Mẹ có biết hậu quả của việc không kiêng cữ sau sinh?
Nội Dung Chính
Kiêng cữ sau sinh là một trong những tục lệ được lưu truyền trong dân gian từ lâu đời. Có rất nhiều lời khuyên khác nhau, nhiều cách kiêng cữ khác nhau. Vậy như thế nào là kiêng cữ khoa học? Hậu quả của việc không kiêng cữ sau sinh là gì?
Các mẹ hãy cùng AVAKids tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1Kiêng cữ sau sinh bao lâu là phù hợp?
Thông thường, các mẹ sẽ được khuyên phải kiêng cữ 3 tháng sau sinh, hay theo như dân gian gọi là ở cữ. Đồng thời, trong giai đoạn này, các mẹ phải ở trong phòng kín, hạn chế ra gió, tránh tiếp xúc với nhiều người, không được làm việc, không được tắm…
Tuy nhiên, theo lời khuyên của các bác sĩ sản khoa, mẹ sau khi sinh có thể chỉ cần kiêng cữ 1 tháng. Quá trình kiêng cữ, mẹ phải đảm bảo thực hiện các chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể tạo ra đủ sữa cho trẻ bú.
Bên cạnh đó, tinh thần thoải mái cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe của mẹ, hạn chế tối đa nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Có thể bạn quan tâm: Top 8 bác sĩ sản phụ khoa uy tín ở TP. Hồ Chí Minh
2Mẹ nên kiêng cữ sau sinh như thế nào?
Để kiêng cữ sau sinh một cách khoa học, các mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Kiêng cữ nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng
- Không ăn thức ăn quá khô hoặc quá mặn: Những thức ăn này không tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ, có thể dẫn đến các tình trạng khó tiêu, huyết áp cao, khó đi ngoài…
- Không ăn đồ sống, các loại thực phẩm lên men, đồ đông lạnh, đồ đóng hộp…
- Ăn chín, uống sôi, ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ăn các nhóm thực phẩm cung cấp đủ chất như đạm, tinh bột, vitamin
Có thể bạn quan tâm: Mẹ ăn gì để nhiều sữa? Gợi ý dinh dưỡng giúp mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, con tăng cân tốt
Kiêng cữ nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng (Ảnh: Canva)
Vận động nhẹ nhàng
Một số mẹ muốn nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh nên áp dụng các bài tập nặng, tập nhiều ngày trong tuần. Điều này không những không mang lại hiệu quả giảm cân như mong muốn mà còn gây ra tình trạng mệt mỏi, khó hồi phục. Đối với mẹ sinh mổ, nguy cơ ảnh hưởng đến vết mổ cũng cao hơn.
Vì vậy, sau khi sinh, các mẹ nên đi bộ nhẹ nhàng, vận động vừa phải, tăng dần cường độ tập luyện theo tình trạng thích ứng của cơ thể.
Không làm việc quá sức
Sau sinh, cơ thể mẹ cần được nghỉ ngơi để có thể hồi phục. Nếu các mẹ làm việc quá sớm, đặc biệt là làm những công việc nặng nhọc, sẽ tác động không tốt đến phần cơ bụng, ảnh hưởng xấu đến vết mổ hoặc tầng sinh môn.
Hạn chế với tay, rướn người cũng là lời khuyên cho các mẹ trong thời gian này.
Uống thuốc phải có chỉ định từ bác sĩ
Trong giai đoạn cho con bú, các mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi không có tư vấn từ bác sĩ. Các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến em bé thông qua đường sữa mẹ, gây ra những hậu quả khó lường.
Không quan hệ tình dục quá sớm
Sau khi sinh, bộ phận sinh dục cũng như cơ thể mẹ chưa thể hoàn toàn hồi phục trong ít nhất từ 4 – 6 tuần. Vì vậy, hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian này cũng sẽ giảm thiểu nguy cơ chảy máu hay nhiễm trùng vùng kín của mẹ.
Luôn giữ tinh thần thoải mái
Hạn chế tối đa việc để cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu. Thường xuyên chia sẻ với chồng và những người thân trong gia đình về mối lo lắng mà mẹ đang mắc phải, từ đó tìm cách giải tỏa càng sớm càng tốt.
Không sử dụng chất kích thích
Tuyệt đối không sử dụng các loại đồ uống có chứa cồn, cafein trong giai đoạn này vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ và sức khỏe của em bé.
