Mắc sán lá gan nhỏ – Bệnh từ miệng
Nói đến các bệnh có liên quan đến thói quen ăn uống thì sán lá gan là bệnh nằm trong nhóm hàng đầu. Sự nổi tiếng không chỉ vì bệnh liên quan đến một món ăn đặc sản truyền thống mà còn vì bệnh sán lá gan đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cộng đồng. Những ai đã từng được thưởng thức món gỏi cá hẳn sẽ khó quên mùi vị của món ăn đặc biệt này, nhưng còn ít người biết được rằng ăn gỏi cá là nguyên nhân chính dẫn đến mắc bệnh sán lá gan.
Sán lá gan nhỏ là bệnh do một loại sán có tên là Clonorchis sinensis (thường thấy ở các tỉnh phía Bắc) hoặc Opisthorkis viverrini (thường thấy ở các tỉnh miền Trung) kí sinh ở ống mật gây nên. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở người Trung Quốc nên còn được gọi là sán lá gan Trung Quốc hay sán lá ganViễn Đông. Ngày nay, ngoài Trung Quốc, các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… là những nước có tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh sán lá gan cao.Gọi là sán lá gan nhỏ bởi sán trưởng thành chỉ dài 10 – 20mm và rộng 2 – 4mm, kích thước này nhỏ hơn nhiều so với kích thước của loài sán lá gan lớn. Sán lá gan nhỏ ký sinh ở gan gây ra những tổn thương nghiêm trọng, thường xuyên gây kích thích với gan, chiếm thức ăn và gây độc.
Vòng đời của sán lá gan nhỏ và chu trình lây nhiễm bệnh.
Vòng đời của sán lá gan nhỏ
Sán lá gan nhỏ là loại ký sinh trùng có chu kỳ phức tạp bao gồm cả người và vật chủ trung gian (như ốc, cá…). Cách tốt nhất để ngăn chặn sự lan truyền bệnh là phá vỡ ít nhất một khâu trong vòng đời của sán.
Trứng sán lá gan nhỏ có trong đường mật, sau đó được bài xuất ra ngoài theo phân. Ở bên ngoài, trứng cần phải có môi trường nước để tiếp tục phát triển và hình thành ấu trùng lông. Ấu trùng lông di chuyển tự do trong nước, tìm đến vật chủ trung gian thứ nhất để cư trú là các loài ốc. Trong ốc, ấu trùng lông phát triển thành những ấu trùng đuôi. Sau đó ấu trùng đuôi rời ốc và tìm đến các loài cá nước ngọt (vật chủ trung gian thứ hai) để cư trú. Tại đây, ấu trùng đuôi phát triển thành các nang ấu trùng nằm trong các thớ thịt của cá, đây là giai đoạn dễ gây nhiễm bệnh. Nếu ăn cá sống (gỏi cá) hoặc cá nấu chưa chín, ấu trùng sẽ theo thức ăn vào đường ruột, sau đó xâm nhập vào ống mật, trở thành sán lá gan nhỏ trưởng thành và gây bệnh. Thời gian từ lúc ấu trùng xâm nhập cơ thể đến khi xuất hiện sán trưởng thành có khả năng gây bệnh khoảng từ 3 – 4 tuần.
Các biểu hiện của bệnh
Do sán thường bám chặt vào ống mật, dùng mồm để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan tỏa và thoái hoá mỡ. Độc tố do sán tiết ra có thể gây nên các tình trạng dị ứng, đôi khi có thể gây thiếu máu.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh sán lá gan nhỏ phụ thuộc nhiều vào cường độ nhiễm và phản ứng của vật chủ. Trong trường hợp nhiễm ít có khi không có triệu chứng gì đặc biệt. Giai đoạn khởi phát, người bệnh bị mắc bệnh sán lá gan nhỏ thường bắt đầu với các biểu hiện của rối loạn dạ dày ruột như chán ăn, ăn không tiêu, đau âm ỉ vùng gan, tiêu chảy hoặc táo bón thất thường. Kèm theo có thể thấy toàn thân phát ban, nổi mẩn. Giai đoạn sau, người bệnh thường đau vùng gan nhiều hơn, kèm theo thiếu máu, vàng da và cổ trướng có thể xuất hiện ở giai đoạn muộn. Nếu có bội nhiễm do vi khuẩn, bệnh nhân có thể sốt thành từng cơn hoặc sốt kéo dài.
Xét nghiệm phân tìm trứng sán là biện pháp đơn giản nhưng có tính chất khẳng định việc mắc bệnh, trường hợp nhiễm ít cần phải xét nghiệm dịch tá tràng. Trong trường hợp không tìm thấy trứng sán, các xét nghiệm miễn dịch cùng với hình ảnh siêu âm có giá trị chẩn đoán. Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan có giá trị trong việc đánh giá thương tổn và tiên lượng bệnh.
Điều trị hiệu quả nếu phát hiện kịp thời
Khi được phát hiện kịp thời, bệnh sán lá gan nhỏ có đáp ứng tốt với các thuốc điều trị. Praziquantel là thuốc được lựa chọn hàng đầu trong việc điều trị bệnh sán lá gan nhỏ. Người bệnh mắc sán lá gan cần phải được theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng.
Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa
Biện pháp phòng, tránh bệnh sán lá gan nhỏ tốt nhất là không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cua, cá nấu chưa chín. Những địa phương có lưu hành bệnh cần có các biện pháp quản lý cũng như tuyên truyền cho cộng đồng từ việc nuôi cá (như không thả phân tươi xuống ao) đến việc chế biến các loại thực phẩm từ cá.
BS.Nguyễn Thọ