Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Lịch Sử Giáo Hội

Tân Ước đã cho chúng ta vài dữ kiện về mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa. Đức Giê-su đã gọi Thiên Chúa của các tổ phụ, Thiên Chúa của Mô-sê là Cha. Thiên Chúa là cha của hết mọi người; nhưng Ngài là cha của Đức Giê-su một cách đặc biệt.

Qua lời nói, hành động, cách xử sự, Đức Giê-su tỏ mình là Con Thiên Chúa. Sau khi Người chịu chết và sống lại, các môn đệ nhận ra mối liên hệ ấy chặt chẽ hơn nữa: Chúa Cha vì yêu thương nhân loại nên đã trao ban Con một mình, chịu chết cho con người và sống lại để ban sự sống mới cho con người. Đức Giê-su là Con Chúa, đã hiện hữu từ muôn thuở, và đã nhập thể ở với loài người để tỏ ra tình yêu và sự gần gũi của Thiên Chúa với con người. Cũng trong bối cảnh cứu chuộc và tình yêu ấy mà Tân Ước nói lên tác động của Thánh Thần.

Trong bài này, chúng ta hãy rảo qua lịch sử Giáo Hội, để xem chân lý về mầu nhiệm Thiên Chúa đã được trình bày như thế nào, đã gặp những khó khăn gì. Dĩ nhiên, khi nói tới khó khăn, chúng tôi không muốn nói tới những khó khăn thử thách của đời sống đức tin, chẳng hạn khi gặp đau khổ, khi thấy Thiên Chúa thinh lặng. Chính Đức Giê-su cũng đã nếm những khó khăn ấy trong vườn cây dầu và trên thập giá (“Abba, ba ơi, cái gì ba cũng làm được hết, xin hãy cất chén này xa con” Mc 14,36; “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” Mc 15,34). Ở đây, chúng tôi muốn nói tới sự khó khăn khi trình bày chân lý về một Thiên Chúa duy nhất mà xem ra có tới ba mặt. Tân Ước đã trình bày đạo lý về ba vị trong bối cảnh lịch sử cứu độ. Các tín hữu tiên khởi cũng tuyên xưng đức tin ấy trong khung cảnh của lịch sử cứu độ: khi lĩnh nhận bí tích rửa tội, khi cử hành Thánh Thể. Tuy nhiên, sau khi đã chấp nhận lời giảng của các Thánh Tông Đồ cũng như lời tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, người tín hữu sớm muộn gì cũng muốn đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, đặc biệt khi phải đối chiếu với quan niệm về Thiên Chúa nơi các nền triết học, tôn giáo mà họ quen biết. Chúng ta hãy lượt qua thời các giáo phụ và thời Trung cổ.

I. THỜI GIÁO PHỤ

A. Chúng ta có thể vạch ra những lạc giáo sau đây

1) Một phần lớn các Ki-tô hữu tiên khởi đã hấp thụ đức tin về một Thiên Chúa duy nhất từ Do thái giáo. Họ muốn dung hòa các dữ kiện của Tân Ước với niềm tin về Thiên Chúa duy nhất, và chủ trương rằng chỉ cho Cha mới là Thiên Chúa: còn Đức Giê-su chỉ là người, rồi sau đó được Chúa nhận làm dưỡng tử. Ta có thể xếp trong khuynh hướng này nhiều thuyết khác nhau, tóm lại trong nhãn hiệu “độc nhất ngôi vị” (monarchianismus). Có người thì cho rằng Đức Giê-su được nhận làm con nuôi của Chúa (adoptionismus); có người thì cho rằng chỉ có một Thiên Chúa đã xuất hiện dưới nhiều thể thức khác nhau (modalismus của Sabeliô).

2) Những Ki-tô hữu chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy lạp (cách riêng là thuyết tân Platon) đồng hóa Đức Giê-su với “Hóa công” (Deimurgus) đến cứu con người khỏi vật chất; vị ấy không phải là Thiên Chúa, nhưng ở dưới quyền của Ngài. Vị ấy không thể làm người được, vì vật chất là cái gì xấu xa tội lỗi. Những thuyết này đưa tới lạc giáo ngộ đạo (gnosticismus) và ảo nhân (docetismus), khi họ cho rằng Đức Ki-tô không phải là người thật mà chỉ có hình dáng con người. Cũng do ảnh hưởng của thuyết tân Platon mà nảy ra lạc giáo A-ri-ô, theo đó Đức Ki-tô là thuộc cấp của Chúa Cha và phải lệ thuộc vào Cha (subordinatio-nismus).

