớn những câu trả lời của tôi đều dựa trên các phương pháp đã được truyền dạy và thực hành tại phương Đông trong nhiều thế kỷ. Dĩ nhiên nó không giống cách chữa bệnh của khoa phân tâm vốn dựa trên căn bản Phân tích mọi việc bằng lý luận, đưa nó ra ánh sáng rồi mọi việc tự nó giải quyết. Tôi quan niệm rằng: Tâm hồn con người hiện nay đã trở nên quá máy móc, thụ động, không thể tự chữa cho nó bằng lý luận thông thường. Nó cần phải được nâng lên một bình diện khác cao hơn để mở rộng ra, nhìn mọi sự qua một nhãn quan mới. Chỉ có áp dụng cách đó, việc chữa trị mới mang lại kết quả tốt đẹp.
Tôi khám phá ra phương pháp này một cách ‘tình cờ”, nhưng dường như trong đời không có gì gọi là tình cờ được thì phải. Tôi xin chia sẻ với các bạn về kinh nghiệm bản thân như sau:
Cách đây không lâu, tôi là một nhạc sĩ nổi tiếng trình diễn âm nhạc khắp thế giới nhưng tôi chưa thỏa mãn với chính mình, hình như tôi còn muốn một cái gì nữa mà lúc đó tôi chưa ý thức rõ rệt. Tôi lái xe hơi vòng quanh thế giới, khởi sự từ châu Âu, qua Trung Đông với ý định sẽ đi khắp châu Phi, châu Á trước khi trở về châu Mỹ. Cuộc hành trình đưa tôi đến bờ sông Hằng xứ Ấn Độ. Hôm đó tôi dừng chân trước đạo viện Sivananda nơi đạo sư Krishnanandaji đang giảng kinh Vệ Đà. Dĩ nhiên tôi chưa bao giờ nghe nói đến kinh Vệ Đà và cũng chẳng biết vị đạo sư đó là ai. Tôi chỉ muốn chụp vài tấm ảnh kỷ niệm để làm bằng chứng cho chuyến du lịch của tôi mà thôi. Hôm đó đại sư đã giảng cho học trò về Đại Ngã (Brahman), về cái lý tưởng tuyệt đối, không thể phân chia của vũ trụ. Vì lý do gì đó, đầu óc của tôi bỗng nhiên được đánh thức, tôi ý thức rằng từ trước đến nay cuộc đời của tôi chỉ là một giấc ngủ dài không tỉnh. Tôi nghe giảng một cách say sưa, quên cả thời gian, không gian và lý do cuộc thăm viếng đạo viện. Điều tôi hằng mong muốn nhưng chưa ý thức được bỗng hiện lên rõ rệt trong đầu óc tôi. Tôi quyết định dừng chân tại đây để học đạo. Năm đó tôi vừa tròn 35 tuổi.
Tôi xuất thân trong một gia đình trung lưu tại thành phố New York. Cha mẹ tôi tin rằng tôi có năng khiếu âm nhạc nên họ không quản tốn kém thuê giáo sư kèm riêng cho tôi. Giáo sư của tôi, một nhạc sĩ nghiêm khắc, đã quyết định rằng tôi phải trở thành một nghệ sĩ độc tấu nhạc cổ đìển, và chỉ nhạc cổ điển mà thôi. Điều này có nghĩa là tôi không được chơi các bài nhạc vui như Valse hay hòa tấu với những học sinh khác. Qua âm nhạc, tôi nhận thức được một sức sống mạnh mẽ tiềm tàng trong mình và khám phá rằng tôi có nhiều nhiệt thành với cuộc sống, lúc nào tôi cũng muốn vươn lên nắm bắt lấy một cái gì mặc dù lúc đó tôi không rõ mình thực sự muốn gì.
Không như những thiếu nữ cùng lứa tuổi, tôi tin rằng hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy trong sự thành công về nghề nghiệp, danh vọng và sống cho ra sống chứ không phải ràng buộc trong những giới hạn của hôn nhân. Trong thời gian học đại học, tuy quen biết nhiều ngưòi nhưng không bao giờ tôi muốn bị lệ thuộc vào bất cứ ai.
