Mang niềm vui đến hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn
(ĐTTCO) – Với bí quyết chữa trị vô sinh hiếm muộn, hơn 10 năm qua bác sĩ Nguyễn Phú Lâm, Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, đã mang lại “tiếng cười trẻ thơ” cho hơn 2.000 cặp vợ chồng hiếm muộn ở khắp mọi miền đất nước.
Sinh con theo ý muốn
Từ nhiều năm qua, bác sĩ Nguyễn Phú Lâm được cả nước biết đến với bài thuốc chữa trị vô sinh hiếm muộn vô cùng hiệu quả. Mỗi ngày trôi qua, con số bệnh nhân hiếm muộn được ghi trong quyển nhật ký của bác sĩ Lâm liên tục tăng. Tính đến nay, sau hơn 10 năm chữa trị đã có trên 2.000 cặp vợ chồng hiếm muộn có được những đứa con đáng yêu như mong đợi.
Là một trong những cặp vợ chồng hiếm muộn được bác sĩ Lâm chữa trị thành công, anh Lưu Quang Cường (sinh năm 1975, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), cho biết vợ chồng cưới nhau gần 15 năm không có con, chạy chữa rất nhiều nơi, kể cả thụ tinh trong ống nghiệm cũng đều vô vọng, dù tốn cả tỷ đồng. Khi cơ duyên đến với bác sĩ Lâm, chỉ vài tháng sau đó vợ chồng anh đã có niềm vui tột độ. Lần lượt 2 đứa con kháu khỉnh là bé gái Lưu Nguyễn Ngọc Diệp (2015) và bé trai Lưu Danh Bình (2017) được chào đời trong tiếng cười hạnh phúc của gia đình.
“Lúc hay tin vợ mang thai, chúng tôi vui mừng và ôm nhau khóc cả đêm, bởi đây là niềm hạnh phúc quá lớn. Sau đó, gia đình tôi giới thiệu cho nhiều người tìm đến bác sĩ Lâm, và đã có hơn 80% cặp gia đình hiếm muộn có con” – anh Cường kể trong niềm vui sướng. Theo bác sĩ Lâm, trường hợp của vợ chồng anh Cường thuộc dạng hiếm muộn lâu dài như nhiều gia đình khác. Do anh Cường có tinh trùng yếu, nên bổ sung thuốc sinh tinh, cân bằng huyết mạch, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống… dần dần đã mang lại hiệu quả.
Bí quyết chữa trị hiệu quả
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Lâm không nhớ hết hàng ngàn trường hợp vô sinh hiếm muộn được điều trị khỏi. Nói về những bí quyết chữa trị vô sinh hiếm muộn, bác sĩ Lâm cho rằng đã phải nỗ lực không ngừng học tập, nâng cao chuyên môn. Vừa công tác tại Hội Đông y huyện Mang Thít, bác sĩ Lâm vừa theo học khóa đào tạo bác sĩ của Trường Đại học Y dược TPHCM, nên đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Nhờ kết hợp hài hòa các bài thuốc Đông y hiệu quả, bác sĩ Lâm đã chữa trị thành công cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.
Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm (bìa trái) thăm, tặng quà 2 con của vợ chồng anh Lưu Quang Cường.
Để chữa trị vô sinh hiếm muộn hiệu quả, bác sĩ Lâm thường yêu cầu các cặp vợ chồng đến bệnh viện lớn xét nghiệm Tây y nhằm biết chính xác nguyên nhân bệnh. Sau khi xem hồ sơ, bắt mạch… xem có thể điều trị được, bác sĩ Lâm mới bốc thuốc, còn ngược lại thì từ chối hẳn. Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Lâm bộc bạch: “Những trường hợp tôi từ chối là bệnh nặng, vô phương cứu chữa. Tôi từ chối vì không muốn lợi dụng bệnh nhân”.
Với vai trò Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít và tình yêu đam mê đặc biệt với Đông y, bác sĩ Lâm đã bỏ hàng chục năm dài nghiên cứu các tài liệu cổ y. Ngoài việc chữa trị hiếm muộn hiệu quả, bác sĩ Lâm từng bước củng cố và nâng cao vai trò của các hội Đông y cơ sở; đồng thời, tài trợ kinh phí để mời các giảng viên, thầy thuốc giỏi ở Trường đại học Y dược TPHCM về truyền dạy kiến thức Đông y cho các hội viên ở Vĩnh Long.
Ngày 15-12-2021, tại Đại hội đại biểu Hội Đông y huyện Mang Thít khóa VI, nhiệm kỳ 2021-2026, đã bầu ban chấp hành gồm 25 người, bác sĩ Nguyễn Phú Lâm tái đắc cử Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít, nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngành y tế tỉnh Vĩnh Long 45 năm xây dựng và phát triển
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành y tế Vĩnh Long tiếp quản cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… thiếu thốn và đơn giản. Nhưng cho đến nay, sau 45 năm, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân ở tỉnh Vĩnh Long liên tục phát triển về cả quy mô lẫn chất lượng.
Ngay từ những năm đầu, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành… từ đó các cơ sở khám chữa từng bước được xây dựng. Đến năm 1980 toàn tỉnh có 8 bệnh viện với 1.480 giường bệnh… Từ năm 2014 đến nay, hầu hết các bệnh viện, Trung tâm Y tế và Trạm Y tế được đầu tư xây mới và cải tạo nâng cấp. Hiện toàn tỉnh có hơn 3.300 cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; trang thiết bị thiết yếu của các cơ sở y tế đủ để phục vụ khám và điều trị cho bệnh nhân.
Đặc biệt, thực hiện Đề án 1816, các Trung tâm Y tế tuyến huyện hiện đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ chuyển tuyến trong lĩnh vực nội, ngoại khoa, sản, nhi khoa… Đề án Bệnh viện vệ tinh theo Quyết định 2006/QĐ-UBND ngày 8-9-2016, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng I (TPHCM).
Bên cạnh đó, bệnh viện tiếp nhận và tự thực hiện nhiều gói dịch vụ kỹ thuật cao như nội soi nâng cao và chụp DSA can thiệp mạch vành qua da, kỹ năng hồi sức cấp cứu tim mạch; kỹ thuật kết hợp xương hiện đại, kỹ thuật thay khớp. Bệnh viện đã tự thực hiện được Holter điện tâm đồ, Holter huyết áp, phẫu thuật nội soi trong phụ khoa, thay khớp háng, chụp mạch máu bằng CT-Scanner… Đây được xem là bước đột phá trong công tác khám chữa bệnh.
Trên con đường hội nhập và phát triển, ngành Y tế tỉnh Vĩnh Long luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân. Qua đó, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của ngành y tế cả nước.