3) Sau cùng, cũng phải nhắc tới một lạc giáo nữa cho rằng không phải chỉ có một Chúa mà là ba Chúa (tritheismus).

B. Để đáp lại các lạc thuyết vừa nói, Giáo Hội một đàng đã xác định đức tin Công Giáo qua các tín điều và các bản tuyên xưng đức tin. Đồng thời, các giáo phụ cũng sử dụng những tư tưởng triết học thời đại để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa.

1) Ngoài những bản tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần dùng khi cử hành bí tích rửa tội (cô đọng lại thành kinh tin kính), Giáo Hội còn long trọng tuyên xưng đức tin về thiên tính của Đức Ki-tô trong các Công Đồng Ni-xê-a (325), Ê-phê-sô (431), Can-xê-đô-ni-a (451); tuyên xưng về thiên tính của Thánh Thần ở Công Đồng Công-tan-ti-nô-pô-li I (381).

2) Khi phát biểu các công thức đức tin, các Công Đồng đã sử dụng những từ ngữ thần học mà một số giáo phụ đã đề nghị. Như chúng ta đã biết, Tân Ước chỉ trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa trong hoạt động cứu độ nhân loại (Chúa Cha sai Con một mình đến cứu chuộc nhân loại) nhưng không có đề cập tới những vấn đề liên hệ tới bản thể của Cha, Con, Thánh Thần, hoặc liên hệ tới tương quan hỗ tương giữa ba vị. Khi phải đối phó với các lạc giáo và các nền triết học, thì các giáo phụ mới bắt đầu tìm tòi những từ ngữ để diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa, làm sao duy trì chân lý về một Thiên Chúa duy nhất (chứ không phải là ba Chúa), nhưng đồng thời không hạ giá Đức Giê-su xuống hàng một thụ tạo. Thực vậy, khi phải đương đầu với các lạc giáo, các giáo phụ nhận thức rằng trọng tâm của đức tin Ki-tô giáo nằm ở chỗ Thiên Chúa không phải là một vị thần xa lạ trên chín tầng mây, nhưng là người rất gần gũi với chúng ta, đã chia sẻ kiếp sống nghèo hèn của chúng ta, đã chết vì chúng ta ngõ hầu cứu chúng ta khỏi chết và đưa chúng ta về với Thiên Chúa. Nếu Đức Giê-su không phải là Con Thiên Chúa, thì chúng ta mong gì sẽ được chia sẻ tình nghĩa tử với Chúa?

3) Có thể coi Téc-tu-li-a-nô (k.160 – k.220) như là nhà thần học đầu tiên đã cố gắng diễn đạt mối tương quan nội tại giữa Ba Vị. Téc-tu-li-a-nô đã dùng những hình ảnh khác nhau để phân biệt Cha, Con, Thánh Thần trong một Thiên Chúa duy nhất, khi so sánh ba vị như: gốc rễ – hoa – trái; mạch nước – dòng nước – suối; mặt trời – tia sáng – ánh sáng. Ba Vị có chung một bản thể (substantia), bản tính, nhưng chỉ khác nhau (phân biệt nhưng không khác biệt hay tách rời) qua sự phát hiện (species). Ba Vị khác nhau, nhưng lắng nghe nhau: ta gọi sự khác nhau là ngôi vị (persona). Mối liên hệ giữa ba ngôi vị được Téc-tu-li-a-nô giải thích qua từ “nhiệm xuất” (processio), một từ ngữ lấy của phái ngộ đạo, nhưng được hoàn chỉnh lại. Dù sao cũng không nên quên rằng khi trình bày tương quan nội tại giữa ba vị, Téc-tu-li-a-nô không bỏ qua chiều hướng cứu độ của mầu nhiệm này. – Đồng thời với Téc-tu-li-a-nô sống ở Bắc Phi, Ô-ri-gien một nhà thần học ở A-lê-xan-dri-a bên Ai cập (185 – 254/255) cũng đã có công đóng góp vào suy tư về liên hệ nội tại giữa Cha với Con: Con có cùng bản thể (ousia) với Cha, sinh bởi Cha từ đời đời. Công Đồng Ni-xê-a (325) đã định nghĩa Đức Giê-su Ki-tô, Con một Thiên Chúa, đồng bản thể (homo-ousios) với Cha.

