Mâm ngũ quả ngày Tết đẹp gồm những quả gì?
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Ngũ là 5, mâm ngũ quả hiểu đơn giản là gồm 5 loại quả khác nhau. Tuy nhiên nhiều gia đình có thói quen bày nhiều hơn 5 loại quả nhưng thường là số lẻ như 7 hoặc 9 loại, mỗi loại quả thông qua màu sắc và tên gọi để tượng trưng cho mong muốn của gia chủ vào ngày Tết.
Mâm ngũ quả miền Bắc ngày Tết gồm có các loại quả truyền thống tuân theo quan niệm màu sắc ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.
Theo đó, mâm ngũ quả kết hợp 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.
Ngoài ra, “ngũ” còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh.
Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Mọi người luôn chú ý sắm đủ lễ, đủ loại hoa quả thuận theo ý nghĩa để bày cúng.
Một mâm ngũ quả cầu kỳ vượt quá 5 loại quả.
Mâm ngũ quả miền Bắc truyền thống thường có các loại quả phổ biến: Chuối xanh, bưởi, phật thủ, đào, hồng xiêm, quýt/quất, đu đủ xanh, trứng gà, chùm sung… Sau này, khi hoa quả nập khẩu trở nên phổ biến thì người ta còn thêm vào mâm ngũ quả các loại táo đỏ, nho tím, thậm chí là kiwi.
Mâm ngũ quả miền Trung thường đơn giản hơn. Các gia đình lựa chọn trái cây theo tiêu chí mùa nào thức nấy. Để bày biện được đẹp, những quả to thường nằm ở dưới, những quả nhỏ nằm ở trên vô cùng tươi ngon, đẹp mắt.
Những quả thường gặp trên mâm ngũ quả miền Trung: Lê (hay mật phụ), ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ. Lựu có nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống. Đào thể hiện sự thăng tiến. Phật thủ giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người. Táo (loại trái to màu đỏ tươi) có nghĩa là phú quý. Hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt. Thanh long ngụ ý rồng xanh thăng tiến.
Mâm ngũ quả miền Nam thường theo mong muốn “Cầu- sung-vừa-đủ-xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.
Cách chọn các loại quả bày mâm ngũ quả Tết
Mãng cầu: Quả tròn, cuống nhỏ, mắt to, kẽ mắt trắng, không nứt, da xanh xanh non.
Dứa: Mắt to đều, cuống nhỏ, trái mọng, búng vào kêu bộp bộp là thơm chín, mật ngọt.
Dưa hấu: Cân đối, vỏ cứng chắc, nhẵn nhụi, cuống dưa còn tươi xanh thì để chưng tết được lâu hơn là chọn cuống héo. Phần dưới trái dưa ngả màu vàng là trái dưa mọc ở gốc nên rất ngọt, rốn lõm sâu, núm giữa rốn có màu xám. Nâng quả dưa lên gõ nhẹ nghe tiếp bình bịch có vẻ nặng và cảm giác bên trong rung rung.
Đu đủ: Trái dài, cầm nặng tay, chín đều, cuống cắt ra còn dính nhựa. Tránh chọn cuống khô nhựa là trái chín ép.
Chuối: quả dài, đều, nải xòe to, các quả chuối song song không chồng lên nhau. Quả chuối cong nhẹ, xanh đều, ít bị chấm đen.
Bưởi: Nặng tay, đều quả không méo mó. Trên vỏ bưởi không có nốt sần cứng, ít chấm muội đen. Nên mua quả bưởi còn cuống lá tươi.
Lưu ý mâm ngũ quả sẽ bày trên ban thờ suốt mấy ngày Tết nên các bạn cần chọn quả đang xanh hoặc chín cây để chưng được lâu. Rửa quả xong phải để thoáng cho ráo, khô sạch nước trước khi bày. Chọn quả chắc, không trầy, còn cuống và lá để mâm quả xum xuê.
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết 3 miền Bắc, Trung, Nam
Ngày tất niên, gia đình nào cũng chuẩn bị bày mâm ngũ quả như một trong những phần quan trọng nhất ngày Tết. Mâm ngũ quả ngày Tết 3 miền Bắc, Trung, Nam theo truyền thống có sự khác nhau về các loại quả với ý nghĩa riêng.
Ngọc Khánh