Đời sống đối với tôi là một khu rừng đầy hoa thơm cỏ lạ với những buồi trình diễn trên đài phát thanh, đài truyền hình, trên sân khấu những hộp đêm sang trọng tại New York, Chicago, Paris, London v.v. Tôi đã trình diễn trên du thuyền của những vương tôn công tử hào hoa phong nhã. Giao thiệp với những người đàn ông từng trải, chín chắn. Nhiều người ngỏ lời cầu hôn và hứa hẹn một đời sống thoải mái cho tương lai nhưng tôi chỉ muốn tự do làm tất cả những gì mình muốn, và tôi vẫn còn muốn nhiều thứ lắm.
Nghề nghiệp đưa tôi vào nhiều chuyến du lịch đầy hứng thú từ Âu qua Á, từ những đô thị đông đúc ở châu Á đến những làng mạc hoang vu tại châu Phi. Tuy nhiên tôi không muốn chỉ là một nghệ sĩ thuần túy mà phải nhiều hơn thế nữa.
Tôi học lái máy bay và trở thành một phi công có hạng. Tôi đã một mình bay nhiều chuyến từ thành phố này qua thành phố khác. Tôi đã vẫy vùng trên không trung như một cánh chim giang hồ và đạt nhiều kỷ lục đáng kể. Lúc ấy, số phụ nữ có bằng lái máy bay còn rất hiếm nên tôi đã trở thành đề tài cho nhiều câu chuyện thời sự.
Tôi ham thích chơi cờ; ngoài việc giải trí thanh nhã, nó còn là môi trường để thử thách cá tính con người. Tôi đã tranh giải trong các hội quán quốc tế và hạ nhiều cao thủ xuất sắc. Trong các danh thủ môn cờ này, rất ít người thuộc phái nữ nên tên tuổi của tôi còn lẫy lừng hơn nữa; nhưng đối với tôi nó vẫn chưa đủ, tôi chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn cả, tôi còn muốn nhiều hơn nữa kìa…
Tôi ký hợp đồng trình diễn tại châu Phi và lang thang nhiều năm trên lục địa nắng cháy này. Tôi sống trên một du thuyền lộng lẫy chạy dọc theo sông Nile suốt sáu tháng liền, nhưng rồi cuộc sống vương giả ấy làm tôi thấy nhàm chán. Tôi tìm đến một làng hẻo lánh, sống chung với những người nông dân trồng trọt rau trái. Tại đây tôi học được bài học về lòng hy sinh, nhẫn nại, sự gắn bó chặt chẽ với đất đai để biến mảnh đất sa mạc khô cằn thành những đồn điền trù phú, nhưng không hiểu sao tôi không thấy mình gắn bó vào đâu cả.
Tôi trở lại châu Âu trình diễn âm nhạc một thời gian. Máu phiêu lưu thúc đẩy, tôi mua một chiếc xe Jeep để du lịch vòng quanh thế giới. Hầu như bất cứ nơi nào ghé qua, tôi cũng đều bị bao vây bởi rừng phóng viên, nhà báo tò mò muốn tìm hiểu người phụ nữ đầu tiên dám du lịch thế giới một mình bằng xe ô tô. Cuộc du hành đưa tôi qua châu Phi, Trung Đông và rồi châu Á. Tôi đi dọc theo rặng Hy Mã Lạp Sơn hiểm trở để vào đồng bằng xứ Ấn, cho đến một hôm dừng chân bên bờ sông Hằng và nghe nói đến từ Đại Ngã (Brahman). Trí óc của tôi bị thôi thúc mạnh mẽ, dường như tôi đã tìm được điều tôi muốn. Tôi quyết định dừng chân nơi đây học đạo với Swami Krishnanandaji.
Tôi học hỏi ý nghĩa kinh Vệ Đà và chú trọng nhiều đến bộ Upanishads. Với tấm lòng cương quyết có được kinh nghiệm tâm linh, tôi đã nhập thất thiền định nhiều năm trên rặng Hy Mã Lạp Sơn. Một hôm thấy trong lòng ngây ngất rạo rực bởi một cảm giác an tĩnh lạ thường, tôi vội báo tin cho thầy tôi biết rằng: Nếu tiếp tục cố gắng khoảng sáu tháng nữa tôi có thể giác ngộ. Thầy tôi không nói gì chỉ lắc đầu rồi yêu cầu tôi trở lại động đá suy gẫm thật kỹ về một đề tài của kinh Vệ Đà: Khiêm tốn là bước đầu của tất cả sự tiến bộ. Sau khi suy gẫm kỹ lưỡng về đề tài trên, tôi ý thức rằng người ta không thể tự hào với một công phu nhỏ bé như thế được, tôi bèn cương quyết nhập thất trọn đời. Tôi báo tin cho thầy tôi biết rằng Tôi sẽ từ bỏ thế gian này để thực hành thiền định cho đến khi chết. Một lần nữa thầy tôi lắc đầu và nói rằng: Tại sao con lại nghĩ rằng con có thể từ bỏ thế gian này hoặc thế gian này sẽ từ bỏ con? Hãy suy gẫm thêm nữa về sự liên hệ giữa cá nhân và thế giới. Thế là tôi lại chui vào động đá để suy gẫm thêm.
