Mẹ sắp ban thờ gia tiên ngày Tết
Tết Việt với những phong tục và nét văn hóa truyền thống thiêng liêng, cao đẹp được bồi đắp dần trong tôi từ những công việc giúp mẹ như thế.
Từ ngày các chị đi lấy chồng, cứ mỗi dịp cận Tết, tôi lại cố gắng xong việc sớm để về quê giúp bố mẹ chuẩn bị một cái Tết cho gia đình. Trong đó, việc sắp ban thờ gia tiên giúp mẹ đã cho tôi hiểu ý nghĩa phong tục thiêng liêng mà rất đẹp của người Việt dịp Tết, đặc biệt là vùng quê Kinh Bắc này.
Thời gian tôi xa nhà lên Hà Nội học thì hai chị cũng đi lấy chồng. Nhà chỉ còn 3 thành viên với hai bố mẹ đã ngoài 60 tuổi già yếu, lại mắc nhiều bệnh tật. Gia đình thuộc diện hoàn cảnh khó khăn ở vùng quê Kinh Bắc, nên từ nhỏ tôi phải tự lo mọi thứ cho bản thân và phụ giúp thêm với bố mẹ.
Dù không có của ăn của để như nhiều gia đình, nhưng mẹ thường nhắc tôi dịp Tết phải chuẩn bị một ban thờ gia tiên cho tươm tất và đầy đủ. “Bàn thờ gia tiên với người Việt mình quan trọng lắm con ạ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán”. Còn nhớ, năm 13, 14 tuổi, tôi đã theo mẹ đi những phiên chợ Tết sắm đồ về để bày lên thờ. Năm nào mẹ cũng mua một cặp mía tím to và dài, đôi cành bồng bồng, trầu cau, hoa tươi… Lúc còn nhỏ, vác 2 cây mía trên vai tôi đã từng hồn nhiên hỏi mẹ: “Sao nhà mình năm nào cũng thờ cây mía vậy mẹ?”.
Nghe thấy vậy, mẹ lại nhẹ nhàng nói cho tôi hiểu: “Đó là phong tục chung của mọi gia đình ở các vùng quê Bắc bộ này con ạ. Ba ngày Tết, mọi gia đình làm lễ mời ông bà, tổ tiên, những người đã mất trong dòng họ về nhà mình ăn Tết, thụ lộc. Sau 3 ngày đó ông bà, tổ tiên sẽ dùng cây mía thờ như chiếc đòn gánh để quẩy hành lý lên đường”.
Ngoài ra mẹ còn dặn tôi: “cành bồng bồng, những bông hoa tươi mua về con phải mang ra giếng rửa thật sạch từng chiếc lá, rồi cắm vào 2 bình có sẵn nước. Sự sạch sẽ ấy chính là thể hiện lòng thành kính dâng lên tổ tiên, ông bà. Khi hết Tết, cành bồng bồng đó con mang ra trồng ở vườn nhà, nếu cây càng xanh tốt thì lộc càng vào nhà mình nhiều. Bát hương cần phải được thay tro mới, đồ vàng mã thờ trong năm cũ cũng hóa hết để mua cái khác. Mẹ tôi bảo rằng, việc sắp ban thờ gia tiên kỹ càng như thế không phải là mê tín mà là một truyền thống, nét đẹp văn hóa từ lâu đời của người dân mình. Dù nhà nghèo hay nhà giầu, chỉ cần nhìn lên ban thờ gia tiên trong ngày Tết sẽ biết được tấm lòng của gia đình đó với ông bà, tổ tiên mình như thế nào.
Việc phụ giúp mẹ sắp bàn thờ gia tiên, dần tôi đã có thể tự tay mình làm. Mẹ ngày càng già yếu, chợ tỉnh lại xa, nên gần tết tôi thường thay mẹ đi mua sắm đồ thờ cúng. Tôi tự tay lau chùi lại ban thờ gia tiên từ trước tết ông Công, ông Táo vào hôm 23 tháng chạp, thay dầu đèn, nến mới, sắp mâm ngũ quả cho đến chọn những chiếc bánh chưng đẹp nhất để mang lên thờ… Nhìn tôi làm, mẹ lại thường bảo: “Con đi học, đi làm ở xa mỗi dịp tết về chuẩn bị ban thờ gia tiên như vậy là tốt lắm. Ông bà, tổ tiên biết được lòng thành sẽ phù hộ, độ trì để con học hành giỏi giang, làm ăn phát đạt…”
Vậy là đã hơn 10 năm, tôi luôn mang tâm trạng háo hức, trông mong của một đứa con đi xa về bên gia đình sum họp và giúp mẹ chuẩn bị cái Tết. Dù là khi đi học hay đi làm, sống độc thân hay đã lập gia đình, tâm trạng ấy luôn có trong tôi. Được làm những công việc chuẩn bị cho cái tết như sắp ban thờ hay thứ khác cho cha mẹ già yếu không chỉ là bổn phận của người con. Với tôi việc ấy còn mang theo niềm mong ước, cầu chúc những gì tốt đẹp, bình an sẽ đến với mình và những người thân yêu. Tết Việt với những phong tục và nét văn hóa truyền thống thiêng liêng, cao đẹp cũng được bồi đắp dần trong tôi từ những công việc giúp mẹ như thế. Mẹ ơi! Tết này còn lại sắp ban thờ gia tiên cho nhà mình mẹ nhé.
Cuộc thi “Mẹ mang xuân về” do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty Unilever Việt Nam tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Bạn có thể viết về tình yêu với mẹ, ý tưởng thiết thực để cảm ơn người sinh thành… Chương trình diễn ra trong 3 tuần từ ngày 27/12/2013 đến 16/1/2014. Độc giả gửi bài tham gia tại đây.
Văn Hải