4) Công cuộc suy tư thần học vẫn tiếp tục sau Công Đồng Ni-xê-a, đặc biệt nhờ ba nhà tiến sĩ Cap-pa-đo-xi-a: Ba-si-li-ô (330-379), Ghê-go-ri-ô Nít-sa (335-385), Ghê-go-ri-ô Na-xi-an-xê-nô (330-390), với sự phân biệt ba ngôi vị (hypostasis, persona) trong cùng một bản thể (ousia, substantia). Các vị này cũng đào sâu hơn vai trò của Thánh Thần trong tương quan giữa Cha với Con, chuẩn bị cho Công Đồng Công-tan-ti-nô-pô-li I (381), tuyên xưng Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống.

5) Nhà giáo phụ đã để lại ảnh hưởng sâu đậm hơn cả về thần học Chúa Ba Ngôi (ít là bên Tây phương) là thánh Âu-tinh, với tác phẩm “De Trinitate”. Tác giả đã để ra 25 năm để nghiên cứu, suy nghĩ và biên soạn sách này, gồm 15 quyển. Thánh Âu-tinh đã lục lọi tất cả những bản văn nói về mầu nhiệm Ba Ngôi trong Kinh thánh, cả Cựu ước lẫn Tân Ước. Kế đó, thánh nhân giải thích các hạn từ: bản thể (substantia), bản tính (essentia), ngôi vị (persona), tương đối (relativus). Tuy nhiên, tính cách độc đáo của Âu-tinh ở chỗ quay về nội tâm của con người, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, để tìm những cách thức phát biểu mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Âu-tinh tìm ra những bộ ba nơi con người, thí dụ: người yêu – người được yêu – tình yêu; trí tuệ – ký ức – ý chí.

6) Để kết luận, ta có thể nói rằng vào cuối thời giáo phụ, thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi đã chuyển từ lịch sử cứu độ sang tương quan nội tại. Điển hình của sự chuyển hướng là các bản kinh Tin kính. Các bản kinh Tin kính cổ truyền được chia làm ba vế: Cha Đấng tạo thành trời đất; Đức Ki-tô Con Thiên Chúa nhập thể cứu chuộc nhân loại; Thánh thần thánh hóa Hội thánh. Còn Kinh tin kính tục gọi là của thánh A-ta-na-si-ô (bắt đầu bằng chữ “Quicumque”, ra đời cuối thế kỷ V) nhằm nhấn mạnh sự bình đẳng và tương đồng giữa Ba Ngôi về: Deus, Dominus, Increatus, Immensus, Aeternus – Thiên Chúa, Đức Chúa, Tạo Thành, Vô Biên, Vĩnh Hằng.

II. THỜI TRUNG CỔ

Như đã nói trên đây, những định tín của Giáo Hội về mầu nhiệm Thiên Chúa đã được ấn định vào những đại Công Đồng của thời giáo phụ. Sang thời Trung cổ, những tuyên tín không có tính cách quan trọng sánh với thời giáo phụ. Ta có thể ghi nhận Công Đồng La-tê-ra-nô IV (1215) chống lại thuyết nhị nguyên của phái An-bi-gien-sê (chủ trương có hai Chúa: Chúa Thiện và Chúa Dữ); Công Đồng Ly-on II (1274) và Phi-ren-xê (1439-1445) giải quyết những lối trình bày khác nhau giữa thần học Đông phương và Tây phương về mối tương quan giữa Thánh Thần với Cha và Con (vấn đề quen gọi là “Filioque”).

Về phía thần học, tác giả nổi bật hơn cả từ thời Trung cổ trở đi là thánh Tô-ma A-qui-nô. Thánh tiến sĩ đã trình bày về mầu nhiệm Thiên Chúa ở nhiều tác phẩm khác nhau, nhưng nhất là trong quyển “Tổng Luận Thần Học” **.