Mùa mưa đến với rắn rết, côn trùng bò đầy vào trong hang nhưng tôi vẫn không sờn lòng, tôi ao ước có được kinh nghiệm tâm linh trước khi giấy thông hành của tôi hết hạn. Tuy nhiên thời gian là một thử thách lớn, sau mấy năm nhập thất mà vẫn chưa trải nghiệm được điều tôi muốn, lòng phiêu lưu mạo hiểm thúc giục tôi lên đường. Tôi muốn biết ngoài giáo lý Vệ Đà còn có những giáo lý nào khác nữa hay không? Biết đâu tôi có thể học hỏi thêm được điều gì hay hơn chăng? Biết đâu tôi có thể tìm được một giáo lý nào thích hợp với tôi hơn nữa? Thế là tôi từ giã động đá để đi Katmandu.
Tôi dừng chân trước một trại dành cho người Tây Tạng di tản. Việc những người dân hiền lành chất phác phải rời bỏ mảnh đất quê hương làm cho tôi xúc động. Hơn lúc nào hết, tôi ý thức rõ rệt về sự liên hệ giữa cá nhân tôi và thế giới bên ngoài. Tôi lập tức tình nguyện làm người quản lý ở trại này. Tôi thành lập trường học, thiết lập trạm y tế, họp báo kêu gọi thế giới ý thức về tình trạng khốn khổ của những con người ở đây. Tôi nghĩ rằng nhờ công tác xã hội này tôi sẽ tìm được điều tôi muốn nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy thiếu thốn một điều gì đó. Đời sống đối với tôi bỗng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Hằng ngày tôi thường lái xe chuyên chở thực phẩm cho trại, đi qua những con đường đèo nhỏ hẹp trên rặng Tuyết Sơn. Tôi nhìn thấy hàng trăm xác xe hơi dưới đáy thung lũng, chỉ một lơ đãng một chút là cả người và xe đều rơi xuống vực sâu. Cái chết bắt đầu ám ảnh tâm trí tôi hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ nhiều về cái chết, về đời sống và bắt đầu sợ hãi.
Tôi vừa lái xe vừa cầu nguyện, đôi khi tôi còn đọc những bài thần chú Tây Tạng nữa. Không ai muốn chết trước khi được một quyền năng nào đó bảo đảm cho.
Qua công việc xã hội, tôi quen biết Linh mục Moran và Hòa thượng Serkong Rimpochen. Tôi than thở với hai vị này rằng: Khi xưa tôi vẫn nghĩ đời sống là một cái gì đẹp đẽ nhưng hiện nay tôi lại thấy đời sống sao đầy những khó khăn, không sao thoải mái được. Cả hai khuyên tôi phải có một thái độ với cuộc sống. Linh mục Moran khuyên tôi cầu nguyện Thượng Đế nhiều lần trong ngày. Hòa thượng Serkong khuyến khích áp dụng một kỷ luật chặt chẽ để kiểm soát thân và tâm. Tuy nhiên tôi không tuân giữ được điều gì vì đầu óc của tôi lúc đó cứ bị giày vò, xung đột bởi một cảm giác trống rỗng, thiếu thốn không thể diễn tả.
Ít lâu sau tôi trở lại đạo viện Sivananda khóc lóc với đạo sư Krishnanandaji: Con không thể sống với cái thế giới đầy phiền não này được nữa, con quyết định nhập thất thiền định cho đến khi đạt được kinh nghiệm tâm linh. Con không muốn du lịch hay làm công việc xã hội nữa mà chỉ ao ước kinh nghiệm được Thượng Đế mà thôi. Từ nay con nhất quyết đoạn tuyệt với thế giới bên ngoài.
