Mẫu giấy biên nhận tiền đặt cọc và hướng dẫn mới nhất 2023

Đặt cọc được hiểu là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

    1. Giấy biên nhận tiền đặt cọc là gì?

    Mẫu giấy biên nhận tiền đặt cọc là biểu mẫu được phát hành nhằm thể hiện việc giao nhận tiền theo hợp đồng đặt cọc các bên đã ký kết, cũng là một phần căn cứ xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc. Để đảm bảo những quyền lợi hợp pháp của mình, các bên khi giao nhận tiền cọc cần lập giấy biên nhận và gồm những nội dung cơ bản như: Thông tin về bên đặt cọc, bên nhận đặt cọc, số tiền đặt cọc, thời điểm giao nhận…. Mẫu giấy biên nhận tiền đặt cọc được sử dụng rộng rãi trong thực tế và có vai trò, ý nghĩa quan trọng.

    Trong mỗi giao dịch mà cá nhân tham gia thì việc đặt cọc được thể hiện với nội dung khác nhau, ví dụ: Nội dung đặt cọc mua bán, nhận chuyển nhượng đất đai sẽ khác với việc đặt cọc mua bán, sản xuất hàng hóa… Giấy biên nhận tiền đặt cọc là mẫu giấy được lập ra để ghi chép lại nội dung đặt cọc. Mẫu nêu rõ tông tin bên mua, thông tin bên bán, giá trị tiền đặt cọc,…

    2. Mẫu Giấy biên nhận giao nhận tiền đặt cọc:

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

    ——————-

    GIẤY BIÊN NHẬN TIỀN ĐẶT CỌC

    Tên tôi là: ……..

    Số chứng minh thư: …….Ngày cấp:…………Nơi cấp: ………

    Địa chỉ: …….

    Có Bán cho

    Ông (Bà): ……….

    Số chứng minh thư: ……….Ngày cấp:…………..Nơi cấp: ………..

    Địa chỉ: ………

    Tài sản bán là: ……

    Số lượng:…….(Bằng chữ: …….)

    Giá bán: …………..(Bằng chữ: ………..)

    Tổng giá trị thanh toán: ……….

    (Bằng chữ: …….)

    Ông (Bà): ……..đã đặt cọc:……..(Bằng chữ:………..)

    cho Ông (Bà): ……..để mua …….

    Ông (Bà): ………….có trách nhiệm hoàn tất mọi thủ tục chuyển nhượng cho Ông (Bà) ………số tài sản nêu trên chậm nhất vào ngày …..

    Ông (Bà) ………có trách nhiệm thanh toán số tiền còn lại là: ………..(Bằng chữ: ………….) cho Ông (Bà) …….. chậm nhất vào ………

    Trong trường hợp Ông (Bà) ……..không làm thủ tục chuyển nhượng tài sản như đã thoả thuận sẽ phải hoàn trả lại số tiền đặt cọc trên và chịu trách nhiệm bồi thường cho Ông (Bà)………số tiền tương đương với số tiền đặt cọc.

    Trong trường hợp Ông (Bà)………. không mua tài sản trên hoặc không thanh toán số tiền còn lại theo đúng thời gian quy định sẽ bị mất số tiền đặt cọc.

    Bên bán đảm bảo số tài sản trên là hợp pháp, không có tranh chấp, mọi quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh từ ……..thuộc về người mua.

    Giấy biên nhận được lập thành 02 (hai) bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 01 (một) bản. Hai bên cam kết mua và bán theo đúng thoả thuận đã nêu trên. Nếu bên nào vi phạm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Địa danh, ngày ……tháng ………năm  ……..

    BÊN MUA

    (Ký và ghi rõ họ tên)

    BÊN BÁN

    (Ký và ghi rõ họ tên)

    3. Hướng dẫn soạn thảo giấy biên nhận tiền đặt cọc:

    – Phần mở đầu:

    + Ghi đầy đủ các thông tin bao gồm Quốc hiệu, tiêu ngữ.

    + Tên biên bản cụ thể là giấy biên nhận tiền đặt cọc.

