Mẹ mình và mẹ người yêu mang cùng họ có thể kết hôn không?

Thưa luật sư, xin hỏi: mẹ anh ấy và mẹ tôi có có cùng một họ đặng vậy tôi và anh có thể kết hôn không? Tôi xin cảm ơn!

 Luật sư tư vấn:

Nhiều người thắc mắc có phải cứ cùng họ với nhau là không kết hôn được, việc kết hôn với bạn gái có cùng họ với mẹ mình có được không? Dưới đây Luật Minh Khuê xin được cung cấp các thông tin tại bài viết dưới đây.

 

1. Các điều kiện để kết hôn hợp pháp

Trước khi đi vào việc cùng họ có được kết hôn hay không thì chúng ta đi vào các điều kiện để kết hôn xem việc cùng họ mẹ có bị pháp luật ngăn cấm hay không. Để việc kết hôn được pháp luật công nhận thì một cuộc hôn nhân phải đáp ứng được các điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn đúng theo quy định của pháp luật.

– Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 theo đó nam và nữ muốn kết hôn thì phải tuân theo các điều kiện kết hôn sau đây:

+ Đủ tuổi kết hôn theo quy định là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

+ Việc kết hôn do hai bên nam và nữ tự nguyện quyết định không bị ép buộc, cưỡng ép hay lừa dối;

+ Cả hai bên nam và nữ không bị mất năng lực hành vi dân sự. Mà mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 22 của Bộ luật Dân sự năm 2015 được hiểu là khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa  án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần;

+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật, các trường hợp cấm kết hôn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

++ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

++ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

++ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

++ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

– Việc kết hôn muốn được công nhận thì ngoài đáp ứng các điều kiện kết hôn thì còn phải đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 9 của Luật Hôn nhân và gia đình. 

+ Theo đó việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý. Như vậy kể cả trường hợp có đủ điều kiện kết hôn mà không đi đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì cuộc hôn nhân đấy cũng sẽ không được công nhận, không có giá trị pháp lý.

+ Việc vợ chồng đã ly hôn với nhau mà muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.

Đối với công dân Việt Nam khi muốn đăng ký hai bên công dân có thể trực tiếp đến Ủy ban nhân dân cấp xã, phường của một trong hai để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Việc thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn thì hai bên nam và nữ phải tự mình đăng ký mà không thể ủy quyền cho người khác đi thực hiện thủ tục này thay mình.

→ Như vậy chỉ cần hai bên nam và nữ đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn và đi đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cuộc hôn nhân đó hoàn toàn có giá trị pháp lý và được pháp luật công nhận, bảo vệ. Tham khảo bài viết liên quanCùng họ có được kết hôn với nhau ?

 

2. Mẹ người yêu cùng họ mẹ có được kết hôn hay không?

– Theo như phân tích như ở trên có thể hiểu pháp luật không có quy định việc cụ thể cùng họ cha, mẹ thì có được kết hôn hay không. Nhưng yếu tố họ của một người là dấu hiệu để chúng ta có thể phân biệt một người có cùng dòng máu trực hệ hoặc có mối quan hệ họ hàng trong  phạm vi ba đời với nhau hay không và các yếu tố đó thì pháp luật quy định việc cấm kết hôn giữa các đối tượng này.

– Việc những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau, căn cứ theo khoản 17 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Mà theo quy định tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình thì việc những người cùng dòng máu về trực hệ là giữa cha, mẹ với con, giữa ông, bà với cháu nội, cháu ngoại. 

– Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Cũng theo Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP thì giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là giữa những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chi em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

– Đây là trường hợp không thể kết hôn vì thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật.

⇒ Quay trở lại với câu hỏi của bạn thì trong trường hợp này bạn chưa nói rõ việc cùng họ của mẹ bạn gái bạn với mẹ bạn là cùng họ trong phạm vi đời thứ mấy nên chưa thể khẳng định việc kết hôn của bạn với bạn gái bạn có được công nhận hay không. Do vậy chúng tôi cung cấp thông tin như trên để bạn xác định trường hợp của mình có thuộc trường hợp cấm hay không, nếu không thuộc trường hợp cấm và đủ các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì hai bạn hoàn toàn có thể kết hôn với nhau, việc cùng họ trong trường hợp này không phải yếu tố loại trừ như đã phân tích ở trên.

– Theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì việc việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Thủ tục đăng ký kết hôn thì hai bạn chuẩn bị các giấy tờ sau:

+ Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;

+ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có dán ảnh;

+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cấp.

Cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam và nữ thực hiện đăng ký kết hôn. Nếu kết hôn có yếu tố nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam. Xem thêm: Như thế nào được coi là kết hôn trong phạm vi 3 đời ?

Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!