Một lần nữa đạo sư Krishnanandaji lại lắc đầu nói rằng: Tại sao con lại nghĩ mình có thể từ bỏ thế giới này? Thượng Đế và thế giới này đâu phải hai phần cách biệt, hãy tập trung tư tưởng để suy gẫm thật kỹ về đề tài này. Từ đó bên dòng nước sông Hằng, tôi đắm mình vào việc thiền định, suy gẫm về cuộc đời đã qua của mình. Cho đến lúc đó, tôi mới hiểu được rằng cuộc sống thiếu ý thức của tôi khi trước chỉ là những gì chập chờn như giấc mộng. Tuy hiểu được vậy nhưng tôi vẫn chưa biết cách sống làm sao cho thoải mái để tìm sự an tĩnh trong nội tâm.
Sau một thời gian thiền định, quán tưởng, lòng phiêu lưu mạo hiểm lại thúc giục tôi lên đường. Tôi tự nhủ, biết đâu tôi có thể học hỏi thêm được điều gì hay hơn chăng? Tôi qua Nga, Đông Âu và Tây Âu trình diễn âm nhạc và dừng chân ở một làng nhỏ nước Ý. Tại đây tôi gặp Linh mục Padre Pio, một người mà trên thân thể có những bí tích (những dấu vết đóng đinh giống như Chúa Jesus, mỗi năm cứ đến thời gian trước lễ Phục Sinh thì những vết thương đó lại chảy máu một cách kỳ lạ).
Tôi được Linh mục Pio chỉ dẫn rất nhiều về giáo lý bí truyền chỉ phổ biến trong những dòng tu kín. Sống gần Linh mục, tôi trải nghiệm được một sự bình an lạ lùng, mỗi khi Ngài giơ tay ban phép lành thì tôi lại thấy trong người dào dạt một cảm giác bình an vô hạn. Hàng ngày tôi tham dự khóa lễ tại nhà thờ San Giovani, lòng yêu thương sùng kính của tôi đối với đấng Christ gia tăng mãnh liệt. Tôi muốn gia nhập dòng tu kín, trở thành một nữ tu dành trọn cuộc đời cầu nguyện Thiên Chúa nhưng tôi vẫn ngần ngại vì không quên cái ý thức về Đại Ngã (Brahman)
và những kinh nghiệm thu thập bên dòng sông Hằng. Tôi cảm thấy trong người bị xâu xé bởi một cảm giác mâu thuẫn. Một mặt muốn quay về với triết lý phương Đông nhưng mặt khác tôi lại thấy thoải mái với lối giải thích của thần học phương Tây.
Ít lâu sau tôi nhận lời mời của giáo sư John Bennett qua Luân Đôn nghiên cứu công trình còn lại của Gurdjieff, một triết gia kiêm nhạc sĩ nổi tiếng. Gurdjieff đã dung hòa được tư tưởng Đông và Tây qua những lời khuyên hết sức thực tế, ngoài ra ông cũng là một nhạc sĩ nên tôi nghĩ rằng một nhạc sĩ tôi có thể thông cảm với nhạc sĩ hơn.
Tôi chuyên tâm nghiên cứu công trình của Gurdjieff. Một hôm đang đi bộ trên đường Oxford, tôi bỗng ý thức được một cảm giác tự do kỳ lạ, tôi không còn thấy mình là mình nữa mà cứ lâng lâng như được nâng lên một bình diện nào đó cao hơn. Tôi ngây ngất một lúc rất lâu và ý thức được điều Gurdjieff vẫn nói: Sự ý thức toàn vẹn về sự sống.
Tôi kể cho giáo sư Bennett nghe về kinh nghiệm này và ngỏ ý muốn tìm một nơi yên tĩnh để suy gẫm thêm. Giáo sư Bennett không đồng ý, ông nói: Tách ra khỏi đời sống không phải là điều Gurdjieff chủ trương; sống và ý thức sự sống, ý thức sự chuyển hóa của mình với đời sống mới là điều quan trọng. Tôi không đồng ý với giáo sư Bennett, đầu óc của tôi vẫn khăng khăng nghĩ rằng tôi có thể tìm đến một nơi chốn nào đó để sống trọn vẹn với cái cảm giác bình an đó mãi. Tôi tìm đến một tu viện