    – Phần nội dung chính của biên bản:

    + Thông tin người nhận tiền đặt cọc.

    + Thông tin người đặt cọc.

    + Thông tin giá trị tài sản.

    + Trách nhiệm của hai bên.

    + Các trường hợp thỏa thuận giữa hai bên.

    – Phần cuối biên bản:

    + Ký và ghi rõ họ tên của bên mua.

    + Ký và ghi rõ họ tên của bên bán.

    4. Một số quy định của pháp luật về đặt cọc:

    4.1. Đặt cọc là gì?

    Điều 328 bộ luật dân sư 2015 quy định nội dung như sau:

    “1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

    2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

    Ta có thể hiểu đơn giản, đặt cọc là biện pháp bảo đảm được Bộ luật dân sự quy định và thừa nhận nhằm mục đích ràng buộc giữa bên bán và bên mua (hoặc hai bên trong hợp đồng song vụ) khi chưa ký kết hợp đồng dân sự.

    Trong giao dịch dân sự để đảm bảo thực hiện hợp đồng như mong muốn của bên yêu cầu giao dịch thì thường sẽ tiến hành đặt cọc để đảm bảo cho việc thực hiện giao dịch của các bên giao dịch. Đặt cọc thường là một khoản có giá trị như tiền hoặc tài sản hợp pháp của bên yêu cầu giao dịch và có sự đồng ý của bên nhận cọc.

    Việc thực hiện đặt cọc giữa các chủ thể giao dịch phải được thành lập thông qua văn bản hoặc ghi thành một điều khoản trong hợp đồng giao dịch thay vì bằng lời nói là bởi việc đặt cọc thông qua văn bản hoặc hợp đồng nó sẽ tạo cho giao dịch có tính pháp lý vững chắc, tạo ra sự rằng buộc giữa hai bên chủ thể giao dịch trong quá trình từ lúc đặt cọc đến lúc chính thức thực hiện hợp đồng.

    Còn đặt cọc thông qua lời nói sẽ không có hiệu lực pháp lý từ đó nếu sảy ra vấn đề gì trước khi thực giao dịch thì cái thỏa thuận đặt cọc đó sẽ không được pháp luật công nhận. Mục đích chung của đặt cọc là đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng, nhưng tùy vào những trường hợp cụ thể mà mục đích của đặt cọc có thể là cả hai.

    Như vậy, vì đã ký hợp đồng đặt cọc giữa hai bên nên nếu các chủ thể không muốn tiếp tục giao dịch thì phải thỏa thuận với bên bán về việc hủy hợp đồng đặt cọc. Trường hợp, bên bán không đồng ý mà bên đặt cọc vẫn muốn tiếp tục hủy đặt cọc (vi phạm hợp đồng đặt cọc) thì việc xử lý sẽ theo thỏa thuận của bên thể hiện trong hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng không có quy định thì giải quyết theo pháp luật dân sự và khi đó số tiền đã đặt cọc người đặt cọc sẽ không lấy lại được mà sẽ thuộc về bên nhận cọc.

    4.2. Đối tượng, chủ thể và mục đích của đặt cọc:

    – Đối tượng của đặt cọc

    Trong quan hệ đặt cọc, hành vi của các bên chủ thể sẽ tác động vào một tài sản cụ thể nào đó. Những tài sản này chính là đối tượng của biện pháp đặt cọc. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 thì đối tượng của đặt cọc là “một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác”, tức là những vật có giá trị hoặc các vật thông thường khác mà một bên giao trực tiếp cho bên kia. Tuy nhiên để trở thành đối tượng của biện pháp đặt cọc, các tài sản theo quy định phải đáp ứng điều kiện luật định.

    Tiền là đối tượng của đặt cọc phải là Đồng Việt Nam, không thể là ngoại tệ.

    Tài sản đặt cọc là kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác.

    – Chủ thể của đặt cọc

    Chủ thể của một quan hệ pháp luật nói chung là những người tham gia quan hệ pháp luật đó và đáp ứng các điều kiện mà bộ luật dân sư quy định.