Chúng tôi chỉ ghi lại vài nguyên tắc về phương pháp:

(a) Một nguyên tác quan trọng khi nói về Thiên Chúa là đường lối loại suy (analogia): giữa Thiên Chúa với thực tại loài người có những điểm vừa giống nhau (xét vì Ngài là nguyên nhân của hết mọi loài hiện hữu) nhưng cũng có những điểm khác nhau (xét vì chúng ta là hữu thể bất toàn, còn Ngài thì thập toàn); vì vậy mà chúng ta có thể dùng những tư tưởng của thế giới này để hiểu biết phần nào những thực tại về Thiên Chúa.

(b) Khi nói đến mầu nhiệm Thiên Chúa, dựa vào Mạc Khải và đức tin Công Giáo, thánh Tô-ma quả quyết có một Thiên Chúa duy nhất, Chủ tể của muôn vật hữu hình và vô hình.

(c) Bàn đến mối liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, thánh Tô-ma lấy lại những từ ngữ mà các giáo phụ đã để lại, thí dụ: sự “xuất phát” (processio) của Lời và Thánh Thần từ Cha (được giải thích qua sự so sánh với hành vi hiểu biết và yêu mến); sự “tương giao” (relatio) như là nguồn gốc của sự phân biệt giữa Ba Ngôi; nhất là thánh Tô-ma đã xác định rõ rệt hơn khái niệm triết học về “ngôi vị” (persona).

(d) Khi nói đến tác động ngoại tại của Ba Ngôi, Tô-ma dựa vào Tân Ước để nói tới những lần phái đi (sai đi: missio): Con được Cha sai đến thế gian, Thánh Thần được Cha và Con sai đi. Cũng nên biết là ngoài sự hiện diện của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và cứu chuộc, Tô-ma cũng còn nói tới sự hiện diện của Ba Ngôi trong tâm hồn tín hữu sống trong ơn nghĩa Chúa (quen gọi là “inhabitatio”).

Bình Hòa, O.P.

Chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi

Một Chúa Ba Ngôi luôn là mầu nhiệm lớn lao và khó hiểu nhất. Lớn lao vì đây là mầu nhiệm trọng tâm nhất của Kitô giáo. Khó hiểu vì chẳng thể nào giải thích thấu đáo chỉ có một Thiên Chúa nhưng trong đó lại có ba Ngôi Vị. Ngay cả thánh Augustinô sau khi nỗ lực tìm kiếm để giải thích về mầu nhiệm này, ngài cũng chấp nhận trong khó hiểu. Với ngài, việc múc “nước biển đổ vào hang sò” [1] còn dễ hơn giải thích mầu nhiệm này. Do đó, bài viết dưới đây xin chọn con đường chiêm ngắm để thấy Thiên Chúa chúng ta thật cao vời, nhưng gần gũi biết bao.

1. Thuở tạo thiên lập địa

Cựu Ước chỉ có một Thiên Chúa là Giavê duy nhất. Tất cả Kinh Thánh Cựu Ước đều diễn tả một mình Thiên Chúa làm chủ muôn loài. Dân trong cựu ước không kinh nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi. Dù đôi chỗ có nhắc đến “thần khí” hoặc dân đang mong mỏi Đấng Thiên Sai (Mêsia); nhưng dĩ nhiên, họ không cho rằng đó là Chúa Thánh Thần hoặc Đức Giêsu. Trong nhãn quan thời cựu ước, ngoài Thiên Chúa không có thần nào khác quyền năng và cao cả cho bằng. Dân thời ấy cũng không dám và cũng chẳng thắc mắc về Thiên Chúa có mấy ngôi! Có lần họ muốn biết Thiên Chúa là ai, và qua lần gặp với Môsê, Thiên Chúa cho dân biết một chút về Ngài: “Ta là Đấng Ta là!” (Xh 3,14).

