Mất da, nguy cơ hoại tử do bỏng bô xe máy
“Chị không đi khám coi chừng què chân. Đừng xem nhẹ bỏng bô!”, nghe đồng nghiệp nhiều lần khuyên nhủ, cuối cùng chị N.H.T. mới đến bệnh viện.
Nội Dung Chính
Chủ quan mua thuốc trị bỏng trên mạng
Gặp lại TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sau một tuần điều trị, chị N.H.T. (35 tuổi, Gò Vấp) khoe vị trí bắp chân bị bỏng bô xe máy bắt đầu “kéo” da non, không còn thâm đen như ngày đến khám. Kiểm tra lại vết thương, BS Bích gật gù nói: “Chân không bị nhiễm trùng, liền sẹo nhanh vì đi khám sớm. Một thời gian ngắn nữa thôi, chân sẽ đẹp lại, mặc váy ngắn cũng không sợ xấu”.
Ở trong phòng tiểu phẫu, bác sĩ Bích vừa xử trí sạch, băng lại vết thương vừa dặn dò cách chăm sóc không để lại sẹo xấu.
Về nguyên nhân bị bỏng bô xe, chị T. cho biết khi đứng chờ đèn đỏ dưới trời mưa to thì bị trượt chân, cả người và xe đều ngã xuống. Mặt trong bắp chân phải đè vào bô xe máy bên cạnh. Ngay lúc đó chị chỉ cảm thấy rát bỏng chỗ tiếp xúc nhưng 2 ngày sau, chỗ bỏng phồng rộp, tấy đỏ, lùng nhùng như có chứa nước bên trong.
Chị T. mua thuốc trị bỏng trên mạng để bôi nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sang ngày thứ 3, chị đau khi di chuyển, phải đi cà nhắc. Nhiều đồng nghiệp khuyên nhủ: “Chị không đi khám coi chừng què chân. Đừng xem nhẹ bỏng bô!”, lúc này chị mới quyết định đi khám.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, tiếp nhận ca bệnh, nhớ lại: người bệnh đi cà nhắc vào phòng khám, chỗ phỏng bị thâm đen, mất một lớp da ngoài, nhiễm trùng, đang có dấu hiệu hoại tử. Nhưng may, tình trạng hoại tử mới chỉ ở lớp nông trên da chưa ăn sâu vào trong.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Bích chẩn đoán người bệnh bỏng ở cấp độ 2, gần sang cấp độ 3. Ngoài ra, người bệnh còn sử dụng thuốc trị bỏng không rõ nguồn gốc, bảo quản không đúng cách cũng khiến tổn thương nặng hơn. Người bệnh được xử trí làm sạch và băng lại vết thương. Bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm để ngăn tình trạng nhiễm trùng. Sau 1 tuần điều trị, tình trạng đau đã hết hẳn.
Cách sơ cứu khi vừa bỏng
Bác sĩ Bích cho biết thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân nước ngoài đến khám vì bỏng bô do chưa quen với cách để chân khi ngồi sau xe máy. Tuy nhiên, những trường hợp này đều ở mức nhẹ, phồng rộp lớp ngoài da, chưa đến mức bị hoại tử như trường hợp của chị T.
Bỏng bô được chia thành 3 cấp độ:
- Cấp độ 1, bỏng ở lớp biểu bì, chưa ảnh hưởng sâu trong da. Vùng da bị bỏng có biểu hiện ửng đỏ, ấn vào chuyển sang màu trắng; cảm giác rát. Cấp độ này có thể chữa khỏi tại nhà sau 3-5 ngày mà không để lại sẹo.
- Cấp độ 2, bỏng ảnh hưởng đến lớp biểu bì và một phần hạ bì. Tổn thương sâu, ấn vào vùng da đỏ thấy màu trắng, xuất hiện dịch vàng, sưng đau khoảng 2 ngày; nguy cơ nhiễm trùng có thể xảy ra. Do đó, cần được xử lý đúng cách để tránh nhiễm trùng và để lại sẹo.