    Như đã phân tích ở trên, tùy vào sự thỏa thuận của các bên mà mỗi bên có thể là bên nhận cọc hay bên nhận đặt cọc. Nhưng thông thường thì bên nào nắm giữ phần tài sản có thể trở thành bên nhận đặt cọc.

    – Mục đích của đặt cọc

    Tùy vào sự thỏa thuận của các bên và căn cứ vào thời điểm đặt cọc với thời điểm giao kết của hợp đồng được bảo đảm bằng biện pháp đặt cọc để xác định mục đích của việc đặt cọc. Việc đặt cọc có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng, có thể chỉ mang mục đích bảo đảm việc thực hiện hợp đồng nhưng cũng có thể mang cả hai mục đích đó.

    Khác với các biện pháp bảo đảm khác, thời điểm phát sinh thỏa thuận đặt cọc không những là cùng hoặc sau khi kí kết hợp đồng chính thực được thiết lập, tức là khi các chủ thể đã có quan hệ nghĩa vụ, mà còn có thể phát sinh ngay cả khi giữa các chủ thể chưa có quan hệ nghĩa vụ.

    Mục đích của đặt cọc do các bên chủ thể thỏa thuận. Việc chỉ ra mục đích của đặt cọc có ý nghĩa quan trọng để xác định hiệu lực của đặt cọc.

    Trường hợp thỏa thuận đặt cọc được phát sinh trước khi các bên thiết lập nghĩa vụ mà các bên không thỏa thuận về mục đích của đặt cọc thì biện pháp đặt cọc  đó sẽ đảm bảo giao kết hợp đồng. Khi thỏa thuận đặt cọc có hiệu lực pháp lý nó sẽ ràng buộc các bên trong quan hệ buộc phải giao kết hợp đồng. Nếu các bên vi phạm thỏa thuận này thì sẽ phải chịu chế tài. Trường hợp này, thỏa thuận đặt cọc mặc nhiên chấm dứt hiệu lực pháp luật khi hợp đồng đã được giao kết bởi mục đích của biện pháp đặt cọc đã đạt được.

    Trường hợp thỏa thuận đặt cọc được phát sinh sau khi hợp đồng đã được giao kết thì mục đích của đặt cọc là nhằm thực hiện hợp đồng.

    Đối với trương hợp các bên chủ thể thỏa thuận mục đích của đặt cọc là vừa nhằm giao kết hợp đồng, vừa nhằm thực hiện hợp đồng thì hiệu lực của thỏa thuận đặt cọc kéo dài từ khi các bên giao kết thỏa thuận đặt cọc đến khi giao kết hợp đồng và hoàn thành việc thực hiện hợp đồng. Trong quá trình này tài sản đặt cọc có thể được đem ra xử lý bất cứ lúc nào khi có hành vi vi phạm xảy ra.

    4.3. Hình thức của đặt cọc:

    Theo quy định tại khoản 1, Điều 328 BLDS:

    “ Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản”.

    Như vậy, pháp luật quy định thỏa thuận đặt cọc phải được lập thành văn bản, nếu hai bên chủ thể chỉ thỏa thuận miệng thì thỏa thuận đó sẽ không có giá trị pháp lý. Khi đó, đối tượng của thỏa thuận sẽ không có chức năng bảo đảm và sẽ trở thành một phần nghĩa vụ được thực hiện trước.

    Thỏa thuận đặt cọc có thể được thể hiện bằng một văn bản riêng nhưng cũng có thể được thể hiện bằng một điều khoản trong hợp đồng chính thức. Đối với đặt cọc nhằm giao kết hợp đồng thì việc đặt cọc phải được thể hiện bằng văn bản riêng vì tại thời điểm giao kết thỏa thuận đặt cọc thì hợp đồng chưa được hình thành. Pháp luật cũng không quy định thỏa thuận đặt cọc có phải bắt buộc được công chứng, chứng thực hay không, tùy vào sự thỏa thuận của các bên.