MỘT NGÀY TRẢI NGHIỆM CÁC DI TÍCH, DANH THẮNG Ở HƯƠNG KHÊ

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn thanh niên CS HCM 26/3/2019, Chi đoàn Công ty Cổ phần tư vấn và Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức chuyến tham quan trải nghiệm thực tế tại một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và khu dân cư kiểu mẫu của huyện Hương Khê. Tham gia chuyến trải nghiệm có trên 60 thành viên là đại diện Ban Giám đốc, các đồng chí đoàn viên là cán bộ, nhân viên, giáo viên và học sinh trong Công ty. Lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thể thao huyện Hương Khê và đại diện lãnh đạo các xã trên địa bàn cùng tham gia với đoàn. Công ty Cổ phần Truyền thông và Du Lịch Ánh Dương Việt Nam là đơn vị dẫn đoàn tham quan.

Đoàn chuẩn bị xuất phát

* Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là đền Trầm Lâm. Đền này tên dân gian là miếu Trăm Năm, Đến tọa lạc ở xã Phú Gia. Theo truyền ngôn, vào cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV, giặc Minh kéo sang xâm lược Đại Việt, phía Nam giặc Chiêm Thành quấy nhiễu, hà hiếp nhân dân. Để cứu lấy muôn dân, một nàng tiên nữ xuất hiện, đó là Đức Thánh Mẫu. Nhân dân lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của bà. Theo tương truyền thì sáng 29/9/1885, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đến nghỉ tại đền. Tại đây 1 lần nữa vua ban chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân tiếp tục chống Pháp. Tối đến, vua không vào thành Sơn Phòng mà nghỉ luôn tại đền. Đêm đến vua không ngủ được, khi vừa chợp mắt thì thánh Mẫu đã báo mộng là kẻ thù đang vây ráp, cần phải định liệu. Tỉnh dậy, vua truyền thiết triều giao cho Tôn Thất Thuyết làm lễ tạ ơn, sắc phong cho các vị thần được thờ ở miếu Trầm Lâm và đền Công Đồng, kèm các phẩm vật quý như voi vàng, ngựa vàng…

Từ 1930-1931, miếu Trầm Lâm là cơ sở của Chi bộ Đảng Cộng sản của xã Phú Gia. Từ 1965 đến 1972 là điểm dự trữ quân lương phục vụ chiến trường miền Nam đánh giặc Mỹ xâm lược. Ngày 15/7/1968, biết đây là vị trí quan trọng, không quân Mỹ đã oanh tạc khu vực này và ném hàng loạt bom phá hoại cảnh quan tự nhiên của miếu. Hiện nay. Một điều đặc biệt là trước miếu có một cái giếng tự nhiên, có độ cao hơn cánh đồng phía trước khoảng 1,5 mét nhưng chưa bao giờ cạn nước về mùa hè cũng như tràn nước vào mùa lũ. Trước đây nước giếng trong, là nguồn nước sinh hoạt vào mùa nắng cho một số cư dân xung quanh. Ngày nay do tác động của quá trình tôn tạo nên nước có màu đục.

Đoàn đang vào cổng đền Trầm Lâm

… dâng hương tại Điện chính đến Trầm Lâm


Chụp ảnh lưu niệm tại đền Trầm Lâm

* Cách đó không xa, chúng tôi được hướng dẫn viên dẫn đến tham quan Thành Sơn phòng Hàm Nghi. Thành xưa kia là căn cứ địa phòng thủ trọng yếu nằm dọc theo đại ngàn Trường Sơn, giáp biên giới Việt-Lào. Năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất, cũng là năm Hàm Nghi lên ngôi (1884), do Phòng thần trù tính, tâu xin triều đình cho đắp thêm thành Sơn phòng. Công trình do Thượng thư Tôn Thất Thuyết bí mật cho xây dựng trong 2 năm. Tòa thành được xây dựng hết sức công phu với sự đóng góp nhân lực, vật lực của gần 40 xã thuộc các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Hồng Lĩnh… của tỉnh Hà Tĩnh. Thành được đắp theo hình chữ nhật với tổng diện tích 4.200m2, chiều rộng 200m, chiều dài 210m, cao 2,2m; chân thành 9m, mặt thành 7m, cách chân thành 5m là hào. Hào bao bọc lấy thành (gọi là Kim Thủy hồ) rộng 5,5m, sâu 1,7m. Thành xây hướng Nam, bốn cạnh theo hướng Đông Nam – Tây Bắc. Chính giữa bốn cạnh thành xây bốn cổng đối diện nhau, mỗi cổng rộng 8m, cổng chính rộng 8,5m. Tại bốn góc thành có bốn ụ đất đặt súng thần công. Thành ngoại là một vòng khép kín được đắp nối với nhau, tạo dáng như một hình thang. Tại bốn góc phía trong và ngoài thành, đắp bốn ụ đất nhô ra ngoài là bốn ụ súng. Hào thành là đường giao thông thủy quan trọng, nối liền các khu vực trong thành, và cũng là con đường rút lui ra sông Tiêm để vào rừng núi khi có nguy biến.