Điều thú vị là trong đoạn đầu của sách Sáng Thế, độc giả sẽ ngạc nhiên về cách mô tả trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Sau năm ngày Thiên Chúa tạo nên muôn loài, ngày thứ Sáu, Thiên Chúa muốn dựng nên một loài giống hình ảnh Thiên Chúa. “Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” (St 1,26) Thiên Chúa xưng hô trong số nhiều khi chuẩn bị làm một công trình lớn lao nhất  [2]. Đây là một cuộc bàn luận của Ba Ngôi, nếu nhìn từ Tân Ước.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể biết các Ngài bàn luận bao lâu và về những gì. Chúng ta biết chắc một điều: Thiên Chúa muốn tạo nên con người một cách đặc biệt. Con người này mang “gen di truyền” của Thiên Chúa. Nghĩa là, con người được thừa hưởng tình yêu, tự do, hiệp nhất nhiều điều tốt lành từ Thiên Chúa. Các nhà chú giải khẳng định rằng: chắc chắn Thiên Chúa không bàn luận với các thiên thần, vì các vị không làm ra con người. Cuộc bàn luận ấy chỉ diễn ra trong Thiên Chúa, Ba Ngôi trò chuyện với nhau.

Kết quả của cuộc bàn luận này là các Ngài lấy đất nặn ra con người. Thiên Chúa thổi sinh khí vào con người. Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Đó là ngày thứ Sáu. Vậy là công trình sáng tạo muôn loài của Thiên Chúa Ba Ngôi đã hoàn tất. Mọi sự đều tốt đẹp. Ngày thứ Bảy Thiên Chúa Ba Ngôi “nghỉ ngơi”.

2. Trong công trình cứu độ

Tiếc là con người đã không tuân giữ lời căn dặn của Thiên Chúa. Họ đã ăn trái cấm và bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng. Từ đó về sau là giai đoạn khốn cùng của con người. Vì Thiên Chúa Ba ngôi là tình yêu, nên các Ngài không bỏ con người. Thiên Chúa một lần nữa bàn luận để tìm cách cứu con người.

Kinh Thánh không ghi lại cuộc bàn luận này. Tuy nhiên nếu ai có dịp đọc sách Linh Thao của thánh I–nhã Loyola, hoặc làm Linh Thao, sẽ bắt gặp cuộc trò chuyện này. Để giúp chiêm ngắm màu nhiệm nhập thể thánh I–nhã mời chúng ta hình dung Ba Ngôi Thiên Chúa nhìn xuống trái đất bao la với muôn vàn con người. Họ đang đau khổ lầm than. Nào là thiên tai chiến tranh, bệnh tật chết chóc; nào là cảnh nghèo đói lầm than. Trước tình cảnh bi thương đó, Ba Ngôi bàn thảo với nhau để tìm cách cứu độ con người, loài thụ tạo mà Thiên Chúa đã nắn nót làm nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Vì tội lỗi, nên con người đang phải chịu cảnh đọa đày như thế.

Ba Ngôi Thiên Chúa quyết định cử Ngôi Hai xuống thế làm người. Vậy là Đức Giêsu được sinh ra trong một gia đình. Sau ba năm rong ruổi trên mọi nẻo đường để rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu phải lên Giêrusalem để đối diện với cái chết. Ba Ngôi đã dùng phương cách ấy để cứu lấy con người đang lầm than, chết chóc.

Trong hai cuộc bàn luận trên, chúng ta có thể hiểu thêm về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Cụ thể Giáo Hội tuyên tín rằng: Chúa Cha sinh ra (natus) Ngôi Con là Đức Giêsu Kitô. Ngôi Cha không có khởi đầu và kết thúc; Ngài tự Ngài mà có. Ngài là nguồn suối và nguồn gốc, hay sự khởi đầu của toàn thể thiên tính. Ngài làm ra tất cả mọi sự nhờ Ngôi Con và Thánh Thần (x. HD tr.1609) [3]. Trong khi đó, Đức Giêsu Kitô là Con Một duy nhất của Chúa Cha. Ngôi Hai cũng hiện hữu từ trước muôn đời trong mầu nhiệm thánh thiêng. Người là Đấng trung gian cứu độ. Sau cùng, Chúa Thánh Thần phát xuất từ Ngôi Cha và Ngôi Con. Ngài là Thần Khí (Tình Yêu) của Ngôi Cha và Ngôi Con. Còn nhớ trong ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Giêsu ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ và cho Giáo Hội. Hoặc nói đúng hơn, Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. (x. Tuyên tín của Công đồng Con-tan-ti-nô-pô-li (381) và Khan-kê-đô-ni-a (451)).