- Cấp độ 3, bỏng tác động đến lớp da hạ bì, thậm chí ảnh hưởng đến lớp mỡ, cơ, xương. Biểu hiện nốt phồng có màu đỏ do bị xuất huyết, hoặc chứa dịch trắng đục do bị nhiễm trùng, hoặc đốm nâu đen xuất hiện do cục máu đông lại. Trường hợp ảnh hưởng đến dây thần kinh, người bệnh sẽ cảm thấy đau. Dù chữa đúng cách cũng để lại sẹo. Tình trạng bỏng nặng phải đi cấp cứu để tránh biến chứng nguy hiểm.
Theo TS.BS.CKII Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực & chống độc BVĐK Tâm Anh: “Bỏng có thể ảnh hưởng tới lớp da, lớp cơ, xương và mạch máu; có thể khiến nạn nhân tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong. Sơ cứu đúng cách giúp nạn nhân giảm diện tích và độ sâu của bỏng, hạn chế bệnh tiến triển nặng, giảm tỷ lệ tử vong và di chứng về sau.
Theo đó, ngay sau khi bị bỏng, nạn nhân nên thực hiện các bước sau:
Bước 1:
- Nhanh chóng ngâm rửa vùng da bị bỏng bằng nước sạch, nước mát 16 – 20 độ C. Ngâm càng sớm hiệu quả hồi phục càng cao. Thời gian ngâm rửa từ 15 – 30 – 45 phút (hoặc tới khi nạn nhân hết đau rát).
- Nếu không có sẵn nguồn nước mát thì có thể tận dụng nguồn nước sạch sẵn có như: nước máy, nước mưa, nước giếng khoan, nước suối… ngay tại nơi bị nạn để sơ cứu; ngâm rửa phần bị bỏng dưới vòi nước chảy, chậu nước mát hoặc đắp khăn ướt và dội rửa liên tục nước sạch lên vùng bỏng.
- Lưu ý, không dùng nước đá hoặc nước có nhiệt độ cao để ngâm rửa. Không làm trầy vỡ nốt phồng rộp do bỏng.
Bước 2:
- Nhanh chóng cởi bỏ quần áo chật ở phần cơ thể bị bỏng sưng nề. Có thể thực hiện cùng lúc vừa ngâm rửa vừa cắt bỏ, rửa sạch dị vật hoặc tác nhân gây bỏng còn bám dính trên bề mặt.
Bước 3:
- Che vùng bỏng bằng vật liệu sạch: gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải màn,… sạch để quấn phủ lên, sau đó băng ép nhẹ bằng băng sạch. Đối với vùng mặt và khu vực bộ phận sinh dục chỉ cần phủ một lớp gạc. Tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng.
- Bác sĩ Xuân lưu ý thêm, người bệnh không nên điều trị bằng các biện pháp truyền miệng như: bôi nước mắm, củ chuối… có thể làm chậm trễ tình trạng cấp cứu nạn nhân và khiến vết bỏng nghiêm trọng hơn; Không thoa kem đánh răng lên chỗ bị bỏng bởi kem đánh răng chứa base, khiến nạn nhân đau đớn hơn; Không tự ý chọc vỡ bóng nước để tránh vi khuẩn xâm nhập vết thương, gây nhiễm trùng.
Những trường hợp bóng nước to gây đau nhức, cần đến cơ sở y tế để làm giảm áp lực của bóng nước, giảm đau và giữ lại được lớp da vùng bị bỏng.
Do đặc thù phương tiện đi lại ở nước ta, người dân chủ yếu sử dụng xe máy nên tỷ lệ người bị bỏng bô cũng không nhỏ. Vì vậy, khi xác định bỏng cấp độ 2 trở lên, bỏng diện tích rộng hoặc vết bỏng gây đau nhức kèm biểu hiện hoại tử cần đi khám để xử lý kịp thời, tránh để lại sẹo xấu gây mất thẩm mỹ hoặc biến chứng hoại tử, thậm chí tử vong.