Khu di tích Thành Sơn Phòng Hàm Nghi nằm trong khu vực Thành

Đoàn nghe giới thiệu lịch sử di tích thành Sơn Phòng Hàm Nghi

Thành Sơn phòng Hàm Nghi được triều đình nhà Nguyễn lựa chọn làm căn cứ đại bản doanh để luyện tập quân sự. Cũng chính nơi đây, vua Hàm Nghi từ kinh thành Huế ra cùng với các tướng lĩnh, văn thân, sĩ phu yêu nước như: Phan Đình Phùng, Lê Ninh, Đinh Công Tráng, Tôn Thất Đạm… trực tiếp lãnh đạo phong trào Cần Vương, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong quãng thời gian 3 năm (1885-1888). Năm 2001, quần thể thành Sơn phòng Hàm Nghi – Đền Công Đồng và miếu Trầm Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê) được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay thành Sơn phòng Hàm Nghi đã được tu bổ, tôn tạo, nhằm khôi phục, tái hiện lại toàn vẹn hình dáng sơ khai vốn có khi xưa, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống của nhân dân và du khách bốn phương.

* Rời quần thể thành Sơn phòng Hàm Nghi – Đền Công Đồng và miếu Trầm Lâm, theo con đường tỉnh lộ, vượt gần 20 cây số nữa, qua thị trấn Hương khê và một số xã phía nam thị trấn Hương khê, đoàn chúng tôi đến địa điểm Chứng tích tội ác chiến tranh Hương Phúc (nay là xã Hương Trạch). Nơi đây, vào hồi 16h30ph ngày 09/02/1966, một tốp máy bay phản lực của giặc Mỹ đã ném nhiều loạt bom xuống vùng dân cư và khu vực trường cấp 2 Hương Phúc, hai quả bom rơi trúng lán học lớp 5A. Trong khoảnh khắc, cả lớp học biến thành hố bom sâu, 33 học sinh cả trai và gái bị vùi chết, 24 học sinh khác cùng thầy giáo chủ nhiệm bị thương nặng. Lực lượng thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, nhân dân địa phương, giáo viên, học sinh kịp thời có mặt tập trung bới tìm, đến ngày hôm sau, thi thể 33 học sinh mới được quy tập đầy đủ. Chính quyền địa phương phối hợp với hội đồng nhà trường và gia đình các nạn nhân tổ chức lễ truy điệu, an táng đồng thời địa phương để tang các em trong 3 tháng.

Khu mộ của 33 học sinh bị giết hại

Ngày 22/2/1966, Tỉnh ủy Hà Tĩnh thành lập một đoàn cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh ra thủ đô Hà Nội làm nhân chứng để tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ thảm sát ở Hương Phúc. Đại diện lãnh đạo các bộ ngành trung ương và hàng trăm nhà báo trong nước, quốc tế đến dự, trong đó có một số nhà báo Mỹ. Đặc biệt Đoàn được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Trước sự mất mát tang thương của thầy trò trường cấp 2 Hương Phúc – vùng quê nghèo đói, bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng giàu lòng hiếu học, Bác ân cần thăm hỏi và chia sẻ những mất mát, đau thương, đồng thời căn dặn, động viên địa phương và nhà trường phải khắc phục những khó khăn để đảm bảo việc dạy và học. Bác nói: Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy thật tốt, học thật tốt. Câu nói ấy của Bác đã trở thành khẩu hiệu hành động cho các địa phương, nhà trường trong cả nước từ đó đến sau này.

 Dâng hương tại khu mộ của 33 học sinh Hương Phúc

Địa điểm chứng tích tội ác chiến tranh tại Trường cấp 2 Hương Phúc được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2001.

Đoàn chúng tôi thắp hương trước tượng đài và 33 ngôi mộ của 33 học sinh ở lứa tuổi 12, 13 đã bị bom Mỹ giết hại cách nay 53 năm trong sự bùi ngùi của những thành viên của đoàn.

