Mẹ bầu tự điều trị Covid-19 tại nhà cần lưu ý gì?
Phụ nữ mang thai cần có chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị Covid-19, thường xuyên đo thân nhiệt, chỉ số SpO2.
Trong quá trình mang thai, sức khỏe cũng như chế độ dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thai nhi trong bụng. Do đó, việc nhiễm nCoV khiến không ít bà bầu lo lắng, căng thẳng.
Theo bác sĩ Lê Thị Vân Trang, khoa Phụ sản, Bệnh viện Quân Y 103, trong thời gian nhiễm virus, việc chăm sóc cơ thể để tránh bệnh trở nặng, nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và con là rất quan trọng.
Bác sĩ đưa ra một vài hướng dẫn dưới đây nhằm hỗ trợ các mẹ bầu vượt qua giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, có phương pháp chăm sóc và điều trị bệnh hợp lý khi mắc Covid-19.
Theo dõi thân nhiệt
Bà bầu cần theo dõi sát thân nhiệt. Nếu cơ thể sốt, người bệnh có thể hạ sốt bằng cách chườm ấm và uống thuốc hạ nhiệt. Với chườm ấm, mẹ bầu dùng hai khăn ngâm vào nước ấm, đắp lên vùng bẹn, nách, cổ, trán… trong vòng 10 – 30 phút, cần thay khăn liên tục; tuyệt đối không dùng cồn, rượu, nước đá hoặc đá lạnh để chườm. F0 cần mặc quần áo mỏng, tránh bí bách để thoát nhiệt.
Khi sốt trên 38,5 độ, mẹ bầu có thể sử dụng paracetamol hoặc efferagal – những loại thuốc hạ sốt hay sử dụng cho phụ nữ mang thai. Thuốc cần uống cách nhau tối thiểu 4 – 6 giờ và thường có tác dụng sau khoảng 30 – 45 phút. Đối với các thai phụ có bệnh lý liên quan gan, thận như: viêm gan virus, suy gan… cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa Sản.
Với nhóm thuốc chứa ibuprofen hay NSAID, mẹ bầu cần thận trọng. Ibuprofen được FDA (Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Mỹ) xếp vào nhóm D, không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ trong 3 tháng cuối thai kỳ vì đã có những bằng chứng cho thấy ibuprofen gây hại cho thai nhi.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng NSAID (Non-steroidal antiinflamatory drug – loại thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm không có cấu trúc steroids) có thể gây tăng áp lực phổi nặng và suy hô hấp nặng ở trẻ sơ sinh do đóng sớm ống động mạch trong tử cung. Các NSAID cũng gây nguy cơ ít nước ối và vô niệu ở trẻ sơ sinh
Theo dõi SpO2 ít nhất 2 lần một ngày. Chỉ số SpO2 nếu thấp dưới 94% là dấu hiệu cần nhập viện, đồng nghĩa với tình trạng của thai nhi cũng bị nguy hiểm.
Mẹ bầu cần được thăm khám và có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ khi dùng thuốc. Ảnh: Weill Cornell Medicine
Xử trí ho, đau rát họng và nhiều đờm
Mẹ ho nhiều sẽ ảnh hưởng tới việc ăn uống, ngủ nghỉ, dẫn đến ảnh hưởng không tốt tới thai nhi (do tăng áp lực ổ bụng khi ho). Để giảm ho an toàn, làm dịu họng, người bệnh đang mang thai có thể sử dụng chanh đào mật ong; súc miệng bằng nước muối sinh lý Nacl 0,9%. Một số loại thuốc ho lành tính có thể sử dụng như: Prospan, kẹo ngậm… nhưng nên hạn chế, không lạm dụng.
Với bất kỳ loại thuốc giảm ho, trị ho và đặc biệt là kháng sinh, các mẹ bầu cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ, chuyên gia y tế. “Phụ nữ mang thai tuyệt đối không sử dụng kháng sinh khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Khi vào cơ thể, các thuốc kháng sinh sẽ gây ra những tác dụng phụ với mức độ nhẹ như: dị ứng da, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở… hoặc thậm chí nghiêm trọng như sốc phản vệ. Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài có thể gây ra rối loạn cân bằng tạp khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy và nhiễm nấm candida…”, bác sĩ Lê Thị Vân Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã chứng minh đa phần thuốc kháng sinh đều vượt qua được hàng rào nhau thai và có thể gây tác hại cho thai nhi. Mức độ tác hại trên thai nhi tùy thuộc vào loại kháng sinh, liều lượng, thời gian dùng và sử dụng trong giai đoạn nào của thai kỳ. Các tác hại gây ra có thể là khuyết tật, dị dạng hay thậm chí tử vong thai nhi.
