Màu Tết trong âm nhạc của Từ Huy

Bao đời nay cảnh Xuân màu Tết được các thế hệ tao nhân mặc khách diễn tả bằng nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Từ Huy, chàng nhạc sĩ đất Điện Bàn (Quảng Nam), đã để lại cho đời nhiều ca khúc lừng danh, trong đó phải kể đến những tác phẩm làm xao xuyến hồn người mỗi khi mai vàng mở cánh báo tin Tết đến Xuân về.

Một những album của nhạc sĩ Từ Huy do Phương Nam Phim thực hiện.

Một những album của nhạc sĩ Từ Huy do Phương Nam Phim thực hiện.

Tiếng pháo đì đùng trên… bài hát

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Có thể nói, chỉ với 14 chữ, câu đối xưa đã phác họa bức tranh Tết truyền thống người Việt. Trong khi các vật phẩm khác chủ yếu lặng lẽ trình ra cho đời màu sắc và/hoặc hương vị thì tràng pháo “lên tiếng” cho bàn dân thiên hạ hay biết rằng năm mới đã về bằng những thanh âm đặm đặc chất Tết. Ngày trước, vào đêm trừ tịch (tối 30 tháng Chạp), người Việt có lệ đốt dây pháo treo trên cây nêu để xua đuổi ma quỷ cuối năm; đến giao thừa lại đốt pháo đón mừng năm mới.

Pháo Tết đã được Tú Xương (1870 – 1907), nhà thơ đất Nam Định nhắc tới trong hai câu thực của bài Xuân thất ngôn bát cú: Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ Loẹt lòe trên vách bức tranh gà. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913 – 2004) trong bài thơ Chợ Tết đăng lần đầu trên báo Ngày nay năm 1939 đã không quên “điểm danh” mặt hàng làm nên âm thanh Tết: Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi/ Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa/ Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết…

Thời gian trôi đi, Xuân khứ Xuân lai, Tết qua Tết đến, pháo đi vào đời sống con người vào mỗi độ năm mới về như một phần thể không thể thiếu vắng. Nhưng rồi, pháo Tết dần dần được chế tác một cách hiện đại hơn và từ đó đã gây nên những hệ lụy kinh người. Đỉnh điểm là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994), theo báo cáo của 44/53 địa phương, đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn hàng 20-30 tỷ đồng.

Số liệu “rợn người” này đã được nhắc lại và là một trong những cứ liệu để Thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành Chỉ thị 406/TTg ngày 8-8-1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Theo đó, “kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa)”.

Thời điểm ra đời chỉ thị “tắt tiếng pháo Tết” cũng là năm nhạc sĩ Từ Huy cho trình làng ca khúc Ngày Tết quê em. Tiếng pháo, nếu trước đó hoặc đì đùng khắp phố thị hoặc lẹt đẹt nơi thôn quê thì kể từ Tết Ất Hợi năm 1995 đã đi vào giai điệu, tiết tấu bài hát Tết bất hủ của nhạc sĩ đất Điện Bàn.

Tác phẩm Ngày Tết quê em

Tác phẩm Ngày Tết quê em

Ngày Tết quê em được viết theo nhịp 2/4, bắt đầu bằng những tiếng pháo rộn ràng: Tết/ Tết Tết/ Tết đến/ rồi. Mỗi tiếng Tết tương ứng với một móc đơn vang lên như một tiếng pháo chào xuân, được lặp lại 3 lần với cùng một trường độ, chỉ khác nhau ở cao độ. Trình bày đầu tiên ca khúc này là Tam ca Áo Trắng, bài hát làm nên tiếng tăm của ca sĩ và ca sĩ góp phần đưa bài hát đến với quảng đại công chúng.

Trong khi hầu hết các ca sĩ khác đều “trung thành” với ca từ của tác giả bài hát thì ca sĩ Phi Nhung, chừng như cảm thấy tiếng pháo nổ vậy chưa “đã”, bèn thêm vào một tiếng pháo nữa ở câu lặp lại: Tết/ Tết Tết Tết/ Tết đến/ rồi. Tức là tiếng Tết thứ ba được thêm vào sau tiếng Tết thứ hai, cả hai kết hợp với nhau bằng hai nốt móc kép (hai móc kép có trường độ bằng một móc đơn).

Sự sáng tạo này khiến cho cấu thức của câu hát trở nên sinh động hơn, tiếng pháo vì thế mà giòn giã, thúc giục hơn (có thể nghe trực tuyến tại địa chỉ https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ngay-tet-que-em-phi-nhung.nrEAKZVCky.html).