* Rời địa điểm Chứng tích tội ác chiến tranh Hương Phúc, Đoàn chúng tôi về Thôn Nam Trà (xã Hương Trà) – Khu dân cư kiểu mẫu. Thôn Nam Trà với tổng diện tích đất tự nhiên: 50 ha, 100% vườn hộ được chỉnh trang cải tạo, phát triển chăn nuôi như lợn, hươu, bò,… trồng các loại cây trồng gắn với sản phẩm chủ lực ở địa phương như cam chất lượng cao, đào,… đến này có 20 vườn cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ năm trở lên

Đoàn thả bộ tham quan thôn Kiểu mẫu Nam Trà

Cảnh quan đẹp, vệ sinh môi trường đảm bảo, trên 90% hàng rào với trên 15.000m được xanh hóa bằng cây xanh. Trước đó, tất cả hàng rào bê tông đều được cả thôn thống nhất đập phá, loại bỏ. Đường làng ngõ xóm, nhà cửa khang trang, sạch sẽ, thảm hoa, cây cảnh được trồng và quy hoạch rất đẹp.

Hệ thống cây cảnh và dụng cụ thể thao trong khuôn viên hội quán của thôn Nam Trà

Kết cấu hạ tầng nông thôn trong thôn đều đạt chuẩn: 100% đường giao thông được bê tông hóa, điện, nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn

Thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn văn hóa cấp tỉnh trên 18 năm; 100% nhân dân được phổ biến và thực hiện tốt các chủ trương; 100% gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh; 95% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa; người dân ứng xử, giao tiếp lịch sự,…

Đồi chè vừa thu hoạch búp xong

Chi bộ thôn đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong thôn đạt danh hiệu tiên tiến trở lên; An ninh trật tự trong thôn đảm bảo, không có việc hình sự xảy ra. 100% người dân chấp hành tốt pháp luật, quy ước và hương ước của thôn xóm.

Ban tổ chức cuộc thi “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu” Hà Tĩnh năm 2017 đã trao giả đặc biệt duy nhất cho thôn Nam Trà (xã Hương Trà).

Các thành viên trong đoàn đua nhau chụp ảnh với những cảnh đẹp trù phú, lãng mạn, thân thiện, yên bình của một làng quê miền núi tiêu biểu.

* Cách đường mòn Hồ Chí Minh hơn 2km, và cách thị trấn Hương khê khoảng 7km về phía Đông Bắc, nằm trong khuôn viên Trung tâm Phát triển Hương Bình (xã Hương Bình, huyện Hương Khê), Khu bảo tồn truyền thống Hương Bình ẩn mình huyền bí trong vườn cây xanh mát. Nơi đây lưu giữ một kho tàng quý báu với hơn 500 nông cụ thủ công phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người nông dân Nghệ Tĩnh thời xưa.

Một góc khu bảo tồn truyền thông Hương Bình

Khu bảo tồn Hương Bình rộng 5,6 ha được thiết lập từ năm 1993 do Linh mục Nguyễn Đình Thi – Nguyên Chủ tịch Hội Huynh đệ Việt Nam tại Pháp tiếp nhận và thành lập từ một cơ sở cũ.

Từng là tiến sỹ nông học, có niềm đam mê bất tận với các nông cụ, cố Linh mục Nguyễn Đình Thi đã chuyển nơi đây thành Trung tâm văn hóa nông thôn và miệt mài cùng anh em đi đến khắp các vùng quê để sưu tầm các hiện vật đưa về lưu giữ.

Cối xay lúa 

Tại đây, một không gian yên bình được tái hiện lại rõ nét bên trong khu bảo tồn với 3 ngôi nhà gỗ đặc biệt. trong đó, có 1 có niên đại 200 năm,1 ngôi nhà biểu trưng cho nông thôn khá giả và 1 ngôi nhà biểu trưng cho nông thôn hạng trung.

Cối giã gạo (trày dùng bằng chân đạp)

Khu bảo tồn còn lưu giữ rất nhiều tài liệu quý về văn hóa – lịch sử – xã hội các thời kỳ trước với hơn 2000 đầu sách tiếng Việt, tiếng Pháp; trên 70 bức ảnh chân dung nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh xưa; trên 150 bức ảnh do nhiếp ảnh gia người Pháp chụp từ những năm 1993 và trước đó. Các vật phẩm nhằm phản ánh cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người nông dân xưa; một số loại đèn dầu xưa được người dân sử dụng.

Che ép mía làm mật (dùng sức kéo của trâu bò)

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, khu bảo tồn đã được đón một số du khách nước ngoài và các em học sinh vùng lân cận đến tìm hiểu, tham quan. Nếu tiếp tục được bảo tồn và tôn tạo, nơi đây sẽ trở thành một điểm dừng chân lý tưởng để du khách mở mang thêm những thông tin lý thú, mới mẻ và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cội nguồn cho thế hệ trẻ.

*

Trên đây là 4 điểm du lịch mà Đoàn chúng tôi vừa được tham quan; ngoài ra trong số hàng chục điểm du lịch hấp dẫn khác mà Đoàn chúng tôi chưa có dịp trải ngiệm. Hy vọng một ngày không xa, Hương Khê sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế./.

DƯ LÝ TRÍ VÀ NHÓM TRUYỀN THÔNG CÔNG TY