MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ THÚC ĐẨY XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA Ở KHU DÂN CƯ – Văn hóa – xã hội – Phường Nguyễn Du – Quận Hai Bà Trưng
Xây dựng đời sống văn hóa nói chung, trong đó xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, là một nội dung và là nhiệm vụ quan trọng của mục tiêu cách mạng. Bởi văn hóa và chính trị + kinh tế + xã hội có quan hệ cấu thành biện chứng trong sự phát triển toàn diện của xã hội;
Bài tham luận tại Hội thảo của Đề tài khoa học “Phát huy vai trò
của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở“
Vũ Hy Chương
Xây dựng đời sống văn hóa nói chung, trong đó xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, là một nội dung và là nhiệm vụ quan trọng của mục tiêu cách mạng. Bởi văn hóa và chính trị + kinh tế + xã hội có quan hệ cấu thành biện chứng trong sự phát triển toàn diện của xã hội; thêm nữa văn hóa lại là khía cạnh tạo nên động lực cho phát triển, tạo thành sắc thái rõ rệt của tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường. Đó vừa là mục tiêu và nội dung của phong trào cách mạng, xây dựng và phát triển của đất nước, vừa là đòi hỏi tất yếu trong xây dựng con người Việt Nam toàn diện tiến lên văn minh, hiện đại.
Chúng tôi rất hoan nghênh việc nghiên cứu Đề tài khoa học “Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội tiến hành. Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa đã được triển khai ở Hà Nội từ nhiều năm; Đảng bộ và chính quyền các cấp, từ Thành phố đến Quận – Huyện và Phường – Xã đều thường xuyên chú trọng chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động, và đã có nhiều kết quả khá tốt; song cũng còn nhiều vướng mắc làm hạn chế mức độ tiến triển và hiệu quả của xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có đời sống văn hóa ở cơ sở.
Thường trực Ủy ban MTTQ Quận Hai Bà Trưng xin tham luận đóng góp một số suy nghĩ về các giải pháp để thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, là địa bàn cơ sở mà chúng tôi cho là quan trọng nhất. Tham luận xin nêu 3 ý kiến sau đây:
– Quy mô cộng đồng dân cư nào là thích hợp nhất cho xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở?
– Việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay đang gặp những vướng mắc gì?
– Đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
1. Quy mô cộng đồng dân cư nào là thích hợp nhất cho xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở?
Khái niệm “đời sống văn hóa” cũng như khái niệm “cộng đồng dân cư” như Đề tài nêu là có thể nhất trí. Nhưng vấn đề trở nên phức tạp khi gắn các khái niệm đó vào với địa bàn được gọi là “cơ sở”, bởi cho đến nay, trong hoạt động này, đã ứng với những địa bàn cơ sở có quy mô khác nhau: quy mô lớn như xã – phường, quy mô vừa như thôn – làng – bản – khu dân cư, quy mô nhỏ như xóm – tổ dân phố. Rõ ràng là các loại quy mô cơ sở khác nhau đó có những điều kiện rất khác nhau trong việc xây dựng đời sống văn hóa, cũng như nhiều hoạt động khác được chỉ đạo tiến hành ở cơ sở.
Ở quy mô của phường, như ở Quận Hai Bà Trưng thường có số dân khoảng 15 nghìn đến 25 nghìn người. Cấp phường có tổ chức Đảng bộ khoảng trên dưới 1 nghìn đảng viên, có đầy đủ cơ cấu các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội với số lượng thành viên đông và có thể nói là mạnh, có bộ máy chính quyền với các ban phòng chức năng, rất thuận lợi cho chỉ đạo các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cũng như mọi mặt hoạt động khác. Song không phải phường nào cũng có đủ hết các điều kiện về thiết chế văn hóa: nhiều phường không có chỗ để làm nhà văn hóa, không có các điểm vui chơi cho trẻ em, không có các vườn hoa làm nơi nghỉ ngơi đi dạo của nhân dân.
