MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN

Quá trình phát triển kinh tế đem lại sự thịnh vượng cho các địa phương, các quốc gia; đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Bên cạnh đó vấn đề suy thoái môi trường là một cái giá phải trả, đôi khi là rất đắt.

Vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia ngày càng đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động.

Các mối đe dọa chính mà môi trường biển đang phải đối mặt là gì? Có những giải pháp nào để bảo vệ môi trường biển, góp phần phát triển bền vững?

Các mối đe dọa chính đối với môi trường biển

Trong các mối đe dọa chính mà môi trường biển đang phải đối mặt, có một số đặc điểm rất chung và đang ở mức độ báo động, đó là:

  1. Ô nhiễm môi trường có nguồn gốc từ đất liền và từ biển,

  2. Phá hủy nơi cư trú tự nhiên,

  3. Khai thác và đánh bắt cá quá mức,

  4. Tác động của biến đổi khí hậu,

  5. Sự xâm nhập của các loài ngoại lai và các mối đe cộng hưởng của các mối đe dọa kể trên.

Một số giải pháp nhằm khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển

Trong những năm qua, để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến biển tại mỗi nước nhằm hướng tới việc khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững biển, xu hướng chung cho thấy các quốc gia trên thế giới cũng có nhiều nỗ lực, không ngừng xây dựng, triển khai nhiều chính sách, biện pháp, chương trình và kế họach nhằm để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững đất nước và đến nay, nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ và thành công đáng ghi nhận.

Một số giải pháp  chính sau:

(1) Tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý để khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững biển:

Tại Trung Quốc, sau khi ban hành Luật bảo vệ môi trường biển,Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản pháp qui khác nhau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển đi đôi với việc bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển. Mĩ thông qua Luật biển vào năm 2000, Canada đã ban hành Luật biển từ năm 1997. Úc ban hành Luật bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trong đó áp dụng toàn diện đối với biển. Việc xây dựng và ban hành các bộ Luật, văn bản qui phạm pháp luật về biển đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc đảm bảo cho việc thực hiện thành công công tác quản lý tổng hợp, khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều quốc gia có biển.

(2) Hoàn thiện khung thể chế quản lý biển:

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật về biển, hệ thống quản lý môi trường biển mới cũng được được xây dựng và phát triển tại nhiều quốc gia nhằm đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt, cắt giảm chi phí hành chính, thúc đẩy công tác trao đổi thông tin và dữ liệu, đạt được hiệu quả cao trong công tác qui họach phát triển bền vững biển…

(3) Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng và tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm biển:

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, nhiều chương trình hành động nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng với các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng đã được triển khai; việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai trên biển và vùng ven biển, bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm tại các vùng biển cũng tích cực được tiến hành; công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải; khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí; khai thác khoáng sản; đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản; thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển…cũng được ưu tiên chú trọng ở nhiều nước.

(4) Thúc đẩy tăng cường quản lý tổng hợp đới bờ (ICM):

Kể từ khi ra đời đến nay, quản lý tổng hợp đới bờ đã được thừa nhận như là khung quản lý hiệu quả để đạt được phát triển bền vững vùng biển và đới bờ và được triển khai, áp dụng cho nhiều vùng bờ khác nhau trên thế giới với nhiều vấn đề khác nhau. Tại Mĩ, Luật Quản lý đới bờ được thông qua năm 1972 đưa Mĩ trở thành quốc gia tiên phong trong việc áp dụng quản lý tổng hợp biển và đới bờ. Tại một số quốc gia khác, đến nay, nhiều chương trình lớn về quản lý đới bờ được xây dựng và triển khai để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan khác nhau như đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, du lịch, đa dạng sinh học và mực nước biển dâng cao.

(5) Quản lý dựa vào hệ sinh thái:

Quản lý dựa vào hệ sinh thái là một cách tiếp cận quản lý thống nhất chú trọng xem xét toàn bộ hệ sinh thái, các mối liên hệ xuyên suốt trong toàn hệ thống và các ảnh hưởng, tác động tích tụ do các họat động của con người tạo ra.