Chắc chúng ta không cần đi vào chi tiết những thuật ngữ chuyên môn nói về Thiên Chúa Ba Ngôi. Với truyền thống Giáo Hội và kinh nghiệm đức tin, mỗi người đều nhận thấy trong công trình cứu chuộc, Thiên Chúa luôn đồng hành với con người. Chúng ta có khi cầu nguyện với Thiên Chúa trong cương vị là Chúa Cha (Kinh Lạy Cha), trong cương vị là Chúa Giêsu và có khi chúng ta nài xin ơn Chúa Thánh Thần. Dù cầu nguyện với Ngôi Vị nào, chúng ta cũng vẫn trò chuyện với một mình Thiên Chúa mà thôi. Nơi đó, cả Ba Ngôi đều hoạt động và cứu lấy con người.

3. Nơi cuộc đời Đức Giêsu

Có lẽ chúng ta hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi rõ nhất trong những gì Kinh Thánh Tân Ước ghi lại. Ngay từ biến cố Truyền Tin, chúng ta tuyên xưng: “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh.” Rồi trong khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cũng “hiện ra” ban lời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,13–17). Điều này xuất hiện lần thứ hai khi Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor. “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” (Lc 9,28–36).

Điều thú vị là Đức Giêsu hằng ngày đều cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu và Chúa Cha rất gần gũi [4]. Lúc này Ngôi Con trong hình hài con người. Vì là người thật, nên Đức Giêsu cần chạy đến với Thiên Chúa Cha để xin ơn và được hướng dẫn. Có lẽ vì là con người nên Ngài có lần thấy mình cô đơn, thấy Chúa Cha vắng bóng. Và chính trên thập giá, Chúa Giêsu khi sắp lìa đời, đã hướng về Chúa Cha và kêu lên: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mc 15,34; Mt 27,46). Tuy vậy, Ngài vẫn hằng vâng lời Cha để cứu chuộc con người. Nhờ đó sau khi chết, chính Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại để mở ra một thời gian của hồng ân cứu độ.

Còn nhớ trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu cũng nói nhiều đến Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng an ủi, bào chữa, nâng đỡ và trợ giúp cho mỗi người. Rồi sau biến cố Phục Sinh, chính Đức Giêsu đích thân hiện ra với các môn đệ và ban Chúa Thánh Thần cho các ngài. (Ga 20,22). Đó là ngày lễ Ngũ Tuần. Như vậy, Đức Giêsu đã hoàn tất giai đoạn dương thế và lên trời. Từ đó về sau là giai đoạn hoạt động của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta thật may mắn vì chính Đức Giêsu mặc khải về Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần! May mắn vì Thiên Chúa Ba Ngôi, tuy vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn ta, nhưng khi con người đón nhận mặc khải của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, thì họ có thể hiểu được mầu nhiệm này trong tình yêu và sự chấp nhận của lý trí. Nói cách khác, chính khi tin yêu nơi Đức Giêsu cũng là tin yêu nơi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy.” Và, “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” (x. Ga 14,1–12).

Tạm Kết

Chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi mỗi ngày, ít là khi làm dấu thánh giá. Trong ngày lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta có nhiều thời gian hơn để chiêm ngắm các Ngài. Tuy còn nhiều tranh cãi và khó hiểu về mầu nhiệm này, nhưng với lòng khiêm tốn, ước gì mỗi người để Thiên Chúa Ba Ngôi ngự vào tâm hồn mình.

Có Chúa Cha, chúng ta được tạo dựng và chăm sóc; có Chúa Con, chúng ta được cứu độ và sống lại; có Chúa Thánh Thần, chúng ta được thánh hóa và sống bình an. Hoặc nói như thánh Phaolô: “Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình thương của Thiên Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.” (2Cr 13,13).

Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

——————————————————

[1]

Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi, ngài đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Ngài dừng chân và hỏi:

– Em làm gì thế?

Em bé bèn trả lời:

– Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.

Thánh nhân mỉm cười và nói:

– Làm sao tát hết được?

Nhưng em bé nghiêm nét mặt và nói:

– Tôi làm việc này còn dễ hơn cái ảo vọng của ngài là muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.

Nói đoạn, em bé biến mất. Thánh nhân hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này. (Trích lại từ: 

Các Bài Suy Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi

)

[2]

St 11,7 Thiên Chúa cũng xưng trong số nhiều. Chỗ khác: “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?”” (Is 6,8).

