Mẹo nấu ăn đơn giản cho người bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường không có nghĩa là bạn phải kiêng khem, không được thưởng thức những món ăn ngon. Ngược lại, ăn kiêng quá mức càng khiến người bệnh đái tháo đường bị bức bối, thiếu dinh dưỡng.

Khi bạn biết những nguyên tắc cơ bản trong khẩu phần dinh dưỡng của người đái tháo đường, bạn vẫn có thể nấu và ăn những món yêu thích. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia về cách nấu ăn dành cho người bệnh đái tháo đường.

Chọn lọc và giảm chất béo

meo nau an cho nguoi dai thao duong

>> Quản lý đái tháo đường thai kỳ

>> 5 nhóm đối tượng nguy cơ bị đái tháo đường typ 2

Người bệnh đái tháo đường nên tránh xa các chất béo bão hòa vì chúng làm tăng cholesterol LDL (xấu) và giảm cholesterol HDL (tốt), làm bệnh thêm trầm trọng. Các loại chất béo bão hòa có trong công thức nấu nướng hằng ngày gồm: bơ, mỡ lợn, dầu dừa, nước cốt dừa, nội tạng động vật…

Khi mua nguyên liệu nấu nướng, bạn nên lưu ý thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn, tránh những loại bơ, dầu ăn có chữ “hydrogenated shortening”. Người bệnh đái tháo đường nên dùng các loại dầu thực vật, chứa chất béo không bão hòa như dầu hạt cải, dầu nành, dầu ô liu, dầu hạt nho, bơ thực vật không chứa chất béo. Khi nấu canh súp, bạn cũng nên vớt bỏ lớp váng mỡ trên bề mặt.

Ngoài ra, các loại thực phẩm làm từ sữa thường có hàm lượng chất béo rất cao sẽ khiến tăng cân. Thay vì dùng sữa nguyên chất, người bệnh đái tháo đường nên dùng sữa tách béo, tách kem. Đổi thói quen dùng sữa chua nguyên kem bằng sữa chua ít béo, tương tự với phô mai bạn cũng chọn loại ít béo (phô mai cottage)

Chọn loại tinh bột cung cấp năng lượng và chất xơ

Trong thói quen của người Việt, bữa ăn thường có cơm trắng và các loại thực phẩm từ bột như bún, phở, mì… Hàm lượng đường chuyển hóa từ các loại thực phẩm này rất cao.

Thế nên, giải pháp của người bệnh đái tháo đường là dùng gạo lức, thực phẩm làm từ bột mì nguyên cám hoặc ăn ngũ cốc nguyên hạt (có chữ whole grain trên bao bì) như yến mạch, đậu xanh, đậu đỏ…

Đây là các loại thực phẩm rất giàu chất xơ, tốt cho sức khỏe của người bệnh đái tháo đường.

Hạn chế ăn đường, chất ngọt

Đường có nguồn gốc từ tinh bột sẽ chuyển hóa chậm, nhưng với đường tinh thì cơ thể hấp thụ nhanh hơn rất nhiều. Thế nên người bệnh đái tháo đường cần hạn chế ăn ngọt để tránh tăng glucose huyết.

Để không làm giảm khẩu vị món ăn, có thể mua loại đường ăn kiêng chuyên dành cho người đái tháo đường, hoặc tận dụng vị ngọt tự nhiên từ rau củ quả. Tuyệt đối tránh xa các loại nước ngọt, nước tăng lực, chè…

Bổ sung hương vị mới

Khi nêm nếm thức ăn, hẳn bạn thường quen sử dụng đường, muối, nước mắm, dầu ăn cho hợp khẩu vị. Giờ đây hãy thay đổi một chút với các loại gia vị mới, giúp hương vị món ăn đa dạng hơn, lại tốt cho người bệnh đái tháo đường.

Một số loại gia vị có nguồn gốc thiên nhiên như quế, thảo quả, nhục đậu khấu, mù tạt… là lựa chọn khả dĩ và dễ tìm.

Các loại thực phẩm cần thiết cho người bệnh đái tháo đường

thuc pham can thiet cho nguoi benh dai thao duong

Các loại rau củ tươi: rau xanh (bông cải, cải bó xôi, cải xoăn), ớt chuông, cà chua, cần tây, cà rốt, dưa chuột… Hạn chế tối đa chế biến bằng cách rán, xào, thay vào đó hãy nấu súp, luộc sơ hoặc trộn salad.

Các loại hoa quả giàu vitamin và chất xơ: táo, lê, cam, cherry, các loại quả mọng như quả việt quốc, quả mâm xôi, quả dâu…  Ăn cả quả chứ không ép lấy nước vì sẽ làm mất chất xơ trong quả.

Các loại hạt như: hạnh nhân, hạt dẻ, óc chó….để bổ sung đầy đủ  dưỡng chất và năng lượng cho cơ thể.

Cuối cùng, người bệnh đái tháo đường dần thay đổi thực phẩm bằng cách chọn thực đơn trước khi đi chợ, thường xuyên dọn dẹp tủ lạnh, mua những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe thay cho các thực phẩm mua theo thói quen.