Mẫu CV xin việc nhân viên lễ tân văn phòng, khách sạn, có kinh nghiệm, chưa có kinh nghiệm chuẩn, ấn tượng

Lễ tân thường được coi là nghề nghiệp dành cho những người trẻ trung, xinh đẹp, khéo ăn khéo nói và thích giao tiếp. Công việc lễ tân chia thành nhiều mảng khác nhau với các nhiệm vụ không giống nhau. Do đó, khi chuẩn bị CV xin việc nhân viên lễ tân, bạn cũng phải hiểu sự khác biệt để điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.

CV xin việc nhân viên lễ tân không thể chỉ cần có ảnh đẹp là đủ, rất nhiều yếu tố quan trọng như bằng cấp, kinh nghiệm và kỹ năng quyết định bạn có phải ứng viên tốt nhất, phù hợp nhất hay không. Từ việc chọn mẫu CV đến điền nội dung chi tiết, tất cả đều là một quá trình không quá khó nhưng cũng không đơn giản. Bạn cần dành đủ thời gian và tâm huyết để tạo ra một bản CV xin việc nhân viên lễ tân chuẩn và thuyết phục.

I. Mẫu CV xin việc nhân viên lễ tân

1. Mẫu CV xin việc nhân viên lễ tân cho người chưa có kinh nghiệm

Mẫu CV xin việc cho nhân viên lễ tân chưa có kinh nghiệm phù hợp với những bạn sinh viên làm thêm, mới ra trường hoặc chuyển từ các vai trò khác sang. Với người chưa có kinh nghiệm, xin việc vào vai trò nào cũng cảm thấy lo lắng nhưng luôn có nhiều công ty, nhà hàng khách sạn chấp nhận tuyển fresher. Công việc nhân viên lễ tân cũng không có yêu cầu quá cao và có thể được đào tạo nhanh nên bạn chỉ cần khéo léo điều chỉnh CV xin việc là đủ. Bạn nên quan tâm nhất đến ảnh trên CV và phần học vấn, kỹ năng, hoạt động. Nếu những phần này đều đa dạng, nhà tuyển dụng có nhiều khả năng bỏ qua thiếu sót về kinh nghiệm.

2. Mẫu CV xin việc nhân viên lễ tân văn phòng

Nhân viên lễ tân văn phòng có phần “na ná” với nhân viên hành chính – bạn sẽ chào hỏi khách đến làm việc, tham quan, nhận và thực hiện các cuộc gọi, hỗ trợ in, lưu trữ giấy tờ, hồ sơ, tài liệu… Khi viết CV xin việc nhân viên lễ tân văn phòng, mẫu CV bạn chọn cần thể hiện một phần tích cách của bạn, những đặc điểm phù hợp nhất với công việc là cẩn thận, tỉ mỉ. CV bạn nên chọn mẫu thanh lịch, đơn giản không màu sắc và không được cứng nhắc.

mau cv xin viec nhan vien le tan

Hướng dẫn chọn mẫu CV xin việc nhân viên lễ tân và cách viết

3. Mẫu CV xin việc nhân viên lễ tân khách sạn

Cũng là làm lễ tân nhưng công việc của nhân viên lễ tân khách sạn rất khác với lễ tân văn phòng. Bạn sẽ làm trong các khách sạn, nhà hàng, nhận đặt và trả phòng, chào đón khách, hướng dẫn và giải đáp các câu hỏi, hỗ trợ họ trong suốt quá trình lưu trú, dùng bữa… Đối với CV xin việc nhân viên lễ tân khách sạn, phần học vấn và kinh nghiệm thường được coi trọng nhất, các mẫu CV cũng phải thể hiện được rằng bạn phù hợp với lĩnh vực dịch vụ.

II. Cách viết CV xin việc nhân viên lễ tân

1. Thông tin cá nhân

Không thể phủ nhận rằng trong CV xin việc lễ tân, phần hình ảnh thường được chú ý đầu tiên và đặc biệt quan trọng dù là bạn ứng tuyển vào đâu. Vì vậy, bạn hãy chọn ảnh nào mà cận mặt, nghiêm túc nhưng vẫn thoải mái mà không cứng nhắc, tốt nhất là ảnh bạn đang cười tươi tắn, tạo cảm giác thoải mái với người khác. Các thông tin khác chỉ cần đầy đủ và chính xác là được.

2. Mục tiêu nghề nghiệp

Có nhiều định kiến cho rằng những người làm nhân viên lễ tân đều là người thích “an phận thủ thường”, làm công việc nhẹ nhàng, mức lương kha khá, môi trường sạch sẽ, mặc đồng phục đẹp đẽ… Thế nhưng, thực tế là không phải làm trong vai trò này thì bạn không có mục tiêu gì. Việc bạn rõ ràng về mục tiêu nghề nghiệp không chỉ giúp bản thân bạn có động lực phấn đấu mà trong CV xin việc cũng giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Những mục tiêu phù hợp nhất mà bạn có thể cân nhắc là trở thành tổ trưởng, trưởng ca, học và chuyển sang làm hành chính nhân sự hay các vai trò giám đốc bộ phận sảnh…