 (6) Quy hoạch và phân vùng không gian biển và đới bờ:

Quản lý biển trên cơ sở quy họach, phân vùng không gian biển và đới bờ hiện là xu thế quản lý biển hiện đại được triển khai ở nhiều quốc gia.

 (7) Xây dựng các khu bảo tồn biển:

Khu bảo tồn biển được xây dựng nhằm để bảo vệ và giữ gìn tính đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa.

 (8) Quản lý dựa vào cộng đồng/ Mô hình đồng quản lý:

Phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển và được thừa nhận là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác cũng như nhu cầu sinh kế của con người.

(9) Chú trọng các giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển:

Thực tế cho thấy lâu nay đa số dân cư ở vùng ven biển thường nghèo và sống phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn lợi biển. Để giảm thiểu áp lực đối với nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, việc chú trọng tăng cường áp dụng các giải pháp dựa vào thị trường trong quản lý tài nguyên đồng thời chú trọng các giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển cũng được các quốc gia hết sức quan tâm.

(10) Lồng ghép vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vào trong chính sách, qui hoạch và công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển:

Kể từ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH ra đời đến nay, nhiều quốc gia đã chú trọng, chủ động lồng ghép vấn đề BĐKH vào trong chính sách, qui hoạch và công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển của mình.

(11) Xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, thảm họa, chống xói lở bờ biển, bảo vệ dân cư, ứng phó với BĐKH:

Bên cạnh xây dựng các công trình kĩ thuật, cơ sở hạ tầng như xây tường bảo vệ bờ biển, đê, kè sông, kè biển, xây dựng kênh mương để kiểm soát lũ lụt…để phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra, các giải pháp sinh học, phi công trình như tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển nhằm tạo vùng đệm vững chắc, giúp giảm nhẹ thiệt hại, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân ven biển cũng được chú trọng triển khai, áp dụng tại nhiều quốc gia và được đánh giá như là một phương thức giảm nhẹ thiệt hại, ứng phó với BĐKH hiệu quả trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp.

 (12) Đẩy mạnh điều tra, khảo sát, quan trắc, nghiên cứu về tài nguyên, môi trường biển để sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển:

Tại các quốc gia biển, điều tra cơ bản biển được xác định là nhiệm vụ quan trọng, nền tảng và được tăng cường đầu tư triển khai hết sức mạnh mẽ. Các số liệu điều tra cơ bản này đã cung cấp những thông tin quan trọng, giúp công tác họach định chính sách biển có hiệu quả cao, đồng thời cung cấp cơ sở thông tin khoa học để bố trí không gian và phát triển các vùng biển phù hợp với sinh thái của từng vùng, hướng tới mục tiêu sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

(13) Tăng cường xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường biển: 

 (14) Tăng cường giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực biển phục công tác điều tra, nghiên cứu và quản lý tài nguyên, môi trường biển:

Giáo dục, đào tạo về biển có mục tiêu chính nhằm tăng cường hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ cộng sinh giữa biển và con người. Bên cạnh đó, giáo dục, đào tạo về biển còn có mục tiêu xây dựng một đội ngũ, một nguồn nhân lực có kiến thức, kĩ năng, khả năng tư duy để quản lý, sử dụng bền vững, khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển góp phần vào sự phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng chung trên toàn thế giới. Giáo dục, đào tạo về biển cũng chính là việc thúc đẩy việc học tập làm quen với biển, hiểu biển, bảo vệ biển và sử dụng bền vững biển.

 (15) Nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về biển để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường:

Để cộng đồng hiểu rõ và quan tâm hơn đến biển, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách, pháp luật liên quan đến khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển được các nước quan tâm, chú ý đẩy mạnh. (16) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển:

Trong những năm qua, các quốc gia trên thế giới cũng không ngừng thúc đẩy hợp tác quốc tế song phương và đa phương về biển, các lĩnh vực chủ yếu liên quan đó là thúc đẩy khoa học kĩ thuật biển, điều tra biển, cứu nạn trên biển, phòng tránh thảm họa, kiểm soát tội phạm trên biển, đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực liên quan đến biển./.