Mẫu đơn đăng ký tự nguyện hiến mô, nội tạng, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết

Một người hiến tạng có thể cứu sống được 8 đến 10 người khác, bởi vậy việc đăng ký hiến mô tạng không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả. Sau đây, Công ty Luật Minh Khuê xin tư vấn thủ tục tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết.

1. Bản chất của hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong y học là gì?

Căn cứ Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định:

– Mô là tập hợp các tế bào cùng một loại hay nhiều loại khác nhau để thực hiện các chức năng nhất định của cơ thể người.

– Bộ phận cơ thể người là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định.

– Bộ phận cơ thể không tái sinh là bộ phận sau khi lấy ra khỏi cơ thể người thì cơ thể không thể sản sinh hoặc phát triển thêm bộ phận khác thay thế bộ phận đã lấy.

– Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết.

– Lấy mô, bộ phận cơ thể người là việc tách mô, bộ phận từ cơ thể người hiến khi còn sống hoặc sau khi chết.

– Ghép mô, bộ phận cơ thể người là việc cấy ghép mô, bộ phận tương ứng của cơ thể người hiến vào cơ thể của người được ghép.

– Chết não là tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được.

Ghép mô, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác.

 

2. Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong pháp luật Việt Nam

Căn cứ Điều 35 Bộ Luật dân sự 2015 quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được quy định như sau:

– Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

– Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

– Việc hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.

Việc hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác còn được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm quản lý rất chặt chẽ.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Bên cạnh đó Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong phạm vi cả nước. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tại địa phương.

 

3. Điều kiện hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Căn cứ Điều 4 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 quy định về các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như sau:

Thứ nhất: Nguyên tắc tự nguyện đối với người hiến, người được ghép. Tự nguyện là một trong các nguyên tắc quan trọng nhất trong luật dân sự, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác dựa trên sự tự nguyện. Trong trường hợp bệnh nhân chết não, phải có sự đồng ý, tự nguyện của thân nhân người hiến.

Thứ hai: “Hiến” vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc ghép tạng để cứu người. Việc hiến, lấy xác còn được thực hiện với mục đích nghiên cứu khoa học với những công trình y khoa có thể là tiền đề để chữa các bệnh nan y.

Thứ ba: Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác không nhằm mục đích thương mại. Chúng ta thường thấy những hành vi ấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; ấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Đây là những hành vi trái với chuẩn mực xã hội được pháp luật hình sự quy định và có chế tài rất nặng.

Ngoài ra luật còn quy định về giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

– Đối với việc hiến tạng khi còn sống (một quả thận, một phần lá gan hoặc một lá phổi), người hiến phải bảo đảm chặt chẽ các điều kiện sau:

Về cơ bản, người hiến từ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, tình nguyện hiến, không trao đổi mua bán, phải đáp ứng các chỉ số y học được các cơ sở y tế chuyên ngành thăm khám, kết luận đủ điều kiện hiến tạng khi còn sống.

– Đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não là trường hợp ngành y tế khuyến khích. Theo đó, bất kỳ người nào từ đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện đều có thể đăng ký hiến và việc hiến tặng bất kỳ mô, tạng nào chỉ diễn ra sau khi người đăng ký hiến qua đời (chết hoặc chết não).

 

4. Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết

Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết được quy định như sau:

Bước 1: Liên hệ với cơ sở y tế về việc hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết

Người có đủ điều kiện về hiến mô, bộ phận cơ thể người có quyền bày tỏ nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết với cơ sở y tế.

– Khi nhận được thông tin của người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

– Khi nhận được thông báo về trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể người, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có trách nhiệm thông báo cho cơ sở y tế có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục đăng ký cho người hiến.