“Làm chơi ăn thiệt”

Nhạc sĩ Từ Huy

Nhạc sĩ Từ Huy

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, một trong 6 người bạn thân thiết của nhạc sĩ Từ Huy trong nhóm Những người bạn, chia sẻ rằng, tiếng pháo nổ ngoài đời “tách, tách, tách, tách, tách, đùng!” đã được Từ Huy “phỏng tạo” thành những câu hát đầu tiên “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi” trong ca khúc Ngày Tết quê em.

Tác giả Hoàng Anh trong bài viết “Ca khúc Tết nổi tiếng Ngày Tết quê em phỏng tác từ… tiếng pháo” đăng trên báo Giao Thông ngày 6-2-2018, đã dẫn lời nhạc sĩ Tôn Thất Lập, cho biết không chỉ ca khúc Ngày Tết quê em mà một bài hát rất nổi tiếng khác là Mùa xuân ơi của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cũng lấy cảm hứng từ tiếng pháo Tết.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện kể lại, năm ấy, ông phải làm chương trình xuân cho Hãng phim Phương Nam. Việc tìm những bài xuân khi ấy rất khó nên mỗi thành viên trong nhóm Những người bạn đều viết một bài xuân, tất cả đều được đưa vào một album chung của nhóm. Nhạc sĩ Từ Huy trình làng bài Ngày Tết quê em và tạo nên một “cơn sốt” khắp thành phố. Album phát hành sau dịp Giáng sinh năm 1994, nhưng khi nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cùng Từ Huy đi dạo phố vào 28 tháng Chạp năm ấy, khắp các shop bán hàng trên phố đều ngân vang giai điệu tươi vui, rộn ràng sắc Tết của ca khúc này.

Ngày Tết quê em đã tạo nên tiếng vang ngoài mong đợi. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện bỗng dưng khao khát muốn viết một ca khúc cũng thật thành công như bạn mình. Và, ngay năm sau, 1995, ông cho ra đời bài hát Mùa xuân ơi. Trong bài hát này, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện viết Xuân xuân ơi… chứ không dám dùng chữ Tết vì sợ “đụng hàng” với Ngày Tết quê em, sợ Từ Huy bảo lấy ý tưởng của ông ấy. Cả hai ca khúc đều do Tam ca Áo Trắng thể hiện rất thành công.

Khi dòng nhạc thị trường nổi lên chiếm lĩnh đời sống âm nhạc, Từ Huy không còn hứng thú để viết nhiều như trước, thậm chí chỉ viết theo “đơn đặt hàng”. Hẳn chính ông cũng không ngờ rằng, Ngày Tết quê em – một trong những bài hát viết theo kiểu đặt hàng như thế – lại rất thành công. Đây cũng là bài hát mà anh nhận được nhuận bút nhiều nhất. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hồi đó, nhạc sĩ Từ Huy nhận tiền video nhạc xuân 300.000 đồng, còn album cassette 120.000 đồng. Đó là số tiền gấp hàng chục lần tiền lương của một cán bộ, công nhân viên lúc bấy giờ. Bạn bè Từ Huy thường trêu ông: “Từ Huy làm chơi mà ăn thiệt”.

Không chỉ người dân trong nước mà cả kiều bào hải ngoại cũng rất thích Ngày Tết quê em bởi nó nhắc đến biết bao kỷ niệm êm đềm ngày Tết bằng ca từ mộc mạc, chân chất. Có thể nói, bài hát như một cuốn phim hồi tưởng, đưa người nghe đến với những tập tục thiêng liêng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam qua các hình ảnh như: “pháo xuân”, “đi sắm Tết”, “người đi thăm, đi viếng, đi chơi”, “đi lễ chùa”, “về chung vui bên gia đình”…

Nghe tiếng hát đêm xuân vừa sang…

Trong sáng tác của Từ Huy, có một nhạc phẩm nổi tiếng ghi lại những kỷ niệm một thời của ông ở quê nhà: Quê hương tuổi thơ tôi. Ông Cao Thanh Tấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, từng là Bí thư Đảng ủy xã Điện Quang, cho biết nhạc sĩ Từ Huy quê ở thôn Thạnh Mỹ, nay là thôn Tam Thạnh, xã Điện Quang.

