Mách mẹ cách phân biệt sốt phát ban và sởi | TCI Hospital

Mách mẹ cách phân biệt sốt phát ban và sởi 

Sốt phát ban và sởi là hai thể bệnh hoàn toàn khác nhau nhưng có những biểu hiện ban đầu khá tương đồng. Do vậy, nhiều trường hợp phụ huynh không phân biệt được giữa sởi và sốt phát ban khác nhau như thế nào nhất là những người làm cha mẹ lần đầu tiên, chưa có kinh nghiệm nuôi con. Việc này sẽ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc khi bé mắc bệnh. Trong khi sốt phát ban được cho là khá lành tính thì sởi lại có nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bố mẹ cần trang bị đầy đủ kiến thức để bảo vệ sức khỏe con.

1. Cách phân biệt bệnh sốt phát ban và bệnh sởi

1.1 Nguyên nhân gây sốt phát ban và sởi khác nhau như thế nào?

Với bệnh sốt phát ban, 70-80% các trường hợp nhiễm bệnh là do có nguyên nhân là nhiễm virus thông thường. Theo các chuyên gia thì hầu hết loại virus gây bệnh đến từ nhóm virus đường hô hấp, điển hình là virus Rubella. Bệnh có nhiều con đường lây nhiễm như tiếp xúc với dịch hô hấp hoặc nước bọt của người bệnh, qua trung gian truyền bệnh (như muỗi, côn trùng…). Tuy nhiên sốt phát ban được đánh giá là căn bệnh khá lành tính, ít phát triển thành dịch và không nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Với bệnh sốt phát ban, đa số các trường hợp nhiễm bệnh là do có nguyên nhân là nhiễm virus thông thường.

Trong khi đó, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguyên nhân là từ virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây ra. Loại virus này có đặc tính lây lan khá nhanh, dễ truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Cụ thể virus gây bệnh theo đường nước bọt bệnh nhân bắn ra ngoài trong lúc ho hoặc hắt hơi. Bệnh có khả năng tạo thành dịch, nhất là ở những nơi tập trung quá nhiều trẻ nhỏ. Mặc dù sởi ban đầu khá lành tính, tuy nhiên bệnh lại dễ tiến triển đến giai đoạn nguy hiểm nếu không được chăm sóc y tế đúng cách.

1.2 Phân biệt sốt phát ban và sởi qua triệu chứng

Theo các bác sĩ chuyên khoa, ở giai đoạn ủ bệnh thì hai căn bệnh sởi và sốt phát ban đều giống nhau ở các triệu chứng sau đây:

– Trẻ có biểu hiện sốt, tùy theo thể trạng trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C.

– Đầu bé bị đau, các cơ bắp nhức mỏi.

– Bé bú ít, chán ăn, khó chịu trong người.

– Một số bé còn có thể bị nôn ói nhiều hơn bình thường.

Sau khi giảm sốt, trẻ bước vào giai đoạn khởi phát bệnh, và đây là giai đoạn giúp phụ huynh có thể phân biệt giữa sởi và phát ban thông qua các vết nổi mẩn trên da bé. Cụ thể như sau:

– Khi bị sốt phát ban, bệnh kéo dài từ 3-5 ngày với các nốt ban nổi đồng loạt khắp các bộ phận trên cơ thể. Các nốt ban có đặc điểm mịn, không sần sùi và lặn nhanh, không để lại sẹo hoặc vết thâm trên da của bé.

– Ngược lại, với bệnh sởi các nốt ban thường xuất hiện theo trình tự, từ sau tai, mặt sau đó mới lan dần xuống ngực, bụng và nổi khắp toàn thân. Vết bạn ở dạng sần, gồ lên bề mặt da và gây ngứa ngáy cho trẻ bị bệnh. Ngoài ra, khi mắc bệnh sởi trẻ thường có một trong 3 triệu chứng đi kèm là: chảy nước mũi, ho và mắt bị đỏ.

Với bệnh sốt phát ban và sởi, mẹ cần phân biệt qua nốt ban nổi trên da bé.

1.3 Biến chứng của bệnh sốt phát ban và bệnh sởi

Đối với trẻ bị sốt phát ban, mẹ đừng qua lo lắng vì đây là thể bệnh lành tính, trẻ khỏi sau 3-5 ngày nếu phụ huynh biết chăm sóc con đúng cách. Ngược lại, với bệnh sởi, bố mẹ cần hết sức lưu tâm vì căn bệnh này được cho là nguy hiểm do nó có thể làm xuất hiện tình trạng bội nhiễm và để lại những hệ lụy khá nặng nề. Những hệ lụy này ảnh hưởng đến toàn thân của trẻ như bệnh tiêu chảy, suy dinh dưỡng, viêm tai giữa, loét miệng. Một số trường hợp nặng hơn còn có thể phải đối mặt với loét giác mạc, viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí viêm não.

2. Cách điều trị sởi và sốt phát ban

Hiện nay chưa có cách điều trị đặc hiệu đối với bệnh sởi và sốt phát ban. Phương pháp điều trị giảm thiểu triệu chứng bệnh kết hợp với tăng cường thể trạng của cơ thể bé được bác sĩ khuyến khích.

Khi thấy con có dấu hiệu bất thường cần đưa khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách điều trị bệnh tốt nhất. 

Với cả hai căn bệnh thì ba mẹ đều phải hạ sốt đúng cách cho con, với mỗi mức độ sốt cần có cách làm riêng:

– Với trẻ sốt dưới 38 độ C: nhiệt độ này sẽ không gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Do đó, không cần dùng đến thuốc hạ sốt vì có thể gây ra tác dụng phụ cho bé như ảnh hưởng đến gan, thận. Thay vào đó, mẹ nên hạ nhiệt cho con một cách tự nhiên bằng cách cởi bớt quần áo trẻ, chườm ấm, chườm mát cho bé.

– Trẻ sốt trên 38 độ C: có thể sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ khoa Nhi và kết hợp với việc chườm mát cho bé. Mẹ dùng khăn mềm chườm ở những vị trí có mạch máu lớn đi qua như: trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, lòng bàn chân để hạ sốt nhanh. Lưu ý dành cho mẹ là nhiệt độ nước thích hợp để chườm cho bé thấp hơn nhiệt độ cơ thể 0.5 độ C. Mẹ tuyệt đối không chườm quá lạnh hoặc quá nóng đột ngột, gây nguy hiểm cho bé.

Ngoài ra, nên bổ sung vitamin cho trẻ để tăng cường hệ miễn dịch cho con nhất là vitamin A. Vitamin A có chức năng bảo vệ tế bào biểu mô và tăng cường hệ miễn dịch ở trẻ. Đối với những bé bị sởi hay sốt phát ban, có hệ miễn dịch tốt giúp bé nhanh chóng khỏi bệnh.

Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc bé tại nhà, các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến diễn biến cơ thể của con nhất là việc thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ. Khi thấy, bé có hiện tượng sốt cao liên tục trong 3-4 ngày không có dấu hiệu hạ sốt, càng ngày càng ho nhiều, cơ thể mất nước, khó thở, hoa mắt,… thì cần đưa con đến bệnh viện để được điều trị đề phòng xảy ra biến chứng.

Trên đây là những thông tin giúp các phụ huynh có thể phân biệt được bệnh sốt phát ban và sởi, từ đó có cách chăm sóc đúng chuẩn, tránh biến chứng không mong muốn xảy ra. Trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm, hệ miễn dịch còn non yếu nên cách an toàn nhất khi thấy con có dấu hiệu bất thường cần đưa khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách điều trị bệnh tốt nhất.