3. Trình độ học vấn

Nhân viên lễ tân có thể không có bằng cử nhân đại học hay thạc sĩ, tiến sĩ nhưng vẫn cần có trình độ từ trung cấp trở lên, tốt nhất là các chuyên ngành phù hợp. Với nhân viên lễ tân văn phòng, chuyên ngành khoa học xã hội, hành chính nhân sự, ngôn ngữ hay các khối ngành kinh tế sẽ dễ xin việc hơn. Trong khi đó, lễ tân khách sạn thì học du lịch, quản trị khách sạn,… cũng sẽ là lợi thế. Trong trường hợp bạn hoàn toàn không phạm vi này, hãy chú ý nhiều hơn đến phần kỹ năng, đề cập đến kỹ năng chuyển đổi để tăng cơ hội trúng tuyển. Trong phần trình độ học vấn của CV xin việc làm nhân viên lễ tân thì bạn chỉ có một lựa chọn là ghi chính xác bằng cấp cao nhất của mình.

4. Kinh nghiệm làm việc

Đây là một phần quan trọng nhất trong CV xin việc. Bạn không nên viết quá dài phần này dù đã đi làm nhiều năm, tốt nhất là khoảng 3, 4 công việc là đủ và chỉ liệt kê những gì liên quan tới lễ tân. Nếu bạn chưa từng làm nhân viên lễ tân nhưng từng làm nhân viên hành chính, phục vụ bàn, thực tập nhân sự, trực tổng đài, telesales, nhân viên bán hàng… thì đó cũng là các trải nghiệm phù hợp để đưa vào CV.

5. Kỹ năng

Công việc của một nhân viên lễ tân không cần nhiều kiến thức chuyên môn nhưng cần nhiều kỹ năng mềm. Bên cạnh kỹ năng ngoại ngữ, tin học thì trong CV xin việc, bạn sẽ cần đưa vào những kỹ năng cần thiết nhất với nhân viên lễ tân (mà nhiều khả năng nhà tuyển dụng sẽ coi trọng). Phần này dựa vào mô tả công việc trong tin tuyển dụng và những hiểu biết của bạn về công việc, có thể bao gồm kỹ năng sắp xếp, quản lý thời gian, kỹ năng hành chính, kỹ năng chăm sóc khách hàng…

6. Hoạt động

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm làm việc như một nhân viên lễ tân, lo lắng CV xin việc trống trải và không tạo nên được ấn tượng thuyết phục gì với nhà tuyển dụng thì nên cân nhắc viết nội dung thú vị ở phần hoạt động – ít nhất là để chứng minh được bạn trẻ trung, năng động và có nhiều trải nghiệm ngoài việc học. Hoạt động bạn có thể đề cập là: Câu lạc bộ, thể thao, tình nguyện viên tại các sự kiện…

III. Những lưu ý khi viết CV xin việc nhân viên lễ tân

Ứng tuyển làm nhân viên lễ tân đa số là người trẻ tuổi, có cả những người xin làm part time để kiếm thêm thu nhập hoặc lấy kinh nghiệm. Dĩ nhiên, không thể vì bạn cảm thấy mình còn trẻ, chưa va vấp thì được phép thiếu chuyên nghiệp khi đi xin việc. Ngoài những tips lựa chọn mẫu CV xin việc nhân viên lễ tân và cách viế như trên, bạn còn cần lưu ý:

  • Kiểm tra kỹ lưỡng CV trước khi gửi, đảm bảo không có lỗi dù là nhỏ nhất (vì công việc lễ tân cần sự tỉ mỉ, chu đáo và chính xác).
  • Chứa từ khóa liên quan đến lễ tân, văn phòng, hành chính, nhà hàng khách sạn.
  • Ngắn gọn, không cứng nhắc hay tạo cảm giác máy móc.

IV. Kỹ năng giúp thăng tiến sự nghiệp cho nhân viên lễ tân

Mặc dù một nhân viên lễ tân có thể không dễ gì thăng tiến lên các vị trí cao hơn, nhất là khi làm việc ở văn phòng nhỏ, spa hay salon, cửa hàng nhưng bạn vẫn luôn có cơ hội nếu biết tự thúc đẩy bản thân. Dù công việc thực tế của bạn bận rộn hay nhàn nhã đến “phát chán” ở một số thời điểm thì cũng hãy dành thời gian để học thêm điều mới như ngoại ngữ mới, học về các kiến thức, quy trình chuyên môn như tuyển dụng, nhân sự… Tất cả đều giúp bạn sẵn sàng hơn khi có cơ hội phát triển sự nghiệp. Những kỹ năng bạn có thể từng bước nâng cao là:

  • Kỹ năng tin học, hành chính văn phòng.
  • Kỹ năng giao tiếp và dịch vụ khách hàng xuất sắc.
  • Nghiệp vụ lễ tân, ngoại giao.

Nhân viên lễ tân, dù là làm việc ở đâu thì cũng là một vị trí lý tưởng, giúp bạn quen thuộc với các môi trường công việc đặc thù, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho đồng nghiệp và khách. Nhân viên lễ tân cũng là hình ảnh đại diện của công ty, của khách sạn hay nhà hàng… Thế nên, bạn hãy thể hiện bản thân thật tích cực, ngay từ trong CV xin việc nhé.