Ở quy mô của khu dân cư, thường khoảng 1 nghìn đến 2 nghìn dân. Mỗi khu dân cư thường có 1 chi bộ Đảng, có các chi hội tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, có Ban Công tác mặt trận, sự phối hợp trong hoạt động nhìn chung là thuận lợi. Một số khu dân cư có Nhà văn hóa hoặc Câu lạc bộ văn hóa, có những hoạt động mang tính văn hóa ở cơ sở.
Ở quy mô tổ dân phố, thường khoảng 40-50 hộ với số dân khoảng 100 đến 150 người. Hầu như ở tổ dân phố không có chi bộ Đảng cũng như đơn vị tổ chức của các đoàn thể chính trị – xã hội. Thêm nữa, trong phạm vi chỉ 10-15 số nhà, thì tổ dân phố rất khó có thể tổ chức bất cứ một hoạt động văn hóa cộng đồng nào.
Như vậy, chúng tôi cho rằng: khu dân cư là quy mô cộng đồng dân cư thích hợp nhất với yêu cầu tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, có cơ cấu tổ chức và khả năng tổ chức phối hợp các hoạt động tương đối thuận lợi. Vả chăng, nếu so sánh với khu vực nông thôn, quy mô thôn – làng – bản là thích hợp hơn với điều kiện tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thì ở đô thị gần tương thích đó là địa bàn của khu dân cư. (Từ xưa tới nay, địa bàn “làng” vẫn có nhiều gắn bó thuận lợi nhất trong tổ chức các hoạt động cộng đồng dân cư).
Cũng từ suy nghĩ này, chúng tôi cho rằng không nên lấy quy mô phường – xã làm địa bàn chính để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, để chỉ đạo phấn đấu xây dựng “phường văn hóa”, “xã văn hóa”.
2. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay đang gặp những vướng mắc gì?
Chúng tôi không nêu những kết quả tốt đã có, bởi chúng ta đều nhìn nhận rõ. Xin được tập trung nêu những vướng mắc đang có trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, để hướng suy nghĩ nhiều hơn vào đó, từ đấy tìm các giải pháp thích hợp mà tháo gỡ.
Theo chúng tôi, các vướng mắc hiện có cả ở từ phía cấp chỉ đạo, cả ở từ phía cơ sở và cộng đồng dân cư.
a) Từ phía cấp chỉ đạo, có những vướng mắc sau đây:
– Một là: Quan điểm chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở về nội dung và phương hướng thì đã rõ, nhưng về xác định địa bàn cơ sở chưa phải đã nhất quán. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa VIII nêu là: “Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, ấp, xã, phường văn hóa, nâng cao tính tự quản của cộng đồng dân cư …”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 Khóa IX thì nêu: “Xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản ở các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố …”. Theo đó, đối với khu vực dân cư đô thị, quy mô phường thì khá rộng, còn quy mô tổ dân phố lại rất hẹp. Vậy xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở đô thị là theo quy mô địa bàn phường, hay là theo quy mô địa bàn tổ dân phố? Vì không nhất quán, nên nhiều việc được chỉ đạo đến cấp phường thực hiện, nhưng thực tế việc triển khai lại được giao đến cho các khu dân cư, ví dụ như: triển khai xây dựng khu dân cư tiên tiến, khu dân cư văn hóa, tổ chức các hoạt động hè cho trẻ em, tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao trong cộng đồng và các tổ chức đoàn thể, tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân, v.v… đều là theo địa bàn khu dân cư. Đồng thời cũng lại có những việc được giao về tới các tổ dân phố thực hiện mà Ban Công tác mặt trận của khu dân cư không trực tiếp được biết, như: lập sổ đăng ký gia đình văn hóa dịp đầu năm, xây dựng quy ước dân chủ ở cơ sở tổ dân phố, v.v… Trong thực tế tại các phường của Quận Hai Bà Trưng, đã phải có những linh hoạt chủ động phối hợp trao đổi thông tin giữa cấp phường – Ban Công tác mặt trận khu dân cư – các tổ dân phố, mới khắc phục được sự trục trặc rất dễ có trong nắm tình hình và giải quyết các hoạt động cụ thể ở cơ sở.
