Mặc áo dài ngày tết – Sự trở lại của một giá trị truyền thống

Phong trào “Tôi mặc áo dài mùng 1 Tết” được phát động và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo những gương mặt nổi tiếng như hoa hậu Mỹ Linh, Ngọc Hân, ca sĩ Văn Mai Hương…, ngay lập tức tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng. Việc người dân đón xuân trong tiết trời ấm áp cùng tà áo dài duyên dáng, rực rỡ muôn sắc màu, đã khiến nhiều con phố xôn xao trong những ngày đầu năm mới.

Các bạn trẻ diện áo dài tạo dáng ở Đường hoa Nguyễn Huệ. Ảnh: AN DUNG

Tết 2017 quả là đặc biệt. Chưa bao giờ tà áo dài lại hiện diện trên mọi góc phố nhiều đến thế, từ Nam ra Bắc, từ các ngôi sao đến người dân thường… Vô vàn kiểu dáng: truyền thống có, hiện đại có, cầu kỳ có, đơn giản có – như tạo thành một vườn hoa sặc sỡ. Khá nhiều các mẫu thiết kế đã được tạo dựng để đem âm hưởng truyền thống vào cuộc sống hiện đại, nhất là vào dịp tết này. Không chỉ phụ nữ dễ dàng lựa chọn cho mình một bộ áo dài để đi dạo phố ngày xuân, hay đi chúc tết họ hàng mà năm nay cũng có nhiều mẫu áo dài cho trẻ em và cả mẫu cho phái mày râu lựa chọn.

Chị Thanh Vân, người Hà Nội gốc, chia sẻ, áo dài là trang phục đẹp, nhưng khá kén dáng người mặc và cũng kén dịp mặc. Chính vì thế áo dài xưa nay vốn được yêu thích nhưng cũng lại là sự ngần ngại của khá nhiều phụ nữ khi lựa chọn. Song nhờ những kiểu áo dài cách tân vừa giữ được nét đẹp của áo dài truyền thống lại vừa phù hợp với thị hiếu, không quá rườm rà, vẫn cá tính, hiện đại vì thế chị cùng nhiều người bạn đã lựa chọn cho gia đình áo dài để diện trong ngày đầu xuân.

Diễn viên Minh Thư và con trai trong tà áo dài truyền thống trên phố ông đồ (NVH Thanh niên) Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Để có được phong trào đầy tính văn hóa này, ngay từ những ngày đầu năm mới 2017, tràn ngập trên các trang mạng xã hội là những lời kêu gọi cùng mặc áo dài đón xuân, kể cả nam giới chứ không chỉ riêng phụ nữ. Hoa hậu Ngọc Hân là một trong những người nhiệt tình trong phong trào này. Xuân Đinh Dậu, cùng với lời kêu gọi, khuyến khích bạn bè, công chúng, người hâm mộ mặc áo dài đón xuân, Ngọc Hân còn giới thiệu bộ sưu tập áo dài gắn với hình ảnh con gà.

Các gương mặt được yêu thích của truyền thông, có những người vừa kêu gọi, vừa âm thầm thực hiện nhiều chương trình để tôn vinh và đưa áo dài gần hơn với cuộc sống. Trong số đó có nhiều người đang làm việc và công tác trong ngành văn hóa như ông Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề UNESCO; ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội… nhờ thế phong trào càng có sức lan tỏa rộng hơn.

Ông Phạm Sanh Châu, một trong những người ủng hộ tích cực phong trào mặc áo dài trong ngày tết, chia sẻ, ông đã có 10 năm gắn bó với áo dài truyền thống, tuy nhiên cũng có cái nhìn khá cởi mở về tà áo dài. Ông nói: “Trước tiên, mọi người cần hướng về các giá trị truyền thống. Những người trẻ có thể cảm thấy mặc theo kiểu truyền thống không thoải mái, họ thích mặc những trang phục cách tân. Điều này vẫn có thể chấp nhận bởi thời trang còn phụ thuộc vào sở thích và gu thẩm mỹ của mỗi người. Có tâm mặc áo dài, đó là một bước tiến bộ, một tín hiệu tích cực trong hành trình quay lại với cội nguồn…”.

Với nhiều người yêu văn hóa thì sự xuất hiện của tà áo dài trong ngày tết cổ truyền của dân tộc chính là dấu hiệu ấm áp cho thấy sự trở lại của một giá trị truyền thống.

 

Không chỉ tại Hà Nội mà ở nhiều địa phương khác, tà áo dài theo chân người dân xuống phố mừng xuân. Tại TPHCM, khu vực đường hoa tết, đường sách tết, phố “ông đồ” – Nhà Văn hóa Thanh niên và nhiều nơi công cộng khác, hình ảnh người dân Việt trong tà áo dài truyền thống đón xuân là một hình ảnh đẹp.

Mùng 1 Tết, trên Đường hoa Nguyễn Huệ, chúng tôi bắt gặp bà Lê Ngọc Hòa (Việt kiều Pháp, ba năm nay mới trở về quê hương ăn tết cùng gia đình) và 5 người con – cháu của mình trong bộ áo dài truyền thống có, cách tân có, cùng xuống đường đón xuân. Bà Hòa chia sẻ, chuyến trở về lần này, bà rất vui khi được chứng kiến sự đổi thay của thành phố quê hương. Hơn thế nữa, bà cảm động vì chưa bao giờ, chiếc áo dài truyền thống lại xuất hiện nhiều đến thế trên mỗi con đường góc phố.

“Mặc áo dài là nét văn hóa có một không hai ở quê hương mình, tôi cảm động và trân trọng điều đó”, bà Lê Ngọc Hòa, cho biết.

Nguồn: www.sggp.org.vn