Bác sĩ cho biết, ba nhóm kháng sinh có thể được sử dụng trong thời gian mang thai không hạn chế với quy tắc và liều lượng thông thường như: beta lactamin, macrolid, polypeptid. Nhóm không thể dùng gồm:
– Tetracyclin: vì nguy cơ gây độc cho gan của mẹ, ảnh hưởng tới phát triển xương và làm hỏng men răng của thai nhi.
– Cloramphenicol: có nguy cơ suy tuỷ đối với thai.
– Aminoglycosid: gây ngộ độc cho thần kinh thính giác và thận của thai.
– Sulfamid: gây quái thai 3 tháng đầu, gây vàng da tan huyết nặng ở trẻ sơ sinh nếu dùng ở 3 tháng cuối thời kỳ thai nghén.
– Quinolon: ảnh hưởng đến đầu sụn khớp của thai.
– Metronidazol: do tác dụng kháng acid folic và gây dị tật trong 3 tháng đầu. Nếu sử dụng thì kết hợp với các loại vitamin.
Không tùy tiện sử dụng thuốc kháng virus, chống đông
Bác sĩ Vân Trang đưa ra các khuyến cáo với những loại thuốc kháng virus, chống viêm, chống dị ứng, chống đông. Theo đó, phụ nữ mang thai không nên sử dụng tùy tiện và cần có chỉ dẫn cụ thể của y, bác sĩ, nhân viên y tế. Các loại thuốc bao gồm:
– Thuốc kháng virus: Monupiravir, Favipiravir, Abidol…
– Chống viêm, ức chế cơn bão Cytokin (hội chứng viêm toàn thân cấp tính): Nếu theo dõi ở nhà, mức độ nhẹ (SpO2 lớn hơn 96%), hoặc không triệu chứng, không chỉ định sử dụng thuốc chống viêm Methypresnisonol, Medrol, Presnisonol, Dexamethasone. Nếu gặp các vấn đề về sức khỏe, mẹ bầu cần hỏi ý kiến của bác sĩ để nhận được lời khuyên tích hợp.
– Chống dị ứng: phát ban, ngứa, có thể sử dụng histamin thế hệ hai thường dùng là cetirizin, desloratadine và loratadine. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các loại thuốc này an toàn cho thai nhi và ít qua sữa, không có tác dụng phụ buồn ngủ.
– Chống đông: Enoxaparin, Levonox, Xarelto… cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học
Các mẹ bầu cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn thêm hoa quả tươi, rau xanh, bổ sung thêm vitamin, sắt, khoáng chất và chất xơ. Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng:
– Ba tháng đầu thai kỳ: 30 – 35kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày.
– Ba tháng giữa thai kỳ: 30 – 35kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày cộng thêm 360 kcal (cho thai nhi).
– Ba tháng cuối thai kỳ: 30 – 35kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày cộng thêm 475 kcal (cho thai nhi).
Sản phụ cần uống đủ nước, khoảng 40ml/kg mỗi ngày. Tuy nhiên, việc tham khảo ý kiến bác sĩ trên từng bệnh nhân cụ thể là cần thiết, đặc biệt bệnh nhân tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật… Người bệnh cũng cần nghỉ ngơi, thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng.
Những trường hợp cần đến viện theo dõi, điều trị
Mẹ bầu cần nhập viện ngay khi có triệu chứng khó thở, tần số thở lớn hơn 20 lần/phút và (hoặc) SpO2 nhỏ hơn 96%); cảm giác tức ngực, thở gắng sức; chân tay lạnh. Người bệnh sốt trên 38,5 độ dù đã dùng thuốc hạ sốt nhưng khó hạ; sốt kéo dài quá 3 ngày không hạ; ăn uống kém, chán hoặc bỏ ăn không rõ nguyên nhân; buồn nôn, nôn nhiều (4 lần một giờ hoặc 6 lần trong 4 giờ); đi ngoài kéo dài không cầm, nguy cơ mất nước. Ho kéo dài, khó cắt cơn ảnh hưởng tới ngủ nghỉ, thai nhi dù dùng các biện pháp không đỡ.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai thấy các biểu hiện bất thường thai kỳ cũng cần đến viện theo dõi như: dấu hiệu chuyển dạ (đau bụng thành cơn, mỗi cơn trên 20 giây, trong 10 phút có trên 2 cơn gò; cơn gò tử cung xuất hiện tăng dần, mạnh dần, gây đau; tình trạng ra máu âm đạo, bong nút nhầy, ra nước); ra máu âm đạo bất thường, đau bụng vùng hạ vị; cử động thai ít so với mức bình thường (ít hơn 4 cử động thai/10 phút) cần sớm nhập viện để được khám, đánh giá.
Triệu Vy