Năm 2005, khi ca khúc gợi nhớ quê hương này lên sóng, ông Tấn rất thích những hình ảnh: Thả diều đá bóng, nắng cháy giữa đồng… Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè. Mùa lụt nước lũ, bắt cá giữa đường… Nhạc sĩ Từ Huy rời Điện Quang vào Sài Gòn từ rất lâu, nhưng hình ảnh quê nhà đi vào trong tác phẩm của ông vẫn làm xao xuyến, ray rứt với cả những người còn ở lại quê. Với ông Tấn, nếu Ngày Tết quê em chan hòa sắc Xuân trên khắp nẻo đường đất nước thì Quê hương tuổi thơ tôi trĩu nặng tình quê của người dân vùng Gò Nổi nói chung, Điện Quang nói riêng.

Từ Huy có đến mấy bài hát về Xuân về Tết chứ đâu chỉ “Tết Tết Tết Tết đến rồi”.

Với Mùa Xuân tình yêu, ông dành những lời yêu thương nồng đắm: Em ơi! Xuân nay vừa tới, xuân không hề nói chỉ chao nụ hồng. Em ơi! qua bao ngày đông, xuân nay lại về nhắc nhở, bao nhiêu là điều để nhớ, để thương… Có những con đường quá đỗi thân quen, nơi ta đã đi qua có khi đến hàng nghìn lần. Thế rồi, một sớm mai Xuân về, có gì đó bất chợt chạm đến trái tim ta với những nhịp đập khác với ngày thường: Mùa xuân đến nhắc ta những lần trên con đường phố quen. Và hôm nay, bước trên phố này, dường như nghe tiếng trái tim mình hát ca…

Ở Xuân thì, Từ Huy “vẽ” dung nhan tình yêu bằng những nét nhạc dịu êm, thanh thoát: Bồng bềnh mây trắng theo áo bay. Tóc em chấm vai hồn nhiên nói cười. Bầy chim non líu lo hát ca chúc em bước qua qua tuổi mộng mơ…

Trong Lời chúc đêm giao thừa, ông trải lòng mình qua những giai điệu tự tình hoài cảm, sâu lắng giữa thời khắc thiêng liêng của trời đất và con người. Đó là “đêm rộn ràng ngàn tiếng hát ca”, “Lời trên môi xin cho tiếng nói yêu thương người ơi”, “Người xa xứ có biết đất nước đêm nay đợi chờ. Chờ cho vơi bao nhiêu nỗi nhớ quê hương người ơi”…

Bài hát chỉ vẻn vẹn một đoạn gồm hai ca từ, mỗi ca từ có 6 câu. Hai câu kết được lặp lại, để khi những thanh âm cuối cùng của bài hát tan vào bóng đêm sẽ mãi đọng lại trong lòng người một lời chúc năm mới tốt đẹp nhất: Một năm qua bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nụ cười. Giờ phôi phai khi nghe tiếng hát đêm xuân vừa sang…

Nhạc sĩ Từ Huy, tên khai sinh là Tạ Từ Huy (1948 – 2006), quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là lớp nhạc sĩ đầu tiên trưởng thành sau năm 1975. Ông học Cao đẳng Mỹ thuật Huế rồi vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa, có thơ đăng trên các tạp chí Đối diện, Văn… Ông từng là họa sĩ trình bày cho báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và là thư ký Tòa soạn báo Thế giới Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Sáng tác của ông, ngay từ những tác phẩm đầu tiên mang chất nhạc trẻ như Những lời em hát, Mùa xuân tình yêu… đã được giới thanh niên đón nhận. Những năm sau đó, ca khúc Từ Huy xuất hiện nhiều trên sân khấu ca nhạc nhẹ, trên các làn sóng phát thanh – truyền hình và gây được ấn tượng trong công chúng như: Một thoáng quê hương (viết chung với Thanh Tùng), Mong đợi ngậm ngùi, Ngày em đến, Hãy đàn lên, Ngày Tết quê em, Mùa Xuân tình yêu…

Là một trong bảy nhạc sĩ thuộc nhóm Những người bạn, Từ Huy vừa sáng tác vừa tổ chức CLB Nhạc sĩ nhằm giới thiệu các tác phẩm mới của các nhạc sĩ trẻ và giới thiệu các ca sĩ trẻ. Chính từ hoạt động âm nhạc này, nhiều ca sĩ, nhóm ca sĩ đã thành danh như: Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Thu Hà, Hồng Ngọc, Mỹ Lệ, Vân Khánh, Hồ Lệ Thu, Mỹ Tâm, Quỳnh Lan, Tam ca Áo trắng, Tam ca Thế hệ mới, Do Ré Mi…

Ông đã xuất bản nhiều tuyển tập thơ, ca khúc và album tác giả.

Ông mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau một thời gian lâm bệnh.

VĂN THÀNH LÊ