Mách bạn 2 cách làm bánh tằm mặn – ngọt chuẩn vị đặc sản miền Tây, ai ăn cũng khen

Bánh tằm là một trong những món bánh đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ. Hương vị mới lạ cùng cách chế biến đặc biệt sẽ khiến ai ăn lần đầu cũng phải nhớ mãi. Hãy để VinID mách bạn 2 công thức cách làm bánh tằm đơn giản, nhưng cực kỳ lạ miệng này nhé!

1. Cách làm bánh tằm bì nước mắm 

Món ăn này đặc biệt ở nguyên liệu đa dạng nhưng khi kết hợp lại rất hài hòa, gói gọn tinh hoa ẩm thực của miền Tây Nam Bộ, khiến ai thưởng thức rồi cũng nhớ mãi.

1.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 200gr bột nếp

  • 50gr bột gạo

  • 50gr bột măng

  • 300ml nước cốt dừa

  • 1 muỗng canh bột bắp

  • 150gr da heo

  • 300gr thịt nạc vai

  • 300ml nước dừa tươi

  • 150gr thính gạo

  • ½ muỗng canh nước cốt chanh

  • Hành tím băm, tỏi ớt băm

  • Dầu ăn, tiêu, đường, muối, nước mắm, hạt nêm

1.2. Cách thực hiện

Bước 1: Nặn bánh tằm

  • Cho lần lượt 200gr bột nếp, 50gr bột gạo, 50gr bột năng vào tô trộn đều.

  • Đổ từ từ 150ml nước sôi vào, dùng muỗng trộn đều rồi dùng tay nhồi đến khi bột mịn và không còn dính vào tay.

  • Ngắt bột và dùng 2 lòng bàn tay se bột thành sợi vừa ăn. Phủ bên ngoài một lớp bột áo để sợi không bị dính vào nhau.

  • Đun sôi nước, thả các sợi bột bánh tằm vào luộc chín. Khi bánh nổi lên mặt và bột trong thì vớt ra cho vào tô nước đá lạnh.

Se bột thành sợi vừa ăn

Bước 2: Làm nước cốt dừa

  • Hòa tan 1 muỗng canh bột bắp và 30ml nước. 

  • Bắc nồi lên bếp và cho 300ml nước cốt dừa vào. Vừa khuấy, vừa cho tiếp phần bột bắp đã hòa tan khi nãy vào.

  • Tiếp tục cho ½ muỗng cà phê muối, nấu đến khi hỗn hợp sôi và sệt lại thì tắt bếp.

Bước 3: Làm nước mắm chua ngọt

  • Hoà tan 100ml nước mắm cùng 150ml nước dừa tươi và một ít đường.

  • Bắc hỗn hợp lên bếp đun sôi, nêm nếm cho vừa ăn. 

  • Đợi nước mắm nguội hẳn thì cho ớt và tỏi băm nhuyễn vào, vắt một ít nước cốt chanh và khuấy đều.

Bước 4: Làm bì bánh tằm

  • Rửa sạch da heo với muối, sau đó đem luộc với ½ muỗng cà phê hạt nêm khoảng 20 phút.

  • Da heo chín thì vớt ra cho vào tô nước đá lạnh để da được dai giòn. Đem cắt thành những sợi nhỏ.

  • Phần thịt heo ướp với tỏi, hành tím băm, 1 muỗng canh nước mắm, hạt nêm, đường, tiêu. Trộn đều và đợi 10 phút cho thịt thấm gia vị.

  • Sau đó, chiên thịt cho chín đều 2 mặt rồi cho 150ml nước dừa vào rim đến khi nước cạn và sệt lại thì tắt bếp. 

  • Cắt thịt thành sợi như da heo.

  • Trộn đều thịt và da heo cắt sợi với 150gr thính gạo là xong phần bì để ăn kèm với bánh tằm.

Bước 5: Hoàn thành và thưởng thức

Cho bánh tằm vào dĩa, cho bì lên trên mặt, trang trí thêm dưa leo, rau sống cắt nhỏ ăn kèm. Rưới nước cốt và nước mắm lên bánh tằm và thưởng thức. Sợi bánh tằm dai dai ăn cùng với nước cốt thơm béo và nước mắm cay nồng kèm theo bì heo sựt sựt rất hấp dẫn.