– Hai là: Nhiều ngành chưa nhận thức rõ ràng về trách nhiệm của mình trong cùng tạo điều kiện và hỗ trợ cho xây dựng đời sống văn hóa. Do đó nhiều điều kiện hạ tầng ở khu dân cư do các ngành chức năng khác quản lý không thuận lợi cho yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị. Các khu dân cư đang chưa có chỗ làm nhà văn hóa, không có điểm vui chơi cho trẻ em và vườn hoa nghỉ ngơi cho dân; ngành văn hóa thì quy định trong tiêu chuẩn để đạt khu dân cư văn hóa là phải có nhà văn hóa; trong khi đó cứ có chỗ đất trống nào là ngành xây dựng cho xây chen vào làm nhà ở. Trong khi các trường học còn thiếu diện tích và không có sân chơi, thiếu trường; thì những chỗ giải tỏa được do di chuyển các nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố lại trước hết nghĩ đến giành cho xây trung tâm thương mại, xây khách sạn. Hệ thống thoát nước thải từ các hộ dân ở các đường phố hầu như là cho thoát ra cống lộ thiên dọc theo lề đường, rất mất vệ sinh. Dọc các tuyến phố và vào các nhà dân chỗ nào cũng đầy những dây dẫn các loại, nào là dây điện sinh hoạt, dây cáp quang vô tuyến, dây điện thoại, …, rất nhằng nhịt, vừa mất mỹ quan vừa không an toàn. Hệ thống hạ tầng đô thị như vậy thì thật khó khăn cho đòi hỏi phải xây dựng được đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện văn minh đô thị, xây dựng các khu dân cư văn hóa.
b) Từ phía cơ sở và cộng đồng dân cư cũng còn những vướng mắc sau:
– Một là: Các cán bộ cơ sở, cán bộ các tổ chức đoàn thể, các Ban Công tác mặt trận, cán bộ tổ dân phố, hầu như không am hiểu về hoạt động văn hóa, về các yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa. Hầu hết là cán bộ hưu trí từ các ngành khác nhau, nay về công tác ở cơ sở, với nhiệt tình và trách nhiệm là chính, hoặc có đôi chút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động đoàn thể quần chúng trước đây nay vận dụng vào tổ chức các hoạt động ở cơ sở. Do đó ở nhiều phường, các khu dân cư không tránh khỏi lúng túng, có phần khó khăn khi lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hóa và thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư trong địa bàn.
– Hai là: Cộng đồng dân cư bao gồm nhiều loại đối tượng và lứa tuổi khác nhau, nên suy nghĩ và nhu cầu sinh hoạt văn hóa có khác nhau nhiều. Vì vậy, khó có hoạt động nào thu hút được sự tham gia rộng rãi của các loại đối tượng có lứa tuổi khác nhau ở địa bàn cơ sở. Các loại hoạt động văn hóa – tinh thần ở cơ sở ít có điều kiện tổ chức được.
– Ba là: Ý thức của người dân hiện nay cũng thay đổi rất nhiều so với mấy chục năm trước đây. Phương tiện nghe nhìn ở các gia đình đều có đủ, chương trình lại rất phong phú, do đó hầu như mọi người ngại rời tivi ở nhà để tham gia một hoạt động văn hóa cộng đồng chưa chắc đã là hấp dẫn với họ. Hơn nữa, người lớn còn bận bịu đi làm hoặc tiến hành các hoạt động kinh tế để bảo đảm có thu nhập cho gia đình; trẻ em thì bận với học ở trường và học thêm; ông bà thì bận chăm sóc các cháu nhỏ. Chỉ còn số ít, chủ yếu là các cán bộ đoàn thể ở cơ sở, vì trách nhiệm mà đến với các hoạt động văn hóa cơ sở. Vận động được nhân dân ở thời kỳ này quả thực rất khó khăn, không thể có được sự hưởng ứng của đông đảo cộng đồng với các hoạt động văn hóa cơ sở.
3. Đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Chúng tôi xin nêu lên một số suy nghĩ về các giải pháp để khắc phục những vướng mắc nêu trên, nhằm thúc đẩy xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
a) Thứ nhất: cần được xác định nhất quán quy mô cơ sở làm địa bàn chính để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, và theo đó tất cả các quy định của Nhà nước cũng hoàn thiện có tính đồng bộ đối với địa bàn đó.