Bước 2: Trung tâm điều phối quốc gia tiến hành tư vấn cho người có nguyện vọng hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết

Sau khi nhận được thông báo của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cơ sở y tế có thẩm quyền có trách nhiệm sau đây:

+ Trực tiếp gặp người hiến để tư vấn về các thông tin có liên quan đến hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể người;

+ Hướng dẫn việc đăng ký hiến theo mẫu đơn; thực hiện việc kiểm tra sức khỏe cho người hiến;

+ Cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho người hiến;

+ Báo cáo danh sách người đăng ký hiến đã được cấp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết cho Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

– Việc đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết có hiệu lực kể từ khi người đăng ký được cấp thẻ đăng ký hiến.

 

5. Thủ tục đăng ký hiến xác sau khi chết

Tương tự như thực hiện thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, việc đăng ký hiến xác cũng phải thực hiện theo quy trình luật định, cụ thể:

Bước 1: Trình bày nguyện vọng hiên mô, bộ phận cơ thể tại cơ sở y tế.

Nếu bạn có nguyện vọng được hiến xác sau khi chết, bạn có thể liên hệ đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất. Thông tin về việc đăng ký hiến xác sẽ được chuyển đến cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến – là cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học có đủ điều kiện về cơ sở vật chất bảo quản xác, trang thiết bị, nhân sự và có phòng tưởng niệm theo quy định – để thực hiện việc đăng ký hiến xác.

Bước 2: Tư vấn, nộp đơn đăng ký hiến xác.

Sau khi thông tin về nguyện vọng được hiến xác sau khi chết được chuyển đến cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến có thẩm quyền, cơ quan này sẽ liên hệ để tư vấn trực tiếp cho bạn về các thông tin có liên quan đến việc hiến, lấy xác (bao gồm những điều kiện để có thể hiến, lấy xác, những quyền lợi mà người hiến xác được hưởng, v.v.) và hướng dẫn điền thông tin đăng ký hiến xác. Bạn có thể nhận đơn đăng ký hiến xác tại cơ sở y tế này.

Bước 3: Nhận thẻ đăng ký hiến xác.

Sau khi nộp đơn đăng ký hiến xác, bạn sẽ được cơ quan y tế đã tư vấn, hướng dẫn ban đầu về việc hiến và lấy xác cấp thẻ đăng ký hiến xác cho bạn.

Vì việc hiến xác cũng phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện của người hiến nên người đã đăng ký hiến xác hoàn toàn có quyển thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác theo yêu cầu của mình. Sau khi đã được cấp thẻ đăng ký hiến xác, trong trường hợp bạn muốn thay đổi hoặc hủy bỏ việc đăng ký đó, bạn có thể đến cơ sở y tế đã tiếp nhận đơn đăng ký hiến xác để nộp đơn đề nghị thay đổi hoặc hủy bỏ đơn đăng ký hiến xác.

 

6. Mẫu đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người  

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

ĐƠN TỰ NGUYỆN HIẾN MÔ, BỘ PHẬN CƠ THỂ Ở NGƯỜI

SAU KHI CHẾT

 

Kính gửi: ……………………………………………………………… 

Tên tôi là: ……………………………………………………………… 

Ngày tháng năm sinh: ………………………………………………… 

Giới tính: ………………………………………………………………… 

Địa chỉ thường trú: ……………………………………………………… 

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………… 

Nơi công tác (nếu có): …………………………………………………… 

Giấy CMND/HỘ chiếu số: ………….; cấp ngày ……….. ; nơi cấp: ……… 

Điện thoại (nếu có): ………………………………………………….

Vì sự phát triển nền Y học nước nhà, nhằm giúp đỡ những người không may mắc các bệnh hiểm nghèo và với tinh thẩn nhân đạo chữa bệnh cứu người. Sau khi được cán bộ y tế tư vấn, tôi xin tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi tôi qua đời mà không yêu cấu kèm theo bất cứ một điểu kiện nào.

Tôi đề nghị giữ (hoặc không giữ) bí mật danh tính của tôi đối với người nhận.

Tôi viết đơn này trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết của mình.

Tôi xin chân thành cảm ơn.

ngàỵ ……. tháng …… năm …….

Người làm đơn

(Ký, ghi rõ họ tên )