Tuyệt đối không sử dụng các loại đồ uống có chứa cồn, cafein (Ảnh: Canva)
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, các bà mẹ thường xuyên sử dụng rượu bia trong thời gian cho con bú có lượng sữa tiết ra ít hơn hẳn so với các bà mẹ khác.
Ngoài ra, việc mẹ sử dụng thức uống có chứa cafein hay cà phê có thể khiến em bé bị khó ngủ do ảnh hưởng từ sữa mẹ.
Nên tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió
Sức đề kháng của cơ thể mẹ sau sinh chưa hồi phục hoàn toàn nên mẹ dễ bị cảm lạnh, nhiễm khuẩn… Vì vậy, các mẹ tuyệt đối không tắm bằng nước lạnh.
Sau khi sinh vài ngày, mẹ có thể dùng khăn ấm để lau người. Hoặc phải tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tránh ngâm mình trong nước quá lâu.
Xông hơi bằng vỏ cam, quýt, sả, chanh, lá tía tô… cũng giúp cơ thể mẹ thải độc nhanh hơn.
Giữ vệ sinh răng miệng
Mẹ là người tiếp xúc với em bé nhiều nhất, vì vậy cần đảm bảo hạn chế tối đa các loại vi khuẩn gây hại cho bé, kể cả từ đường răng miệng.
Các mẹ nên súc miệng bằng nước muối hàng ngày để giúp răng miệng sạch sẽ.
Thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Một giấc ngủ ngon là cách nhanh nhất để phục hồi năng lượng cho cơ thể mẹ. Hãy đảm bảo nghỉ ngơi đúng cách, ngủ đủ giấc để mẹ luôn cảm thấy khỏe mạnh, năng lượng tích cực, tinh thần thoải mái.
Có thể bạn quan tâm: Sinh xong bao lâu thì tắm gội được? Cách tắm an toàn cho mẹ sau sinh
3Dấu hiệu bất thường, sản phụ sau sinh nên đi khám
Trong thời gian ở cữ, các mẹ nên thường xuyên quan sát và theo dõi cơ thể mình. Nếu nhận thấy những biểu hiện bất thường dưới dây thì hãy ngay lập tức liên hệ bác sĩ hoặc đi khám tại bệnh viện:
- Sốt cao không rõ nguyên nhân, thường là trên 38 độ C
- Vết mổ hoặc tầng sinh môn có dấu hiệu bị nhiễm trùng: đau, sưng đỏ, có mủ trắng…
- Sản dịch bất thường, trong sản dịch có chứa cục máu đông
- Dịch tiết vùng kín có mùi khó chịu
- Tiểu tiện không kiểm soát, đau buốt khi tiểu tiện
- Nứt núm vú, sưng đau hoặc chảy máu vùng vú
- Đau bụng, ho, nôn hoặc buồn nôn
- Cảm thấy căng thẳng, hoảng loạn, thiếu kiểm soát. Có ý định tự hủy hoại bản thân hoặc làm hại em bé
Những dấu hiệu này nếu diễn ra trong thời gian dài có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. Các ông bố và những người thân trong gia đình cũng cần thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe, tâm lý của mẹ trong thời gian này.
4Hậu quả của việc không kiêng cữ sau sinh
Các số liệu thống kê cho thấy, người mẹ không kiêng cữ sau sinh có tỉ lệ mắc các bệnh hậu sản cao hơn rất nhiều so với các mẹ khác. Những biểu hiện thường thấy bao gồm đau lưng, đau đầu, đau nhức xương khớp, sức khỏe yếu, tâm trạng thiếu ổn định.
Tương tự như quá trình mang thai, giai đoạn sau sinh cũng là một giai đoạn mà các mẹ cần chú ý. Việc kiêng cữ sau sinh khoa học, đúng cách sẽ giúp mẹ bầu nhanh chóng hồi phục cơ thể, đồng thời tạo nhiều sữa cho em bé.
AVAKids hy vọng những lưu ý trên đây đã giúp ích được cho các mẹ. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp với từng thể trạng cơ thể, để đẩy nhanh quá trình lấy lại sức khỏe, dáng vóc.
Nguyệt Minh tổng hợp
1. https://medlatec.vn/tin-tuc/mot-so-dieu-san-phu-can-kieng-cu-sau-sinh-de-dam-bao-suc-khoe-s195-n18179