Như trên đã phân tích, chúng tôi đề nghị lấy địa bàn khu dân cư làm quy mô cơ sở chính cho xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Nếu như vậy, sẽ có sự tương thích địa bàn là: ở đô thị là khu dân cư, ở khu vực nông thôn là làng – thôn – bản.
Tuy khu dân cư không phải là một cấp hành chính, nhưng nếu đã có quy định chức danh “Trưởng thôn” thì cũng nên có quy định chính thức chức danh “Trưởng khu dân cư” để có vai trò điều hành và phối hợp các hoạt động của nhiều tổ chức đoàn thể trong địa bàn khu dân cư.
Các điều kiện cần cho thiết chế văn hóa ở khu dân cư cũng nên tạo thuận lợi, như: có nhà văn hóa hoặc câu lạc bộ văn hóa, có các điểm vui chơi của trẻ em, có vườn hoa là nơi nghỉ ngơi đi dạo của nhân dân, có các trường mẫu giáo – trường tiểu học đủ tiêu chuẩn cho trẻ em trong khu dân cư, v.v… Đồng thời, cũng có mức kinh phí tương đối khá giúp hoạt động văn hóa của khu dân cư thêm thuận lợi.
b) Thứ hai: Hoạt động và trách nhiệm quản lý của các ngành chức năng, nhất là các ngành liên quan đến các điều kiện cơ sở hạ tầng ở khu dân cư, cần đặt rõ yêu cầu văn hóa trong đó. Tất cả các hoạt động trong quy hoạch, xây dựng đô thị, trật tự giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước, v.v… đều có yêu cầu vì xây dựng đời sống văn hóa, vì sự phát triển toàn diện của con người. Nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa không phải chỉ của riêng ngành văn hóa, mà là tất cả mọi ngành phải cùng chung trách nhiệm bằng những chủ trương rõ ràng về văn hóa trong thực hiện các nhiệm vụ chức năng của mỗi ngành.
c) Thứ ba: Khó khăn nhất là làm sao vận động người dân tham gia các hoạt động đời sống văn hóa ở cơ sở, phải đồng thời bằng nhiều giải pháp kết hợp, như: kiên trì thường xuyên tuyên truyền, động viên biểu dương người tốt việc tốt, nhắc nhở những hiện tượng không tốt, tổ chức các hoạt động với ý thức bảo đảm cho người dân được hưởng thụ lợi ích cụ thể thiết thực, v.v…
Việc tuyên truyền vẫn là một giải pháp hết sức cần thiết, phải kiên trì và thường xuyên thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức, thông qua các cuộc họp, thông qua loa truyền thanh, thông qua đội ngũ tuyên truyền viên, … Đây là giải pháp tác động đến ý thức của mọi người; sự tác động đó lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ tạo nên sự quan tâm và dần trở thành ý thức trong mỗi người.
Có hiệu quả nhất khi tuyên truyền là nêu các gương người tốt việc tốt, đồng thời với nhắc nhở các hiện tượng không tốt. Con người ai cũng muốn được khen, không muốn bị chê. Nói nhiều về cái tốt sẽ làm át đi cái không tốt, do đó chủ yếu là biểu dương các gương tốt; chỉ một số hiện tượng không tốt kéo dài hãy nên nêu ra để nhắc nhở.
Trong việc tổ chức mỗi hoạt động văn hóa ở cơ sở, đều phải luôn nghĩ đến mục tiêu là hoạt động đó bảo đảm cho người dân được hưởng lợi ích gì. Khi nhận biết được các lợi ích ở các hoạt động đó, thì người dân sẽ dễ lôi kéo nhau cùng tham gia, hưởng ứng một cách tự nguyện. Xác định rõ lợi ích được hưởng thụ cho người dân trong mỗi hoạt động, do đó có tác dụng như một giải pháp trong tuyên truyền và tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở, kể cả với các loại hoạt động khác cũng vậy.
Ủy ban MTTQ Quận Hai Bà Trưng xin nêu một số ý kiến trên đây, mong được tham góp trao đổi và tiếp nhận thêm những kinh nghiệm trong thúc đẩy cộng đồng dân cư xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
VHC soạn