Bánh tằm bì nước mắm

2. Cách làm bánh tằm bì khoai mì ngũ sắc

2.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1kg khoai mì

  • 100gr bột năng

  • 100ml nước cốt dừa

  • 120gr sữa đặc

  • Đậu phộng rang

  • 50gr mè trắng rang

  • 200gr dừa rám

  • 1 cái lá chuối

  • Nước cốt lá cẩm, lá dứa, gấc 2 muỗng canh

  • 4 muỗng canh đường

  • 1 ít muối

Cách chọn khoai mì ngon:

  • Nên chọn loại sắn

    (khoai mì) đồi vì loại này khi ăn sẽ rất bùi, bở và thơm.

  • Chọn củ khoai tươi, mập mạp, thẳng, vỏ mỡ màng thì sẽ có ít xơ, mềm và ngọt.

  • Dùng móng tay cạo nhẹ phần vỏ mỏng phía ngoài sắn, nếu lớp vỏ phía trong có màu hồng nhạt thì là khoai ngon, màu trắng thì nên bỏ qua.

  • Nên chọn mua khoai mì mới, không để quá lâu, khoai để lâu sẽ bị chai, sượng, khô và không còn ngon nữa. 

  • Trước khi chế biến cần sơ chế cẩn thận để loại bỏ độc tố bên trong củ mì.

Khoai mì

2.2. Cách thực hiện

Bước 1: Sơ chế khoai mì

  • Tốt nhất nên sơ chế khoai mì trước 1 ngày khi làm bánh khoai mì hấp. 

  • Khoai mì sau khi gọt vỏ đem ngâm nước pha sẵn một chút muối để khử độc và giữ khoai mì trắng.

  • Bào khoai mì thành những sợi nhỏ. Cho muối loãng vào khoai mì, ngâm xả 2 – 3 lần cho sạch.

  • Lọc và vắt khô phần khoai (để im phần nước đã lọc khoai một lúc để thu được tinh bột mì).

Vắt khoai mì

Bước 2: Trộn bột và pha màu

  • Trộn đều hỗn hợp: khoai mì, 120gr sữa đặc, 100gr bột năng, ½ muỗng cà phê muối, 100ml nước cốt dừa thành hỗn hợp đặc dẻo.

  • Chia lượng khoai mì thành 4 chén bằng nhau. 

  • Chén đầu tiên giữ nguyên để có màu trắng nguyên bản, cho lần lượt 3 màu lá cẩm, gấc, lá dứa vào 3 chén còn lại.

  •  Lần lượt trộn từng chén để khoai và màu hòa đều với nhau.

Pha màu cho bánh tằm

Bước 3: Hấp bánh và làm muối mè đậu phộng

  • Chuẩn bị nồi hấp, xếp lá chuối vào xung quanh xửng hấp, dàn đều khoai mì thành lớp mỏng lên trên.

  • Hấp khoảng 20 phút cho khoai mì trong lại là bánh đã chín.

  • Đợi khoai nguội hẳn, cắt bánh thành sợi vừa ăn.

  • Trộn đều bánh tằm với một ít dừa rám, chừa lại một ít dừa rám để trang trí.

  • Trộn đều 2 muỗng canh đường, nửa muỗng muối, đậu phộng rang, mè trắng, vàng giã nhuyễn để được hỗn hợp muối mè đậu phộng.

Bước 4: Hoàn thành và thưởng thức

Cho bánh ra dĩa trang trí cùng 1 ít dừa rám, rắc thêm muối mè và đậu phộng. Bánh tằm khoai mì dai, béo béo của nước cốt dừa cùng với vị bùi của khoai mì và màu sắc bắt mắt sẽ chinh phục khẩu vị của cả trẻ em lẫn người lớn. Lớp đậu phộng mặn mặn, ngọt ngọt ăn kèm với từng sợi bánh làm hương vị của món ăn thêm phần hấp dẫn.

Bánh tằm bì khoai mì ngũ sắc

Hy vọng qua bài viết VinID chia sẻ ở trên đã giúp bạn nằm lòng 2 công thức cách làm bánh tằm mặn – ngọt đặc trưng của miền Tây. Hãy đến ngay siêu thị VinMart hoặc tải app VinID để mua sắm nhanh chóng, tiện lợi mọi lúc mọi nơi nhé!

Banner CTA Đi chợ online 750