[3]

Heinrich Denzinger, Các Tín Biểu, Định Tín và Tuyên Bố, dịch giả: Nguyễn Văn Hòa OP, Tôn Giáo, 2019.

[4]

“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy.” (Ga 14 23).

Luật giữ ngày Chúa nhật đối với người Công giáo là gì?

Luật giữ ngày Chúa nhật đối với người Công giáo không nên xem như sự áp đặt, nhưng nên xem đó là lời mời gọi để gia tăng tình yêu đối với Thiên Chúa.

CHURCH

Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo đã hiện hữu giới luật giữ ngày Chúa nhật, qua đó người công giáo phải tham dự thánh lễ Chúa nhật. Ban đầu luật này chưa cần thiết để thiết lập về mặt pháp lý, bởi vì các tín hữu vui vẻ chấp nhận sự ủy thác của Thiên Chúa.

Thánh Gioan Phaolô II đã giải thích điều này trong tông thư Ngày của Chúa [Dies Domini] như sau:

“Đây là điều buộc theo lương tâm, được hình thành từ nhu cầu nội tâm mà các Kitô hữu trong những thế kỷ đầu tiên đã cảm nhận cách mãnh liệt, Giáo hội đã không ngừng khẳng định điều đó, ngay cả khi lúc đầu không cho đó là cần thiết để quy định nó. Chỉ sau này, đứng trước sự thờ ơ hoặc chểnh mảng của một số người, Giáo hội đã phải làm sáng tỏ trách nhiệm phải tham dự thánh lễ Chúa nhật” (số 47).

Bộ Giáo luật hiện hành xác định trách nhiệm này và đã quả quyết rằng: “Các tín hữu buộc phải tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc khác” (1247).

Điều này có nghĩa là bất cứ người Công giáo nào có thể tham dự thánh lễ đều phải cố gắng hết sức để hiện diện.  

Được miễn trừ vì những lý do nghiêm trọng

Đồng thời một số người có thể được miễn trừ khỏi trách nhiệm tham dự Thánh lễ vì những lý do nghiêm trọng, như sách Giáo lý Hội thánh Công giáo giải thích:

“Thánh lễ Chúa Nhật đặt nền tảng và xác định toàn bộ cuộc sống người tín hữu. Do đó, mọi tín hữu phải tham dự thánh lễ vào ngày lễ buộc, trừ khi có một lý do quan trọng (như bệnh hoạn, chăm sóc trẻ sơ sinh) hay được cha sở miễn chuẩn (x. CIC,1245). Ai cố tình vi phạm sẽ mắc tội trọng” (GLCG 2181).

Các lý do nghiêm trọng khác phải được bàn thảo với cha xứ, là người có thể đưa ra những chỉ dẫn hay xác nhận việc miễn trừ.

Một lời mời gọi yêu thương

Trước hết, bổn phận tham dự thánh lễ Chúa nhật không nên coi là “áp đặt”, nhưng đó là một “lời mời gọi” để bước vào trong tình yêu của Thiên Chúa, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở:

“(Ngày Chúa nhật) chính là tâm điểm của đời sống Kitô hữu… Hôm nay tôi mạnh mẽ mời gọi tất cả mọi người hãy tái khám phá ngày Chúa nhật: Anh chị em đừng ngại dâng thời giờ của mình cho Chúa Kitô! Chúng ta hãy trải rộng thời giờ của mình cho Chúa Kitô, để Ngài có thể soi sáng và hướng dẫn nó. Ngài là Đấng biết được bí ẩn của thời gian và của vĩnh cửu, và Ngài ban cho chúng ta “ngày của Ngài” như một món quà luôn mới mẻ của tình yêu Ngài… Thời gian được dâng cho Chúa không bao giờ là thời gian mất đi, nhưng lại là thời gian tìm được nhờ tính nhân bản sâu xa giữa các mối tương quan của chúng ta và cuộc sống của chúng ta”.

Luật giữ ngày Chúa nhật là một ơn lớn lao dành cho con người, và người Công giáo được kêu gọi thực hiện việc này với tâm hồn vui tươi.

Philip Kosloski – https://it.aleteia.org

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ – WQN

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, Legio Mariæ sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng legiomariævn.com của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Đạo Binh Đức Mẹ, website: legiomariævn.com”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Đạo Binh Đức Mẹ.