Máu gồm những thành phần nào? – Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương

Máu là một mô lỏng, lưu thông trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể, gồm nhiều thành phần. Mỗi thành phần có chức năng khác nhau và liên quan mật thiết đến chức năng sống của cơ thể.

Các thành phần của máu

1.

Các thành phần chính

Máu gồm hai phần chính: các tế bào máu và huyết tương.

Các tế bào máu

– Hồng cầu:

  • Chiếm số lượng nhiều nhất, chứa huyết sắc tố (nên máu có màu đỏ).
  • Hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển khí ôxy (O2) từ phổi đến các tế bào và mô. Đồng thời nhận khí cacbonic (CO2) từ các tế bào và mô tới phổi để đào thải.
  • Đời sống trung bình của hồng cầu từ 90 đến 120 ngày.
  • Hồng cầu già bị tiêu hủy chủ yếu ở lách và gan.
  • Tủy xương sinh các hồng cầu mới để thay thế và duy trì lượng hồng cầu ổn định.

– Bạch cầu:

  • Có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các “vật lạ” gây bệnh.
  • Có nhiều loại bạch cầu khác nhau với đời sống từ 1 tuần đến vài tháng. Có loại làm nhiệm vụ thực bào (“ăn” các “vật lạ”). Có loại làm nhiệm vụ “nhớ” để nếu lần sau “vật lạ” này xâm nhập sẽ bị phát hiện và nhanh chóng bị tiêu diệt. Có loại tiết ra các kháng thể để bảo vệ cơ thể…
  • Bạch cầu được sinh ra tại tủy xương.
  • Ngoài việc lưu hành trong máu là chính, có một lượng khá lớn bạch cầu cư trú ở các mô của cơ thể để làm nhiệm vụ bảo vệ.

– Tiểu cầu:

  • Là những mảnh tế bào rất nhỏ tham gia vào chức năng cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông, bịt các vết thương ở thành mạch.
  • Làm cho thành mạch mềm mại, dẻo dai nhờ chức năng tiểu cầu làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc.
  • Đời sống của tiểu cầu khoảng 7 – 10 ngày.
  • Cũng giống như hồng cầu và bạch cầu, tủy xương là nơi sinh ra tiểu cầu.

các tế bào máu và chức năng

Huyết tương

Huyết tương là phần dung dịch, có màu vàng. Trong huyết tương chủ yếu là nước và nhiều chất rất quan trọng với sự phát triển và chuyển hóa của cơ thể như: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng, các yếu tố đông máu, các kháng thể, hormon, các men…

Huyết tương thay đổi theo tình trạng sinh lý trong cơ thể. Sau bữa ăn 1- 2 giờ, huyết tương có màu đục rồi màu vàng. Nếu đơn vị máu có huyết tương đục sẽ không được sử dụng vì có thể gây sốc, gây dị ứng cho người bệnh. Vì vậy, chỉ nên ăn nhẹ, ăn ít đạm, ít mỡ trước khi hiến máu (HM).

quá trình sinh máu

Quá trình sinh máu từ tủy xương.

2.

Lượng máu trong cơ thể là bao nhiêu?

  • Lượng máu ở người khỏe mạnh tương đối ổn định.
  • Phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, cân nặng…
  • Tỷ lệ thuận với trọng lượng cơ thể, mỗi người có trung bình từ 70 – 80ml máu/kg cân nặng.
  • Thể tích máu được ổn định nhờ cơ chế điều hòa của cơ thể giữa lượng sinh ra ở tủy xương và lượng bị mất đi hàng ngày. Nếu mất lượng máu quá lớn hoặc chức năng sinh máu của tủy xương bị rối loạn thì lượng máu sẽ mất ổn định.
  • Lượng máu liên quan trực tiếp đến hoạt động của cơ thể. Khi mất nhiều mồ hôi hoặc mất nước thì lượng máu có thể giảm do bị cô đặc. Tùy tình trạng trường hợp bệnh lý, có thể là thiếu máu do mất máu, do suy tủy xương…, lượng máu trong cơ thể sẽ bị thay đổi. Nếu mất trên 1/3 tổng lượng máu, nhiều cơ quan của cơ thể sẽ bị rối loạn chức năng, có thể gây sốc, thậm chí tử vong.

3. Tại sao lượng máu trong cơ thể luôn ổn định?

  • Các tế bào máu được sinh ra tại tủy xương nhằm thay thế cho các tế bào già cỗi bị mất đi. Sau khi tham gia hoạt động chức năng trong một thời gian nhất định, chúng bị tiêu hủy. Lúc đó, một phần sản phẩm tế bào máu là protein và sắt được tái hấp thu, phần khác được đào thải khỏi cơ thể.
  • Bình thường, hai quá trình sinh máu và tiêu hủy máu cân bằng nhau để đảm bảo duy trì thành phần và thể tích máu ổn định trong cơ thể. Ước tính mỗi ngày có từ 40 ml đến 80 ml máu được thay thế mới.
  • Khi HM, ngay lập tức, cơ thể huy động lượng máu dự trữ trong gan, lách và dịch gian bào để duy trì huyết áp và lượng tế bào máu lưu thông không thay đổi. Sau đó, kích thích tuỷ xương tăng sinh để bù lại lượng máu đã hiến. Do vậy, một người trưởng thành khoẻ mạnh nếu mỗi lần hiến không quá 9 ml/kg cân nặng thì không có hại cho sức khoẻ. Bạch cầu cư trú ở nhiều mô khác nhau nên số lượng không bị ảnh hưởng nhiều sau khi HM. Còn huyết tương hồi phục rất nhanh chóng, chỉ sau vài giờ đến vài ngày.

Nguồn tài liệu:

– Cẩm nang vận động HM tình nguyện, NXB Y học, 2018

– Hỏi – đáp về HM và công tác vận động HM tình nguyện, 2021

ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU – XÉT NGHIỆM:

1. Viện Huyết học – Truyền máu TW

  • Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

  • Thời gian:

Từ thứ 2- thứ 6: 6h30 – 17h00 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu);

Thứ 7: 7h30 – 17h00 (khám theo yêu cầu).

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ KHÁM THEO YÊU CẦU TẠI VIỆN:

Để xét nghiệm máu nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi, bạn có thể đăng ký khám theo yêu cầu thông qua:

  • Tổng đài: 1900 96 96 70 

  • Website: vienhuyethoc.vn/

2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện tại Hà Nội: Từ thứ 3 – Chủ nhật: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00.

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm;

  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân;

  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa;

  • Số 78, Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình.